Ruột thừa là một ống hẹp gắn liền với ruột già, nó nằm ở phía dưới bên phải của bụng. Khi ruột thừa bị tắc nghẽn hoặc viêm có thể dẫn đến tình trạng sưng tấy, gây viêm ruột thừa cấp. Viêm ruột thừa cấp là tình trạng cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Viêm ruột thừa cấp là một tình trạng cần được cấp cứu, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm ruột thừa.
Đọc thêm:
- Viêm ruột thừa là gì? Những điều cần biết về viêm ruột thừa
- 5 triệu chứng viêm ruột thừa nguy cấp dễ bị nhầm lẫn
Nếu không được điều trị, ruột thừa có thể bị vỡ trong khoảng 72 giờ đầu sau khi người bệnh có những triệu chứng viêm ruột thừa đầu tiên. Ruột thừa bị vỡ có thể dẫn tới nhiễm trùng nghiêm trọng được gọi là viêm phúc mạc – một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, viêm ruột thừa rất nguy hiểm nếu không được nhận biết và điều trị sớm.
Các triệu chứng viêm ruột thừa cấp thường xảy ra đột ngột và nặng, chúng có thể diễn tiến nặng hơn chỉ trong vài giờ. Tốt nhất, người bệnh không nên dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào đối với các triệu chứng của viêm ruột thừa cấp, bởi điều này có thể làm giảm đi các triệu chứng mà bác sĩ cần được biết.
Các triệu chứng của viêm ruột thừa cấp tính ở người lớn có thể bao gồm:
- Đau quanh vùng rốn, sau đó di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng;
- Bụng sưng lên;
- Buồn nôn hoặc nôn ói;
- Chán ăn, ăn không có cảm giác ngon;
- Sốt và cảm giác ớn lạnh;
- Táo bón hoặc tiêu chảy;
- Đầy hơi;
- Cơn đau có thể trầm trọng hơn theo thời gian hoặc khi người bệnh cử động, hít thở sâu, ho, hắt hơi hoặc chạm vào vùng bụng;
- Nếu ruột thừa bị vỡ, người bệnh có thể cảm thấy đau khắp vùng bụng.
Trẻ em có thể gặp phải các triệu chứng viêm ruột thừa cấp tính sau đây:
- Trẻ cảm thấy khó chịu, chán ăn;
- Đau ở khu vực phía dưới bên phải của bụng;
- Buôn nôn hoặc ói mửa;
- Sốt nhẹ;
- Nhịp tim tăng lên.
Viêm ruột thừa cấp xảy ra khi có thứ gì đó chặn bên trong khiến ruột thừa bị tắc nghẽn. Tình trạng này có thể xảy ra do:
- Nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong đường tiêu hóa;
- Phân từ manh tràng chảy qua gây tắc nghẽn ống giữa ruột thừa và ruột già;
- Do khối u ở ruột thừa;
- Bệnh viêm ruột;
- Do chấn thương vùng bùng khiến ruột thừa bị sưng và viêm.
Theo Bệnh viện Johns Hopkins, khi tình trạng sưng tấy tăng lên, lượng máu cung cấp cho ruột thừa sẽ giảm đi hoặc dừng lại. Nếu không được cung cấp đủ máu, ruột thừa có thể bắt đầu chết hoặc bị vỡ.
Để chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, bác sĩ sẽ tiến hành điều tra bệnh sử và tiến hành khám sức khỏe tổng quát cho người bệnh. Bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu; lượng bạch cầu cao có thể là báo hiệu của tình trạng nhiễm trùng.
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Siêu âm bụng giúp kiểm tra xem các cơ quan nội tạng đang hoạt động như thế nào, đồng thời theo dõi lưu lượng máu.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) để có kết quả hình ảnh chi tiết các cơ quan bên trong cơ thể.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI), bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI thay vì CT trong trường hợp người bệnh đang mang thai.
Sau khi thăm khám cộng với kết quả từ các xét nghiệm, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa cấp và tiến hành điều trị nhanh chóng.
Đối với bệnh viêm ruột thừa cấp tính, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ngay lập tức. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Thận (NIDDK), việc điều trị ngay lập tức làm giảm nguy cơ vỡ ruột thừa.
Có hai loại phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở ổ bụng.
Trong phẫu thuật nội soi, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện một vài vết cắt nhỏ ở bụng để loại bỏ ruột thừa. Trong phẫu thuật mở ổ bụng, bác sĩ sẽ cắt một vết duy nhất ở phía dưới bên phải của bụng để loại bỏ phần ruột thừa bị viêm.
Nếu ruột thừa bị vỡ, nó có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng trong niêm mạc của thành bụng. Lúc này, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ ruột thừa đồng thời làm sạch ổ bụng để ngăn chặn nhiễm trùng ở những cơ quan khác trong ổ bụng.
Theo NIDDK, phẫu thuật nội soi điều trị viêm ruột thừa ít nguy cơ biến chứng hơn và thời gian phục hồi cũng nhanh chóng hơn so với phẫu thuật mở ổ bụng.
Người bệnh sẽ phải hạn chết các hoạt động thể chất trong khoảng 3-5 ngày sau khi phẫu thuật nội soi hoặc 10-14 ngày sau khi phẫu thuật mở ổ bụng.
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm ruột thừa cấp có thể khiến ruột thừa bị vỡ. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng gọi là viêm phúc mạc. Các triệu chứng của viêm phúc mạc thường bao gồm: buồn nôn, sốt, nôn ói và đau dữ dội ở bụng.
Viêm phúc mạc là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể đe doa tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị ngay lập tức. Để điều trị viêm phúc mạc, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, đồng thời làm sạch bên trong ổ bụng.
Theo NIDDK, nếu viêm ruột thừa cấp tính không được điều trị cũng có thể dẫn đến áp xe ruột thừa. Nếu trường hợp này xảy ra, bác sĩ phẫu thuật sẽ dẫn lưu áp xe trước hoặc trong khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thực hiện đặt một ống dẫn lưu vào ổ áp xe và người bệnh phải giữ nguyên ông dẫn lưu này trong 2 tuần; đồng thời dùng thuốc kháng sinh. Sau 6-8 tuần, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ phần còn lại của ruột thừa.
Tóm lại, viêm ruột thừa cấp tính là tình trạng viêm đột ngột và cần được cấp cứu ngay lập tức để tránh biến chứng. Và hầu hết người gặp phải bệnh viêm ruột thừa cấp đều sẽ hồi phục hoàn toàn và sống khỏe mạnh sau đó mà không cần có phần ruột này.
Nguồn tham khảo:
1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/acute-appendicitis#summary
2. https://teachmesurgery.com/general/large-bowel/appendicitis/