Vụ trẻ sơ sinh có thể hấp thụ khoảng 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày: Nguy cơ đối với sức khỏe là gì?

Vụ trẻ sơ sinh có thể hấp thụ khoảng 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày: Nguy cơ đối với sức khỏe là gì?
Thông tin về việc trẻ nhỏ có thể nuốt khoảng 1,6 triệu hạt vi nhựa vào cơ thể vì sử dụng bình sữa đã khiến nhiều người vô cùng lo lắng về mối nguy hại của chúng đối với sức khỏe con người.

Mới đây, các nhà nghiên cứu Ireland đến từ trường Trinity College Dublin (Ireland) đã công bố phát hiện về lượng hạt vi nhựa mà trẻ sơ sinh có thể nuốt phải khi bú bình trong khoảng 12 tháng đầu đời.

Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food vào ngày 19/10 vừa qua, các bình sữa làm bằng nhựa polypropylene (PP) mỗi ngày thải ra từ 1,3 đến 1,6 triệu hạt nhựa/ mỗi lít.

Dựa vào kết quả này, các nhà khoa học nhận định, trẻ bú bình có thể hấp thụ trung bình 16 triệu hạt vi hạt nhựa mỗi ngày trong 12 tháng đầu đời. Trong đó, trẻ ở các nước vùng Châu Đại Dương, Bắc Mỹ và Châu Âu có mức độ phơi nhiễm tiềm năng cao nhất, lần lượt là 2,1 – 2,2 – 2,6 triệu hạt/ngày do ít bú mẹ.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị về việc chuẩn bị sữa công thức cho trẻ khi sử dụng IFB bằng nhựa giúp giảm thiểu hạt vi nhựa. Nhưng, vấn đề về sự ảnh hưởng của hạt vi nhựa đến sức khỏe của trẻ vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có lời giải đáp.

Vụ trẻ sơ sinh có thể hấp thụ khoảng 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày: Nguy cơ đối với sức khỏe là gì? - Ảnh 1.

Tính đến thời điểm hiện tại, giới khoa học vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận chắc chắn về độc tính của các hạt vi nhựa đối với cơ thể con người. (Ảnh: Internet)

Ảnh hưởng của hạt vi nhựa đến sức khỏe con người như thế nào?

Tìm hiểu về hạt vi nhựa thông qua các tài liệu cũng như báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO trong năm 2019 về tác hại của chúng đối với sức khỏe con người có thể thấy, tính đến thời điểm hiện tại, giới khoa học vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận chắc chắn về độc tính của các hạt vi nhựa đối với cơ thể con người.

Cũng trong báo cáo này, WHO cho biết, đây chưa phải là một mối quan ngại sâu sắc. Các nghiên cứu đến thời điểm này về việc cơ thể hấp thụ các hạt vi nhựa cho thấy, các vi nhựa có kích thước lớn hơn 150 μm (micromet) có khả năng được thải trực tiếp qua phân.

Đồng thời, theo báo Pháp luật và bạn đọc, PGS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên giảng viên của Viện công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, nguy cơ thôi nhiễm các hạt vi nhựa từ bình nhựa luôn hiện hữu trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng, hiện tại Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu nào về nguy hại của nhựa đối với sức khoẻ.

Song, đứng trước tình trạng sử dụng nhựa tái chế rất nhiều ở Việt Nam, PGS Thịnh cho rằng khi chưa ngã ngũ về các loại đồ nhựa, tốt nhất hạn chế dùng đồ nhựa không chỉ cho trẻ mà cho cả gia đình. Bạn có thể thay thế bằng các loại hộp, lọ thuỷ tinh. Nếu sử dụng nhựa cần chọn các cơ sở uy tín và không nên cho đồ nhựa vào lò vi sóng hay đựng thực phẩm ở nhiệt độ quá nóng.

Khi đồ nhựa vẫn là sản phẩm không thể từ chối được thì nên có giải pháp để người dân biết cách lựa chọn sản phẩm nào là nhựa an toàn, sản phẩm nào là nhựa tái chế.

Tuy nhiên, theo một bài viết của của Thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên (Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, cộng tác viên ban Khoa học, Ruy Băng Tím) được đăng tải trên Zing.vn, nhiều nghiên cứu về việc tích lũy sinh học và độc tính của các hạt vi nhựa trên động vật có vú. Những tác động của hạt vi nhựa lên sức khỏe con người và động vật phụ thuộc vào nồng độ, thời gian phơi nhiễm. Kết quả cho thấy các mảnh vi nhựa có thể xâm nhập vào tế bào như tế bào M hay tế bào tua (dendritic cells). Chúng theo hạch bạch huyết vào tuần hoàn chung, tích lũy tại các cơ quan thứ cấp, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và sức khỏe con người.

Nhờ kích thước rất nhỏ và tính kỵ nước của các hạt vi nhựa, giúp chúng dễ dàng đi qua hàng rào nhau thai cũng như máu não, có thể vào đường tiêu hóa và phổi, những vị trí tiềm ẩn nguy cơ bị tổn thương. Đồng thời, các hạt vi nhựa có khả năng hấp phụ các vi sinh vật hay chất ô nhiễm độc hại. Khi vào cơ thể, chúng có thể gây stress oxy hóa các tế bào, dẫn đến kích hoạt nhiễm trùng, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn quá trình nội tiết.

Chưa kể, hạt vi nhựa còn gây ảnh hưởng tới da, răng người sử dụng, và như một chất nền tạo môi trường thuận lợi cho một số loại vi khuẩn gây bệnh ở người… Đối với với các sản phẩm chăm sóc da, hạt vi nhựa có khả năng làm mỏng da với những người da nhạy cảm và có thể hình thành các lỗ nhỏ trên da dẫn đến dễ tổn thương và nhiễm khuẩn hơn.

Các hạt vi nhựa trong kem đánh răng không chỉ gây ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe con người, chúng còn gây ra một số vấn đề răng miệng. Chúng bị kẹt trong đường viền nướu, là nơi để vi khuẩn bám vào, tăng nguy cơ mắc các bệnh nha chu và viêm nướu.

Vụ trẻ sơ sinh có thể hấp thụ khoảng 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày: Nguy cơ đối với sức khỏe là gì? - Ảnh 2.

Hạt vi nhựa thường được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm như: kem đánh răng, sữa rửa mặt, sữa tắm, một số loại mỹ phẩm (sơn móng tay, mascara, son,…),… (Ảnh: Internet)

Với tất cả các lý do trên, thông qua bài viết đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên cũng nhấn mạnh thêm rằng, dù thiếu hụt bằng chứng khoa học, song, những tác động tiêu cực của hạt vi nhựa đến môi trường, vi sinh vật biển và gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe con người là hồi chuông cảnh tỉnh con người cần loại bỏ hạt vi nhựa khỏi các sản phẩm chăm sóc và mỹ phẩm hàng ngày. 

Trong khi đó, một bài biên dịch khác trên báo Trí Thức Trẻ, Giáo sư dược lý và độc học Phoebe Stapleton, Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết: "Bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu ta muốn tìm hạt vi nhựa, chúng đều xuất hiện. Chúng ta biết rằng con người tiếp xúc với các hạt nhựa này hàng ngày.

Chúng ta biết rằng chúng xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua đường tiêu hóa và đường hô hấp, và tùy thuộc vào kích thước của các hạt vi nhựa, chúng ta biết rằng chúng có thể vượt qua các rào cản sinh lý tự nhiên. Điều này có nghĩa là một số hạt nhựa này đủ nhỏ để đi qua các mô bảo vệ của cơ thể và vào máu cũng như các cơ quan nội tạng".

Tuy nhiên, nữ giáo sư cũng vẫn khẳng định: "Hiện tại chúng ta không biết hậu quả và độc tính của những phơi nhiễm này. Do đó vẫn cần thêm các nghiên cứu để chứng minh tác động tiêu cực mới có thể khẳng định".

Hạt vi nhựa là gì?

Hạt vi nhựa (microplastics) những mảnh nhựa hoặc hạt có kích thước dưới 5 mm. Hạt vi nhựa được làm từ polyme tổng hợp bao gồm polyetylen, axit polylactic (PLA), poly(methyl methacrylate), polypropylene, polystyrene, hoặc polyethylene terephthalate.

Thường được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm như: kem đánh răng, sữa rửa mặt, sữa tắm, một số loại mỹ phẩm (sơn móng tay, mascara, son,…),…

Vai trò của hạt vi nhựa trong các sản phẩm vệ sinh cá nhân hàng ngày là giúp loại bỏ chất nhờn, bụi bẩn trên da cũng như đảm bảo, kiểm soát chất lượng thành phẩm.

Một nghiên cứu năm 2015 ở Anh về thành phần các sản phẩm tẩy tế bào chết trên da mặt cho thấy chúng chứa từ 137,000 đến 2,8 triệu hạt vi nhựa mỗi chai.

Còn trong báo cáo "Plastic in Cosmetics" của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vào tháng 6/2015, công bố lượng hạt vi nhựa được sử dụng trong các sữa tắm tẩy da chết ngang bằng với lượng nhựa ở các bao bì đóng gói.

Làm thế nào để giảm hạt vi nhựa vào cơ thể?

Các nhà nghiên cứu Ireland gợi ý quy trình pha sữa công thức gồm 4 bước:

1. Sau khi tiệt trùng bình sữa, rửa sạch bình bằng nước mát và vô trùng.

2. Luôn pha sữa công thức trong bình không làm từ nhựa.

3. Sau khi sữa công thức nguội xuống bằng nhiệt độ phòng, có thể chuyển sữa vào bình nhựa đã tiệt trùng và rửa nước mát cho trẻ bú.

4. Tránh hâm lại sữa công thức đã pha trong bình nhựa, đặc biệt là bằng lò vi sóng.

Các nhà nghiên cứu Ireland cũng nhấn mạnh họ không muốn khiến các bậc phụ huynh sốt sắng.

"Chúng ta chưa hiểu hết những nguy cơ đối với sức khỏe con người khi tiếp xúc với những hạt nhựa nhỏ này, nhưng đây là một lĩnh vực nghiên cứu mà chúng tôi và các nhóm khác đang tích cực theo đuổi", các nhà nghiên cứu viết trên The Conversation.

Tác giả: Hằng Trần