Dịch hạch bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm gây ra bởi trực khuẩn yersinia pestis. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hoại tử, nhiễm trùng máu, tràn dịch phổi, phù phổi, viêm màng não,... gây ra tử vong.
Trực khuẩn yersinia pestis thường trú ngụ trong các loài động vật gặm nhấm hoang dã, phổ biến nhất là các loài chuột (chuột đồng, chuột cống, chuột nhắt,...). Nơi cư trú ưa thích của các loài chuột này lại là trong và xung quanh các khu dân cư, luôn thường trực nguy cơ lây bệnh sang người vào mọi thời điểm trong năm. Mầm bệnh lây từ động vật sang người thông qua vết cắn của bọ chét, rệp,... Chuột cũng có thể trực tiếp lây lan mầm bệnh vào nguồn thực phẩm hoặc nguồn nước
Trực khuẩn yersinia pestis - nguyên nhân gây bệnh dịch hạch (Ảnh: Internet)
Hơn nữa, trực khuẩn yersinia pestis còn có khả năng lây lan trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc với vùng da, niêm mạc bị tổn thương của người bệnh. Bệnh nhân nhiễm trực khuẩn dịch hạch thể phổi có thể phát tán mầm bệnh vào không khí trong quá trình nói chuyện, ho, hắt hơi,...
Con đường lây lan bệnh dịch hạch sang người (Ảnh: Internet)
Trong những năm gần đây, dịch hạch bắt đầu quay trở lại ở một số quốc gia như Mỹ, Madagascar, Trung Quốc, Mông Cổ,... với số lượng ca mắc mới ngày một tăng. Với tính chất nguy hiểm và nguy cơ bùng phát thành dịch của bệnh, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh dịch hạch cần được thực hiện khẩn trương và rộng khắp nhằm bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cách phòng bệnh dịch hạch lây lan bao gồm:
- Diệt chuột và bọ chét
Chuột và bọ chết là hai nguyên nhân chủ yếu làm lây truyền bệnh dịch hạch sang người. Do đó, cần thực hiện các biện pháp để ngăn lây lan mầm bệnh của hai loài động vật gây hại này.
Các phương pháp diệt chuột, bọ chét thông thường là đặt bẫy, phun thuốc, nuôi mèo, rắn, chim để bắt chuột...
Diệt chuột, bọ chét ở khu dân cư để phòng bệnh dịch hạch lây lan (Ảnh: Internet)
Khi thấy có nhiều chuột chết bất thường tại khu dân cư, cần báo ngay cho các cơ quan y tế gần nhất. Không tiến hành diệt chuột và bọ chét trong thời điểm đang có dịch ở chuột và người.
Trong các hoạt động như cắm trại, làm việc ngoài trời, trú ẩn, nên sử dụng thuốc chống, diệt côn trùng nếu nghĩ mình có thể đã tiếp xúc với bọ chét và những sản phẩm chứa DEET thoa lên da, quần áo, các sản phẩm chứa permethrin chỉ bôi ngoài trang phục (theo hướng dẫn sử dụng ngoài nhãn).
- Giữ vệ sinh nơi ở:
Đây là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh dịch hạch xâm nhập và lây lan.
Thường xuyên tiến hành vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh, bố trí, sắp xếp vị trí và cấu trúc nhà ở và kho chứa hợp lý, tránh chuột chui rúc và làm tổ.
Giữ gìn vệ sinh nơi ở là biện pháp phòng bệnh dịch hạch hiệu quả (Ảnh: Internet)
Che chắn, bảo vệ nguồn nước, nguồn thực phẩm khỏi sự tấn công của chuột. Thực hiện ăn chín, uống sôi để đảm bảo sức khoẻ (do trực khuẩn dịch hạch bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C trong 1 phút, 55 độ C trong 30 phút).
- Phối hợp với các lực lượng chức năng:
Trong thời điểm dịch bùng phát, cần thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tễ học dịch hạch để có các biện pháp chủ động phòng tránh bệnh.
Phối hợp với các lực lượng chức năng và cơ quan Y tế tại cửa khẩu trong việc kiểm tra, rà soát hàng hoá, động vật được nhập khẩu vào nước ta.
- Khi có các dấu hiệu mắc bệnh, cần tới ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị sớm nhất, phòng bệnh dịch hạch lây lan sang những người xung quanh.