Xét nghiệm gan là giúp xác định xem gan của bạn có hoạt động có hiệu quả không.
Gan có rất nhiều chức năng quan trọng như: đào thải độc tố trong máu, chuyển đổi chất dinh dưỡng từ thực phẩm bạn ăn, lưu trữ khoáng chất và vitamin, điều hòa đông máu, duy trì cân bằng hormone, điều chỉnh lượng đường trong máu.
Mặt khác, gan cũng là nơi sản xuất cholesterol, protein, enzyme và mật giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chính vì có rất nhiều chức năng quan trọng như vậy, nên gan càng dễ bị tổn thương. Việc xét nghiệm chức năng gan cần được thực hiện định kỳ để bảo vệ gan.
Ngoài ra, xét nghiệm chức năng gan còn có các vai trò khác như:
- Phát hiện và chẩn đoán, sàng lọc sớm các vấn đề liên quan đến gan.
- Đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh gan, xác định giai đoạn bệnh.
- Theo dõi và kiểm soát sự tiến triển của các bệnh gan như viêm gan, xơ gan, ung thư gan,... Đồng thời các xét nghiệm chức năng gan cũng giúp bác sĩ đánh giá được hiệu quả của phác đồ điều trị bệnh gan đang áp dụng.
- Theo dõi tác dụng phụ của các loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến gan.
- Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng báo hiệu gan bị tổn thương như: yếu đuối, mệt mỏi, kiệt sức, giảm cân bất thường, vàng da và vàng mắt, bụng sưng to, nước tiểu sẫm màu hoặc phân nhạt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu bất thường.
- Nếu trong một đợt kiểm tra sức khỏe, hoặc theo dõi bệnh lý khác, bác sĩ chụp X-quang bụng, siêu âm, chụp CT hoặc chụp MRI đã quan sát thấy các bất thường ở gan. Khi đó, bạn cũng sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chức năng gan.
- Khi có một số vấn đề y tế khác, mắc một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như tăng huyết áp nặng, lupus , tiểu đường và ung thư ruột kết, có thể làm tăng khả năng mắc bệnh gan. Do đó cũng cần thực hiện xét nghiệm chức năng gan để chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm.
- Người sử dụng nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan do rượu, khiến gan bị tổn thương và suy giảm chức năng nhanh chóng.
- Người sắp kết hôn.
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh gan.
- Người quan hệ tình dục không an toàn rất dễ bị lây nhiễm các bệnh viêm gan siêu vi.
- Những người chưa tiêm phòng viêm gan B. Viêm gan B là loại bệnh virus rất dễ lây lan. Mặt khác, viêm gan B có thể tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan, rất nguy hiểm.
- Người béo phì, tiểu đường, máu nhiễm mỡ... có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ, có thể tiến triển thành xơ gan, suy gan.
- Người có sức khỏe kém, phải thường xuyên sử dụng thuốc trị bệnh. Thuốc được xử lý và chuyển hóa tại gan. Thuốc có thể khiến gan quá tải để đào thải độc tố. Do đó, uống thuốc thường xuyên rất dễ khiến gan bị suy yếu, cần được xét nghiệm chức năng gan để kiểm soát kịp thời.
- Những bệnh nhân có tiền sử viêm gan, ung thư gan, tổn thương gan, ghép gan, viêm gan truyền nhiễm hoặc xơ gan,... sẽ cần xét nghiệm chức năng gan định để đánh giá những thay đổi trong trong chức năng gan.
Các vấn đề về gan có thể khiến một người bị bệnh nặng và thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Do đó, vai trò của phương pháp xét nghiệm chức năng gan là vô cùng quan trọng, giúp mọi người phát hiện và điều trị sớm bệnh gan, tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu bạn thuộc đối tượng cần thực hiện xét nghiệm chức năng gan thì nên sớm đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và thăm khám.