Tiểu đường là một bệnh nguy hiểm và có tốc độ phát triển nhanh trong cuộc sống hiện đại. Tiểu đường đứng thứ 6 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đứng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân đứng thứ 2 gây mù lòa ở người trưởng thành.
Tiểu đường gồm hai dạng là tiểu đường type 1 (người bệnh thiếu hụt insulin) và tiểu đường type 2 (insulin giảm hoạt động). Nếu như tiểu đường type 1 đặc trưng bởi sự hủy hoại tế bào beta tiết insulin trong tuyến tụy và do đó thiếu hụt gần như tuyệt đối insuline thì tiểu đường type 2 lại đặc trưng bởi rối loạn hoạt động tiết insulin.
Hiện nay không có phương pháp điều trị tiểu đường type 1. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang cố gắng thay đổi điều đó. Với các bệnh nhân tiểu đường type 1, việc tiêm insulin, theo dõi đường huyết và tính toán lượng carbonhydrat đưa vào cơ thế đã trở thành một phần cuộc sống thường nhật.
Các bệnh nhân tiểu đường type 1 không có khả năng tiết insulin, nghĩa là họ phụ thuộc vào việc tiêm hormone này thường xuyên để kiểm soát lượng đường trong máu. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications đã gợi ý một phương pháp điều trị cho các bệnh nhân dựa theo hướng sử dụng chính các tế bào của người bệnh để tạo ra các tế bào có thể tiết insulin mà họ cần.
Nghiên cứu này cho biết các tế bào được tạo ra có thể tiết insulin khi gặp đường (trong máu) cả trong thử nghiệm bằng mô nuôi cấy và thử nghiệm trên chuột.
TS. Jeffery R. Millman (Đại học Washington), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Về lý thuyết, nếu chúng tôi thay các tế bào tổn thương ở người bệnh bằng các tế bào mới có chức năng lưu trữ và giải phóng insulin để kiểm soát lượng glucose trong máu, bệnh nhân tiểu đường type 1 sẽ không cần phải tiêm insulin. Các tế bào mà chúng tôi tạo ra sẽ nhận biết sự hiện diện của glucose trong máu và phản ứng bằng cách tiết insulin".
Ứng dụng của tế bào gốc
Millman đã thực hiện các nghiên cứu trước đó với mô của người không mắc tiểu đường. Tuy nhiên, nghiên cứu mới sử dụng các tế bào từ da của bệnh nhân tiểu đường type 1. Một số nhà khoa học nghĩ rằng sẽ có những nhược điểm khi lấy mô từ bệnh nhân tiểu đường ngăn cản việc các tế bào gốc biệt hóa thành tế bào beta. Nhưng điều đó không đúng trong trường hợp này.
Ý tưởng thay thế các tế bào beta thực ra đã có từ hơn 20 năm trước, bắt nguồn từ các nhà nghiên cứu là TS. Paul E. Lacy và David W. Sharp tại Đại học Washington. Họ đã cấy các tế bào vào bệnh nhân tiểu đường type 1.
Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng về việc phát triển khối u ở chuột thí nghiệm.
Millman dự đoán các tế bào beta phát triển từ tế bào gốc có thể sẵn sàng thử nghiệm trên người trong khoảng từ 3-5 năm tới. Ông cũng cho biết trong tương lai, kỹ thuật này có thể dùng để hỗ trợ cả bệnh nhân tiểu đường type 2, tiểu đường ở trẻ sơ sinh và hội chứng Wolfram (hội chứng di truyền liên quan đến tiểu đường).