Xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản
Hiện nay người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản như dựa trên triệu chứng, điều trị thử, xét nghiệm,... Trong đó, xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản được coi là phương pháp có giá trị cao và ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán bệnh.

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý mãn tính ở đường tiêu hóa, xuất hiện do sự di chuyển ngược của dịch vị dạ dày lên thực quản gây biểu hiện các triệu chứng của bệnh. Các cơ quan có thể bị tổn thường do bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm thực quản, thanh quản, miệng,...

Bệnh thường có các biểu hiện bằng các triệu chứng như đau ngực, ợ hơi, ợ chua, ho, nói khó, nuốt vướng, nôn, buồn nôn, tiết nhiều nước bọt,... Tuy nhiên sự biểu hiện triệu chứng của bệnh không nhất thiết tỷ lệ thuận với mức độ tổn thương thực thể do bệnh gây nên.

Các xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản

Để chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như dựa trên các triệu chứng cơ năng và thực thể của người bệnh, điều trị thử, sử dụng các xét nghiệm,... Trong đó, sử dụng các xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản được đánh giá là phương pháp có độ chính xác cao hàng đầu.

Một số xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản thường được sử dụng hiện nay:

1. Nội soi dạ dày thực quản

Đây là phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản rất có giá trị trên lâm sàng. Các bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi (là một ống nhỏ có gắn camera) đưa dọc theo ống tiêu hóa của bệnh nhân từ miệng xuống để quan sát hình thái ống tiêu hóa.

Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng viêm thực quản trên bệnh nhân có trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản bằng nội soi không phải bao giờ cũng có thể thấy được hình ảnh tổn thương, nếu trào ngược thực quản mức độ nhẹ (mức độ 0) thì gần như không thấy có tổn thương thực quản.

Ngoài quan sát hình thái thực quản, người ta cũng có thể sinh thiết mô tế bào ở thực quản làm giải phẫu bệnh để đánh giá các tổn thương mô học ở thực quản, phát hiện sớm các biến chứng của bệnh chẳng hạn như barrett.

2. Theo dõi pH thực quản

Một xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản khác cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán cho bệnh nhân là theo dõi pH thực quản.

Người bệnh sẽ được đưa vào thực quản một thiết bị có khả năng ghi nhận lại sự biến đổi pH theo thời gian, thu thập các dữ liệu về thời gian trào ngược acid diễn ra và các triệu chứng của bệnh nhân khi có trào ngược acid. Từ các dữ liệu thu thập được bác sĩ sẽ đưa ra các đánh giá cần thiết về tình trạng bệnh.

Thông thường, thiết bị theo dõi pH thực quản sẽ được đưa vào kèm theo khi nội soi cho người bệnh và sau khoảng 2 ngày thiết bị sẽ được đào thải tự nhiên ra ngoài theo phân mà không cần can thiệp để lấy thiết bị ra khỏi cơ thể.

3. Chụp X-quang dạ dày- thực quản có cản quang

Khi xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản bằng phương pháp chụp X-quang có cản quang, người bệnh sẽ được yêu cầu uống một loại thuốc có tính chất ngăn cản tia X. Nhờ đó mà bác sĩ có thể thấy được các dòng trào ngược và các bất thường ở niêm mạc dạ dày, thực quản người bệnh.

Bình thường, chụp X-quang thực quản có cản quang sẽ được thực hiện trước khi nội soi để đánh giá các vị trí chít hẹp.

4. Đo áp lực thực quản

Đây là phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản cho phép đánh giá sự cử động và co thắt của các cơ thực quản trong khi thực hiện phản xạ nuốt.

Bên cạnh đó, nó còn cho phép kiểm tra được lực tác động và sự phối hợp giữa các nhóm cơ tại thực quản khi thực hiện động tác.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về một số phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày thực quản thường được sử dụng trên lâm sàng hiện nay. Để đảm bảo chẩn đoán chính xác bệnh, người bệnh chỉ nên thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế có chuyên môn và đầy đủ trang thiết bị.


Tác giả: QN