Chậm nói ở trẻ: Biểu hiện, cách điều trị và những điều cha mẹ cần biết

Chậm nói ở trẻ: Biểu hiện, cách điều trị và những điều cha mẹ cần biết
Có rất nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc nhận ra tình trạng chậm nói của con. Chậm nói là thể hiện khả năng ngôn ngữ của trẻ chậm và kém hơn so với lứa tuổi thông thường, có thể gặp trong chậm nói đơn thuần, tự kỷ, chậm phát triển tâm thần. Nếu không can thiệp sớm có thể khiến tình trạng không thể tốt hơn.

Một trong những nỗi lo của nhiều bậc cha mẹ khi trẻ bị chậm nói là "Liệu con tôi có bị tự kỷ không?". Tuy nhiên không phải cứ chậm nói là bị tự kỷ, chậm nói còn có thể là dấu hiệu của các bệnh khuyết tật phát triển như rối loạn ngôn ngữ, thiểu năng trí tuệ, mất thính giác hay thậm chí chỉ là do trẻ phát triển chậm, sau một thời gian thì sẽ phát triển bình thường.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 70% trẻ từ 12 - 14 tháng hoặc thậm chí 18 tháng tuổi không biết nói và được xác định không mắc phải chứng tự kỷ hoặc các rối loạn phát triển nghiêm trọng khác. Do đó bạn cũng không cần quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan về tình trạng chậm nói của trẻ. Cách tốt nhất là đưa trẻ đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.

1. Thế nào là chậm nói ở trẻ?

Một đứa trẻ 2 tuổi bình thường có thể nói khoảng 50 từ và có thể nói hai đến ba từ một câu. Đến ba tuổi, vốn từ vựng của chúng tăng lên khoảng 1.000 từ và có thể nói một câu ba đến bốn từ.

Nếu trẻ của bạn đã không đạt được những mốc đó, chúng có thể bị chậm nói. Các cột mốc phát triển giúp đánh giá sự tiến bộ của con bạn, nhưng chúng chỉ là những hướng dẫn chung. Trẻ em phát triển theo tỷ lệ riêng của chúng.

Nếu con bạn chậm nói, điều đó không có nghĩa là luôn có gì đó bất ổn. Có thể chỉ đơn giản là do trẻ phát triển chậm, sau một thời gian thì sẽ phát triển bình thường. Tuy nhiên, chậm nói cũng có thể do mất thính giác, rối loạn thần kinh hay một rối loạn phát triển nào đó.

Nhiều trường hợp chậm nói có thể được điều trị hiệu quả. Tiếp tục theo dõi các dấu hiệu chậm nói ở trẻ để có thể can thiệp sớm và điều trị có hiệu quả.

2. Sự khác nhau giữa chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ

Mặc dù cả hai thường khó phân biệt và thường được nhắc đến cùng nhau, có một vài sự khác nhau giữa chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ:

+ Khả năng nói: là khả năng thể hiện một ngôn ngữ và phát âm (nói đúng các âm và các từ). Trẻ chậm nói có thể cố gắng nhưng gặp khó khăn trong việc hình thành âm thanh chính xác để tạo từ. Chậm nói không liên quan đến hiểu biết hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ.

+ Khả năng ngôn ngữ: là khả năng biểu đạt và tiếp nhận thông tin theo một cách có ý nghĩa. Khả năng này bao gồm việc thể hiện ngôn từ kết hợp với việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể phát ra âm thanh chính xác một số từ, nhưng chúng không thể hình thành các cụm từ hoặc câu có nghĩa. Chúng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu ý người khác.

Trẻ có thể chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ, nhưng đôi khi có thể đồng thời. Nếu bạn không biết con mình thuộc loại nào thì đừng lo lắng. Không cần thiết phải phân biệt để đánh giá và bắt đầu điều trị.

3. Dấu hiệu chậm nói ở trẻ

Thích sử dụng hành động hơn là lời nói

Ở những trẻ bình thường, trong thời gian tập nói, trẻ sẽ nói rất nhiều, hoạt náo tay chân để thể hiện mong muốn, sở thích của mình. Ngược lại, với trẻ chậm nói, trẻ sẽ thích dùng hành động để thể hiện mong muốn hơn, chẳng hạn như kéo tay người lớn đến chỗ mình muốn. Do trẻ không thể hiện nhu cầu của mình bằng lời nói nên đôi lúc bạn sẽ khó hiểu, không biết trẻ đang muốn gì, cần gì.

Hạn chế về vốn từ

Giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ có thể khác nhau nhưng thông thường từ 18 tháng trở lên, trẻ đã có thể nói được một số từ đơn giản. Mặc dù trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phát âm nhưng đến 2 tuổi là trẻ phải có khoảng 200 – 500 từ trong kho từ vựng của mình. Nếu ít hơn ba mẹ nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia nhi.

Không bắt chước được các âm thanh

Các vấn đề về thính giác cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Nếu rơi vào tình huống này, trẻ sẽ không nghe rõ những gì người khác nói, từ đó trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nói, hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ. Cha mẹ cần phát hiện kịp thời để đưa trẻ đi khám tại chuyên khoa tai mũi họng.

Không hiểu được các yêu cầu đơn giản

Thông thường, đến 3 tuổi, trẻ đã có khả năng nghe hiểu tương đối tốt. Trẻ có thể hiểu được các yêu cầu từ đơn giản cho đến phức tạp như "Lấy cho mẹ cái này, cái kia" hoặc "Bật quạt cho mẹ". Nếu trẻ phản ứng rất chậm khi bạn hỏi những câu rất đơn giản như: "Con ăn cơm chưa?" hoặc: "Con có khát nước không?" thì trẻ có thể mắc chứng chậm nói.

Không thể nói câu hoàn chỉnh

Trẻ có thể nói được những câu ngắn khoảng 2 – 3 từ nhưng nhiều hơn lại không nói được. Trẻ gặp khó khăn trong việc ghép các từ đơn lại với nhau, không thể nói được một câu hoàn chỉnh. Đây đều là các dấu hiệu điển hình của chứng chậm nói mà ba mẹ cần lưu ý để có biện pháp can thiệp kịp thời.

4. Nguyên nhân gây chậm nói

Trẻ chậm nói có thể là do các vấn đề ở cơ quan phát âm hoặc do sự tác động của các yếu tố tâm lý, giáo dục:

Bất thường về môi, lưỡi

Các bất thường về môi, lưỡi như hở hàm ếch, thắng lưỡi ngắn… cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị chậm nói. Tình trạng này sẽ làm hạn chế sự chuyển động của lưỡi, khiến trẻ khó phát âm thành lời nói. Đa phần, các bất thường này sẽ được phát hiện trong những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, đôi khi chúng sẽ bị bỏ qua cho đến khi trẻ có các dấu hiệu chậm nói.

Rối loạn vận động lời nói

Có nhiều trẻ chậm nói là do mắc phải các rối loạn vận động lời nói như mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em (CAS). Nguyên nhân khiến trẻ gặp phải rối loạn này là do não không đưa ra các tín hiệu đến các cơ vùng miệng, khiến việc phối hợp môi, lưỡi và hàm để tạo ra âm thanh trở nên khó khăn. Nếu thấy những âm thanh mà trẻ phát ra rất khó nghe, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để khám và điều trị.

Chậm phát triển

Chậm phát triển cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói. Mỗi đứa trẻ sẽ đạt được các mốc phát triển quan trọng theo tốc độ của riêng mình. Thế nhưng, nếu bạn thấy các kỹ năng của trẻ phát triển chậm hơn bình thường, hãy đưa trẻ đến bác sĩ khám. Những đứa trẻ chậm nói do chậm phát triển thường có các triệu chứng như nói rất ít hoặc thậm chí không nói, không hiểu người khác đang nói gì, lặp lại những gì người khác nói…

Các vấn đề về thính giác

Các bệnh lý về thính giác cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị chậm nói. Những đứa trẻ gặp vấn đề về thính giác sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ của những người xung quanh cũng như ngôn ngữ của chính mình. Từ đó, trẻ sẽ không có khả năng hiểu và nắm bắt các từ. Bên cạnh đó, trẻ cũng không thể bắt chước và nói một cách trôi chảy.

10b

Các vấn đề về thính giác cũng ảnh hưởng đến sự chậm nói ở trẻ (Ảnh: Internet)

Trước 3 tuổi, trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng tai. Nếu được điều trị kịp thời thì căn bệnh này sẽ không gây nhiều rắc rối trong việc phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, viêm tai mạn tính có thể khiến trẻ bị chậm nói. Do đó, nếu bệnh tồn tại dai dẳng và thường xuyên tái phát thì bạn nên đưa trẻ đến chuyên khoa tai mũi họng để khám.

Tự kỷ

Đây là nguyên nhân được nhiều bậc phụ huynh nghĩ đến nhất khi thấy con mình bị chậm nói. Tự kỷ là một rối loạn phát triển đặc trưng bởi sự chậm nói và không có khả năng giao tiếp. Nếu nguyên nhân chậm nói là do chứng tự kỷ, trẻ cần được can thiệp ngôn ngữ sớm bởi các nhà trị liệu để cải thiện tình trạng bệnh.

Do tâm lý

Số trẻ chậm nói do nguyên nhân tâm lý chiếm đến 70% tổng số trẻ đến khám và điều trị. Nguyên nhân này có thể là do cuộc sống ngày càng bận rộn, cha mẹ cứ bị cuốn theo công việc mà không có thời gian quan tâm, nói chuyện với trẻ, khiến trẻ chỉ biết "làm bạn" với tivi hoặc các thiết bị điện tử.

Vấn đề thần kinh

Một số rối loạn thần kinh có thể ảnh hưởng đến việc chậm nói như:

+ Bại não

+ Loạn dưỡng cơ

+ Chấn thương sọ não

+ Thiểu năng trí tuệ...

5. Điều trị trường hợp trẻ chậm nói

Cho trẻ đi khám để tìm nguyên nhân

Nếu bạn nghi ngờ trẻ có vấn đề chậm nói, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra. Bác sĩ sẽ đánh giá khả năng nói và ngôn ngữ của trẻ thông qua những bài kiểm tra chuyên biệt với những tiêu chí sau:

+ Trẻ có thể hiểu gì? (khả năng tiếp thu ngôn ngữ)

+ Trẻ có thể diễn đạt ngôn ngữ không?

+ Trẻ có những cử chỉ như chỉ trỏ, lắc đầu… không?

+ Khả năng phát âm của trẻ

+ Tình trạng răng miệng của trẻ (mũi, miệng, lưỡi, vòm miệng…)

Nếu chậm nói do khiếm khuyết cơ thể thì phụ huynh cần tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Nếu chậm nói tâm lý thì phụ huynh cần cải thiện cách thức giao tiếp hằng ngày của mình với trẻ.

tre_cham_noi_thinh_luc_khiem_giac_1

Nên đến gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân gây chậm nói (Ảnh: Internet)

Dạy trẻ nói hàng ngày

Phụ huynh cần có sự điều chỉnh cách giao tiếp và thời lượng giao tiếp mỗi ngày với trẻ.

+ Đối với những trẻ mới bắt đầu tập nói, ban đầu bạn nên dạy trẻ những âm thanh đơn giản như bố, mẹ... để trẻ có thể bắt chước theo. Bạn cũng có thể vừa nói vừa kết hợp với hành động để giúp trẻ mở rộng vốn từ, biết gắn kết các từ và đồ vật lại với nhau. Tức là nói về cái gì thì sẽ chỉ tay cho trẻ thấy thứ đó, tăng cường giao tiếp bằng mắt với trẻ....

+ Đọc sách cho trẻ nghe cũng là một ý tưởng tuyệt vời. Hãy tìm những loại sách, truyện có hình ảnh sinh động và màu sắc tươi vui phù hợp với lứa tuổi của trẻ để trẻ cảm thấy thích thú.

Chú ý vào việc gọi tên chính xác, ngắn gọn mọi thứ xung quanh để phù hợp với nhận thức và trí nhớ của trẻ.

Liên tục thay đổi vật dụng, môi trường tập nói để tạo hứng thú tương tác cho trẻ cũng là điều cần làm. Không nên cho trẻ xem tivi quá nhiều.

Khi xem tivi, phụ huynh nên cùng xem với trẻ, đồng thời cùng bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

Cho trẻ giao lưu với bạn bè để kích thích nhu cầu giao tiếp

Ngoài việc dạy trẻ nói mỗi ngày, bạn nên khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi, giao lưu với những bé cùng trang lứa để kích thích nhu cầu giao tiếp, giúp trẻ dễ nói hơn.

Bạn có thể cho trẻ đi nhà trẻ, khuyến khích trẻ chơi chung với các bạn ở gần nhà hoặc tổ chức các buổi dã ngoại để trẻ có nhiều cơ hội kết bạn hơn. Khi trẻ nhà bạn được tiếp xúc nhiều với những đứa trẻ cùng tuổi, chúng sẽ trở nên tự tin, nhanh nhẹn và có nhiều cơ hội để phát triển ngôn ngữ.

6. Nên làm gì nếu bạn nghĩ con mình bị chậm nói?

Rất có thể, chậm nói là biểu hiện bình thường của trẻ vì mỗi trẻ có một mốc thời gian phát triển riêng. Nhưng đôi khi, chậm nói báo hiệu những vấn đề nghiêm trọng như mất thính lực hay chậm phát triển khác.

Do đó, nếu con bạn không đáp ứng các mốc phát triển thông thường, nên đến gặp bác sĩ. Tùy thuộc vào chẩn đoán của họ để có thể quyết định cần điều trị hay không. Phát hiện sớm giúp cho việc điều trị có hiệu quả và giúp con bạn có thể phát triển bình thường, bắt kịp thời gian đi học.


Tác giả: Thư Trinh