Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hay còn gọi là COPD) là bệnh lý đường hô hấp mãn tính gây nên bởi sự tổn thương kéo dài các thành phần của đường dẫn khí gây nên tình trạng khó thở trường diễn, ho và khạc đờm kéo dài. Chẩn đoán COPD có thể được tiến hành dựa trên nhiều dữ liệu bao gồm tiền sử y tế, các triệu chứng lâm sàng và sự hỗ trợ của các xét nghiệm cần thiết. Trong đó, xét nghiệm máu là xét nghiệm rất thường hay được sử dụng trong chẩn đoán COPD.
Các xét nghiệm máu thường được sử dụng trong chẩn đoán COPD:
Tình trạng nhiễm trùng tại đường hô hấp có thể là yếu tố gây nên các bệnh lý có biểu hiện tương tự với COPD hoặc là nguyên nhân gây nên sự bùng phát của đợt cấp COPD. Do đó, khi một bệnh nhân đến thăm khám vì một tình trạng khó thở, ho khạc đờm kéo dài thì bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng khi thực hiện chẩn đoán COPD ở bệnh nhân.
Những thông số được quan tâm khi đánh giá sự nhiễm trùng ở người bệnh bao gồm:
- Bạch cầu trong máu: Khi tình trạng nhiễm trùng xảy ra, số lượng bạch cầu trong máu thường sẽ tăng cao (bình thường có giá trị từ 4-10G/L). Nếu tỉ lệ bạch cầu đa nhân trung tính (NEU) tăng cao thì gợi ý nhiều đến một tình trạng nhiễm trùng do nguyên nhân vi khuẩn, nếu số lượng bạch cầu lympho tăng cao thì gợi ý đến một nhiễm trùng do virus,...
- C – reactive protein (CRP): CRP là một loại protein đặc biệt, được sản xuất tại gan khi có tình trạng viêm xảy ra trong cơ thể, bao gồm tình trạng viêm do nhiễm trùng gây nên. Vì vậy khi giá trị của CRP tăng cao hơn so với bình thường thì có thể gợi ý đến một tình trạng nhiễm trùng đang xảy ra.
- Procalcitonin: Procalcitonin là một chất được sản xuất chủ yếu ở tuyến giáp. Nồng độ của nó sẽ tăng cao một cách bất thường nếu có tình trạng viêm nhiễm đang xảy ra trong cơ thể.
Trong chẩn đoán COPD, vấn đề đánh giá mức độ suy hô hấp ở người bệnh là rất quan trọng kể cả trong giai đoạn cấp tính lẫn giai đoạn ổn định của bệnh. Xét nghiệm máu thường được sử dụng để đánh giá tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhân là xét nghiệm do khí máu động mạch.
Xét nghiệm này khác với xét nghiệm máu thông thường ở chỗ nó sử dụng máu được lấy trong động mạch để thực hiện kỹ thuật thay vì máu lấy trong tĩnh mạch.
Những thông số giúp đánh giá tình trạng suy hô hấp bao gồm:
- PaO2: PaO2 là thông số được quan tâm nhiều trong xét nghiệm khí máu động mạch, nó có ý nghĩa giúp đánh giá sự hòa tan của Oxy trong máu của bệnh nhân. Ở bệnh nhân COPD thì chỉ số PaO2 thường giảm.
- PaCO2: Là chỉ số đánh giá sự hòa tan của CO2 trong máu của người bệnh, do tình trạng ứ khí và cản trở lưu thông khí nên PaCO2 thường tăng ở bệnh nhân COPD.
- pH máu: pH máu bình thường có giá trị khoảng từ 7,35-7,45. Ở bệnh nhân COPD thì pH máu thường giảm do có xu hướng bị toan hô hấp vì ứ khí CO2.
Ngoài ra, trong xét nghiệm khí máu động mạch để chẩn đoán COPD người ta còn có thể quan tâm thêm các thông số như HCO3-, anion gap,...
Đối với những bệnh nhân bị COPD khởi phát sớm, không có tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm, viêm nhiễm đường hô hấp thường xuyên,... thì người ta có thể nghi ngờ đến các nguyên nhân gây COPD mang tính di truyền.
Do đó, để tìm nguyên nhân trong chẩn đoán COPD, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm máu định lượng 1-antitrypsin - là một chất có tác dụng gây ức chế sự hoạt động của các men tiêu protein, thiếu chất này dễ gây COPD.
Qua đó có thể thấy rằng, xét nghiệm máu trong chẩn đoán COPD giữ một vai trò rất quan trọng, giúp tìm kiếm nguyên nhân và đánh giá mức độ bệnh. Vì thế, việc thực hiện xét nghiệm máu khi nghi ngờ mắc COPD hoặc đã mắc COPD là điều rất cần thiết và nên được tiến hành ngay khi có chỉ định của bác sĩ.