Xạ hình xương giúp tầm soát ung thư xương hiệu quả

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Xạ hình xương giúp tầm soát ung thư xương hiệu quả
Xạ hình xương được đánh giá là phương pháp có độ nhạy cao nhất trong việc phát hiện các tổn thương do ung thư và các bệnh lý về xương gây ra. Chính vì vậy, xạ hình xương có ý nghĩa rất lớn trong việc tầm soát ung thư xương, phát hiện ung thư di căn xương giai đoạn sớm và các tổn thương xương khác.

1. Xạ hình xương là gì?

Xạ hình xương là phương pháp đưa các hạt phóng xạ vào cơ thể. Các hạt nhân này sẽ phát ra tia xạ, sau đó máy ghi hình tia xạ sẽ quét các tia xạ này, vẽ lên hình ảnh tổng thể của xương.

Nguyên tắc hoạt động của xạ hình xương đó là dựa vào đặc điểm các tế bào ung thư sẽ hấp thụ nhiều hạt  phóng xạ nhất, do đó phát ra nhiều tia xạ nhất. Máy ghi hình tia xạ sẽ chuyển dạng tia xạ thành các sóng điện tử và gửi đến máy tính. 

Máy tính tiếp tục chuyển tải các sóng điện tử này thành 1 hình ảnh có nhiều màu sắc khác nhau. Nếu vùng xương phát ra nhiều tia xạ sẽ được hiển thị màu đỏ, hay còn được gọi là điểm nóng, thể hiện vị trí xương đó đang bị bệnh. Vùng xương  phát ra ít tia xạ sẽ được hiển thị màu xanh, còn gọi là điểm lạnh. Dải màu xám và các màu sắc khác thể hiện lượng tia xạ phát ra ở mức trung bình.

Xạ hình xương cho phép kiểm tra toàn bộ xương trong cơ thể. Do đó, đa số các ca tầm soát ung thư di căn xương đều sử dụng phương pháp này.

2. Khi nào bạn nên thực hiện xạ hình xương?

- Nếu bạn muốn kiểm tra, chẩn đoán hoặc tầm soát ung thư xương nguyên phát, ung thư di căn xương.

- Bị chấn thương xương kín, khó xác định tình trạng.

- Bị đau xương không rõ nguyên nhân, đau xương trong thời gian dài, đau xương không thuyên giảm.

- Xạ hình xương có thể được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ tìm vị trí để chọc dò và sinh thiết xương.

- Khi bạn trải qua phẫu thuật ghép xương và cần theo dõi tình trạng xương mới.

- Xạ hình xương để đánh giá mức độ xương đáp ứng điều trị hóa chất, điều trị phóng xạ hoặc các điều trị khác.

- Để chẩn đoán và tầm soát các bệnh về xương và tủy xương khác như: Loãng xương, nhuyễn xương, u xương, viêm tủy, viêm khớp,....

3. Quy trình xạ hình xương trong tầm soát ung thư xương

- Y tá sẽ tiêm một lượng nhỏ hạt nhân phóng xạ vào tĩnh mạch ở cánh tay. Bệnh nhân sẽ phải đợi một khoảng thời gian để cho các hạt nhân phóng xạ lan ra khắp cơ thể, và các tế bào ung thư có đủ thời gian hấp thụ chúng. Bệnh nhân có thể đi ra ngoài trong một vài giờ, sau đó trở lại để được chụp xạ hình xương.

- Bệnh nhân được yêu cầu nằm trên giường để máy ghi hình tia xạ quét các tia xạ được phát ra từ cơ thể. Máy tính sẽ thu nhận thông tin và chuyển tải thành hình ảnh. Bệnh nhân cần phải nằm bất động trong khi chụp để hình ảnh không bị nhòe. Thời gian chụp có thể trên 20 phút.

- Xạ hình xương không gây đau đớn hay tác dụng phụ nào. Bệnh nhân có thể trở về nhà sau khi kết thúc quá trình chụp. Chất phóng xạ sẽ mất hoạt tính và được đào thải qua phân cùng nước tiểu trong vài giờ hoặc vài ngày sau đó.

4. Những lưu ý khi thực hiện xạ hình xương

- Trước khi xạ hình xương, bạn sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống trong khoảng 2 - 12 giờ đồng hồ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể phải dùng đến thuốc xổ, thuốc nhuận tràng.

- Thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, kể cả vitamin và thảo dược. Bởi có nhiều loại thuốc có thể thay đổi tính chất tia xạ.

- Xạ hình xương không được chỉ định cho phụ nữ mang thai. Bệnh nhân sau xạ hình xương cũng không nên tiếp xúc với phụ nữ mang thai và trẻ em. Bởi hạt nhân phóng xạ chưa đào thải hết có thể ảnh hưởng đến họ.

- Phản ứng với chất phóng xạ là rất hiếm. Tuy nhiên, hãy thông báo ngay với bác sĩ về bất kỳ phản ứng dị ứng nào xảy ra sau khi xạ hình xương.


Tác giả: Mai Nhung