Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì?

Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì?
Có nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau có thể khiến một người vừa cảm thấy choáng váng, chóng mặt lại vừa mệt mỏi như kiệt sức.

Dưới đây là những nguyên nhân có thể khiến bạn cảm thấy vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu và cách đối phó. Lưu ý, những thông tin dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ tại cơ sở y tế. Hãy thăm khám khi cảm thấy tình trạng này ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt thường ngày và kèm theo các triệu chứng khác như: Khó thở, đánh trống ngực, ngất xỉu,...

1. Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì?

Theo Healthline, có 9 nguyên nhân phổ biến có thể gây ra tình trạng này, cụ thể:

1.1. Đường huyết thấp

Đường huyết thấp hay còn gọi là hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) khiến cơ thể không tạo ra đủ năng lượng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm chóng mặt, run rẩy và mệt mỏi; nhịp tim nhanh; đổ mồ hôi; cảm giác đói dữ dội; cáu kỉnh, khó chịu hoặc lú lẫn.

Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì? - Ảnh 2.

Đường huyết thấp hay còn gọi là hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Hoa mắt, chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó

Đau đầu, mệt mỏi khi ngồi điều hoà: Nguyên nhân và cách khắc phục

Hạ đường huyết có thể là tác dụng phụ của insulin và các loại thuốc khác dùng để điều trị bệnh tiểu đường do người uống không tuân thủ đúng liều lượng thuốc dẫn tới lượng đường trong máu giảm quá mức. Hạ đường huyết cũng có thể là kết quả của việc nhịn ăn trong thời gian dài hoặc uống rượu mà không ăn.

Đối phó: Nguồn carbohydrate tác dụng nhanh có thể giúp hạ đường huyết. Bạn có thể thử một cốc nước ép trái cây hoặc một viên kẹo cứng, sau đó ăn một bữa ăn bổ dưỡng để tăng lượng đường trong máu. Trong trường hợp người mắc tiểu đường thường xuyên bị hạ đường huyết, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc điều chỉnh lại lượng thuốc hoặc thay đổi việc ăn 3 bữa lớn thành nhiều bữa nhỏ hơn, thường xuyên hơn trong ngày - điều này sẽ giúp lượng đường trong máu ổn định.

1.2. Huyết áp thấp

Chỉ số huyết áp bình thường là 120/80 mmHg (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương). Huyết áp thấp là khi chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg, kết quả này đo được khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi.

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến huyết áp bị tụt (giảm) bao gồm các vấn đề về tim; tác dụng phụ của thuốc điều trị huyết áp cao, bệnh Parkinson hoặc bệnh trầm cảm; chấn thương nghiêm trọng dẫn tới mất máu nhiều; mất nước; mang thai; bệnh tiểu đường.

Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì? - Ảnh 3.

Huyết áp thấp là khi chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg (Ảnh: ST)

Các triệu chứng của huyết áp thấp có thể kể đến như: Choáng váng, chóng mặt và mệt mỏi, buồn nôn, khát nước, tầm nhìn suy giảm, thở nhanh hơn và nông hơn, da nhợt nhạt, cảm giác da ẩm ướt hơn bình thường, khó tập trung và suy nghĩ.

Đối phó: Điều trị nguyên nhân gây tụt huyết áp có thể đưa huyết áp của bạn trở lại chỉ số bình thường. Các biện pháp này có thể là: Điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể; thêm muối vào chế độ ăn; uống nhiều nước hơn để tránh bị mất nước; sử dụng tất nén y khoa hỗ trợ khi không di chuyển đủ (thường gặp ở người bệnh bị giãn tĩnh mạch).

1.3. Thiếu máu

Các tế bào hồng cầu trong cơ thể có vai trò mang oxy tới tất cả các mô và cơ quan trong cơ thể. Khi bị thiếu máu, cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu hoặc chức năng hồng cầu suy giảm sẽ gây ra các triệu chứng như chóng mặt và mệt mỏi. Ngoài các triệu chứng này, người bị thiếu máu còn dễ bị hụt hơi, yếu ớt hơn, nhịp tim đập nhanh hoặc không đều, đau nhức đầu, tay hoặc chân lạnh, da nhợt nhạt, đau ngực.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh thiếu máu. Có thể kể đến các nguyên nhân phổ biến như chảy máu (bao gồm cả chảy máu kinh quá mức), thiếu hụt dinh dưỡng thiết yếu như sắt, các tình trạng sức khỏe liên quan tới tủy xương, tác dụng phụ của thuốc hóa trị liệu ung thư.

Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì? - Ảnh 4.

Khi bị thiếu máu, cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu hoặc chức năng hồng cầu suy giảm sẽ gây ra các triệu chứng như chóng mặt và mệt mỏi (Ảnh: ST)

Đối phó: Để điều trị thiếu máu, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh là gì. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm: Truyền máu; sử dụng corticosteroid, các thuốc ức chế hệ miễn dịch; sử dụng erythropoietin giúp tủy xương tạo được nhiều tế bào máu hơn; bổ sung sắt, vitamin B12, acid folic và các loại vitamin, khoáng chất khác. 

Tuy nhiên, khi nghi ngờ bị thiếu máu, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn làm các xét nghiệm cụ thể, không nên tự ý bổ sung thực phẩm chức năng hay dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

1.4. Đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh gây ra các đợt đau đầu dữ dội ở nửa đầu hoặc đau nhói kéo dài từ vài giờ tới vài ngày. Với cơn đau nửa đầu, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn và nôn mửa, thị lực thay đổi (nhìn thấy đèn nhấp nháy hoặc nhiều đốm ánh sáng màu sắc khác nhau), nhạy cảm hơn với âm thanh và ánh sáng, cực kỳ khó chịu và mệt mỏi.

Với chứng đau nửa đầu tiền đình, bệnh nhân có thể kèm thêm cảm giác chóng mặt và choáng váng, ngay cả khi không bị đau đầu. Cơn chóng mặt có thể kéo dài từ vài phút tới vài giờ.

Đối phó: Điều trị đau nửa đầu thường bao gồm việc xây dựng lối sống lành mạnh như ngủ đủ giấc, tránh các tác nhân có thể kích hoạt cơn đau nửa đầu như caffeine hay rượu bia; sử dụng thuốc để phòng ngừa như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật; các loại thuốc ngắn hạn như thuốc chống viêm không steroid và triptan có thể giúp giảm nhẹ cơn đau; trị liệu khác như massage hay châm cứu cũng có thể giúp ích.

Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì? - Ảnh 5.

Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh gây ra các đợt đau đầu dữ dội ở nửa đầu hoặc đau nhói kéo dài từ vài giờ tới vài ngày (Ảnh: ST)

1.5. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm choáng váng, chóng mặt và mệt mỏi. Chúng bao gồm: 

- Thuốc chống trầm cảm như fluoxetin và trazodone.

- Thuốc chống co giật như divalproex, gabapentin và pregabalin.

- Thuốc bệnh tim như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu.

- Thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine và metaxalone.

- Thuốc ngủ như diphenhydramine, temazepam, eszopiclone và zolpidem.

Nếu đang sử dụng các loại thuốc này và gặp phải các tác dụng phụ kể trên, hãy nói chuyện với bác sĩ về cách đối phó thay vì ngừng liều mà không có chỉ định của bác sĩ.

1.6. Nhịp tim không đều

Nhịp tim không đều hay còn gọi là loạn nhịp tim có thể khiến tim đập quá chậm hoặc quá nhanh hay lỡ nhịp. Ngoài triệu chứng chóng mặt và mệt mỏi thì loạn nhịp tim có thể khiến một người bị hụt hơi, đau ngức hoặc thậm chí là ngất xỉu.

Đối phó: Bác sĩ có thể giúp điều trị các rối loạn nhịp tim bằng các loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị huyết áp tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến khích mọi người nên tránh xa các chất kích thích như caffeine, rượu,... bởi những chất này có xu hưởng ảnh hưởng tới nhịp tim của bạn.

1.7. Chứng mệt mỏi mãn tính

Chứng mệt mỏi mãn tính khiến một người cảm thấy mệt mỏi quá mức, ngay cả khi ngủ đủ giấc. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm: Chóng mặt và khó giữ thăng bằng kèm theo mệt mỏi tột độ; các vấn đề về trí nhớ và sự tập trung; đau cơ hoặc đau khớp; đau đầu; dị ứng và nhạy cảm với thực phẩm, thuốc men hoặc các tác nhân khác.

Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì? - Ảnh 6.

Chứng mệt mỏi mãn tính khiến một người cảm thấy mệt mỏi quá mức, ngay cả khi ngủ đủ giấc (Ảnh: ST)

Đối phó: Thực tế điều trị chứng mệt mỏi mãn tính rất khó khăn vì mỗi người khác nhau sẽ có những triệu chứng và mức độ khác nhau. Một số liệu pháp hỗ trợ như tư vấn hoặc dùng thuốc khi cần thiết có thể được bác sĩ chỉ định.

1.8. Viêm dây thần kinh tiền đình

Viêm dây thần kinh tiền đình là một rối loạn xảy ra ở tai trong có liên quan tới các nhiễm trùng như cảm lạnh hoặc cúm. Viêm sưng dây thần kinh tiền đình khiến cơ thể có cảm giác choáng váng, chóng mặt và rất mệt mỏi. Người bệnh cũng có thể bị buồn nôn hoặc nôn mửa, tập trung kém; suy nhược cơ thể; rối loạn vận ngôn; rối loạn phối hợp các chi kémvà suy giảm thị lực.

Đối phóNhiều phương pháp điều trị viêm dây thần kinh tiền đình đã được báo cáo, phần lớn có thể được chia thành điều trị triệu chứng, điều trị bằng thuốc đặc hiệu và điều trị phục hồi chức năng tiền đình.

1.9. Mất nước

Mất nước xảy ra khi cơ thể không có đủ chất lỏng để thực hiện quá trình trao đổi chất và hoạt động bình thường, đặc biệt là khi trời nóng hoặc tập thể dục. 

Các triệu chứng mất nước có thể gặp bao gồm: Chóng mặt, mệt mỏi, tiểu ít hoặc không có nước tiểu, lú lẫn, đau đầu.

Đối phó: Điều trị mất nước bao gồm bù nước bằng dung dịch điện giải, nước lọc,... qua đường uống. Trong trường hợp bị mất nước nghiêm trọng, truyền tĩnh mạch tại cơ sở y tế có thể cần thiết.

Ngoài các tình trạng phổ biến gây chóng mặt và mệt mỏi kể trên thì một vài nguyên nhân khác cũng cần chú ý như:

- Các vấn đề về tim: Cơ tim yếu (suy tim), mạch máu bị tắc nghẽn (bệnh tim mạch vành) và các vấn đề tim tương tự có thể khiến não không nhận được máu giàu oxy. Điều đó có thể khiến chóng mặt và choáng váng đến mức ngất xỉu. Nó có thể bắt đầu mà không có cảnh báo và xảy ra liên tục trong nhiều tuần.

Vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu là bệnh gì? - Ảnh 7.

Triển vọng điều trị chứng choáng váng, chóng mặt và mệt mỏi sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là gì (Ảnh: ST)

- Đứng dậy đột ngột hay còn gọi là hạ huyết áp tư thế đứng xảy ra do máu không đến não đủ nhanh. Cảm giác này sẽ qua sau vài phút.

- Say tàu xe: Đi du lịch bằng tàu, ô tô, máy bay hoặc tàu hỏa có thể khiến não bạn nhầm lẫn về chuyển động của cơ thể dẫn tới buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh.  Cảm giác lắc lư, choáng váng và mất thăng bằng có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc lâu hơn.

2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Theo Healthline, nếu bạn thường xuyên cảm thấy vừa chóng mặt vừa mệt mỏi, khó chịu, tốt nhất hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám chẩn đoán nguyên nhân càng sớm càng tốt. 

Một số trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp (chẳng hạn như đột quỵ, phình vỡ động mạch) khi có các triệu chứng nghiêm trọng liên quan như: Ngất xỉu hoặc mất ý thức; lên cơn động kinh; mờ mắt hoặc mất thị lực; nôn mửa dữ dội; tim đập nhanh; đau tức ngực; lú lẫn; sốt cao trên 39 độ C; khó nói, nói lắp; méo miệng ; xệ một bên mặt;...

Triển vọng điều trị chứng choáng váng, chóng mặt và mệt mỏi sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là gì. Có một số giải pháp có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng này xảy ra bao gồm: Uống nhiều nước; không đứng dậy đột ngột; tránh hoặc hạn chế tiêu thụ rượu bia;...

Nguồn dịch tham khảo:

1. What Causes Dizziness and Fatigue? 9 Possible Causes

2. Why Am I Lightheaded and Dizzy?


Tác giả: Allen