Bệnh nam khoa và phía sau câu chuyện đi khám

Bệnh nam khoa và phía sau câu chuyện đi khám
Bệnh nam khoa là bệnh liên quan đến hiếm muộn và vô sinh nam, trục trặc tình dục nam,... và rất nhiều những bệnh khác không chỉ riêng chuyện "xìu xìu"...

Bệnh nam khoa trước đây thường hiếm khi được nhắc đến, được chia sẻ. Ngày nay khi xã hội phát triển, nhận thức của mọi người cũng khác hơn nên ngại ngùng cũng đã giảm đi rất nhiều.

Những bệnh nhân trước đây chỉ biết “ẩn mình chờ chết” thì giờ đây đã vượt qua những mặc cảm bản thân để sẵn sàng đến gặp bác sĩ nam khoa và “trần tình” những điều khó nói của bản thân mình.

Câu chuyện đằng sau mỗi một quý ông đi khám bệnh nam khoa cũng khác nhau.

1. Hiểu về bệnh nam khoa

“A lô bác sĩ ơi, em đang sướng gần chết đây, nhà em mới sinh một bé trai rồi, cả nhà em đội ơn bác”. Vừa ngái ngủ vừa nghe giọng anh bệnh nhân hổn hển nói đứt quãng, cũng mất một lúc mới hiểu ra câu chuyện. Mừng cho các bạn và mừng cho cả bản thân vì đã 1 năm nay kiên trì với trường hợp của bạn. Cảm giác như mùa xuân đã về".

Đó là một “tút” trên trang facebook cá nhân của thạc sĩ bác sĩ (ThS.BS) Nguyễn Thế Lương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội. Chăm sóc sức khỏe cho các quý ông, đó là một bước ngoặt trong cuộc đời làm nghề của anh. Đam mê được tìm thấy. Theo đuổi nó thật sự cũng khá vất vả với nhiều thăng trầm. Nhưng có ai lại tính đếm với chính đam mê của mình.

Bác sĩ Lương cho biết: Nghe đến cái từ “Nam khoa” thì 99,99% người nghe nghĩ ngay đến chuyện “yếu yếu” của đàn ông. Thật ra nam khoa đâu chỉ có vậy mà nó bao trùm nhiều chuyện khác còn hay hơn cái chuyện “xìu xìu” đó.

benh-nam-khoa-1

Bệnh nam khoa luôn là một vấn đề khó nói của nam giới (Ảnh: Internet)

Nam khoa là sản phụ khoa đối chiếu sang nam giới. Nói một cách dễ hiểu thì nam khoa bao gồm:

- Nội tiết sinh dục nam: như hội chứng suy tuyến sinh dục nam ở người lớn tuổi hay còn gọi là mãn kinh ở đàn ông, dị tật bộ phận sinh dục nam, chấn thương bộ phận sinh dục nam

- Hiếm muộn và vô sinh nam

- Trục trặc tình dục nam (như rối loạn cương, gọi nôm na là bất lực, xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, không xuất tinh, không ham muốn tình dục, xuất tinh đau…)

- Các rối loạn giới tính như lưỡng giới giả, lưỡng giới thật, chuyển giới tính, đồng tính luyến ái…, gần đây, sách vở chuyên ngành nam khoa còn lấn sân sang cả lĩnh vục tình dục nữ.

- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới.

2. Câu chuyện phía sau mỗi bệnh nhân

Đằng sau mỗi người đàn ông đi khám nam khoa là một câu chuyện. Cách đây 5 năm, Trung tâm Nam khoa BV Thận Hà Nội tiếp nhận một vận động viên thể hình cao 1m82, nặng gần 80kg. Khó mà tin được rằng, chàng trai 28 tuổi ấy lại là một ca bệnh rối loạn cương dương.

Từ mà anh dùng để chia sẻ với các bác sĩ là… “nhục nhã” vì không thể hoàn thành nghĩa vụ của người chồng khi đã lấy vợ được hơn 1 năm.

"Tại sao anh không đi khám?" - Đáp lại câu hỏi của bác sĩ, chàng trai cho biết anh không bước qua được sự xấu hổ. Anh chỉ có quyết tâm đến bệnh viện khi chính bố mẹ mình gây áp lực lên người vợ thương yêu, do sốt ruột mong có cháu bế.

Lần đầu đi khám, anh cũng đi cùng với vợ. Xét nghiệm trên hệ thống bảng điểm có dấu hiệu rối loạn cương dương nặng, tuy nhiên thì do thể trạng cơ thể tốt và không có dấu hiệu tổn thương về tâm lý. Vì thế sau khi đáp ứng điều trị tốt, 8 tháng sau, chàng trai ấy đã có tin vui. Vợ anh sau đó đã hạ sinh bé gái đầu lòng.

Có lần bệnh nhân của BS. Lương là một vị chủ tịch tỉnh. Chưa kịp “điều tra xét hỏi”, ông đã vội yêu cầu, hình như còn lạc cả giọng: "Chú khám nhanh nhanh cho anh về… họp". Thì ra, bác ấy chợt thoáng nhìn thấy cô điều dưỡng của bệnh viện là người cùng quê.

Thấu hiểu tâm lý mặc cảm của bệnh nhân, các bác sĩ nam khoa bao giờ cũng đảm bảo cho họ độ an toàn về danh tính ở mức cao nhất. Để tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, bác sĩ khi tư vấn không mặc áo blouse trắng.

Thực tế cho thấy, nhu cầu khám tại nhà cái chứng bệnh nam khoa  khó nói này của các VIP ngày càng tăng cao. Có bệnh nhân là bí thư một huyện ở một tỉnh ven biển sẵn sàng đi hàng trăm cây số để gặp bác sĩ. Và rồi sau đó, các chủ tịch, bí thư các huyện khác trong tỉnh đó… lần lượt tìm đến.

Có thể nói, tương lai của nam khoa rất xán lạn. Xã hội phát triển, tuổi thọ càng tăng thì số đàn ông lớn tuổi bị “trục trặc” càng nhiều, chưa kể những người muốn có con mọn, “vợ mọn” nữa.

Cầu tăng, cung tất sẽ phải cố gắng để kịp đáp ứng. Nhiều loại thuốc kín đáo, hiệu quả, hứa hẹn hơn sẽ ra đời. Các phương pháp phẫu thuật mới cũng sẽ mang lại kết quả tuyệt vời hơn.

BS. Lương từng nhận được món quà đặc biệt từ một bệnh nhân là sĩ quan cao cấp. Đó là chiếc đồng hồ đeo tay, mỗi con số là hình ảnh một… tư thế làm tình, mà anh chỉ dám khoe trên facebook chứ chưa bao giờ dám đeo. Bác sĩ quan năm ấy gần 60 tuổi, mới lấy vợ lần thứ hai. Ông cảm thán với bác sĩ: "Em đã sinh ra anh lần thứ hai".

Chả là bác ấy bị suy tuyến sinh dục khởi phát muộn. Tiêm thuốc lần đầu vào ngày thứ hai, đêm đó bác than ngủ được có 4 giờ. Bác sĩ hướng dẫn sĩ quan ngâm chân nước nóng nhưng 3 ngày sau mỗi đêm bác ấy vẫn chỉ ngủ được có 1 giờ.

Bác sĩ phải gọi bệnh nhân đến để thăm khám cặn kẽ, mới té ngửa rằng: nguyên nhân là do sĩ quan “hoạt động” quá nhiều, như để bù lại cho cả quãng thời gian “tủi nhục” trước đó. Bác sĩ cố nén cảm xúc, dặn dò bệnh nhân kỹ lưỡng, 3 ngày sau sĩ quan ngủ lại được, khoảng 4 giờ mỗi đêm. 1 tuần sau thì ổn hẳn.

Cùng chung căn bệnh suy tuyến sinh dục khởi phát muộn này, có một bệnh nhân đặc biệt mà bác sĩ không thể quên. Ông ta hành nghề thày cúng. Căn bệnh khiến ông giảm tập trung và mất ngủ. Sau khi điều trị, thày cúng hân hoan điện thoại cho bác sĩ:"Tôi thấy hiệu quả lắm. Nhất là nếu trước khi uống thuốc, tôi tung đồng xu xin… thắng".

Đừng tưởng bệnh nhân nam khoa chỉ "nhắm vào" giới đàn ông trung niên. Có 10% bệnh nhân mắc chứng rối loạn cương dương ở giai đoạn tuổi 18-30. BS. Lương bị ám ảnh bởi một chàng trai 20 tuổi nhưng đã có tới 6 năm thủ dâm. Anh ta gầy gò, cơ bắp hầu như không có, chỉ đi bộ bình thường cũng thở hổn hển.

Trong đầu bệnh nhân lúc nào cũng nghĩ đến chuyện đó, đến mức suy kiệt, thi trượt đại học đến 3 năm mà gia đình vẫn không phát hiện ra nguyên nhân thật sự. 

Về điệu Tango - luôn cần có 2 người

Chỉ tính riêng chứng xuất tinh sớm, tại Bệnh viện X (TP.HCM) có tỷ lệ là 50/200 trường hợp đến khám. Và cũng theo một nghiên cứu năm 2014 tại 2 khu vực là Hà Nội và TP.HCM cho biết tỷ lệ mắc bệnh này ở đàn ông Việt Nam là khoảng 31%, nghĩa là cứ 3 ông thì có 1 ông “dính”. Nhưng đáng buồn là có tới 90% bệnh nhân bị chứng xuất tinh sớm không đi khám.

Điều này đủ để thấy phần chìm của tảng băng là quá lớn. Mặt nước kia dẫu phẳng lặng thật đấy, nhưng che giấu biết bao cảnh đời giông tố bên dưới. Những “ca” này thường tự chẩn bệnh cho mình: đó là do áp lực cuộc sống, áp lực công việc, do stress. Điều đó cũng không hẳn sai, nhưng không là tất cả.

Bởi vậy, những giải pháp như thực hành thuyết “ăn gì bổ nấy” ngâm rượu ngũ xà, bìm bịp, dâm dương hoắc; hay hỏi “bác sĩ Google” hoặc làm theo những gì bạn bè mách nhau,… đều không thể giúp họ mang lại kết quả như mong muốn.

benh-nam-khoa-2

Bệnh nhân tự chẩn đoán bệnh và tự chữa hết sức nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Thật tuyệt vời nếu như người đàn ông có được người vợ hay người bạn tình hiểu biết. Suy cho cùng thì phụ nữ hành động thông minh trong vấn đề này cũng còn vì quyền lợi của chính họ nữa.

Điệu Tango nào cũng luôn cần phải có 2 người. Mọi chuyến bay trong mơ, phiêu bồng trên tầng mây thứ 9 hẳn là không ai có thể cất cánh một mình.

Và thực tế khá may mắn là, có khá nhiều đàn ông đến khám nam khoa lần đầu tiên không phải đi một mình. Điều này sẽ giúp họ không cảm thấy mặc cảm hay tự ti - giúp vượt qua bệnh tật nhanh hơn với tâm lý lạc quan.

Tin rằng trong tương lai: một cụ già chống gậy đi khám bệnh nam khoa là chuyện "thường như ở phố"

Theo TS tâm lý Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học, Trung tâm Nghiên cứu xã hội - Nhân văn Quốc gia) cho biết thật dễ dàng để lý giải cái tâm lý đau khổ giữ bệnh hay e ngại khi đi trị bệnh nam khoa của đàn ông. Bởi sâu thẳm, không ít mày râu lưu giữ sự tự ti nghẹn ngào về “cậu nhỏ” chống lệnh, ương bướng,...

Những ai buộc phải ghé chân đến phòng khám nam khoa đều lo lắng rằng và cảm thấy “mất điểm” sĩ diện.

Thêm nữa, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thông, của đạo Khổng. Tư tưởng coi tình dục là chuyện "không sạch sẽ, là chuyện uế tạp". Người đàn ông đi chữa bệnh nam khoa do “bệnh” thật hay bởi hậu quả “trót dại ăn chơi” đều có tâm lý chui lủi, trốn cái nhìn lạnh lùng, công kích của xã hội.

Không quá khó để một đấng mày râu gạt bỏ cản ngại, tự tin tìm đến các bác sĩ ngay khi phát hiện có trục trặc. Đó là điều chúng ta có thể chứng kiến ở giai đoạn khoảng gần chục năm về trước, khi quốc sách Kế hoạch hóa gia đình mới bắt đầu khởi động và người Việt còn khá ngượng ngập và ngại ngùng với bao cao su, với vòng và với thuốc tránh thai.

Bởi vậy, thay đổi thái độ của xã hội với việc khám, điều trị bệnh nam khoa không còn là câu chuyện bất khả thi nếu như có được sự đầu tư, trước tiên là về mặt tuyên truyền. Bên cạnh đó, nền y tế của chúng ta cũng đang rất cần được đầu tư về cơ sở vật chất.

Thực tế hiện nay, hệ thống cơ sở chuyên khoa về nam học ở Việt Nam còn khá mỏng, trong khi đó mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho các chị em thì đã được trang bị chi chít đến tận thôn xã.

ThS.BS. Nguyễn Thế Lương chia sẻ mơ ước đầu xuân với chúng tôi: “Khi xã hội càng phát triển, kiến thức về sức khỏe giới tính tăng lên thì sự ngại ngùng trong mỗi người sẽ giảm đi. Những bệnh nhân lâu nay chỉ biết “ẩn mình chờ chết” sẽ vượt qua những mặc cảm bản thân, sẵn sàng đến gặp bác sĩ nam khoa để “trần tình” những điều thầm kín, khó nói của bản thân.

Tôi tin rằng, 10 - 20 năm nữa, có lẽ nam khoa sẽ có chỗ đứng quan trọng trong tất cả các bệnh viện và các trường đại học. Lúc đó, có thể chuyện một cụ già chống gậy xin khám bệnh nam khoa sẽ là chuyện bình thường, không làm ai cười tủm tỉm nữa”.

Tác giả: KP