Xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen: ý nghĩa và phân loại

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen: ý nghĩa và phân loại
Hen suyễn dị ứng là loại hen phổ biến nhất, có liên quan đến dị ứng và thường phát triển ở thời thơ ấu. Các xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen là phương pháp kiểm tra chuyên sâu nguyên nhân gây ra các triệu chứng hen suyễn.

1. Ý nghĩa của xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen

- Các xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen là phương pháp kiểm tra chuyên sâu nguyên nhân gây ra các triệu chứng hen suyễn. Chúng giúp bác sĩ tìm ra được những tác nhân gây dị ứng, kích hoạt bệnh hen suyễn của bạn.

- Xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen không giúp xác định các tác nhân gây hen suyễn không do dị ứng, như tập thể dục, stress, hoặc do các bệnh khác như cảm lạnh thông thường.

- Xét nghiệm dị ứng không đủ để chẩn đoán hen. Để chẩn đoán hen phế quản chính xác, bác sĩ cần thực hiện thêm các xét nghiệm chức năng phổi và kiểm tra lịch sử phản ứng dị ứng của bạn.

Ảnh 2.

Xét nghiệm dị ứng không đủ để chẩn đoán hen (Ảnh: Internet)

- Vì xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen có thể giúp tìm ra các tác nhân cụ thể, nên có ý nghĩa trong việc điều trị hen suyễn.

2. Các loại xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen

2.1. Xét nghiệm da

- Thử nghiệm chích da: Bác sĩ sẽ đặt một loạt cách chất gây dị ứng nhỏ lên da, thường là trên lưng. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng 1 chiếc kim tiêm nhỏ, chích nhanh vào vị trí da có đặt chất gây dị ứng. Mục đích là giúp chất gây dị ứng thấm nhanh và da. Nếu như vị trí da đó bị ngứa, đỏ nổi mẩn thì chứng tỏ bạn bị dị ứng với dị nguyên đó.

- Thử nghiệm dưới da: Bác sĩ sẽ tiêm chất gây dị ứng vào dưới da của bạn. Phương pháp xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen này cho kết quả nhạy hơn phương pháp thử nghiệm chích da, nhưng đôi khi cũng cho kết quả dương tính giả. Nó thường được sử dụng để kiểm tra dị ứng thuốc hoặc dị ứng môi trường, không sử dụng để kiểm tra dị ứng thực phẩm.

Ảnh 3.

Bác sĩ sẽ tiêm chất gây dị ứng vào dưới da của bạn (Ảnh: Internet)

- Thử nghiệm áp da: Bác sĩ sẽ cho các chất gây dị ứng vào một miếng lót. Các miếng lót này được áp lên da trong 48 giờ đồng hồ. Nếu vùng da bị kích thích, châm chích, đỏ và ngứa thì chứng minh bạn bị dị ứng.

2.2. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là phương pháp xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen phế quản dễ dàng và an toàn hơn so với xét nghiệm da.

- Xét nghiệm ELISA: Là loại xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme, đo lượng kháng thể đặc hiệu với chất gây dị ứng IgE trong máu của bạn. IgE là kháng thể được sinh ra để chống lại dị nguyên. Nồng độ IgE càng cao chứng tỏ bạn bị dị ứng càng nghiêm trọng.

- Xét nghiệm RAST: Là xét nghiệm hấp thụ mẫu phóng xạ dị ứng, tìm kiếm các kháng thể liên quan đến dị ứng, nhưng ít được sử dụng từ sau khi ELISA ra đời.

- Xét nghiệm kháng thể miễn dịch: Là xét nghiệm chụp miễn dịch (ImmunoCAP, UniCAP hoặc Pharmacia CAP) giúp bổ sung kết quả xét nghiệm dị ứng.

2.3. Xét nghiệm thử thách

- Xét nghiệm thử thách thường được áp dụng để xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen suyễn liên quan đến dị ứng thực phẩm và thuốc. Bệnh nhân sẽ được cho ăn thực phẩm hoặc uống thuốc với liều rất nhỏ để kiểm tra phản ứng dị ứng.

- Xét nghiệm thử thách cần thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, dưới sự giám sát của bác sĩ, phòng trường hợp bệnh nhân xuất hiện các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

- Thực phẩm hiếm khi là tác nhân gây ra các triệu chứng hen suyễn. Do vậy xét nghiệm thử thách thường được sử dụng để chẩn đoán hen suyễn do aspirin.

Các phản ứng xảy ra trên da hoặc kết quả xét nghiệm máu phải được so sánh với lịch sử dị ứng của bệnh nhân để có chẩn đoán chính xác nhất. Việc thực hiện các xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen phế quản có thể tốn kém hoặc khó khăn, nhưng là cần thiết. Biết được chất gây dị ứng nào kích hoạt bệnh hen suyễn của bạn có thể giúp bạn tập trung vào những tác nhân cần cách ly.

Nguồn tham khảo: https://www.webmd.com/asthma/allergy-tests-and-asthma#1


Tác giả: Mai Nhung