Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao thứ 5 (chỉ sau ung thư gan, vú, dạ dày, phổi). Mặc dù nguy hiểm, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa cũng như điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Xét nghiệm Pap smear là một trong những phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được các bác sĩ phụ khoa khuyên nên tiến hành. Vậy xét nghiệm Pap smear là gì? Có thực sự hiệu quả không? Thời gian nên làm xét nghiệm Pap smear?
Xét nghiệm Pap smear hay còn gọi là phương pháp xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung âm đạo được Papanicolaou phát minh năm 1939.
Nguyên lý chính của phương pháp này là lấy tế bào trực tiếp từ cổ tử cung âm đạo và các bác sĩ sẽ tiến hành quan sát, xét nghiệm tế bào và đưa ra chẩn đoán theo tiêu chuẩn chẩn đoán tế bào bệnh học. Ở cổ tử cung và thành âm đạo luôn có các tế bào bong tróc tự do hoặc các bác sĩ sẽ sử dụng que chuyên dụng Spatula phết tế bào khỏi lớp biểm mô.
Xét nghiệm Pap smear đã được ứng dụng từ rất lâu và đóng vai trò quan trọng trong tầm soát ung thư cổ tử cung nói riêng và chẩn đoán các bệnh phụ khoa nói riêng. Xét nghiệm Pap được thực hiện rất đơn giản và chi phí xét nghiệm cũng rất rẻ.
Nếu như các kỹ thuật khác chỉ xác định được mật độ và kích thước của khối u thì xét nghiệm Pap smear lại giúp xác định được loại tế bào ung thư cổ tử cung. Ngày nay, kỹ thuật cố định nhuộm màu tiêu bản đã được cải tiến đáng kể với sự ra đời của các máy nhuộm tiêu bản tự động. Chúng có thể có được các tiêu bản đẹp, loại bỏ mọi cặn bẩn giúp các bác sĩ quan sát được rõ ràng, loại trừ hình ảnh giả dễ gây nhầm lần khi soi kính hiển vi.
Tuy nhiên, xét nghiệm Pap smear có cho ra kết quả tầm soát ung thư chính xác hay không còn tuỳ thuộc vào kỹ thuật viên lấy mẫu và đọc kính hiển vi có chính xác hay không. Nếu mẫu tế bào lấy ở vị trí không tổn thương có thể cho ra kết quả âm tính giả. Tuy nhiên trường hợp này hiếm khi xảy ra.
Bên cạnh kỹ thuật viên, bác sĩ chẩn đoán tế bào học cũng là người quyết định độ chính xác của xét nghiệm Pap smear. Bởi theo thông thường, nếu thấy cổ tử cung bị tổn thương, các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn tại chỗ hoặc làm xét nghiệm lần 2 để có được kết luận chắc chắn.
Tất cả phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc từ 21 tuổi trở lên nên thăm khám sức khoẻ phụ khoa hàng năm, cũng như tiến hành các biện pháp tầm soát ung thư cổ tử cung. Thông thường, thời gian thực hiện xét nghiệm Pap smear tuỳ thuộc vào độ tuổi:
- Độ tuổi từ 21 - 29: nên thực hiện xét nghiệm Pap 3 năm/lần.
- Độ tuổi 30 - 65: nên làm xét nghiẹm Pap smear 5 năm/lần, kết hợp với xét nghiệm HPV.
- Sau 65 tuổi: không cần thực hiện nếu kết quả các xét nghiệm Pap smear trước đây bình thường.
Trong trường hợp, từng cắt bỏ tử cung hoặc từng làm hoá trị ung thư, hay làm phiến đồ Pap smear bất thường,..., thì nên nói chuyện với bác sĩ.
- Các chị em nên đặt lịch làm xét nghiệm trước 1 tuần.
- Tránh thụt rửa, sử dụng thuốc đặt âm đạo hoặc chất diệt tinh trùng ít nhất 48 tiếng trước ngày làm xét nghiệm Pap.
- Tránh quan hệ tình dục 24 giờ trước khi làm xét nghiệm
- Nên đi tiểu trước khi làm xét nghiệm.
- Mặc quần áo thoải mái, thoáng mát.
- Nói với bác sĩ về những vấn đề phụ khoa bản thân đang gặp phải hoặc đã từng gặp phải trước đây.
- Nói với bác sĩ nếu nghi ngờ bản thân đang mang thai, đang mang thai hoặc mong muốn có thai, tránh thai.