Vitamin B9 là gì? Tác dụng của vitamin B9 đối với sức khoẻ

Vitamin B9 là gì? Tác dụng của vitamin B9 đối với sức khoẻ
Vitamin B9 có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu và sự phát triển của ống thần kinh. Vậy tác dụng của vitamin B9 đối với sức khỏe là gì?

Thiếu vitamin B9 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người, đặc biệt đối với mẹ bầu. Vậy tác dụng của vitamin B9 là gì và cách dùng của loại vitamin này ra sao? 

1. Vitamin B9 là gì?

Vitamin B9, hay còn gọi là axit folic hoặc folate là loại vitamin thuộc nhóm B, có đặc tính là tan trong nước. Vitamin B9 là thuật ngữ chung cho cả folate thực phẩm tự nhiên và axit folic, dạng monoglutamate oxy hóa hoàn toàn của vitamin được sử dụng trong thực phẩm bổ sung và thực phẩm tăng cường. Đây là một vitamin nhóm B quan trọng cho sự phát triển và trao đổi chất của tế bào.

Tuy nhiên, cần lưu ý, folate thường dùng để chỉ chất này có trong các thực phẩm tự nhiên, còn axit folic là thuật ngữ thường dùng để chỉ chất này ở dạng tổng hợp, được sử dụng trong thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường.

Bất cứ ai cũng có thể bị thiếu hụt vitamin B9 vì cơ thể không dự trữ loại vitamin này. Các hệ lụy khi thiếu vitamin B9 có thể là đau nhức cơ thể, gặp vấn đề về tiêu hóa, … Vì vậy, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cần liên tục bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin B9 hoặc bổ sung dưới dạng viên uống.

Vitamin B9 là gì? Tác dụng của vitamin B9 - Ảnh 1.

Vitamin B9 hay còn gọi là axit folic hoặc folate là loại vitamin thuộc nhóm B (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Tác dụng của vitamin B3 đối với sức khỏe con người

Vitamin B1 là gì? Tác dụng của vitamin B1

2. Tác dụng của vitamin B9

2.1. Phòng ngừa dị tật bẩm sinh và biến chứng thai kỳ

Một trong những tác dụng của vitamin B9 phổ biến nhất là ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật ống thần kinh. Vì thế, những mẹ bầu thường được khuyến nghị bổ sung acid folic để phòng ngừa các nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai nhi, cũng như  ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến thai kỳ.

Theo đó, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai nên bổ sung 400–800 mcg axit folic mỗi ngày bắt đầu ít nhất 1 tháng trước khi mang thai và tiếp tục bổ sung trong 2-3 tháng đầu của thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cả mẹ và thai nhi.

Vitamin B9 là gì? Tác dụng của vitamin B9 đối với sức khoẻ - Ảnh 3.

Bổ sung axit folic (vitamin B9) ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi (Ảnh: Internet)

2.2. Tăng cường sức khỏe trí não

Tác dụng của vitamin B9 là tăng cường sức khỏe trí não. Trên thực tế, nồng độ folate trong máu thấp có liên quan đến chức năng não kém và tăng nguy cơ tình trạng sa sút trí tuệ. Vì thế, bổ sung axit folic có thể cải thiện chức năng não ở những người bị suy giảm trí tuệ và giúp hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer.

2.3. Phòng ngừa bệnh thiếu máu

Tình trạng thiếu máu do thiếu axit folic xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ axit folic trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Trong khi đó, vitamin B9 là loại vitamin quan trọng giúp cơ thể tạo ra các tế bào mới, bao gồm cả các tế bào hồng cầu mới. 

Không những vậy, cơ thể lại cần các tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy. Nếu không có đủ tế bào hồng cầu, cơ thể sẽ bị thiếu máu khiến người bệnh cảm thấy yếu và mệt mỏi. Vì thế, bổ sung đầy đủ axit folic sẽ ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.

2.4. Hỗ trợ điều trị các rối loạn về sức khỏe tâm thần

Thực tế cho thấy, những bệnh nhân bị trầm cảm có lượng folate trong máu thấp hơn những người không bị trầm cảm. Lúc này, bổ sung acid folic và folate có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm khi được sử dụng cùng với thuốc chống trầm cảm.

2.5. Giảm các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch

Bổ sung vitamin B9 giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý tim mạch. Theo đó, folate đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa homocysteine - loại acid amin có thể gây các vấn đề về tim mạch khi chúng ở nồng độ cao trong máu.

Vitamin B9 là gì? Tác dụng của vitamin B9 đối với sức khoẻ - Ảnh 4.

Bổ sung vitamin B9 giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý tim mạch (Ảnh: Internet)

Bổ sung axit folic có thể làm giảm mức homocysteine và nguy cơ mắc bệnh tim và giảm nguy cơ đột quỵ, cải thiện lưu lượng máu. 

2.6. Giảm tình trạng huyết áp cao

Thực tế chỉ ra rằng, uống axit folic hàng ngày trong ít nhất thời gian 6 tuần giúp giảm huyết áp ở những người bị tăng huyết áp. 

Tuy nhiên, những người bị cao huyết áp cần lưu ý, bên cạnh việc bổ sung đủ vitamin B9, cần dùng thuốc huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. 

Ngoài ra, bổ sung đầy đủ vitamin B9 còn giúp ngăn ngừa sự tiến triển của ung thư vú, giảm nguy cơ mắc bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng ở những đối tượng người cao tuổi. 

Tuy nhiên, để phát huy hết tác dụng của vitamin B9, cần lưu ý bổ sung vitamin B9 đúng cách.

3. Cách dùng vitamin B9

3.1. Cần bổ sung axit folic với liều lượng bao nhiêu?

Cần lưu ý, hàm lượng acid folic được chỉ định ở mỗi người là khác nhau. Vì vậy, tùy vào mục đích điều trị mà bác sĩ sẽ kê đơn cho phù hợp. Cụ thể, hàm lượng acid folic nên bổ sung mỗi ngày là ít nhất 400 mcg. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú do nhu cầu tăng cao nên cần được cung cấp từ 500 – 600 mcg/ngày.

Trong trường hợp đang bổ sung axit folic, nên uống cùng một thời điểm mỗi ngày. Theo đó, bạn có thể uống sau bữa ăn 30 phút hoặc uống vào buổi tối trước khi đi ngủ 2 tiếng. Trong trường hợp quên dùng liều của mình, hãy uống ngay khi nhớ ra.

3.2. Sử dụng axit folic có an toàn không?

Vitamin B9 an toàn cho hầu hết mọi người. Thực tế cho thấy, không xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào khi sử dụng acid folic với liều lượng dưới 1 mg mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu sử dụng quá liều axit folic có thể gây ra tình trạng buồn nôn, đầy hơi và mất ngủ.

Vitamin B9 là gì? Tác dụng của vitamin B9 đối với sức khoẻ - Ảnh 5.

Có thể bổ sung vitamin B9 qua thực phẩm (Ảnh: Internet)

3.3. Thực phẩm nào chứa nhiều acid folic?

Bổ sung vitamin B9 (axit folic) trong chế độ ăn hàng ngày là rất quan trọng. Dưới đây là một số thực phẩm chứa nhiều axit folic như:

- Các loại rau xanh như bông cải xanh, bắp cải, ...

- Các loại đậu như đậu lăng, đậu Hà Lan, ...

- Các loại trái cây như dưa, chanh, chuối, ...

- Các loại ngũ cốc, bánh mì, mì ống, ...

Trên đây là tổng hợp thông tin về tác dụng của vitamin B9 với sức khỏe con người cũng như cách sử dụng loại vitamin này. Các bạn nên bổ sung vitamin B9 qua chế độ ăn uống hàng ngày với các loại thực phẩm. Nếu cần bổ sung dưới dạng đường uống, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.


Tác giả: Ngọc Điệp