Thông thường, kỳ "đèn đỏ" sẽ kéo dài từ 3 - 5 ngày, nhưng nếu quá 7 ngày thì được gọi là hiện tượng rong kinh. Rong kinh là một hiện tượng phổ biến xảy ra trong tuổi dậy thì của con gái. Ngoài những cơn đau bụng trong kỳ "đèn đỏ" thì rong kinh còn khiến bạn rơi vào tình trạng mệt mỏi, đau bụng dưới, khó thở, máu vón cục... Do đó, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị hiện tượng rong kinh để biết rõ hơn về tình trạng sức khoẻ của mình nhé.
- Tuổi tác: Rong kinh là một hiện tượng thường xuất hiện trong độ tuổi con gái mới bước vào dậy thì, hay còn xảy ra ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Nguyên nhân là trong những độ tuổi này, sự biến đổi của nội tiết tố xảy ra mạnh nên lượng estrogen trong cơ thể tăng lên bất ngờ hoặc giảm mạnh xuống khiến kỳ "đèn đỏ" kéo dài và dịch kinh nguyệt tiết ra nhiều hơn.
- Sử dụng thuốc tránh thai: Nếu cô nàng nào có sức khoẻ yếu thì việc sử dụng thuốc tránh thai có thể dẫn đến hiện tượng rong kinh, đồng thời còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản về sau.
- Mắc bệnh phụ khoa: Một số bệnh phụ khoa phổ biến của hiện tượng rong kinh có thể kể đến như viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư tử cung/cổ tử cung...
Ngay khi biết mình có hiện tượng rong kinh thì hội con gái cần thực hiện ngay những cách điều trị bệnh sau:
- Bổ sung thêm chất sắt vào trong cơ thể, bởi việc mất máu do rong kinh kéo dài khiến cho cơ thể bị thiếu hụt lượng máu cần thiết.
- Bổ sung các chất như magie, kẽm, axit béo Omega 3, vitamin B1/B6, vitamine E... đồng thời kiêng ăn nhiều thịt và chất béo.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu, bia... và một số gia vị cay, nóng.
- Tập thể dục nhẹ: đi bộ, leo cầu thang... để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.
- Nếu thấy có hiện tượng máu ra quá nhiều thì nên nằm nghỉ ở nhà để ổn định lại cơ thể.
- Theo Đông y, việc sử dụng ngải cứu kết hợp trong chế độ ăn hàng ngày sẽ có tác dụng điều hoà kinh nguyệt, giảm cơn đau bụng kinh và thải bỏ lượng máu xấu trong kỳ "đèn đỏ" ra ngoài.
Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động đi khám ngay để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh và trong trường hợp xấu thì còn phải uống thuốc chỉ định theo toa thuốc để phù hợp với từng cơ địa người bệnh chứ tuyệt đối không nên tuỳ tiện mua thuốc uống.