Viêm VA là gì? Tổng hợp những điều cần biết về viêm VA

Viêm VA là gì? Tổng hợp những điều cần biết về viêm VA
VA là một tổ chức có chức năng miễn dịch, giúp trẻ chống lại những tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên ở một số trẻ tình trạng viêm VA kéo dài và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm VA là gì?

Theo cấu trúc giải phẫu sinh lý của trẻ em, VA là một tổ chức có chức năng miễn dịch giúp trẻ nhỏ chống lại các tác nhân gây bệnh, VA chỉ xuất hiện ở những trẻ mới sinh cho tới 6 tháng tuổi, ngoài 6 tháng tuổi tổ chức này biệt hóa thành cơ quan có nhiệm vụ miễn dịch. Tuy nhiên, tổ chức VA sẽ teo dần cho tới khi trẻ được 9 - 10 tuổi và ở những người trưởng thành VA chỉ còn là một vết tích nhỏ.

Tuy là một tổ chức có chức năng miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tổ chức này cũng rất dễ bị viêm nhiễm do chúng dễ dàng tiếp xúc với nhiều vi khuẩn gây bệnh từ môi trường bên ngoài đi vào. Theo chu trình hô hấp, không khí sẽ đi từ mũi qua VA rồi mới tới phổi, điều này khiến cho VA rất dễ dàng tiếp xúc với vi khuẩn từ môi trường xung quanh gây viêm nhiễm.

Chức năng chính của VA chính là tiêu diệt vi khuẩn, để hỗ trợ chức năng này VA sẽ cùng với amidan vòi, amidan hầu, amidan lưỡi bao quanh đường thở và đường ăn để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. VA có nhiệm vụ chờ sẵn và bắt vi khuẩn cũng như các tác nhân gây bệnh giúp bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân này. Bình thường VA là một tổ chức nhỏ chỉ có kích thước khoảng 4 – 5 mm, chúng không gây cản trở đường thở của trẻ nhưng khi VA bị viêm, tổ chức này bị sưng to và trở nên phù nề chúng sẽ gây ra những cản trở cho đường thở của trẻ.

2. Nguyên nhân và đối tượng dễ mắc viêm VA

2.1. Nguyên nhân gây viêm VA

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra nguyên nhân chính xác gây viêm VA nhưng các bác sĩ có thể đưa ra một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như: do trẻ thường xuyên bị nhiễm lạnh, trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm.

Theo nghiên cứu khoa học, viêm VA hiện nay có hai hình thái là viêm VA cấp tính và viêm VA mãn tính. Nguyên nhân gây viêm VA có thể do vi khuẩn chiếm 20% tổng số ca mắc bệnh và do virus chiếm 80% tổng số ca mắc bệnh.

Ngoài ra, viêm VA xảy ra do liên cầu beta tan huyết nhóm A. Liên cầu beta tan huyết nhóm A không chỉ gây viêm VA mà chúng còn gây ra một loạt các bệnh lý nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, thấp tim, thấp khớp cấp.

2.2. Đối tượng dễ mắc bệnh

Viêm VA là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, theo đó có tới 30% trẻ ở độ tuổi 2 – 5 tuổi có mắc viêm VA ít nhất một lần. 

Khi hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus có sẵn ở mũi, họng có thể trở nên mạnh hơn và tấn công VA gây nên tình trạng viêm VA. Trẻ mắc viêm VA thường đi kèm với một số tình trạng viêm nhiễm khác như viêm đường hô hấp trên, cúm hay thậm chí là mắc sởi, ho gà,… Theo thống kê, những trẻ mắc tim bẩm sinh cũng có nguy cơ cao mắc viêm VA hơn những đứa trẻ khác.

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm VA là gì?

3.1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm VA cấp tính

Trẻ bị viêm VA không quá khó để nhận biết, dấu hiệu đầu tiên xuất hiện là tình trạng trẻ sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, co giật. Tình trạng co giật có thể do trẻ bị sốt cao hoặc cũng có thể do viêm VA tác động vào nắp thanh môn gây co thắt thanh quản. Ngoài ra, trẻ mắc viêm VA có thể kèm theo một số dấu hiệu khác như nôn ói, rối loạn tiêu hóa,…

Viêm VA có thể khiến trẻ khó thở hơn, những trẻ bị viêm VA thường phải thở bằng đường miệng. Tình trạng khó thở tăng dần lên, ban đầu trẻ vẫn có thể thở bằng đường mũi nhưng không hoàn toàn, sau đó trẻ phải thở bằng đường miệng do tổ chức VA sưng to gây tắc nghẽn đường thở của trẻ.

Do thở bằng đường miệng nên không khí không được làm ấm, làm ẩm dẫn tới tình trạng trẻ dễ bị ho hơn, đồng thời trẻ phải bú ngắt quãng, phải ngừng lại để thở sau đó mới bú tiếp được. Đối với những trẻ lớn hơn, viêm VA tuy không chèn ép hết đường thở khiến trẻ phải thở bằng đường miệng nhưng cũng khiến trẻ thở ngáy nhiều hơn, dấu hiệu viêm VA ở trẻ lớn thường không quá đặc trưng.

3.2. Trẻ bị viêm VA mãn tính

Ban đầu là tình trạng viêm VA cấp tính, nếu trẻ được điều trị sớm thì tình trạng sẽ được cải thiện và trẻ khỏi hoàn toàn nhưng nếu không được điều trị kịp thời và triệt để thì viêm VA cấp tính sẽ chuyển thành viêm VA mãn tính hay tái phát gây nhiều biến chứng nguy hiểm đường tai mũi họng hoặc các bệnh lý đường hô hấp khó điều trị.

Viêm VA mãn tính thường xảy ra ở những trẻ có độ tuổi từ 18 tháng tới 6 tuổi, dấu hiệu viêm VA mãn tính thường không rõ ràng và điển hình. Những trẻ mắc viêm VA mãn tính có thể xuất hiện các dấu hiệu như ho thường xuyên, sốt từng đợt nhưng không sốt cao hay còn gọi là sốt vặt, trẻ tắc mũi, nghẹt mũi khó thở, chảy dịch mũi màu xanh. Do đường thở bị VA chèn ép nên trẻ phải thở bằng đường miệng, đêm ngủ ngáy và hay nghiến răng,…

Tình trạng viêm VA mãn tính thường kéo dài, làm cho trẻ chậm phát triển về cả thể chất và tinh thần, da xanh xao, thường xuyên quấy khóc, rối loạn hô hấp, ảnh hưởng đến phát âm…

4. Điều trị viêm VA như thế nào?

Nguyên tắc để điều trị viêm VA đó là điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng của bệnh. Tùy thuộc vào dấu hiệu cũng như thể trạng của trẻ mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

4.1. Điều trị viêm VA qua triệu chứng

- Thuốc hạ sốt, giảm đau

Thuốc hạ sốt giảm đau là một trong những loại thuốc được sử dụng để điều trị triệu chứng của viêm VA gây ra. Thuốc hạ sốt giảm đau thường dùng là paracetamol, loại thuốc này ít có tác dụng phụ nên thường được sử dụng mà không cần kê đơn tuy nhiên cha mẹ cũng chỉ nên sử dụng thuốc này khi trẻ có dấu hiệu sốt cao trên 38,5 độ C.

Paracetamol không hoàn toàn vô hại đối với gan thận của trẻ chính vì thế cha mẹ chỉ nên sử dụng loại thuốc này đúng với liều lượng mà nhà sản xuất đưa ram không nên sử dụng liều cao và khoảng cách giữa hai lần sử dụng thuốc tối thiểu là 4 giờ. Khi sử dụng paracetamol cho trẻ mà thấy các dấu hiệu bất thường như nôn, buồn nôn,… thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

- Thuốc giảm ho

Một số trẻ bị viêm VA cấp tính có xuất hiện những cơn ho kéo dài, dai dẳng lúc này việc sử dụng thuốc giảm ho sẽ giúp điều trị được tình trạng ho của trẻ. Các thuốc giảm ho thường được dùng cho những trẻ mắc viêm VA bao gồm các thuốc làm giảm đi sự nhạy cảm của các receptor gây phản xạ ho ở đường hô hấp. Ngoài ra, khi trẻ bị ho cha mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc giảm ho từ dân gian thay vì sử dụng thuốc tây cho trẻ.

- Thuốc nhỏ mũi

Thuốc nhỏ mũi cũng là một trong những loại thuốc thường được áp dụng để điều trị triệu chứng mà viêm VA gây ra cho trẻ nhỏ. Một số thuốc nhỏ mũi thường được áp dụng hiện nay như thuốc co mạch naphazolin, xylometazoline...

- Thuốc tăng cường miễn dịch

Thuốc tăng cường miễn dịch tuy không điều trị được triệu chứng mà viêm VA gây ra nhưng cũng giúp tăng cường sức khỏe của trẻ, giúp trẻ phòng chống được các tác nhân gây bệnh cũng như tăng cường sức đề kháng để nhanh chóng khỏi bệnh.

4.2. Thuốc trị nguyên nhân gây viêm VA

Dòng thuốc điều trị nguyên nhân gây viêm VA được áp dụng nhiều nhất là dòng thuốc kháng sinh betalactam như penicillin, cephalosporin... Những loại thuốc kháng sinh này cha mẹ cần cho trẻ sử dụng theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa và nên sử dụng trong vòng từ 5 – 7 ngày. Đối với những trẻ bị viêm VA do liên cầu khuẩn beta tan huyết thì cần sử dụng kháng sinh trong 14 ngày.

Một số loại thuốc điều trị virus cũng có thể được áp dụng để điều trị nguyên nhân gây viêm VA. Cha mẹ phải theo dõi trẻ nếu xuất hiện các tác dụng phụ mà thuốc gây ra cho trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.

5. Biến chứng của viêm VA đối với trẻ em

Tình trạng viêm VA dù là cấp tính hay mãn tính cũng ít nhiều làm ảnh hưởng tới đường thở của trẻ nhỏ, trẻ có xu hướng thở bằng miệng điều này làm cho giấc ngủ của trẻ không sâu. Do bị viêm VA nên trẻ dễ mắc viêm phổi cấp, nhẹ hơn có thể khiến răng mọc lệch, trẻ bị vẩu, môi trên bị kéo xệch làm cho bộ mặt của trẻ bị thay đổi.

Viêm VA cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa cấp tính ở trẻ dưới 5 tuổi. Những trẻ bị viêm VA còn có nguy cơ mắc tiêu chảy cấp tính hoặc mãn tính do tổ chức VA kích thích nhu động ruột, làm tăng nhu động ruột và làm cho trẻ bị tiêu chảy.

Ngoài ra, khi trẻ bị viêm VA có thể làm viêm thanh quản cấp hoặc mạn tính hay viêm amidan ở trẻ nhỏ. Viêm VA chính là căn nguyên gây viêm amidan cấp tính hoặc mãn tính.

6. Chế độ ăn cho trẻ viêm VA

6.1. Thực phẩm mà trẻ viêm VA nên ăn

- Tăng cường bú sữa mẹ đối với những trẻ còn bú sữa mẹ.

-Trẻ cần được bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung nhiều trái cây và rau xanh chứa nhiều vitamin A, vitamin C và vitamin E.

- Các loại rau quả có tính oxy hóa cao như dâu tây, các loại quả mọng nước.

- Những thực phẩm giàu dinh dưỡng như gạo, bột mì, ngũ cốc, các thực phẩm khác như sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà. Nên chế biến các món ăn ở dạng lỏng, dễ tiêu cho trẻ.

- Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin D, canxi và protein.

- Bổ sung nước cho trẻ: Nước lọc, các loại nước ép hoa quả,… vừa giúp bổ sung nước vừa giúp bổ sung vitamin cho trẻ hiệu quả.

6.2. Trẻ viêm VA không nên ăn những thực phẩm nào?

Ngoài những thực phẩm được khuyến khích sử dụng cho trẻ bị viêm VA, cha mẹ cũng cần chú ý loại bỏ những thực phẩm gây hại và làm chậm quá trình hồi phục của trẻ mắc viêm VA như:

- Hạn chế ăn mặn vì muối có thể khiến trẻ bị tích nước đồng thời muối cũng có thể làm tình trạng phù nề và có thể khiến VA sưng to hơn, tăng tiết dịch nhầy phế quản hơn.

- Hạn chế lượng đường trong khẩu phần ăn vì sẽ làm trẻ khó tiêu đồng thời nên hạn chế những đồ ăn có tính kích thích nhiều như ớt, hạt tiêu... dễ gây kích thích niêm mạc phế quản gây hiện tượng ho.

- Tránh các loại thực phẩm làm long đờm khó như những loại hoa quả chua, chát như: mận, táo chua,…

7. Biện pháp phòng viêm VA hiệu quả

Viêm VA là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nên cha mẹ cần chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ, một số biện pháp phòng tránh viêm VA cho trẻ:

- Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý.

- Đeo khẩu trang cho trẻ khi cho trẻ đi ra ngoài đường hay đến những nơi có không khí ô nhiễm.

- Giữ ấm cho trẻ đặc biệt là là phần cổ, bàn chân để tránh không bị nhiễm lạnh.

- Tạo môi trường sạch sẽ, trong lành thoáng đãng cho trẻ.

- Tạo dựng thói quen tốt cho trẻ như xuyên rửa tay bằng xà phòng, không cắn móng tay, không ngậm đồ vật…

8. Câu hỏi thường gặp trong viêm VA

8.1. Khi nào cần nạo VA cho trẻ?

Bản chất của VA là một tổ chức miễn dịch nên nếu không phải những trường hợp cần thiết thì không nên nạo VA. Để quyết định xem trẻ có nên nạo VA hay không các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào mức độ viêm nhiễm của VA. Trên lâm sàng, mức độ viêm nhiễm của VA sẽ được chia thành 4 giai đoạn bao gồm:

Cấp độ 1: Viêm VA chiếm ít hơn 33% diện tích cửa mũi sau.

Cấp độ 2: VA chiếm từ 33 - 66% diện tích cửa mũi sau.

Cấp độ 3: VA chiếm từ 66- 90% diện tích cửa mũi sau.

Cấp độ 4: VA chiếm hết diện tích cửa mũi sau và lan sang hố mũi.

Nạo VA được chỉ định khi có các dấu hiệu sau:

- Trẻ bị nhiễm trùng VA tái phát nhiều lần, tối thiểu là 5 lần/ năm, mỗi lần kéo dài cả tháng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống của trẻ.

- Trẻ bị nhiễm trùng VA tái phát gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi hay viêm thanh quản,…Trẻ viêm VA đi kèm với các dấu hiệu tiêu chảy cấp nguy hiểm.

- Trẻ bị viêm VA giai đoạn nặng ở cấp độ 3 hoặc cấp độ 4, trẻ điều trị nội khoa không có hiệu quả, VA sưng to gây nên những cơn ngưng thở khi ngủ, trẻ khó nuốt, nói khó,…

Không phải trường hợp nào cũng được nạo VA cho trẻ và chống chỉ định khi nạo VA cho trẻ:

- Chống chỉ định tuyệt đối: Chống chỉ định tuyệt đối là không được phép nạo VA cho những trẻ có các bệnh liên quan tới máu như máu khó đông, bệnh tim bẩm sinh,…

- Chống chỉ định tạm thời trong trường hợp: Trẻ đang mắc cơn cấp của bệnh, trẻ đang nhiễm cúm, sởi, sốt xuất huyết,….

8.2. Viêm VA có thể điều trị khỏi được không?

Tình trạng viêm VA dù cấp tính hay mãn tính nếu được điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể khỏi hẳn, nếu không có thể dẫn tới một số tình trạng bệnh lý nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi,… Viêm phế quản xảy ra sau khi trẻ mắc viêm VA khoảng vài ngày, trẻ sốt cao liên tục không hạ, ho nhiều hơn, khó thở nhiều hơn, môi và đầu chi tím, nhịp thở nhanh nông,…

9. Các hình ảnh về bệnh viêm VA

Viêm VA là gì và viêm VA có nguy hiểm không-10

viem-va-la-gi-1

Viêm VA là gì và viêm VA có nguy hiểm không-11

Viêm VA là gì và viêm VA có nguy hiểm không-12

viem-va-la-gi-va-viem-va-co-nguy-hiem-khong-5

Viêm VA là gì và viêm VA có nguy hiểm không-7

Viêm VA là gì và viêm VA có nguy hiểm không-9

viem-va-la-gi-va-viem-va-co-nguy-hiem-khong-4

Tác giả: Phạm Thị Mai