Viêm tụy mãn tính là tên gọi dùng để chỉ tình trạng tuyến tụy bị viêm lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc viêm tụy liên tục, kéo dài dai dẳng.
Viêm tụy mãn tính khiến các mô của tụy bị tổn thương liên tục, dần dần chúng không còn khả năng hồi phục và bị thay thế bởi các cấu trúc xơ. Điều này khiến chức năng tụy của bệnh nhân viêm tụy mãn tính giảm dần theo thời gian.
Theo thống kê tại Hoa Kỳ, hằng năm có đến hơn 120 000 bệnh nhân phải đến bệnh viện thăm khám vì viêm tụy mãn tính, trong đó có đến hơn 56 000 bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị.
Bệnh viêm tụy mãn tính (Ảnh: Internet)
- Viêm tụy mãn tính do biến chứng viêm tụy cấp
Nguyên nhân khá thường thấy của viêm tụy mãn tính là do sự biến chứng của viêm tụy cấp tính gây nên. Người ta cho rằng tình trạng viêm tụy cấp tính là do sự hoạt hóa của các enzym tụy ngay tại tụy khiến chúng gây tổn thương các mô tại chỗ gây phản ứng viêm.
Tình trạng này có thể bắt đầu đột ngột dẫn đến viêm tụy cấp tính, nếu không được can thiệp đúng và kịp thời thì sự hoạt hóa men tụy thường xuyên có thể khiến viêm tụy cấp tính chuyển thành viêm tụy mãn tính.
- Viêm tụy mãn tính do rượu
Rượu được cho là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh viêm tụy mãn tính. Trên thực tế có đến 70% số bệnh nhân viêm tụy mãn tính được ghi nhận có liên quan đến tiền sử sử dụng rượu kéo dài.
Cơ chế gây viêm tụy mãn tính do rượu vẫn chưa được biết đến một cách rõ ràng, nhưng có khá nhiều giả thiết khác nhau đã được đưa ra kể đến như sự hoạt hóa sớm các men tụy do rượu, rượu làm giãn cơ vòng oddi gây trào ngược dịch tiêu hóa vào tụy, rượu làm tổn thương tụy trực tiếp,...
- Những nguyên nhân gây viêm tụy mãn tính khác
Bên cạnh các nguyên nhân viêm tụy mãn tính thường gặp như do biến chứng của viêm tụy cấp tính, do lạm dụng rượu kéo dài thì một số các nguyên nhân khác như di truyền, sỏi đường mật, hẹp ống tụy, tăng calci máu, tăng triglycerid máu cũng được biết đến là các nguyên nhân có thể gây nên viêm tụy mãn tính.
Tuy nhiên trên thực tế không phải trường hợp nào cũng có thể xác định được nguyên nhân gây viêm tụy mãn tính. Một số trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy mãn tính trong khi không thể tìm được bất kỳ một yếu tố nguyên nhân nào, những trường hợp này thường được gọi là viêm tụy mãn tính vô căn.
* Những ai có nguy cơ mắc viêm tụy mãn tính?
- Bệnh phổ biến ở nam giới hơn ở phụ nữ, nhất là những người trong độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi.
- Người lạm dụng rượu có nguy cơ cao mắc viêm tụy mãn tính, hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ này.
- Trẻ em có chế độ dinh dưỡng kém cũng dễ mắc viêm tụy mãn tính hơn.
Ngoài ra bệnh còn dễ gặp hơn ở những người có tiền sử sỏi đường mật, tăng calci huyết, tăng triglycerid.
Viêm tụy mãn tính được phân loại thành một số dạng bao gồm:
- Viêm tụy vôi hóa mãn tính
- Viêm tụy tắc nghẽn mãn tính
- Viêm tụy tự miễn
- Viêm tụy mãn tính liên quan đến rãnh tá tràng
- Viêm tụy xơ.
Nhìn chung, sự biểu hiện của viêm tụy mãn tính ít rầm rộ hơn so với viêm tụy cấp tính. Bệnh có thể tiến triển âm thầm cho đến giai đoạn nặng thì bệnh mới được phát hiện.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tụy mãn tính:
- Đau bụng: Bệnh nhân có thể cảm thấy đau bụng kéo dài liên tục ở vùng thượng vị, đau lan ra sau lưng. Đôi khi bệnh nhân có thể không cảm thấy triệu chứng này.
Viêm tụy mãn tính thường gây đau bụng kéo dài (Ảnh: Internet)
- Nôn mửa: Bệnh nhân viêm tụy mãn tính có thể biểu hiện bằng buồn nôn hoặc nôn, tình trạng này thường biểu hiện rõ ràng hơn trong cơn đau bụng.
- Bất thường trong đại tiện: Tiêu chảy rất thường xảy ra khi bị viêm tụy mãn tính, ngoài ra bệnh nhân còn dễ bị phân mỡ, nhợt nhạt, có thể có mùi dầu.
- Sụt cân bất thường khó giải thích được.
Ngoài ra, nếu viêm tụy mãn tính gây nên biến chứng tiểu đường thì bệnh nhân còn có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng đặc trưng của bệnh này như khát thường xuyên, đi tiểu nhiều, giảm cân nhiều, hay mệt mỏi, mờ mắt,...
Để chẩn đoán chính xác hơn viêm tụy mãn tính, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm hỗ trợ, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu: Trong giai đoạn đầu của viêm tụy mãn tính xét nghiệm máu có thể không cho thấy sự khác biệt quá lớn so với bình thường. Tuy nhiên nó có thể giúp đánh giá chức năng tụy thông qua một số thông số như nồng độ amylase máu, nồng độ lipase máu, bộ mỡ máu, chỉ số đường huyết và các chỉ số viêm (CRP, procalcitonin).
- Siêu âm: Siêu âm được sử dụng để phản ánh hình ảnh của tụy và các cơ quan lân cận với tụy khi nghi ngờ có viêm tụy mãn tính. Siêu âm có thể được thực hiện thông qua đầu do thông thường hoặc kết hợp với nội soi.
Siêu âm giúp chẩn đoán viêm tụy mãn tính (Ảnh: Internet)
- CT-Scan, MRI: CT-Scan và MRI có thể được sử dụng để theo dõi sự thay đổi trong cấu trúc của tụy dưới dạng các lát cắt, khi cần thiết chúng có thể được tổ hợp thành hình ảnh 3 chiều đến thuận tiện cho đánh giá tình trạng tụy.
Thay đổi lối sống là một trong các nội dung quan trọng của điều trị viêm tụy mãn tính. Người bệnh viêm tụy mãn tính sẽ được bác sĩ khuyến cáo về tác hại của rượu đối vợi tụy và hướng dẫn, hỗ trợ ngừng sử dụng rượu hoặc các loại thức uống có cồn.
Bên cạnh đó, do thuốc lá cũng khiến cho tình trạng viêm tụy mãn tính diễn tiến nhanh hơn và nặng nề hơn nên người bệnh viêm tụy mãn tính cũng được khuyên nên bỏ sử dụng thuốc lá.
Viêm tụy mãn tính có thể gây đau đớn kéo dài cho bệnh nhân. Điều này không chỉ khiến bệnh nhân khó chịu mà trong thời gian kéo dài còn có thể gây nên các vấn đề về tâm lí cho người bệnh. Vì vậy bệnh nhân sẽ được cho sử dụng các loại thuốc giảm đau.
Thông thường việc sử dụng thuốc giảm đau nào sẽ được quyết định dựa trên mức độ đau của bệnh nhân và sự đáp ứng với thuốc. Các loại thuốc giảm đau sẽ được sử dụng tăng dần từ các loại thuốc giảm đau nhẹ cho đến khi đạt hiệu quả giảm đau mong muốn.
Khi viêm tụy mãn tính gây tổn thương các tế bào Beta tuyến tụy ( là tế bào chuyên sản xuất hormon insulin- hormon làm giảm đường huyết) thì có thể sẽ khiến bệnh nhân bị bệnh tiểu đường type 1.
Để điều chỉnh đường huyết cho bệnh nhân về mức bình thường thì người bệnh có thể được cho sử dụng các chế phẩm insulin nhằm bổ sung cho lượng insulin thiếu hụt do tụy bị tổn thương.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được áp dụng khi viêm tụy mãn tính nghiêm trọng gây đau đớn quá nhiều cho bệnh nhân, tuyến tụy bị tắc nghẽn, viêm đầu tụy,...
Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong điều trị viêm tụy mãn tính hiện nay bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy
- Phẫu thuật cắt bỏ tụy hoàn toàn
- Phẫu thuật ghép đảo tụy tự thân
Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm tụy mãn tính có thể phát triển và gây nên một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân.
- Ảnh hưởng đối với tâm lý của người bệnh: Những triệu chứng như đau kéo dài, nôn mửa thường xuyên, tiêu chảy kéo dài,... có thể gây ảnh hưởng lên tâm lý của người bệnh. Chúng không chỉ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu mà còn có thể gây nên các ảnh hưởng trầm trọng hơn như dẫn đến lo âu và trầm cảm.
- Nang giả tụy: Nang giả tụy là các cấu trúc nang xuất hiện mới trong tụy chứa các thành phần dịch tụy. Bình thường nang giả tụy không biểu hiện triệu chứng, nhưng những nang này sẽ lớn dần theo thời gian gây nên các biểu hiện đau, dễ nhiễm trùng, có thể vỡ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
- Ung thư tụy: Nguy cơ mắc ung thư tụy ở những bệnh nhân mắc viêm tụy mãn tính được thấy rằng cao hơn so với những người bình thường. Theo thống kê cho thấy cứ khoảng 500 bệnh nhân mắc viêm tụy mãn tính thì có một bệnh nhân bị ung thư tụy.
Nguy cơ mắc ung thư tụy ở những bệnh nhân mắc viêm tụy mãn tính (Ảnh: Internet)
- Cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân
- Kiểm soát tốt đường huyết
- Ngăn ngừa các nguy cơ biến chứng viêm tụy, hoặc biến chứng thứ phát tại các cơ quan khác
- Giảm tỷ lệ các đợt viêm cấp bùng phát
- Khẩu phần ăn của bệnh nhân viêm tụy mãn tính nên được chia thành nhiều bữa nhỏ để sử dụng trong ngày thay vì ăn các bữa quá no để tránh làm tăng áp lực lên tụy.
- Nên sử dụng các loại thực phẩm giàu protein, vitamin, chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt trong khẩu phần ăn hằng ngày.
- Tránh sử dụng nhiều chất béo trong bữa ăn (thực phẩm chiên xào, dầu mỡ, bơ,...), các loại đồ uống có cồn để tránh là tăng áp lực lên tụy.
Không có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh viêm tụy mãn tính, nhưng một số biện pháp sau đây có thể giúp giảm bớt nguy cơ viêm tụy mãn tính xảy ra.
- Hạn chế sử dụng rượu hoặc các loại thức uống có cồn
- Duy trì một chế độ ăn hợp lý với các loại dinh dưỡng lành mạnh như vitamin, chất xơ,...
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao
- Điều trị sớm, đúng cách và dứt điểm khi có viêm tụy cấp tính xảy ra
Viêm tụy mãn tính là bệnh lý không thể được chữa khỏi một cách hoàn toàn, những tổn thương do bệnh gây nên không thể được khôi phục về trạng thái ban đầu. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng hồi phục của bệnh bao gồm giới tính, lứa tuổi, thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá,...
Việc điều trị mãn tính mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân, nhưng chúng cần đạt được một số mục tiêu cụ thể bao gồm kiểm soát tình trạng suy nội tiết, hỗ trợ chức năng tiêu hóa, giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Việc nhập viện ở bệnh nhân viêm tụy mãn tính có thể được cân nhắc phụ thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ nặng của bệnh. Thông thường, bệnh nhân viêm tụy mãn tính có thể được cho điều trị ngoại trú.
Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/160459.php#causes