Ngày 8/10 các bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng với các thuốc miễn dịch từ 3-4 năm trước. Thuốc chính thức được áp dụng trong điều trị vào cuối năm 2017. Cơ chế của nó là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công tế bào ung thư. Tại Bệnh viện
Trong đó, một bệnh nhân bị ung thư hắc tố vào viện trong tình trạng không đi lại, tổn thương di căn xương lan tràn và phần mềm dưới da. Sau khi được điều trị bằng thuốc miễn dịch khối u tan nhanh, u ở dưới da biến mất, tổn thương xương đỡ đi nhiều, bệnh nhân đi lại được. Người bệnh vẫn tiếp tục liệu pháp điều trị này song 8 tháng sau bệnh tái phát.
Trường hợp khác là bệnh nhân ung thư phổi, đã được điều trị bằng các phương pháp truyền thống hóa trị, xạ trị song u vẫn tiến triển nên được điều trị bằng các thuốc. Hiện bệnh nhân vẫn sống được 6-7 tháng.
Liệu pháp miễn dịch có thể giúp kéo dài thêm thời gian sống của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Ảnh tế bào T "tấn công" tế bào ung thư: E. C.
Tiến sĩ Đào Văn Tú, Phó khoa Điều trị theo yêu cầu, cho biết bước đầu các thuốc này có hiệu quả trên từng bệnh nhân. Ở giai đoạn muộn nó giúp giảm kích thước khối u, giảm số lượng tế bào ung thư, kìm hãm sự phát triển của bệnh song không phải thuốc chữa khỏi.
Tại Việt Nam cũng chưa có đủ dữ liệu để nói liệu pháp điều trị này rất có hiệu quả hay không có hiệu quả.Chia sẻ về một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn, phó giáo sư Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết bệnh nhân nam 60 tuổi, tiên lượng thời gian sống ban đầu chỉ khoảng 4-5 tháng. Song nhờ điều trị bằng các thuốc miễn dịch, đến nay người bệnh đã sống thêm hơn một năm.
“Thời gian sống thêm kéo dài nhiều. Trước đây những bệnh nhân bị u hắc tố chỉ sống thêm vài tháng khi đã di căn thì nay có thể sống vài năm. Đây đã là điều rất ngoạn mục”, tiến sĩ Tú nhấn mạnh. Bằng chứng điều trị hiện dựa vào kết quả nghiên cứu của thế giới, khuyến cáo hướng dẫn chuẩn trên thế giới.
Theo thạc sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K (Hà Nội) liệu pháp miễn dịch gồm nhiều phương thức miễn dịch khác nhau, trong đó được coi thành công nhất hiện này là ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học đoạt giải Nobel vừa rồi cũng theo cơ chế này. Các thuốc tác động này vào “phanh” của hệ thống miễn dịch, giúp hệ thống này đang bị kìm hãm có thể hoạt động trở lại để chống tế bào ung thư.
Đến nay, đã có 5 loại thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ phê duyệt trong điều trị một số bệnh ung thư. Mỗi thuốc có chỉ định không hoàn toàn giống nhau về loại ung thư và giai đoạn bệnh.
Ở nước ta, Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong điều trị ung thư. Trước đó, bệnh nhân Việt Nam thường phải sang Singapore mua về. Một số thuốc khác như Atezolizumab, Durvalumab, Tremelimumab đã được cấp phép trong nghiên cứu lâm sàng. Một số bệnh viện lớn ở Việt Nam phối hợp với các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu các thuốc điều trị miễn dịch trên giai đoạn thử lâm sàng.
Hiện chỉ định điều trị chủ yếu dựa trên giai đoạn khi các phương thức truyền thống không còn hiệu quả. Song chi phí hiện rất lớn, bảo hiểm y tế chưa chi trả. Các thuốc này chủ yếu dùng trong giai đoạn ung thư đã di căn, chỉ định nhiều nhất trong điều trị ung thư hắc tố, ung thư phổi sau đó là ung thư đường niệu, bàng quang, đầu cổ, gần đây là u lympho, dạ dày, thực quản, đại trực tràng...
Tiến sĩ Quảng khẳng định rất nhiều gene tham gia quá trình sinh ung thư nên bất kỳ thuốc nào cũng chỉ “đánh” vào một vài gene, một vài điểm nên phải kết hợp nhiều phương pháp, uống nhiều loại thuốc. Cốt lõi vẫn là phòng bệnh, trong quá trình điều trị không quên các phương pháp kinh điển đã áp dụng nhiều năm.
Với nhiều người Việt, phương pháp điều trị này hiện khá xa xỉ, dao động 60-120 triệu cho một chu kỳ điều trị, bảo hiểm y tế chưa chi trả. Hiện hãng thuốc đã đồng ý hỗ trợ các bệnh nhân theo phương thức khi người bệnh dùng 4 lọ thì sẽ hỗ trợ 2 lọ, lần lượt các đợt điều trị khác cũng như vậy.