Bệnh Rubella hay còn gọi là bệnh Sởi Đức (tên Tiếng Anh là German Measles), là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây nên bởi virus Rubella. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều chưa có cái nhìn thật sự đầy đủ và đúng đắn về nguyên nhân gây bệnh Rubella và các vấn đề có liên quan đến virus Rubella trên thực tế.
Những triệu chứng đầu tiên của bệnh Rubella đã được quan tâm mô tả từ rất sớm trong những năm 1740. Tuy nhiên, phải đến rất lâu sau đó - tức năm 1962 thì virus gây nên bệnh Rubella mới chính thức được cô lập thành công.
Người ta xác định rằng, virus Rubella thuộc giống Rubivirus, họ Togaviridea. Kích thước trung bình của virus Rubella được ghi nhân khoảng từ 40-80nm. Cấu trúc của virus Rubella tương đối đơn giản, bao gồm hai thành phần chính là lõi RNA và vỏ lipoprotein bao bọc ở phía ngoài. Hình dạng thường thấy nhất của virus Rubella là dạng hình cầu.
Có ba loại kháng nguyên được ghi nhân trên virus Rubella bao gồm kháng nguyên E1 (có vai trò ngưng kết và trung hòa máu), kháng nguyên E2 (gồm hai loại nhỏ là E2a và E2b) và một loại kháng nguyên khác là một protein capsid. Do đặc tính về huyết thanh học khác biệt so với các loại virus khác trong họ Togaviridea, do đó virus Rubella được ghi nhận là nguyên nhân gây bệnh Rubella duy nhất. Đây là cơ sở để thực hiện điều chế vaccine và giải thích cho tình trạng miễn dịch suốt đời, chống tái nhiễm ở bệnh nhân Rubella.
Đường hô hấp là con đường lây truyền virus Rubella chủ yếu đã được khẳng định trên thực tế. Cụ thể, virus Rubella tồn tại trong đường hô hấp của bệnh nhân, sẽ được bài xuất ra ngoài thông qua các giọt bắn hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi,... Những giọt bắn chứa virus bị người lành hít phải sẽ khiến virus xâm nhập, bắt đầu quá trình nhân lên và gây bệnh.
Nếu người bệnh là phụ nữ đang mang thai, virus lây truyền theo chiều dọc - từ mẹ lây cho thai nhi. Điều này là bởi, virus Rubella có khả năng qua được nhau thai. Do đó, khi mẹ bị bệnh Rubella thì virus có thể thông qua nhau thai đến xâm nhập vào thai nhi và gây bệnh.
Có thể bạn chưa biết: Phụ nữ đang mang thai mắc Rubella có thể khiến trẻ sinh ra bị mắc Rubella bẩm sinh.
Cần lưu ý rằng, virus Rubella không lây truyền thông qua các tiết túc như muỗi đốt, côn trùng cắn,...
Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể người lành do sự tiếp xúc hoặc hít phải các dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân Rubella, virus Rubella sẽ cư trú ban đầu tại niêm mạc hầu họng của bệnh nhân. Tại đây, virus Rubella sẽ tiến hành quá trình nhân lên và dần di chuyển vào các hạch bạch huyết xung quanh và lan rộng đi nhiều nơi trong cơ thể.
Ở các cơ quan bị nhiễm virus, sự tăng nhanh về số lượng virus khiến chúng đạt đến một số lượng đủ lớn để có thể gây nên các tổn thương cho cơ thể vật chủ, đây cũng là lúc mà các triệu chứng của bệnh rubella (sốt, nổi hạch, phát ban trên da) xuất hiện.
Đối với các thai nhi bị nhiễm virus Rubella, mặc dù cơ chế bệnh sinh vẫn chưa thực sự được hiểu rõ, tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng virus Rubella đã tấn công và làm bất thường các nhiễm sắc thể của thai nhi, làm rối loạn quá trình phát triển và tồn tại của tế bào,... mà hậu quả cuối cùng là dẫn đến những bất thường cấu trúc bẩm sinh sau khi trẻ sinh ra - hay còn gọi là hội chứng Rubella bẩm sinh.
Do nguyên nhân gây bệnh Rubella là nguyên nhân virus, vì vậy nó có tính lây nhiễm rất cao. kể từ khi virus bắt đầu xâm nhập vào cơ thể được 7 ngày, người bệnh đã có khả năng phát tán virus thông qua dịch tiết đường hô hấp mặc dù chưa có biểu hiện triệu chứng gì. Khả năng phát tán virus này tiếp tục tồn tại đến tận ngày thứ 28 sau khi có biểu hiện phát ban trên da.
Nhưng, hiện nay do hiệu quả mà các chương trình tiêm chủng vaccine đem lại, số lượng ca mắc bệnh Rubella đã được ghi nhận giảm đi đáng kể và gần như ít có các vụ dịch lớn xảy ra. Các đối tượng nguy cơ có khả năng mắc bệnh Rubella cao hiện nay bao gồm:
- Người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh Rubella.
- Những người chưa có tiền sử mắc bệnh Rubella.
- Người đi tới các khu vực có bệnh Rubella đang lưu hành phổ biến.
Khi bị nhiễm virus Rubella, hầu hết các trường hợp đều sẽ phát triển thành bệnh Rubella. Rất hãn hữu các trường hợp được ghi nhận nhiễm Rubella nhưng không có triệu chứng, chủ yếu chỉ gặp ở những người đã được tiêm phòng vaccine trước đó. Những triệu chứng điển hình khi mắc bệnh Rubella thường được ghi nhận bao gồm sốt, phát ban trên da và nổi hạch.
Ngoài ra còn có thể ghi nhận thêm các biểu hiện khác của biến chứng do bệnh gây nên như đau khớp, xuất huyết, các dấu hiệu viêm não -viêm màng não,...
Tuy nhiên, do các triệu chứng khi mắc bệnh Rubella không phải là các triệu chứng đặc hiệu cho bệnh. Do đó, để xác định có bị nhiễm virus Rubella hay không, phương tiện được sử dụng chủ yếu vẫn là các xét nghiệm.
Các xét nghiệm được tiến hành hiện nay để phát hiện, tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh Rubella trên thực tế bao gồm các xét nghiệm huyết thanh học (xét nghiệm định lượng IgM, IgG, xét nghiệm ngưng kết hồng cầu - HI, xét nghiệm ngưng kết hồng cầu thụ động IHA, xét nghiệm tìm kháng thể chuyên biệt,...) hoặc xét nghiệm tìm RNA của virus Rubella trong các mẫu bệnh phẩm như dịch tiết đường hô hấp, nước tiểu, dịch ối,...
Bệnh Rubella không phải là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính, nhưng những hậu quả lâu dài mà nó có thể gây nên cho bệnh nhân lại thật sự rất nặng nề. Do đó, cần phải thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm nguyên nhân gây bệnh Rubella, ngăn chặn không cho bệnh xảy ra.
Cách hiệu quả nhất để phòng tránh lây nhiễm nguyên nhân gây bệnh Rubella chính là tiêm phòng vaccine Rubella. Nếu đáp ứng tốt sau tiêm chủng, bệnh nhân có thể thu được miễn dịch với bệnh, miễn dịch với bệnh mà bệnh nhân thu được do tiêm chủng có thể tồn tại suốt đời.
Ngoài ra, ta còn có thể áp dụng một số các biện pháp phòng chống lây nhiễm không đặc hiệu kể đến như cách ly người bệnh Rubella đúng cách, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, đeo khẩu trang,... đều có hiệu quả phòng chống lây nhiễm bệnh.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về nguyên nhân gây bệnh Rubella mà bạn cần biết. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh hoặc các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus Rubella, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và chính xác nhất
Nguồn dịch: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK8200/