Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang làm việc với các nhà khoa học trên toàn cầu để tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng với ít nhất 20 loại vắc-xin cho virus corona khác nhau. Đây được xem là khoảng thời gian kỷ lục - chỉ 60 ngày sau khi giải trình tự gen.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở của tổ chức ở Geneva vào thứ Sáu vừa rồi: “Thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc-xin là thực sự cần thiết, chúng ta có thể dựa trên những bài học từ các căn bệnh trước đó như SARS, hay MERS và bây giờ là COVID-19”.
WHO đồng thời cũng cảnh báo, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để các vắc-xin có thể sử dụng cho cộng đồng. Các nhà khoa học hàng đầu cho biết các thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt an toàn cần thiết để đưa vắc-xin khả thi ra thị trường có thể mất tới 18 tháng.
Kiểm tra xem bạn đã rửa tay đúng cách để phòng tránh Covid-19 hiệu quả chưa?
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết các thử nghiệm và thời gian phê duyệt lâu như vậy là cần thiết. Ông nói: “Có một thứ nguy hiểm hơn cả một loại virus gây bệnh, đó chính là một loại vắc-xin không an toàn.”
“Chúng tôi phải cực kỳ cẩn trọng trong việc phát triển bất kỳ sản phẩm nào mà có khả năng sẽ được đưa vào cơ thể của phần lớn dân số thế giới”, Mike nói. Các thử nghiệm đầu tiên trên người về vắc-xin sẽ bắt đầu vào tuần này ở Mỹ, tốc độ triển khai được nhận định là “chưa từng được thấy trước đây”. Mike nói thêm rằng điều này có thể sẽ không bao giờ xảy ra nếu Trung Quốc và các quốc gia khác không chia sẻ trình tự di truyền của COVID-19 với phần còn lại của thế giới.
Viện Y tế Quốc gia đã hợp tác nhanh chóng với công ty công nghệ sinh học Moderna để phát triển một loại vắc-xin sử dụng trình tự di truyền của virus corona. Thử nghiệm bắt đầu tại Viện nghiên cứu sức khỏe Kaiser Permanente Washington ở Seattle, Washington. Thử nghiệm giai đoạn đầu, hoặc giai đoạn 1, sẽ thử nghiệm vắc-xin trên 45 người nam và người nữ không mang thai trong độ tuổi từ 18 đến 55, theo chi tiết thử nghiệm trên trang web của NIH.
Trước khi vắc-xin được tìm thấy, các quan chức của WHO cũng cảnh báo về các rào cản hậu cần, tài chính và đạo đức khác mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt.
Tiến sĩ Mike Ryan nói: “Ngay cả khi chúng tôi tìm thấy được một loại vắc-xin hiệu quả, chúng tôi cũng phải tìm cách để tất cả mọi người đều có khả năng tiếp cận được loại vắc-xin đó. Phải có sự tiếp cận công bằng đối với vắc-xin cho mọi người, thế giới chỉ được bảo vệ khỏi virus corona khi tất cả đều được tiêm vắc-xin.”
Câu hỏi được đặt ra là: “Làm thế nào để chúng tôi đảm bảo đủ vắc-xin kịp thời, làm thế nào để đảm bảo có thể phân phối vắc-xin cho dân cư trên toàn thế giới và làm thế nào để thuyết phục mọi người tiêm vắc-xin này ?”.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus đang cùng các nhà lãnh đạo toàn cầu để có thể giải quyết những vấn đề trên.
Virus corona đã lây nhiễm hơn 245.000 người trên toàn thế giới và giết chết ít nhất 10.031 người, theo dữ liệu được biên soạn bởi Đại học Johns Hopkins. Các trường hợp mắc bệnh của Hoa Kỳ đã đạt ít nhất 14.250 người, tiểu bang New York chiếm hơn 40% tổng số nước Mỹ.
Vụ dịch bắt đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 và kể từ đó đã lan nhanh trên toàn thế giới. WHO công bố trước đó rằng châu Âu đã trở thành tâm chấn mới của đợt bùng phát.
Cập nhật thêm cẩm nang phòng chống COVID-19 mới nhất tại ĐÂY!