Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh mãn tính, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên tình trạng bệnh có thể cải thiện đáng kể nếu bệnh nhân viêm khớp dạng thấp biết xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt khoa học, một lối sống lành mạnh.

1. Vận động hợp lý

- Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần chú ý đến tư thế làm việc, đặc biệt là khi nâng vác đồ vật, để bảo vệ và giữ gìn các khớp. Không đứng, ngồi hoặc duy trì 1 tư thế trong thời gian quá lâu.

- Nếu bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bị đau khi vận động thì không nên chán nản. Người bệnh nên thay đổi tư thế hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khớp để tiếp tục vận động bình thường.

- Tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất giúp giảm triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, giúp bảo vệ và tăng cường chức năng của xương khớp. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nên tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh, yoga.

- Cố gắng duy trì những hoạt động hàng ngày, chỉ giảm bớt những việc quá sức, có nguy cơ ảnh hưởng đến xương khớp. Nếu ít vận động hoặc nghỉ ngơi quá nhiều có thể khiến cho cơ, xương và khớp ngày càng yếu đi, xảy ra các tình trạng co cứng khớp, ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch.

- Cân bằng giữa nghỉ ngơi và vận động. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường cảm thấy mệt mỏi liên tục vì cơ thể cần sử dụng nhiều năng lượng để chống lại các triệu chứng. Hãy ngủ đủ giấc và dành thời gian nghỉ ngơi trong ngày.

2. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

- Bổ sung các thực phẩm giàu Omega 3 để tăng cường chức năng khớp: cá ngừ, cá hồi, hạt lanh, đậu nành, dầu hạt cải,...

- Ăn nhiều trái cây và rau xanh để tăng cường hệ miễn dịch. Ưu tiên rau quả có chứa nhiều vitamin C, vitamin E, selenium, carotenoid như cà chua, cà rốt, cam, bơ, lựu,...

- Tăng cường các loại gia vị có tác dụng kháng viêm như gừng, nghệ, tỏi, lá lốt,...

- Nếu bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sử dụng thuốc có chứa thành phần corticoid thì cần tăng cường ăn hải sản và những thực phẩm giàu canxi và vitamin D để củng cố lại xương.

- Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần ăn uống khoa học, cân đối giữa các nhóm chất, tiêu thụ lượng thực phẩm vừa đủ. Người bệnh cần tránh ăn quá nhiều gây tăng cân, làm tăng áp lực lên xương khớp khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

- Kiêng hoàn toàn rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có ga, thực phẩm chế biến sẵn vì chúng có thể kích hoạt cơn đau, gia tăng tình trạng viêm, làm thoái hóa xương khớp.

3. Thư giãn khoa học

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và gia đình của những người mắc bệnh. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường có cảm giác chán nản, bị cô lập vì vận động bị hạn chế, khó hòa nhập với mọi người xung quanh. Có thể bạn không biết, cứ 3 người bị viêm khớp mạn tính thì có 1 người trong số đó cũng bị trầm cảm. Chính vì vậy, xây dựng 1 lối sống tĩnh cực rất quan trọng với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp:

- Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần thoải mái cởi mở, chia sử với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp để nhận sự hỗ trợ khi cần thiết.

- Khi gặp khó khăn trong vận động, hãy cố gắng thư giãn. Hít thở sâu có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn. Bạn cũng có thể học các môn yoga và thiền định để thư giãn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

- Tham gia 1 câu lạc bộ, lớp học hoặc nhóm hỗ trợ sẽ giúp bệnh nhân viêm khớp dạng thấp kết nối với xã hội và giải tỏa cảm xúc tốt hơn.

- Thỉnh thoảng bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể đi massage để thư giãn. Massage cũng có tác dụng rất tốt trong giảm đau viêm khớp dạng thấp.

- Nếu nhận thấy quá khó khăn trong việc kiểm soát, hoặc xuất hiện dấu hiệu trầm cảm, bạn nên gặp bác sĩ để tìm kiếm ý tưởng, phương pháp cải thiện tình hình.


Tác giả: Mai Nhung