Cảm thấy buồn tiểu ngay khi vừa mới đi tiểu xong và bạn liên tục phải vào nhà vệ sinh để giải quyết nhu cầu này? Dưới đây là một số thông tin mà bạn cần biết về tần suất đi tiểu bao nhiêu là bình thường, nguyên nhân khiến bạn cảm thấy vừa đi tiểu xong lại buồn tiểu cũng như các dấu hiệu cho thấy cần thăm khám bác sĩ tiết niệu càng sớm càng tốt.
Thông thường, việc đi tiểu từ 6 - 8 lần một ngày không phải là quá nhiều nhưng nếu số lần vào nhà vệ sinh của bạn nhiều hơn con số này thì đã đến lúc cần xem lại sức khỏe tiết niệu. Đặc biệt nếu có các triệu chứng kèm theo như đau khi tiểu, bị són tiểu thường xuyên,... thì rất có thể là các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tại bàng quang hoặc tuyến tiền liệt (ở nam giới).
- Uống quá nhiều chất lỏng hoặc chất kích thích
Theo Business Insider, bạn có thể cảm thấy nhu cầu đi tiểu nhiều hơn bình thường nếu vừa uống quá nhiều chất lỏng như nước, canh,... cùng một lúc. Ngoài ra, có một số chất trong nước mà bạn uống có thể gây kích thích bàng quang, chúng bao gồm: nước ép của trái cây giàu tính axit, rượu bia, nước giải khát có gas, cà phê, trà, thực phẩm hoặc đồ uống từ cà chua, thức ăn cay, sô cô la.
Đọc thêm:
+ Có nên uống nước thể thao thay cho nước lọc không?
+ Nguyên nhân nào khiến bạn đi tiểu trong khi ngủ?
Mẹo đối phó:
Cách tốt nhất chính là tránh hoặc hạn chế việc tiêu thụ quá nhiều nước cùng một lúc cũng như xem xét việc tiêu thụ các đồ uống chứa chất kích kích bàng quang kể trên và uống đủ nước theo thể trạng của bản thân.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể ảnh hưởng tới tần suất đi tiểu của một người. Bệnh có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, trong đó phổ biến hơn cả là ở phụ nữ. Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể cảm thấy buồn đi tiểu liên tục, ngay cả khi vừa đi tiểu xong.
Trong thời gian bị nhiễm trùng, lượng nước tiểu mỗi lần có thể ít hơn còn tần suất đi tiểu lại tăng lên. Triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiểu bao gồm nóng rát khi đi tiểu; đau khi tiểu; đôi khi nước tiểu có màu đục hơn, lẫn máu hoặc có mùi hôi.
Điều trị:
Nhiễm trùng đường tiểu cần được điều trị bằng kháng sinh theo phác đồ của bác sĩ để không phát triển đến thận và gây nguy hiểm.
- Bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng sức khỏe khiến một người thường xuyên phải đi tiểu nhiều hơn bình thường do bàng quang bị co thắt quá mức.
Triệu chứng cụ thể bao gồm cảm giác buồn đi tiểu đột ngột và mót tiểu gấp sau đó là tiểu không kiểm soát. Số lần đi tiểu nhiều hơn 8 lần trong 24 giờ; người bệnh phải thức dậy hai lần hoặc nhiều hơn vào ban đêm để đi tiểu.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bàng quang tăng hoạt, trong đó các nguyên nhân phổ biến là do bàng quang bị tắc nghẽn, suy giảm chức năng não bộ, tiêu thụ quá nhiều chất kích thích bàng quang như caffeine hoặc rượu, người mắc bệnh tiểu đường, người bị thay đổi nội tiết tố, tác dụng phụ của các loại thuốc đang uống hoặc rối loạn thần kinh.
Điều trị:
Điều trị bàng quang tăng hoạt chủ yếu nhắm vào việc điều chỉnh chế độ ăn uống tránh các chất có thể kích thích bàng quang, vật lý trị liệu cho vùng chậu, các thực hành luyện tập bàng quang, uống thuốc, kích thích thần kinh, tiêm botox bàng quang,...
- Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ (IC: Interstitial cystitis), thường được gọi là hội chứng đau bàng quang phức tạp không do vi khuẩn gây ra. Triệu chứng của viêm bàng quang kẽ khó phát hiện, mặc dù các phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống nhưng hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm.
Bệnh xảy ra khiến bàng quang bị viêm và bào mòn; theo thời gian sức khỏe tiết niệu sẽ bị suy giảm. Trong đó, tiểu gấp là một trong những triệu chứng lâm sàng thường gặp khi mắc bệnh. Người bệnh sẽ cảm thấy buồn tiểu ngay khi vừa tiểu xong; thậm chí là khó kiểm soát phản xạ đi tiểu, từ đó dẫn tới tiểu són hoặc tiểu không tự chủ.
Tần suất đi tiểu tăng lên nhiều hơn bình thường, đôi khi có thể lên tới 10 - 50 lần một ngày, kể cả khi không uống nhiều nước.
Các triệu chứng khác của viêm bàng quang kẽ bao gồm đau nhức vùng chậu và xương mu, căng tức bàng quang, cơn đau tức có thể từ nhẹ tới nghiêm trọng.
- Vấn đề sức khỏe khác
+ Sàn chậu
Một số vấn đề về sàn chậu như rối loạn chức năng sàn chậu có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường với các triệu chứng khác bao gồm són tiểu, tiểu đau, táo bón, đau vùng chậu,... Tình trạng này có thể gặp ở cả nữ giới và nam giới.
+ Tuyến tiền liệt
Ở nam giới, các vấn đề về tuyến tiền liệt, đặc biệt là phì đại tuyến tiền liệt, có thể gây ra cảm giác buồn tiểu thường xuyên hơn. Nguyên nhân gây ra chủ yếu là do tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
Ngoài triệu chứng đi tiểu thường xuyên hơn thì người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác bao gồm buồn tiểu nhiều hơn vào ban đêm, khó khăn khi bắt đầu tiểu, dòng tiểu yếu, lúc nào cũng có cảm giác tiểu không hết,...
+ U xơ tử cung
U xơ tử cung phát triển có thể gia tăng áp lực lên bàng quang và khiến người bệnh buồn tiểu nhiều hơn bình thường.
- Tác dụng phụ của thuốc
Đôi khi tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng khiến bạn vừa đi tiểu xong lại buồn tiểu. Các loại thuốc này bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị tiểu đường (nhóm ức chế SGLT2),...
Nếu bạn đang sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ và nhận thấy tần suất đi tiểu bắt đầu tăng lên nhiều hơn bình thường hoặc có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu, hãy nói chuyện với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn đổi thuốc, giảm liều hoặc các cách đối phó khác.
- Bí tiểu
Bí tiểu chỉ tình trạng không thể làm trống hoàn toàn bàng quang khi đi tiểu, từ đó gây ra cảm giác buồn đi tiểu dai dẳng ngay cả khi vừa mới tiểu xong. Bí tiểu cũng có thể gây ra cảm giác đau bụng dưới.
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường và cảm giác buồn tiểu ngay khi vừa đi tiểu xong. Tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có các chỉ định điều trị khác nhau.
Nhưng nhìn chung, nếu việc đi tiểu quá nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của bạn kèm theo các cơn đau thể chất, lượng nước tiểu nhỏ giọt ở mỗi lần đi tiểu hoặc cảm thấy không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn sau mỗi lần tiểu, đặc biệt nếu bạn là nam giới lớn tuổi - thì điều này có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và bạn cần phải thăm khám bác sĩ để được can thiệp đúng cách.
Ngoài ra, bạn cũng cần thăm khám bác sĩ nếu phát hiện nước tiểu bất thường như có máu lẫn trong nước tiểu, nước tiểu có màu trắng hoặc đục, nước tiểu có mùi hôi tanh hoặc đi tiểu nhiều kèm sốt và đau lưng.
Theo Healthline, dưới đây là lời khuyên để có một đường tiết niệu khỏe mạnh:
- Ăn các thực phẩm giàu men vi sinh, đặc biệt là lactobacillus (loại khuẩn phổ biến trong sữa chua và kefir).
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh vùng kín lành tính, thành phần tự nhiên, không nên sử dụng các sản phẩm có mùi thơm hóa học.
- Mặc đồ lót có chất liệu cotton, rộng rãi.
- Tránh mặc các loại quần bó sát, chất liệu bí, kém thấm hút mồ hôi.
- Cố gắng đi tiểu 3 - 4 giờ một lần và tránh nhịn tiểu nếu cảm thấy buồn tiểu.
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Cố gắng uống đủ nước mỗi ngày.
- Tránh uống quá nhiều caffeine hoặc rượu bia.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 6 reasons you feel like you need to pee right after you've peed, according to urologists
2. Does How Often You Pee Say Something About Your Health?