Viêm xương tủy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm xương tủy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trong các bệnh lý về xương khớp, viêm xương tủy được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm có khả năng gây nhiều biến chứng khác nhau. Tuy nhiên, chưa nhiều người có cái nhìn thực sự đầy đủ về viêm xương tủy là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này ra sao.

1. Viêm xương tủy là gì?

Viêm xương tủy là một tình trạng nhiễm trùng xương, xảy ra do sự xâm nhập của một tác nhân vi sinh vật (vi khuẩn) vào xương và gây các biểu hiện của bệnh. Mọi xương trong cơ thể đều có thể bị viêm xương tủy, bệnh hay gặp hơn cả ở các vị trí như tay, chân, cột sống, xương chậu, bàn chân,...

Viêm xương tủy có thể là một tình trạng cấp tính, nhưng đôi khi nó cũng kéo dài mãn tính. Nếu không được điều trị kịp thời bằng đúng phương pháp, viêm xương tủy có thể gây nên các tổn thương xương không hồi phục.

dau-hieu-nhan-biet-benh-viem-tuy-xuong-2

Bệnh viêm xương tủy

2. Nguyên nhân gây viêm xương tủy là gì?

Như đã nói, viêm xương tủy là một bệnh lý nhiễm trùng xương. Do đó, nguyên nhân gây bệnh viêm xương tủy chính là vi khuẩn và nấm, trong đó vi khuẩn là nguyên nhân chịu trách nhiệm cho phần lớn các trường hợp viêm xương tủy trên lâm sàng. Chủng vi khuẩn hay gặp nhất trong các trường hợp viêm tủy xương trên thực tế là Staphylococus aureus.

Các vi sinh vật này có thể xâm nhập xương gây bệnh theo nhiều cách khác nhau như thông qua một vết thương, vết cắt sâu không được xử lý tốt, hoặc thông qua phẫu thuật khi quá trình thực hiện không đảm bảo tốt yếu tố vô khuẩn hoặc chăm sóc kém sau phẫu thuật, và đôi khi cũng có thể là vi khuẩn từ một ổ nhiễm khuẩn khác theo máu để tới xương,...

viem_xuogn_tuy_xuong_trieu_chung_va_phuong_phap_dieu_tri1

Viêm xương tủy là một bệnh lý nhiễm trùng

* Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh viêm xương tủy

Theo ước tính, tỷ lệ mắc viêm xương tủy trên thực tế khoảng 2/10000. Bệnh hay xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu không đủ sức chống chọi với sự phát triển và gây bệnh của vi khuẩn, chẳng hạn như:

- Người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

- Người nhiễm HIV, AIDS.

- Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị, xạ trị.

- Người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, hồng cầu hình liềm,....

- Người nghiện rượu,...

- Người già, người suy dinh dưỡng,...

Một số yếu tố khác như chấn thương (nhất là chấn thương hở), phẫu thuật, chăm sóc sau phẫu thuật không tốt cũng là những điều kiện thuận lợi để vi sinh vật xâm nhập, phát triển và gây viêm xương tủy.

3. Phân loại viêm xương tủy

Tình trạng viêm xương tủy ở bệnh nhân thường được phân chia theo cách khởi phát của bệnh và mức độ biểu hiện như thế nào. Sự phân chia này có ý nghĩa quyết định trong việc lựa chọn phương pháp điều trị áp dụng cho bệnh nhân. Cụ thể, viêm xương tủy được phân thành hai dạng là:

- Viêm xương tủy cấp tính: Là tình trạng viêm xương tủy diễn ra đột ngột, có thể xuất hiện do một nguyên nhân tiềm ẩn nào đó hoặc do chấn thương (thường sau khi xảy ra chấn thương khoảng 2 tuần). Khi mắc viêm xương tủy cấp tính, các biểu hiện triệu chứng của bệnh hết sức rầm rộ, nặng nề,... thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

- Viêm xương tủy mãn tính: Dạng thứ hai của bệnh viêm xương tủy chính là viêm xương tủy mãn tính. Tình trạng viêm xương tủy thường được phát hiện sau khi gặp chấn thương khoảng 2 tháng. Viêm xương tủy mãn tính có thể diễn ra âm thầm, triệu chứng không quá dữ dội nên đôi khi nó bị bỏ sót khi thăm khám. Nhưng viêm xương tủy lại gây nên các tổn thương rất nghiêm trọng ở xương.

4. Triệu chứng của bệnh

4.1. Triệu chứng lâm sàng

20190529_032207_944761_viem-tuy-xuong

Đau là triệu chứng xuất hiện đặc trưng ở bệnh nhân viêm xương tủy

Sự biểu hiện triệu chứng của bệnh viêm xương tủy trên bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào thể bệnh mà người bệnh mắc phải là viêm xương tủy cấp tính hay mãn tính.

Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm xương tủy như:

- Sốt, ớn lạnh.

- Các bất thường ở vết thương như vết thương lâu lành; chảy máu, mủ hoặc dịch bất thường; sưng nề cạnh vết thương....

- Nóng và đỏ da ở vết thương hoặc khu vực lân cận vết thương.

- Đau đớn ở vết thương nhiều và kéo dài.

- Tư thế vận động bất thường ở các khớp như vai, đầu gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu,... thường do đau.

Nhũng triệu chứng này thường biểu hiện rõ ràng và dễ nhận biết hơn ở các bệnh nhân mắc viêm xương tủy cấp tính. Còn ở các bệnh nhân mắc viêm xương tủy mãn tính, các triệu chứng có thể biểu hiện rất mờ nhạt, vì vậy cần khai thác kỹ tiền sử chấn thương, tiền sử phẫu thuật hay các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp,...

4.2. Triệu chứng cận lâm sàng

Bên cạnh xác định các triệu chứng lâm sàng của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân viêm xương tủy thực hiện một số xét nghiệm khác để phục vụ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh. Các xét nghiệm, cận lâm sàng thường sử dụng trong viêm xương tủy bao gồm:

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để đánh giá có tình trạng viêm, nhiễm khuẩn đang xảy ra hay không thông qua các thông số như CRP, procalcitonin, số lượng bạch cầu, tỷ lệ các loại bạch cầu,... Đôi khi người ta có thể cấy máu để định danh vi khuẩn gây viêm xương qua đường máu để làm kháng sinh đồ phục vụ điều trị.

Viêm xương tủy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 4.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán viêm xương tủy

- Cấy tìm vi khuẩn: Cấy tìm vi khuẩn là rất cần thiết để có thể định danh vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Người ta có thể sử dụng dịch tiết bất thường từ vết thương hoặc trực tiếp cắt một một mẫu mô nhỏ tại vết thương để làm xét nghiệm cấy tìm vi khuẩn.

- Xét nghiệm hình ảnh học: Các xét nghiệm hình ảnh học như X-Quang, CT, MRI, xạ hình xương,... có thể được sử dụng để đánh giá các tổn thương về cấu trúc của xương.

5. Điều trị viêm xương tủy

5.1 Điều trị bằng thuốc

Viêm xương tủy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 5.

Điều trị viêm xương tủy bằng phương pháp nội khoa

Kháng sinh là loại thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân viêm xương tủy trên thực tế.

Thông thường, nếu chưa có kết quả nuôi cấy vi khuẩn thì việc điều trị kháng sinh cho bệnh nhân chủ yếu được tiến hành dựa trên kinh nghiệm, yếu tố dịch tễ và tình hình kháng thuốc tại địa phương. Nhưng nếu điều trị theo kinh nghiệm không đạt hiệu quả thì cần lựa chọn kháng sinh đặc hiệu theo kháng sinh đồ để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Thời gian sử dụng kháng sinh trong viêm xương tủy thường kéo dài trong khoảng 4-6 tuần, nhưng trong trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật loại bỏ cấu trúc nhiễm trùng thì thời gian điều trị kháng sinh có thể giảm xuống còn 10 ngày.

Các loại kháng sinh sử dụng phổ biến trong điều trị viêm xương tủy hiện nay bao gồm clindamycin, rifampin, trimethoprim-sulfamethoxazole và fluoroquinolones,... Những thuốc này có thể được sử dụng dưới dạng tiêm tại chỗ, sử dụng bằng đường uống toàn thân hoặc phối hợp cả hai để gia tăng hiệu quả điều trị.

Do thuốc kháng sinh có khả năng gây tác dụng phụ và nguy cơ dị ứng cao nên người bệnh cần phải được theo dõi và làm các kiểm tra đầy đủ trước khi sử dụng kháng sinh.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được cho sử dụng một số loại thuốc điều trị triệu chứng khác để làm giảm các triệu chứng của bệnh nếu cần thiết như thuốc hạ sốt, thuốc kháng viêm giảm đau,...

5.2 Phẫu thuật điều trị

Viêm xương tủy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 6.

Điều trị viêm xương tủy bằng p

Phẫu thuật cũng là phương pháp có thể được sử dụng trong điều trị viêm xương tủy, đặc biệt là bệnh viêm xương tủy mãn tính. Mục đích của phẫu thuật trong điều trị viêm xương tủy là loại bỏ tối đa các tổ chức nhiễm trùng và xử lý tốt nhất các tổn thương do nhiễm trùng gây ra.

Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, tình trạng cụ thể của vết thương mà bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện các hoạt động như:

- Tháo dịch, dẫn lưu dịch: Các ổ chứa dịch bất thường (máu, mủ,...) nếu có sẽ được mở ra, loại bỏ hết dịch để làm sạch. Trong trường hợp cần thiết bác sĩ có thể đặt một ống để dẫn lưu dịch ra ngoài để tránh tái tạo một ổ chứa dịch mới.

- Loại bỏ các cấu trúc tổn thương: Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các cấu trúc xương nhiễm khuẩn càng tối đa càng tốt để tránh tình trạng nhiễm khuẩn bùng phát trở lại và tạo điều kiện cho điều trị kháng sinh hiệu quả hơn. Nếu tình trạng của bệnh nhân quá nặng nề, chỉ định cắt cụt chi có thể là cần thiết.

- Loại bỏ dị vật: Các dị vật tại xương (đinh vít, nẹp, dây thép,...) nếu có thì cần được loại bỏ.

- Bù đắp tổ chức: Sau khi cắt bỏ các cấu trúc tổn thương ở xương thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng khuyết mô (mô mềm, mô xương). Do vậy, bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành ghép tổ chức mới vào vị trí khuyết để bù đắp cho sự thiếu sót này, mô ghép có thể là mô xương, mô mềm, da, hoặc tấm độn,...

6. Biến chứng của viêm xương tủy là gì?

Khi không được can thiệp điều trị kịp thời bằng đúng phương pháp, viêm xương tủy có thể gây một số biến chứng khác nhau như:

- Nhiễm trùng thứ phát: Nhiễm trùng từ viêm xương tủy có thể theo máu di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể, phát triển và gây bệnh tại đó.

- Viêm tủy xương mãn tính: Đây là một biến chứng của bệnh viêm xương tủy cấp tính.

- Hủy xương: Các cấu trúc của xương có thể bị hủy do tình trạng nhiễm khuẩn, điều này khiến xương của bệnh nhân trở nên suy yếu và dễ gãy hơn (gãy xương bệnh lý).

- Suy giảm trí nhớ: Người ta đã ghi nhận được có mối liên hệ nhất định giữa tình trạng viêm xương tủy và sự suy giảm trí nhớ, thậm chí là mất trí nhớ.

- Tàn tật: Tàn tật là một hậu quả nặng nề của viêm xương tủy, đây thường là hậu quả của phương pháp phẫu thuật cắt cụt chi được sử dụng trong điều trị.

7. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm xương tủy

7.1. Bệnh nhân viêm xương tủy nên ăn gì?

Để hỗ trợ tốt hơn cho việc điều trị viêm xương tủy, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh thì một chế độ ăn lành mạnh là hết sức cần thiết.

Người bệnh viêm xương tủy nên được tăng cường sử dụng thực phẩm giàu vitamin như vitamin A, C, E và các loại khoáng chất như kẽm, Selen trong quá trình điều trị. Những chất này có tác dụng rất tốt trong tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống hủy hoại mô,... Những chất này thường có nhiều trong các loại rau củ, trái cây, và ngũ cốc nguyên hạt,...

Bên cạnh đó, việc bổ sung các lợi khuẩn cho cơ thể cũng được cho là tốt đối với bệnh nhân viêm xương tủy.

7.2. Những thực phẩm không tốt cho bệnh nhân viêm xương tủy

Bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân viêm xương tủy như đã nêu ở trên, người bệnh cũng nên chú ý hạn chế một số loại thực phẩm như:

- Rượu, bia và thức uống có cồn: Rượu bia và thức uống có cồn khi sử dụng có thể khiến cho tình trạng viêm xương tủy trở nên tồi tệ hơn. Do đó, người bệnh nên hạn chế sử dụng những loại thức ăn này trong bữa ăn hàng ngày.

- Thực phẩm giàu chất béo: Người bệnh viêm xương tủy cũng được khuyên không nên sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm chứa chất béo trong bữa ăn hàng ngày. Bởi chất béo quá nhiều trong thực phẩm có thể khiến nồng độ mỡ máu cao và dễ khiến viêm xương tủy trầm trọng hơn.

Tốt nhất, người bệnh viêm xương tủy nên tham khảo ý kiến của một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể nhất về chế độ ăn phù hợp.

Viêm xương tủy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 7.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm xương tủy có vai trò đặc biệt quan trọng

8. Phòng tránh viêm xương tủy như thế nào?

Viêm xương tủy là một bệnh nhiễm khuẩn xương, do đó để phòng tránh được bệnh thì điều cần thiết nhất vẫn là phải hạn chế được nguy cơ nhiễm khuẩn của bản thân.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe cơ thể và nâng cao sức đề kháng của hệ miễn dịch đối với các tác nhân gây bệnh, tránh sử dụng rượu bia,...

- Ngừng hút thuốc lá bởi thuốc lá tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch cũng như làm giảm sự nuôi dưỡng xương.

- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là cách để gia tăng sức khỏe bản thân và khiến hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.

- Giữ vệ sinh cá nhân tốt để tránh tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh.

- Xử lý tốt khi có các vết thương xảy ra, phẫu thuật và chăm sóc sau phẫu thuật đúng quy trình để tránh nhiễm khuẩn.

- Không tự ý sử dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh đủ liều và đủ thời gian để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn tránh gây tình trạng kháng kháng sinh.

9. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm xương tủy

- Viêm xương tủy có chữa khỏi được không?

Hầu hết các trường hợp viêm xương tủy cấp tính đều có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm và bằng đúng phương pháp, tuy nhiên cũng có một số các trường hợp bệnh chuyển sang thể mãn tính mặc dù đã thực hiện các phương pháp điều trị tích cực.

Còn đối với viêm xương tủy mãn tính, việc điều trị khỏi hoàn toàn gần như là điều không thể, người bệnh chỉ có thể thực hiện điều trị để kiểm soát bệnh,ngăn ngừa biến chứng. Mặc dù cắt cụt chi có thể chữa khỏi dứt điểm viêm xương tủy mãn tính, nhưng đây là một phương pháp điều trị được chỉ định rất hạn chế cho các trường hợp bệnh quá nghiêm trọng.

- Bệnh viêm xương tủy có nguy hiểm không?

Như đã nói, nếu bệnh viêm xương tủy không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp bệnh có thể gây nên rất nhiều biến chứng khác nhau như nhiễm trùng thứ phát , suy giảm trí nhớ, hủy xương,.. do đó đây là một căn bệnh hết sức nguy hiểm. Người bệnh nên đi khám sớm ngay khi bắt đầu có các dấu hiệu của bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Cần phân biệt viêm xương tủy với những bệnh nào?

Với các triệu chứng biểu hiện như sốt, đau, chảy dịch tại vết thương, sưng nóng đỏ tại vùng tổn thương,... viêm tủy xương có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như Gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn,... Do đó, người bệnh nên thực hiện thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế có uy tín để đảm bảo chẩn đoán chính xác bệnh và hiệu quả điều trị.

Có thể thấy rằng, viêm xương tủy là một bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm nếu không có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau. Do đó, mỗi người cần có ý thức phòng tránh nhiễm khuẩn, thăm khám và điều trị ngay khi có các triệu chứng bất thường đầu tiên của bệnh.

Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất.

Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn.

Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/

Viêm xương tủy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 10.

 

Tác giả: QN