Ruột thừa là bộ một bộ phận trên đường tiêu hóa có dạng một ống nhỏ, dài từ 5-10cm, thành mỏng, một đầu tự do, một đầu gắn vào manh tràng. Cho đến nay, tác dụng chính xác của ruột thừa với cơ thể là gì vẫn chữa được khẳng định hoàn toàn chắc chắn, một số ý kiến cho rằng nó là một khu vực chứa lợi khuẩn, đóng vai trò tiêu hóa, hay tham gia vào hệ miễn dịch,...
Viêm ruột thừa là tên gọi dùng để chỉ tình trạng viêm xảy ra ở ruột thừa.
Viêm ruột thừa là tên gọi dùng để chỉ tình trạng viêm xảy ra ở ruột thừa (Ảnh: Internet)
Về cơ bản, viêm ruột thừa sẽ được phân loại dựa trên mức độ biểu hiện của bệnh nhân và sự tiến triển của bệnh, được chia làm hai loại chính bao gồm viêm ruột thừa cấp tính và viêm ruột thừa mãn tính.
Viêm ruột thừa cấp tính là dạng viêm ruột thừa thường gặp nhiều hơn và phổ biến hơn trên lâm sàng. Bệnh có xuất hiện đột ngột, diễn tiến cấp tính có thể tiến triển nặng chỉ trong vài tiếng với các biểu hiện triệu chứng rầm rộ. Do sự biểu hiện khá đặc trưng và điển hình nên việc chẩn đoán viêm ruột thừa cấp tính thường không quá khó khăn.
Tuy nhiên, do sự diễn tiến nhanh chóng nên nếu không được điều trị kịp thời, viêm ruột thừa cấp tính có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân trong một thời gian ngắn.
Một dạng khác của viêm ruột thừa có thể gặp trên lâm sàng là viêm ruột thừa mãn tính, thể bệnh này thường gặp với tỷ lệ ít hơn rất nhiều so với viêm ruột thừa cấp tính.
Trái ngược với viêm ruột thừa cấp tính, các biểu hiện của viêm ruột thừa mãn tính biểu hiện khá nhẹ và mờ nhạt, đôi khi có thể hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng trong một thời gian dài vài tháng cho đến vài năm.
Sự biểu hiện triệu chứng thiếu thốn và mờ nhạt trong viêm ruột thừa mãn tính là một rào cản rất lớn cho sự chẩn đoán bệnh. Đôi khi người ta chỉ có thể phát hiện bệnh nhân bị viêm ruột thừa khi có sự xuất hiện của một đợt viêm cấp trên nền viêm mãn tính.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây nên viêm ruột thừa là gì. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm ruột thừa bao gồm:
- Ruột thừa bị tắc: Một số nguyên nhân gây tắc lòng ruột thừa như mẩu thức ăn trong ống tiêu hóa lọt vào, giun trong đường tiêu hóa, sự lắng đọng tạo thành các khối phân cứng bít kín ruột thừa,.... có thể trở thành nguyên nhân gây viêm ruột thừa.
Lúc này áp lực trong ruột thừa thường sẽ tăng rất cao và khiến bệnh nhân cảm thấy đau bụng rất dữ dội và cũng khiến ruột thừa dễ bị vỡ hơn.
- Sự nhiễm khuẩn: Viểm ruột thừa có thể là đáp ứng với một nhiễm khuẩn trực tiếp xảy ra tại ruột thừa hoặc nhiễm khuẩn tại một hệ cơ quan khác trong cơ thể như nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Chấn thương: Các chấn thương ổ bụng làm tổn thương nội tạng bên trong có thể khiến ruột thừa bị tổn thương và gây viêm.
Theo lý thuyết, viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi đối tượng, bất kể tuổi tác và giới tính. Nhưng trên thực tế, người ta nhận thấy rằng có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc viêm ruột thừa cao hơn hẳn so với người khác, phần lớn là những đối tượng trong độ tuổi từ 15-35 tuổi, hay những người có người thân trực hệ mắc viêm ruột thừa. Bệnh hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.
Sự biểu hiện triệu chứng của viêm ruột thừa khá đa dạng, có tính đặc hiệu tương đối cao và có thể nhận biết khá dễ dàng (kể cả những người không có chuyên môn về y tế).
Những triệu chứng thường gặp khi bị viêm ruột thừa:
- Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa. Thông thường đau sẽ xuất hiện ở vùng hố chậu phải của bệnh nhân.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau có thể xuất hiện ở một vị trí khác như đau ở vùng thượng vị, đau quanh rốn,... nhưng dù khởi đầu đau ở vị trí nào đi nữa thì hố chậu phải vẫn là khu vực đau cuối cùng của người bệnh (nếu ruột thừa của người bệnh nằm ở vị trí bình thường).
Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa (Ảnh: Internet)
- Các dấu hiệu của sự sự nhiễm trùng: dấu hiệu này hay xuất hiện nhất khi bị viêm ruột thừa cấp tính. Bệnh nhân có biểu hiện sốt (sốt trong viêm ruột thừa thường là sốt cao), môi khô, lưỡi bẩn,...
- Rối loạn tiêu hóa: Khi bị viêm ruột thừa, bệnh nhân có thể biểu hiện bằng một số những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chán ăn, nôn mửa sau khi có biểu hiện đau bụng, thay đổi về đại tiện (tiêu chảy, táo bón,...).
- Chướng bụng: Đôi khi người bệnh có cảm giác bụng chướng căng, khó chịu và thường thì bệnh nhân viêm ruột thừa sẽ không thể xì hơi bình thường.
Một số triệu chứng ít thường xuyên trong viêm ruột thừa:
Ngoài những triệu chứng thường gặp như trên, bệnh nhân viêm ruột thừa đôi khi có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng ít gặp hơn như nôn mửa trước khi có sự đau bụng xảy ra, đau bụng không khu trú về vùng hố chậu phải (thường gặp khi viêm ruột thừa nằm lạc chỗ), hoặc đôi khi có thể có tiểu khó hoặc cảm giác đau khi tiểu.
Khi phát hiện cơ thể có các triệu chứng bất thường như đã nêu trên xảy ra, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến thăm khám tại các cơ sở y tế được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm.
Để chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ không chỉ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà người bệnh biểu hiện mà còn sẽ cần phải thực hiện một số các xét nghiệm khác. Các xét nghiệm kiểm tra viêm ruột thừa bao gồm:
- Công thức máu: Trên kết quả công thức máu chủ yếu cho thấy sự biến động số lượng tế bào bạch cầu trong máu của người bệnh do tình trạng viêm, số lượng tế bào bạch cầu trong máu có thể tăng lên rất cao khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp.
Tuy nhiên, kết quả công thức máu chỉ cho thấy có tình trạng viêm đang xảy ra trong cơ thể của bệnh nhân, chứ không thể cho phép xác định chính xác viêm có xảy ra tại ruột thừa hay không.
- Xét nghiệm nước tiểu: Bệnh nhân cũng có thể sẽ được cho làm xét nghiệm nước tiểu nếu nghi ngờ viêm ruột thừa để đánh giá một số các chỉ số nước tiểu như số lượng tế bào trong nước tiểu, protein niệu, nitrat niệu, máu hoặc hồng cầu trong nước tiểu,... Xét nghiệm này có giá trị trong việc giúp chẩn đoán bệnh với các bệnh lý đường tiết niệu khác.
- Thử thai: Đôi khi một số tình trạng bất thường trong thai kỳ có thể bị chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa, hay gặp nhất là tình trạng thai ngoài tử cung vỡ. Do đó, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán có thai là cần thiết. Bệnh nhân có thể được kiểm tra tình trạng có thai bằng các loại que thử thai nhanh hoặc định lượng nồng độ HCG.
Siêu âm bụng giúp kiểm tra cấu trúc ruột thừa có xuất hiện ổ viêm hay không (Ảnh: Internet)
- Siêu âm bụng: Siêu âm bụng là xét nghiệm đặc biệt có giá trị trong chẩn đoán viêm ruột thừa. Qua sự phản hồi của sóng siêu âm, người ta có thể thấy sự thay đổi cấu trúc của ruột thừa khi bị viêm, chẳng hạn thành dày lên,...
Một số xét nghiệm hình ảnh học khác như xquang ổ bụng, CT ổ bụng cũng có thể được thực hiện trên bệnh nhân, nhưng thường là với mục đích phân biệt với các bệnh đường tiêu hóa khác như tắc ruột, lồng ruột, abces ổ bụng,...
- X-quang ngực: Trong một số trường hợp, bệnh viêm phổi cũng có thể gây các biểu hiện rất giống với viêm ruột thừa, do đó nếu bệnh nhân có kèm theo các biểu hiện hô hấp như khó thở, đau ngực,... thì việc chụp xquang phổi là điều nên được thực hiện.
Do thường xảy ra dưới dạng cấp tính, do đó viêm ruột thừa có khả năng gây ra khá nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời và đúng cách.
Một số biến chứng của viêm ruột thừa có thể xảy ra
- Vỡ ruột thừa: Vỡ ruột thừa là biến chứng hay xảy ra khi thời gian điều trị bị trì hoãn trong thời gian lâu dài (thường là 48-72 sau khi bắt đầu biểu hiện các triệu chứng của bệnh), các cấu trúc của ruột thừa bị tổn thương do viêm, tăng áp lực dẫn đến ruột thừa bị vỡ ra.
- Viêm phúc mạc: Đây là một hậu quả thứ phát do viêm ruột thừa đã vỡ giải phóng các chất bẩn vào ổ bụng như phân, thức ăn, mủ, vi khuẩn,... Đây là một biến chứng nghiêm trọng, điều trị khó khăn và thậm chí có thể gây đe dọa tính mạng bệnh nhân.
- Khi bị viêm ruột thừa, hiện tượng các mạc treo trong ổ bụng sẽ di chuyển đến và bao bọc quanh ruột thừa viêm sẽ có thể xảy ra, đây là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể để ngăn viêm ruột thừa vỡ vào ô bụng. Ruột thừa có thể vỡ vào các lớp bao này tạo nên các khối chứa dịch. Các khối này có thể không vỡ tức thì mà có thể vỡ ở thời điểm bất kỳ sau đó.
- Abces ruột thừa có thể hình thành sau khi viêm ruột thừa vỡ, mủ do ruột thừa vỡ di chuyển đến các góc cùng tại phúc mạc, cư trú tại đây, được bao bọc và tạo thành các ổ abces.
Việc tự ý điều trị (sử dụng kháng sinh, giảm đau,..) khiến các triệu chứng của viêm ruột thừa không biểu hiện đầy đủ có thể làm gia tăng nguy cơ biến chứng của bệnh.
Viêm ruột thừa được xem là một cấp cứu ngoại khoa tại ổ bụng. Do vậy, việc điều trị viêm ruột thừa cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt, bằng đúng phương pháp để ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Trước hết, bệnh nhân viêm ruột thừa sau khi đã được chẩn đoán xác định sẽ được cho sử dụng các loại thuốc kháng sinh và giảm đau để tạm thời ổn định tình hình người bệnh, tạo điều kiện tốt nhất cho phẫu thuật ruột thừa diễn ra sau đó.
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị triệt để cho viêm ruột thừa, ruột thừa của bệnh nhân sẽ được cắt bỏ cùng giải quyết các biến chứng nếu có. Hai phương pháp phẫu thuật thường được dùng để điều trị viêm ruột thừa hiện nay là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mổ hở truyền thống.
Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị viêm ruột thừa phổ biến (Ảnh: Internet)
- Phẫu thuật nội soi: Là phẫu thuật được sử dụng phổ biến hàng đầu trong điều trị viêm ruột thừa hiện nay. Bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ phẫu thuật vào ổ bụng của bệnh nhân và thực hiện thao tác cắt ruột thừa thông qua quan sát trên màn hình hiển thị lại hình ảnh thu được từ một camera gắn ở đầu dụng cụ đưa vào ổ bụng.
Mổ nội soi có khá nhiều ưu điểm so với mổ hở như giảm tổn thương do phẫu thuật cho bệnh nhân (vết mổ nhỏ, ít chảy máu), thời gian phục hồi nhanh chóng, giảm thời gian nằm viện, giảm nguy cơ biến chứng, chăm sóc sau mổ dễ dàng hơn.
- Mổ hở truyền thống: Trong một số trường hợp nhất định mà mổ nội soi không thể đáp ứng tốt các yêu cầu của điều trị thì mổ hở truyền thống sẽ được sử dụng, thường là khi ruột thừa đã vỡ yêu cầu rửa ổ bụng để ngăn nhiễm khuẩn. Các bác sĩ sẽ tạo một đường rạch trên da của bệnh nhân trên khu vực hố chậu phải, sau đó tiến hành phẫu thuật qua đường vào này.
Khi mổ hở truyền thống, bệnh nhân có thể gặp phải một số nguy cơ như chảy máu, nhiễm trùng, đau nhiều sau phẫu thuật, chậm bình phục.
Sự bình phục của bệnh nhân viêm ruột thừa sau điều trị có khác biệt rất lớn giữa các bệnh nhân tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật mà bệnh nhân được sử dụng.
Nếu là phẫu thuật nội soi, bệnh nhân thường sẽ được cho về sau khoảng 1 ngày quan sát sau phẫu thuật. Trong những ngày đầu, bệnh nhân có thể sẽ gặp phải tình trạng đau đớn tại vết mổ, đau đầu vai do khí bơm vào khi làm phẫu thuật, bầm tím,...
Trong trường hợp bệnh nhân mổ viêm ruột thừa bằng phương pháp mổ hở truyền thống, bệnh nhân sẽ thường phải ở lại viện theo dõi trong thời gian lâu hơn (trong khoảng 1 tuần). Và mất đến 2 tuần để bệnh nhân có thể hoạt động trở lại bình thường. Do phẫu trường lớn nên nguy cơ nhiễm khuẩn sau khi mổ hở cũng sẽ cao hơn, dễ xảy ra hơn rất nhiều so với mổ nội soi.
Sau khi bệnh nhân đã được cho về nhà, nếu có sự xuất hiện của một số triệu chứng như vết mổ chảy dịch bất thường, sốt, sưng tấy, nôn mửa,... thì người bệnh nên đến cơ sở y tế ngay để thăm khám bởi có thể đã có sự nhiễm trùng sau mổ xảy ra.
Ngoài ra, chế độ vận động thích hợp, sự vệ sinh vết mổ đúng và dinh dưỡng đầy đủ cũng có tác dụng lớn đến sự bình phục của người bệnh.
Khi bệnh nhân mới có các biểu hiện triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa mà chưa được điều trị, không được cho bệnh nhân ăn uống bất cứ gì. Ăn uống trong giai đoạn này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Sau khi bệnh nhân đã được thực hiện điều trị viêm ruột thừa, vấn đề dinh dưỡng của bệnh nhân cũng là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn sau mổ và bình phục của bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân chưa xì hơi được: Sau khi bệnh nhân được phẫu thuật ruột thừa, xì hơi là một dấu hiệu báo hiệu sự thông suốt tại đường tiêu hóa của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chưa xì hơi được có nghĩa là đường tiêu hóa của bệnh nhân vẫn chưa thể hoạt động lại một cách bình thường, do đó bệnh nhân không nên ăn uống trước khi có thể xì hơi được.
- Sau khi bệnh nhân xì hơi: Sau khi bệnh nhân có thể xì hơi được, người bệnh nên được bổ sung dinh dưỡng một cách thích hợp bằng các loại thức ăn giàu năng lượng, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước,...
Do nguyên nhân chính xác gây nên viêm ruột thừa vẫn chưa được xác định cụ thể, vì thế không có biện pháp dự phòng nào có thể đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn khả năng xảy ra viêm ruột thừa. Nhưng người ta cho rằng, bổ sung chất xơ là phương pháp có tác dụng nhất định trong dự phòng viêm ruột thừa xảy ra.
Người bệnh có thể tăng cường bổ sung chất xơ cho cơ thể bằng cách sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ (rau, trái cây, các loại đậu), sử dụng cám yến mạch, sử dụng gạo lứt,..)
Bổ sung chất xơ sau điều trị cho người viêm ruột thừa (Ảnh: Internet)
Có thể thấy rằng, viêm ruột thừa là bệnh lý rất nguy hiểm và diễn tiến nhanh chóng. Do vậy, khi có các triệu chứng nghi ngờ báo hiệu viêm ruột thừa hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng các phương pháp thích hợp, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.