Virus tay chân miệng là gì, nguy hiểm như thế nào?

Virus tay chân miệng là gì, nguy hiểm như thế nào?
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, do virus gây ra và có khả năng lây lan rất nhanh. Vậy virus tay chân miệng là gì, nguy hiểm như thế nào?

1. Virus tay chân miệng là virus gì?

Virus tay chân miệng có tên gọi Virus Coxsackie - một Enterovirus có khả năng sinh sôi và phát triển trong đường tiêu hóa, ổn định trong môi trường acid, bao gồm cả acid dịch dạ dày.

Virus Coxsackie thường phát triển mạnh vào mùa hè, bên cạnh là virus gây bệnh tay chân miệng, chúng còn là nguyên nhân dẫn tới các bệnh như cúm mùa hè, viêm màng ngoài tim, viêm màng não vô khuẩn,...

Virus tay chân miệng tồn tại trong cơ thể của bệnh nhân và được phát tán ra ngoài không khí thông qua dịch mũi họng (nước bọt, nước mũi,...) hoặc phân của bệnh nhân. Ở môi trường 40 độ C, virus Coxsackie có thể tồn tại trong 3 tuần. Ngoài ra, chúng có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3-9.

Ảnh 1.

Các chủng virus tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Virus Coxsackie bị bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút hoặc dưới tác động của tia gamma, tia cực tím. Bên cạnh đó, virus tay chân miệng còn bị tiêu diệt bởi các dung dịch như 2% natri hyproclorite (nước Javel) hoặc. Chlorine tự do. Khác với các loại virus, vi khuẩn thông thường, chúng ít bị bất hoạt bởi các chất hòa tan lipid như: Cồn, Phenol, Chloroform, Ether

2. Các chủng virus tay chân miệng

Các chủng virus tay chân miệng họ Picornaviridae, có tên là là Virus Coxsackie B, virus Coxsackie A (thường gặp A16), Echovirus, Enterovirus (thường gặp E71, E68). Các chủng virus này có dạng hình cầu với đường kính từ 27-30mm, bao gồm 60 tiểu đơn vị ở lớp caspid và không có lớp bao bên ngoài.

Virus tay chân miệng là loại virus có nhân ARN, có khả năng sinh sôi nhanh và thường nhân lên ở bào tương của tế bào bị nhiễm.

Ảnh 2.

Enterovirus EV71 là loại virus tay chân miệng gây ra các biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Trong các chủng virus gây bệnh tay chân miệng, nếu trẻ bị nhiễm virus Coxsackie A16 (90% trường hợp) thì bệnh có thể tự khỏi sau từ 7 -10 ngày. Ngược lại, với những trường hợp nhiễm Enterovirus EV71, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim cấp hoặc viêm màng não, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

3. Phân biệt virus tay chân miệng A16 và EV71

Đối với bệnh tay chân miệng do virus Coxsackie A16 gây ra, bệnh thường có triệu chứng như sốt nhẹ trong khoảng 1-2 ngày, kèm theo đau đầu, cứng cổ, đau lưng, chán ăn hoặc viêm đường hô hấp nhẹ (đau họng, sổ mũi,...). Trong cơn sốt, biểu hiện thường gặp nhất là cơ thể bị mất nhiều nước.

Ngoài ra, trong niêm mạc miệng, răng, lợi của bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt mụn nước gây đau rát, tăng tiết nước bọt. Ban đầu, những nốt phồng rộp này có màu đỏ và dần phát triển thành các vết loét trên miệng trong toàn miệng và má.

Ảnh 3.

Tay chân miệng do virus Coxsakie A16 gây ra có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần (Ảnh: Internet)

Bệnh do virus tay chân miệng A16 là thể bệnh an toàn, ít xảy ra biến chứng và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày điều trị nếu được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Đối với bệnh tay chân miệng do Enterovirus EV71 gây ra, các triệu chứng của bệnh thường trầm trọng hơn. Bệnh nhân thường sốt cao và nôn mửa nhiều, kèm theo các biểu hiện tương tự với bệnh do virus A16 gây ra.

Ngoài ra, bệnh do virus tay chân miệng EV71 gây ra còn có các biểu hiện như giật mình từng cơn ngắn, nặng hơn có thể co giật, hôn mê hoặc suy hô hấp, suy tuần hoàn. Ở thể bệnh này, trẻ cũng có thể ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi đứng loạng choạng, tay chân run, mắt nhìn ngược, liệt chi....

Ảnh 4.

Bệnh do virus EV71 có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Virus tay chân miệng EV71 có thể tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não do virus, viêm não, tê liệt, viêm cơ tim, sảy thai ở phụ nữ mang thai,... và dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi có các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Tác giả: Thảo Ngân