Xử trí khi xảy ra cháy nổ ở nhà cao tầng, chung cư: 9 kỹ năng thoát hiểm cần nhớ

Xử trí khi xảy ra cháy nổ ở nhà cao tầng, chung cư: 9 kỹ năng thoát hiểm cần nhớ
Người dân cần nắm được cách thoát nạn khi có cháy ở chung cư, nhà cao tầng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 23h ngày 12/9/2023 đã xảy ra vụ cháy chung cư mini (9 tầng, 1 tum) tại ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vụ cháy đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 56 người tử vong và 37 người bị thương (trong đó, đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong). 

Cháy lớn ở chung cư mini tại Hà Nội: Những kỹ năng thoát khỏi đám cháy người dân cần biết! - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Không chỉ vụ việc trên mà đã có rất nhiều vụ cháy nhà cao tầng, chung cư mini hoặc chung cư nhiều tầng xảy ra khiến người dân hoang mang, lo lắng. Trong đó, nhiều vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Để hạn chế những vụ việc thương tâm tái diễn, Bộ Công an đã có hướng dẫn về cách thoát nạn khi xảy ra cháy ở chung cư, nhà cao tầng, cũng như những việc cần làm để phòng tránh hỏa hoạn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm vững kiến thức an toàn PCCC&CNCH khi ở chung cư, toà nhà cao tầng. Vì vậy, hãy trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để bảo vệ an toàn cho tính mạng của bản thân trong các trường hợp khẩn cấp. Sau đây là một số kỹ năng quan trọng mà mọi người cần phải lưu ý khi đám cháy xảy ra, những kỹ năng cơ bản để thoát khỏi đám cháy. Cụ thể:

1. Tìm cách dập lửa

Khi phát hiện có đám cháy thì phải bình tĩnh để tìm cách xử lý, trước hết nên tìm cách dập lửa, có thể dùng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước hoặc những thứ khác mà bạn có thể kiếm được ngay quanh đó có khả năng dập lửa.

Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập lửa thì phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm. Hét lên cho mọi người trong nhà biết để cùng thoát hiểm, ngay sau đó hãy lập tức ấn máy gọi 114 để được trợ giúp.

Nếu không may lửa bén thì có thể tìm đến nguồn nước gần nhất hoặc ngay lập tức nằm xuống, hai tay úp vào mặt và lăn qua lăn lại cho đến khi lửa tắt.

2. Biết đường thoát

Một kế hoạch thoát thân có thể giúp mọi thành viên trong gia đình thoát khỏi ngôi nhà đang cháy. Lời khuyên là hãy ra ngoài thật nhanh và an toàn. Khói từ đám cháy có thể gây khó nhìn mọi đồ vật, vì thế, việc học và nhớ các cách ra khỏi nhà là rất quan trọng. Có bao nhiêu lối thoát hiểm? Làm thế nào để đi tới những lối thoát hiểm đó? Vì thế, cả gia đình nên cùng vẽ một bản đồ cho kế hoạch thoát hiểm của mình.

3. Khi thoát hiểm, cần nhớ những điều sau

- Không cố thu những đồ có giá trị hay đi tìm vật nuôi trong nhà.

- Không tìm hiểu đám cháy.

- Bò trên sàn nhà nếu có khói vì không khí sạch hơn ở gần sàn nhà, vì thế, để mũi càng thấp càng tốt; hãy nhớ khói rất độc và có thể giết bạn.

- Khi ra ngoài, chỉ mở cửa bạn cần và đóng tất cả các cửa đang mở để ngăn đám cháy lan nhanh.

- Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở mặt kia của cánh cửa đang cháy. Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân của bạn khi bạn bò hay xuống thang cứu hỏa.

- Nếu đang chạy thoát cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể.

- Rất có thể lối thoát bị cháy hoặc có khói, vì thế, bạn cần phải biết những lối thoát khác ở chỗ nào. Ngoài ra, nếu sống trong chung cư, bạn cũng cần phải biết cách tốt nhất đến cầu thang hay các lối thoát hiểm khác.

Đọc thêm:

Vì sao ngạt khí gas gây ngộ độc?

Nhiều tai nạn điện giật do câu cá, hướng dẫn sơ cứu khi bị bỏng điện

4. Các biện pháp an toàn

- Kiểm tra xem có lửa hay khói vào nhà qua các khe trên cửa hay không.

- Nếu nhìn thấy khói bốc lên từ phía dưới cửa thì không được mở cửa.

- Nếu không nhìn thấy khói, hãy đặt mu bàn tay vào cánh cửa. Nếu cánh cửa nóng hay rất ấm, không được mở cửa.

- Nếu không nhìn thấy khói và cánh cửa không nóng, dùng mu bàn tay nhẹ nhàng chạm vào quả đấm cửa. Nếu quả đấm cửa nóng hoặc rất ấm, không mở cửa!

- Nếu quả đấm cửa mát và bạn không nhìn thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa rất chậm và cẩn thận. Khi mở cửa, nếu bạn thấy lửa bùng lên, hay có khói xông vào phòng, hãy đóng cửa thật nhanh và đảm bảo chắc chắn rằng nó đã được đóng chặt.

- Nếu không có khói hay lửa khi bạn mở cửa, hãy tiến thẳng đến cửa thoát hiểm của bạn.

5. Luôn giữ ở vị trí thấp

- Nếu bạn thấy có khói trong nhà, hãy giữ cơ thể mình ở vị trí thấp gần sàn khi tìm đường thoát hiểm. Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. Bạn sẽ hít ít khói hơn nếu cơ thể bạn ở gần sát nền nhà. Theo tự nhiên, khói bay lên cao, vì thế, nếu có khói khi bạn đang trên đường thoát hiểm, ở vị trí thấp có nghĩa bạn bò dưới khói. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.

- Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài nên là lựa chọn đầu tiên của bạn nhưng bạn cũng có thể kiểm tra xem cửa sổ có thể là lối chạy thoát được không. Thậm chí cửa sổ trên tầng cao cũng có ích khi bạn cần giúp đỡ, từ lính cứu hỏa, hay từ người khác.

- Lo lắng cho thú cưng hay đồ chơi yêu thích là bình thường nhưng khi có cháy, bạn phải bỏ chúng lại. Điều quan trọng nhất là bạn phải ra được ngoài an toàn. Bạn cũng cần nhớ rằng bạn không nên ở lại trong nhà lâu hơn thời gian bạn bắt buộc phải ở trong đó, cho dù là để gọi xe cứu hỏa. Rất có thể đã có người gọi ở bên ngoài rồi. Khi đã ra ngoài rồi, đừng quay lại để lấy bất cứ thứ gì.

6. Nếu quần áo của bạn bị cháy

- Đừng chạy vòng quanh, bạn sẽ chỉ quạt cho ngọn lửa và làm chúng cháy nhanh hơn thôi.

- Nằm xuống, việc này giúp lửa khó lan ra hơn và giảm tác động của lửa lên mặt và đầu bạn (lửa cháy từ dưới lên trên).

- Dập lửa, bao trùm ngọn lửa bằng vật liệu nặng, như áo khoác hay chăn, việc này giúp phá vỡ nguồn cung cấp oxy cho lửa.

- Lăn vòng quanh để giúp dập lửa.

7. Làm gì khi không thể ra ngoài ngay lập tức?

Nếu không thể thoát ra ngoài nhanh được vì lửa hay khói đã chặn mất lối thoát, nếu lối thoát hiểm của bạn bị chặn:

- Nếu bạn ở tầng trệt, ra ngoài bằng cửa sổ: ném chăn, gối, đệm xuống đất ở bên ngoài để đỡ bạn

- Nếu bạn không thể mở cửa sổ, hãy dùng một vật nặng để đập vỡ nó ở góc cuối, khi chạm vào các mép sắc cần dùng vải, khăn mặt hay chăn.

- Hạ trẻ xuống càng thấp càng tốt trước khi thả bé xuống để người lớn đỡ trẻ nếu có thể.

- Hạ thấp cơ thể bạn bằng cách đặt tay lên bậc cửa sổ trước khi thả mình xuống.

Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng:

- Chọn một phòng có cửa sổ nếu có thể.

- Hãy ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo hoặc băng dính.

- Nếu trong phòng có cửa sổ nhưng không giúp bạn thoát ra được, hãy mở nó ra và đứng trước cửa sổ để hít thở và gọi giúp đỡ.

- Nếu bạn có thể lấy được một mảnh quần áo hay khăn mặt, hãy đặt nó trên miệng để không hít khói vào. Tốt hơn nếu bạn nhúng ướt miếng vải trước khi che lên miệng.

- Ngay từ bây giờ, hãy nghĩ xem phòng nào là tốt nhất, bạn cần một cửa sổ có thể mở được, và nếu có thể, một chiếc điện thoại để gọi cấp cứu.

- Dù có sợ hãi, bạn cũng không bao giờ được nấp dưới gầm giường hay phòng để đồ. Vì khi đó, sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn. Hãy nhớ rằng lính cứu hỏa và những người khác sẽ tìm bạn để giải thoát cho bạn. Họ tìm thấy bạn càng sớm, bạn sẽ ra ngoài được càng nhanh.

8. Không quay lại

Nếu ra ngoài được, bạn nên tìm một nơi an toàn gần nhà để đợi. Nếu còn có người trong nhà, hãy đợi đội lính cứu hỏa tới. Bạn có thể kể với họ về người bị mắc kẹt và họ sẽ tìm người mắc kẹt giúp bạn nhanh hơn.

Nếu quay lại nhà bị cháy, bạn sẽ làm cho những nỗ lực cứu người mất tích của lính cứu hỏa bị chậm lại, đồng thời tự đặt bản thân vào tình huống rất nguy hiểm.

9. Làm gì khi bạn sống trong chung cư cao tầng?

Sống ở tầng cao không có nghĩa là bạn sẽ nguy hiểm hơn khi có cháy. Các căn hộ cao tầng có tường, trần, và cửa chống lửa sẽ giúp chặn lửa và khói lại. Hầu hết các kế hoạch của bạn giống như các căn nhà dưới mặt đất, nhưng có vài điểm khác biệt:

- Bạn sẽ không thể dùng thang máy khi có cháy, vì thế, phải cân nhắc điều này khi chọn lối thoát hiểm.

- Đếm xem có bao nhiêu cửa trên đường tới cầu thang khi bạn không thể sử dụng thang máy, đề phòng trường hợp bạn không nhìn thấy đường.

- Đảm bảo rằng cầu thang bộ và cửa thoát hiểm không có chướng ngại vật và cửa không bao giờ bị khóa.

- Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng bạn có thể mở cửa cầu thang bộ từ cả hai phía.

- Nếu có cháy ở nơi khác trong tòa nhà, thông thường bạn sẽ an toàn nhất khi ở trong căn hộ của bạn, trừ khi khói và lửa làm gây hại cho bạn. Nếu bị ảnh hưởng, hãy tìm cách ra ngoài, ở ngoài và gọi cứu hỏa.

Cố gắng không hít khói vì thiệt mạng thường do ngạt khói, bạn có thể lấy chăn vải hay mền thấm nước, bất cứ thứ gì có thể làm ướt nó và đặt nó trên mũi và miệng khi trườn qua đám lửa.

Trên đây là một số kỹ năng cơ bản để thoát khỏi đám cháy, ngoài những kỹ năng trên, thiết nghĩ mỗi người dân trước khi xây dựng nhà ở hoặc các cơ sở kinh doanh buôn bán nên gặp các cơ quan chuyên môn để được tư vấn thiết kế ngôi nhà (có lối thoát hiểm khi có sự cố xảy ra) ngay từ ban đầu để thuận tiện cho việc ăn, ở, sinh hoạt, đặc biệt là an toàn cho cá nhân, gia đình và những người xung quanh.


Tác giả: PN