Viêm thanh khí phế quản cấp: Căn bệnh hô hấp hay gặp ở trẻ, làm sao để nhận biết?

Viêm thanh khí phế quản cấp: Căn bệnh hô hấp hay gặp ở trẻ, làm sao để nhận biết?
Viêm thanh khí phế quản cấp là căn bệnh viêm đường hô hấp thường gặp nhiều ở trẻ em. Hiểu biết về căn bệnh này sẽ giúp cha mẹ phòng bệnh cho con hiệu quả hơn và trẻ sẽ luôn khỏe mạnh.

1. Viêm thanh khí phế quản cấp

Viêm thanh khí phế quản cấp còn được gọi là bệnh Croup. Đây là căn bệnh chỉ tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, ảnh hưởng chủ yếu tới trẻ em. Khi bị nhiễm bệnh, trẻ bị tắc nghẽn hô hấp và ho dữ dội. Thanh quản và khí quản kích ứng dẫn tới sưng lên. Trẻ nhiễm bệnh trong thời gian dài sẽ có nguy cơ bị bệnh viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn phổi nghiêm trọng.

2. Các triệu chứng của bệnh viêm thanh khí phế quản cấp

Triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất của căn bệnh ở trẻ là ho dữ dội.

Ảnh 2.

Trẻ bị viêm thanh khí phế quản cấp thường có biểu hiện ho dữ dội (nguồn: Internet)

Ngoài việc trẻ bị ho, còn có một số triệu chứng khác như:

- Rát cổ họng, chảy nước mũi và bị sốt.

- Trẻ còn bị khàn giọng, ho khan, thở gấp, khi hít vào sẽ có âm thanh như tiếng rít gió.

Các triệu chứng đặc biệt rõ ràng khi trẻ nằm và thường xuất hiện vào buổi tối.

Bạn nên báo với bác sĩ nếu trẻ có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm thanh khí phế quản cấp, đặc biệt là:

- Da quanh vùng mũi, miệng và ngón tay bị tím tái hay xám đi.

-  Chảy nước dãi, khó nuốt.

- Tạo ra âm thanh như tiếng rít hoặc tiếng gió khi hít thở.

- Thở gấp, khó thở.

- Trẻ bị lo âu, stress, mệt mỏi.

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh khí phế quản cấp

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh chính là các loại vi rút gây bệnh nhiễm trùng. Những loại vi rút này không những gây bệnh sởi, cúm mà còn làm trẻ bị bệnh viêm thanh khí phế quản cấp.

Trẻ em có thể mắc  bệnh hô hấp do hít thở, vi rút sẽ xuất hiện trên đồ chơi hoặc những bề mặt mà trẻ chạm tay vào.Những trẻ bị dị ứng, hít phải chất gây kích ứng dạ dày hoặc trào ngược axit dạ dày – thực quản cũng có nguy cơ bị bệnh viêm thanh khí phế quản cấp.

4. Những người có nguy cơ mắc bệnh viêm thanh khí phế quản cấp

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Cũng có những trẻ bị bệnh từ 3 tháng tuổi, thậm chí có trẻ ở độ tuổi thiếu niên mới mắc bệnh viêm thanh khí phế quản cấp.

Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh Croup nếu:

- Trẻ có hệ miễn dịch yếu hoặc có cha mẹ bị hen suyễn, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm thanh khí phế quản cấp.

-  Trẻ từ 6 tháng đến 3 năm tuổi. Đặc biệt, số ca mắc bệnh cao nhất nằm trong độ tuổi từ 18 đến 24 tháng tuổi.

5. Cách điều trị viêm thanh khí phế quản cấp hiệu quả

Để điều trị bệnh viêm thanh khí phế quản cấp hiệu quả, bạn cần lưu ý một số việc sau.

5.1. Cách điều trị bệnh

- Trẻ mắc bệnh viêm thanh khí phế quản cấp thường được chữa trị bệnh tại nhà.

Ảnh 3.

Trẻ cần uống nhiều nước ấm để điều trị bệnh (nguồn: Internet)

- Trong quá trình điều trị bệnh, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước ấm để trẻ không bị mất nước.

- Nếu tình trạng bệnh không được cải thiện sau vài ngày (4 – 5 ngày), trẻ cần được bác sĩ kê thuốc để giảm sưng viêm khí quản. Loại thuốc này có thể tiêm trực tiếp, uống hoặc ở dạng ống xịt. Đây là thuốc đặc trị, bạn không nên tự ý cho trẻ dùng khi không có chỉ định của bác sĩ.

5.2. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Để trẻ không mắc bệnh viêm thanh khí phế quản cấp, cha mẹ cần chú ý cho trẻ một chế độ sinh hoạt điều độ:

-  Cho trẻ rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh lây lan, xâm nhập vào cơ thể trẻ.

-  Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trẻ phát triển. Cha mẹ cũng cần cho trẻ tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe của trẻ.

-  Nếu trẻ bị bệnh, cha mẹ nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Thông tin bệnh viêm thanh khí phế quản cấp sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh. Đây là căn bệnh về đường hô hấp phổ biến với nhiều người, trong đó trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Cha mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ để bé luôn khỏe mạnh.

                                                                                                                    

Tác giả: Quỳnh Anh