Vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên ra chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt

Vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên ra chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt
Sau khi một học sinh tử vong trong vụ ngộ độc thực phẩm, chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chuyên giao giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, an toàn là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì nó là sinh mạng, là sự sống.

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, qua vụ việc một trường hợp tử vong trong số hơn 400 học sinh Trường Ischool Nha Trang đã, đang phải điều trị tại các bệnh viện, nghi bị ngộ độc thực phẩm, các trường học cần cải thiện về tư duy an toàn bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, hầu hết trường học ở Việt Nam không có chuyên gia an toàn trường học. Các trường nên có chức danh chuyên viên an toàn trường học trong biên chế nhân sự của trường. Hiện nay, chuyên ngành này chưa được đào tạo ở trường sư phạm.

"Tôi khẳng định các hiệu trưởng không phải nhân sự chuyên về an toàn, do vậy khi thực hiện công việc không có chuyên môn sâu và rất cần nhân sự chuyên trách để thực hiện việc giám sát an toàn hằng ngày cho một trường học thường có tới vài trăm hoặc lên tới hàng ngàn con người.

Vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên ra chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt - Ảnh 1.

Nhiều học sinh nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm.

Phạm vi an toàn không chỉ là phòng ngừa tai nạn như té ngã, va chạm nói chung, mà còn là cháy nổ, thiên tai, điện, ngộ độc thực phẩm, sự cố gây thương tích, đuối nước… là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong".

Đọc thêm:

Nghiên cứu mới: Làm điều này giúp bạn giảm 99% nguy cơ ngộ độc thực phẩm

4 'điểm đen' trong căn bếp chứa cả ổ vi khuẩn E.coli, bẩn hơn nhà vệ sinh đến 200.000 lần

Thứ hai, bữa ăn của trường học nói riêng và bữa ăn tập thể nói chung phải theo thứ tự an toàn thực phẩm - dinh dưỡng - ngong miệng. Bởi bữa ăn học đường là bữa ăn tập thể, để bảo vệ học sinh thì an toàn thực phẩm phải đặt lên vị trí ưu tiên cao nhất. Sau đó là bữa ăn vì dinh dưỡng phù hợp với các em, do các em đang ở lứa tuổi phát triển. Và sau cùng mới là ngon miệng.

Thứ ba, đó là bữa ăn chuyên nghiệp. "Theo tôi, bữa ăn của học sinh không nên là chỗ để kê giá giữa nhà trường với phụ huynh. Nhà trường có thể thu học phí cao hơn, nhưng nên minh bạch bữa ăn của học sinh với cha mẹ. Bữa ăn có giá 50.000 đồng thì phải đúng là 50.000 đồng, không được phép làm bữa ăn chỉ 20.000 đồng. Phải công khai để phụ huynh biết được bữa ăn con họ ăn có được thiết kế trên số tiền chính xác là bao nhiêu. Kê giá bữa ăn là việc làm thiếu đạo đức, thiếu quang minh chính đại của trường học.

Vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên ra chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt - Ảnh 2.

Suất ăn của học sinh tại Trường iSchool Nha Trang.

Trường học cũng có thể thu phí quản lý kèm theo bữa ăn, nhưng phải minh bạch với phụ huynh về thành phần phí, ví dụ tiền ăn của các em là 50.000 đồng trả cho nhà cung cấp, phí quản lý là 20.000 đồng, tổng cộng là 70.000 đồng. Rõ ràng như vậy, thì phụ huynh ai có nhu cầu có thể đăng ký bữa ăn ở trường, không nên mập mờ thông tin khiến phụ huynh trả tiền bữa ăn 70.000 đồng và cứ nghĩ rằng con họ đang ăn bữa ăn có giá trị dinh dưỡng 70.000 đồng".

Thứ tư, trường học nào cũng có rủi ro tai nạn, dù nó là trường tư, trường công, trường bán công, trường quốc tế, trường chuyên… Đơn giản là vì trường học là môi trường tập thể nơi có sự tương tác của hàng ngàn con người.

Do vậy, để giảm thiểu và phòng tránh rủi ro, người ta chỉ có thể dựa vào chính sách tốt, quy trình tốt và con người mẫn cán. Một trường học an toàn phải nghĩ về an toàn từ trước, phải có chính sách về an toàn trường học, phải tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên trách thường xuyên kiểm tra về an toàn và phải xây dựng văn hóa an toàn trong trường học.

Và cuối cùng, "Theo tôi, bữa ăn bán trú của học sinh ở trường phải đáp ứng tiêu chí sạch và an toàn về hóa chất".

Thông tin ban đầu, vào ngày 17/11, Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh (lứa tuổi từ 7 đến 16 tuổi) gồm các món ăn: cơm gà xốt trứng, gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm), cánh gà chiên, canh (xương, cà rốt, cải thảo), dưa leo. Bữa ăn xế lúc 13h30 (bánh ngọt Paparoti); uống nước tại hệ thống lọc nước của trường.

Khoảng 17h cùng ngày, một số em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, đến khoảng 22h xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn và các em được người nhà đưa đi nhập viện tại các Bệnh viện trong thành phố.

Chiều 20/11, Trường iSchool Nha Trang tổ chức buổi họp phụ huynh sau khi ghi nhận 1 trường hợp tử vong trong số hơn 400 học sinh trường này đã, đang phải điều trị tại các bệnh viện, nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Sau sự việc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Khánh Hòa tạm thời đình chỉ hoạt động bếp ăn Trường Ischool Nha Trang. Bếp ăn chỉ được mở lại khi cơ quan chức năng có kết quả điều tra, xác định nguyên nhân và được hoạt động lại khi đã đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cục cũng yêu cầu tỉnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật khi phát hiện vi phạm.

Cách xử trí đúng khi bị ngộ độc thực phẩm

Trước tiên, phải hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể bằng cách ngừng ngay ăn uống và khẩn trương loại bỏ, tống xuất thức ăn nghi gây ngộ độc ra ngoài cơ thể bằng cách gây nôn. Cách gây nôn đơn giản là dùng tay móc họng, hoặc dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn.

Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng cách gây nôn cho trẻ, cần phải lưu ý móc họng trẻ cho khéo, tránh làm xây xát họng trẻ. Phải để trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong. Trong quá trình gây nôn, phải luôn dùng khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.

Bù nước cho bệnh nhân: Sau khi gây nôn nên cho người bị ngộ độc uống 1 tuýp than hoạt hoặc uống nước oresol bù điện giải. Nếu người bị ngộ độc nôn, tiêu chảy mất nước nhiều thì cần tăng lượng nước oresol hoặc nước lọc uống bù cho việc mất nước.

Lưu  ý:  Đối với tất cả các trường hợp bị ngộ độc, sau khi sơ cứu tại chỗ đều phải đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế xử trí kịp thời hoặc cho hướng dẫn phù hợp. Tuyệt đối không được cho người bị ngộ độc uống thuốc cầm tiêu chảy. Cần lưu giữ thức ăn nghi gây NĐTP để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc và định hướng tìm chất trung hòa độc tính nếu có.

Tác giả: SK