Viêm thanh quản có lây không? Cách nhận biết và điều trị khi bị lây bệnh viêm thanh quản

Viêm thanh quản có lây không? Cách nhận biết và điều trị khi bị lây bệnh viêm thanh quản
Trong những thắc mắc liên quan đến bệnh viêm thanh quản, bệnh viêm thanh quản có lây không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Trên thực tế, bệnh viêm thanh quản là bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người, nhưng điều này lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây bệnh là gì.

Trong số các bệnh đường hô hấp, viêm thanh quản là bệnh lý khá thường gặp trên thực tế. Tuy nhiên những hiểu biết của mọi người xung quanh căn bệnh này vẫn còn tương đối hạn chế. Điều này dẫn đến nhiều thắc mắc và lo lắng khác nhau. Trong đó, bệnh viêm thanh quản có lây không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.

1. Bệnh viêm thanh quản có lây không?

Thanh quản là một cấu trúc đặc biệt nằm trên đường hô hấp. Nó được cấu trúc từ hai dây thanh cùng với một số thành phần khác tạo nên chức năng phát âm thanh. Khi một trong số các thành phần của thanh quản bị tấn công và tổn thương sẽ kích hoạt phản ứng viêm phát triển, gây ra bệnh viêm thanh quản.

Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản trên thực tế rất đa dạng. Các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm), khói thuốc, vận động thanh quản quá mức,... đều được xác định là các nguyên nhân có thể gây bệnh viêm thanh quản.

Vì thế, để trả lời được cho câu hỏi "viêm thanh quản có lây không" thì việc xác định được nguyên nhân gây bệnh là điều vô cùng quan trọng. Bởi không phải bất cứ trường trường hợp viêm thanh quản nào đều có thể lây từ người sang người.

Cụ thể, nếu viêm thanh quản gây ra bởi các loài vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm,... thì khả năng lây bệnh và bị lây bệnh là điều có thể xảy ra. Những vi sinh vật này có thể lây lan từ người bệnh sang người lành để bắt đầu một chu trình phát triển mới và gây bệnh viêm thanh quản.

Ngược lại, với các trường hợp bệnh nhân bị viêm thanh quản do các tổn thương vật lý và hóa học như khói thuốc lá, sử dụng thanh quản quá mức,... là dạng không có khả năng lây nhiễm. Bệnh nhân và những người xung quanh có thể tiếp xúc hoàn toàn bình thường với nhau mà sẽ không lây nhiễm bệnh.

Viêm thanh quản có lây không? Cách nhận biết và điều trị khi bị lây bệnh viêm thanh quản - Ảnh 1.

Viêm thanh quản có lây không phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh - Ảnh: Internet

2. Bệnh viêm thanh quản lây lan như thế nào?

Cơ chế lây lan bệnh viêm thanh quản trong những trường hợp mắc bệnh do nguyên nhân vi sinh vật như vi khuẩn, virus và nấm,... là tương tự với nhau.

Các loài vi sinh vật gây bệnh từ người bệnh sẽ được phát tán ra ngoài môi trường thông qua các giọt bắt hô hấp khi người bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho, khạc đờm, nói chuyện,... Những giọt bắn này làm vi sinh vật bị lơ lửng trong không khí hoặc bám trên các bề mặt xung quanh. Khi chẳng may người lành có tiếp xúc với các bề mặt hoặc không khí có chứa mầm bệnh, chúng sẽ nhân cơ hội để xâm nhập vào hệ hô hấp của vật chủ mới.

Tại đây các loài vi sinh vật sẽ không gây bệnh ngay lập tức do số lượng của chúng vẫn chưa đạt đến ngưỡng. Do đó sẽ cần một thời gian để các loài vi sinh vật này nhân lên và phát triển cho đến một số lượng cần thiết đủ để có thể gây bệnh, thường gọi là giai đoạn ủ bệnh. Tuy rằng đây là giai đoạn chưa có triệu chứng, nhưng đây là thời điểm mà bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Viêm thanh quản có lây không? Cách nhận biết và điều trị khi bị lây bệnh viêm thanh quản - Ảnh 3.

Bệnh viêm thanh quản có lây không? (Ảnh: Internet)

Nhưng khả năng lây nhiễm thường sẽ đạt mức cao nhất khi mà bệnh nhân có biểu hiện của bệnh viêm thanh quản như sốt, ho,... Khi này các vi sinh vật đã sinh sôi đến một số lượng rất lớn, vì vậy lượng vi sinh vật bị phát tán từ đường hô hấp của người bệnh cũng sẽ nhiều hơn và dễ dàng lây lan hơn.

Trong số các nguyên nhân vi sinh vật gây bệnh viêm thanh quản thì virus là nguyên nhân thường gặp nhất. Tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân bị lây nhiễm viêm thanh quản do virus là không cao, chủ yếu thường xảy ra ở các trường hợp bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu kém. Còn các trường hợp bệnh nhân bị viêm thanh quản do vi khuẩn hay nấm thường ít gặp hơn, nhưng lại có tỷ lệ lây bệnh cao hơn hẳn so với virus.

3. Cách nhận biết đã bị lây nhiễm bệnh viêm thanh quản?

Để xác định chính xác nguyên nhân bị bệnh viêm thanh quản không phải là điều dễ dàng, kể cả đối với các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, nhận biết sớm một số dấu hiệu phân loại bệnh viêm thanh quản do lây nhiễm vi sinh vật để có biện pháp phòng ngừa bệnh tiếp tục lây lan là điều hết sức cần thiết.

Cách nhận biết một trường hợp bị viêm thanh quản do lây nhiễm:

- Tiền sử và yếu tố dịch tễ: Người bệnh có tiếp xúc với người bị mắc bệnh viêm thanh quản, người bị bệnh viêm đường hô hấp trên trước đó vài ngày. Hoặc người bệnh đang sống và làm việc trong môi trường có bệnh viêm thanh quản, viêm hô hấp lưu hành phổ biến.

- Các triệu chứng bệnh viêm thanh quản: Bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm thanh quản như ho, khàn tiếng, khó nói, đau rát cổ, khô cổ,...

- Dấu hiệu nhiễm trùng: Bệnh viêm thanh quản do các nguyên nhân không lây (khói thuốc, vận động thanh quản quá mức) sẽ không gây ra các biểu hiện nhiễm trùng. Những biểu hiện nhiễm trùng như sốt, khạc đờm, môi khô lưỡi bẩn, hơi thở hôi bất thường,... chỉ xuất hiện khi bệnh nhân bị bệnh do nhiễm vi sinh vật.

Viêm thanh quản có lây không? Cách nhận biết và điều trị khi bị lây bệnh viêm thanh quản - Ảnh 4.

Các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn,... báo hiệu tình trạng viêm thanh quản do bị lây nhiễm và có khả năng lây nhiễm - Ảnh: Internet

Đọc thêm: Sốt rét run ở người lớn nên làm gì? Những điều cần biết về bệnh sốt rét

4. Điều trị khi bị lây nhiễm viêm thanh quản như thế nào?

Vấn đề điều trị cho bệnh nhân viêm thanh quản do lây nhiễm sẽ rất khác nhau dựa theo nguyên nhân gây bệnh:

- Do virus: Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho các trường hợp bệnh nhân bị viêm thanh quản do virus. Tất cả các phương pháp điều trị đều chỉ mang tính chất giảm nhẹ triệu chứng (hạ sốt, giảm ngứa rát họng, giảm ho,...). Người bệnh sẽ tự khỏi bệnh sau đó trong từ 7-10 ngày.

- Do vi khuẩn: Liệu pháp kháng sinh là bắt buộc khi điều trị viêm thanh quản do vi khuẩn. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng bệnh viêm thanh quản, tương tự như đối với trường hợp bị bệnh do nhiễm virus.

- Do nấm: Khi bị viêm thanh quản do nấm, việc điều trị thường khó khăn hơn so với các bệnh nhân bị viêm thanh quản do vi khẩn hay virus. Để tăng hiệu quả điều trị và giảm bớt thời gian mắc bệnh, người bệnh thường được thực hiện các xét nghiệm để xác định chính xác loài nấm gây bệnh là gì. Từ đó đưa ra phương án điều trị đặc hiệu hơn.

5. Phòng tránh lây nhiễm bệnh viêm thanh quản

Để hạn chế sự ảnh hưởng và các nguy cơ biến chứng do bệnh viêm thanh quản gây ra, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh là điều rất quan trọng. Một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh viêm thanh quản bao gồm:

- Tránh tiếp xúc với người bị mắc bệnh viêm thanh quản, nếu cần phải tiếp xúc thì nên sử dụng những loại thiết bị bảo hộ như khẩu trang,...

- Hạn chế sử dụng chung với bệnh nhân viêm thanh quản các dụng cụ cá nhân có thể làm lây truyền bệnh viêm thanh quản như khăn mặt, khăn tắm, ly uống nước, bàn chải đánh răng,...

- Những người mắc bệnh viêm thanh quản nghi ngờ do các nguyên nhân lây nhiễm nên nghỉ làm tạm thời ở các môi trường công sở, hạn chế đến nơi đông người,... để tránh lây bệnh cho người khác.

- Đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ bị lây bệnh viêm thanh quản để được điều trị sớm, kịp thời.

Trên đây là trả lời sơ lược cho vấn đề bệnh viêm thanh quản có lây không đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nếu như có bất kì một băn khoăn nào, bạn nên liên hệ với các bác sĩ để được giải thích đầy đủ và rõ ràng hơn.

Nguồn dịch: Is Laryngitis Contagious?


https://suckhoehangngay.vn/viem-thanh-quan-co-lay-khong-cach-nhan-biet-va-dieu-tri-khi-bi-lay-benh-viem-thanh-quan-20220204085214443.htm
Tác giả: QN