Viêm quanh khớp vai là gì? Những thông tin cần biết về viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai là gì? Những thông tin cần biết về viêm quanh khớp vai
Khớp vai đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Viêm quanh khớp vai không những gây đau mà còn hạn chế sự vận động của người bệnh.

Khớp vai bao gồm nhiều khớp gộp lại, gồm 3 xương tham gia là xương cánh tay, xương bả vài và xương đòn. Sự kết hợp giữa hình dáng khớp vai và gân cơ giúp cánh tay có biên độ rộng từ trước ra sau. Tuy nhiên, cũng chính điều này khiến khớp vai có thể gặp một số tổn thương và bệnh lý liên quan như viêm đau, cứng cơ, viêm quanh khớp vai...

Viêm quanh khớp vai khởi phát là những con đau âm ỉ ở vai. Nếu không được điều trị, viêm quanh khớp vai sẽ ảnh hưởng đến vận động của hai tay và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

1. Viêm quanh khớp vai là gì?

Khớp vai là một khớp lồi cầu – ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai nhờ bao khớp và chóp xoay. Trong đó, chóp xoay bao gồm 3 cơ: cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Các cơ của chóp xoay kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành một dải gân bao quanh bám tận sâu vào bên trong mấu động lớn xương cánh tay giúp cánh tay có thể hoạt động linh hoạt.

Giữa chóp xoay và phần dưới của mỏm cùng vai là túi hoạt mạc, có tác dụng giúp chóp xoay không bị va vào mỏm cùng vai khi vận động cánh tay. Khi chóp xoay gặp chấn thương hay bị rách, túi hoạt mạc bị viêm dẫn đến bệnh viêm quanh khớp vai.

Viêm quanh khớp vai có tên tiếng Anh là Periarthritis humeroscapularis chỉ các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như gân, túi thanh dịch, bao khớp,,… Viêm quanh khớp vai được định nghĩa là tất cả các trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp gồm: gân, cơ, dây chằng, bao khớp, loại trừ tổn thương phần đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch.

Viêm quanh khớp vai có nhiều thể khác nhau, trong đó viêm quanh khớp vai thể đông cứng là phổ biến nhất. Theo các thống kê, ở nước ta có khoảng 2% dân số mắc bệnh lý viêm quanh khớp vai, chiếm 12,5% tổng số các trường hợp bệnh cơ xương khớp.

Viêm quanh khớp vai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị - Ảnh 1.

Viêm quanh khớp vai là tất cả các trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp - Ảnh Internet.

Đọc thêm bài viết:

Bị đau vai, viêm quanh khớp vai thể đông cứng tiêm vắc-xin COVID-19 được không?

Viêm khớp phản ứng là gì? 9 điều cần nhớ về bệnh viêm khớp phản ứng

2. Nguyên nhân gây ra viêm quanh khớp vai

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý viêm quanh khớp vai. Cụ thể, viêm quanh khớp vai do những nguyên nhân dưới đây:

- Hiện tượng thoái hóa gân, viêm gân chóp xoay, có thể có hoặc không có lắng đọng calci, có thể rách, đứt gân chóp xoay không hoàn toàn hoặc hoàn toàn.

- Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai gây ra viêm quanh khớp vai.

- Viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay và viêm bao hoạt dịch.

Đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra viêm quanh khớp vai. Ngoài ra, viêm quanh khớp vai còn có thể do chấn thương, viêm gân, kéo giãn khớp vai quá mức, vận động khớp vai nhanh mạnh đột ngột, thoái hóa gân ở những người lớn tuổi... Những bệnh lý như bệnh cột sống cổ như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, bệnh ở phổi, màng phổi, trung thất...cũng có thể là nguyên nhân sâu xa gây ra viêm quanh khớp vai.

3. Dấu hiệu của viêm quanh khớp vai

Như đã nói, viêm quanh khớp vai gồm nhiều thể bệnh. Vì thế, để chẩn đoán viêm quanh khớp vai, cần nắm chắc các dấu hiệu cụ thể của các thể viêm quanh khớp vai.

3.1. Thể đau khớp vai đơn thuần

Thể đau khớp vai đơn thuần thường gặp ở những đối tượng trên 50 tuổi, hoặc những người trẻ gặp các chấn thương trong tập luyện thể thao gây viêm các gân của khớp vai như viêm đầu dài gân nhị đầu, gân cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai...

Dấu hiệu của thể đau khớp vai đơn thuần là xuất hiện cơn đau ở khớp vai do vận động đột ngột, quá mức hoặc gặp các chấn thương liên tiếp ở vai. Các cơn đau này có thể tăng lên khi cử động vai như nâng cánh tay, co cánh tay đối kháng… và tăng dần về đêm.

Ngoài ra, khi cơn đâu tăng lên và lan tỏa xuống cánh tay khiến người bệnh khó chịu, đau đớn và không thể nằm nghiêng.

Để chẩn đoán viêm quanh khớp vai ở thể này, người bệnh sẽ được chỉ định chụp X-quang và siêu âm. Cụ thể, hình ảnh chụp X- quang có một hay nhiều điểm canxi hóa tại gân, khớp vai bình thường. Khi siêu âm thấy hình ảnh gân giảm âm so với bình thường.

Trong trường hợp người bệnh gân bị vôi hóa có thể thấy nốt tăng âm kèm bóng cản ở gân, dịch bao quanh gân nhị đầu, trên Doppler năng lượng nhìn thấy hình ảnh tăng sinh mạch trong gân hoặc bao gân.

Viêm quanh khớp vai là gì? Những thông tin cần biết về viêm quanh khớp vai - Ảnh 3.

Dấu hiệu của thể đau khớp vai đơn thuần là xuất hiện cơn đau ở khớp vai do vận động đột ngột, quá mức - Ảnh Internet

3.2. Thể đau vai cấp

Thể đau vai cấp của viêm quanh khớp vai xảy ra do viêm túi thanh mạc từ vi tinh thể của quá trình canxi hóa các gân cơ chóp xoay và sự di chuyển canxi hóa vào túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta.

Triệu chứng của thể đau vai cấp của bệnh lý viêm quanh khớp vai cụ thể là đau đột ngột, dữ dội lan rộng từ khắp vai xuống cánh tay, lan lên cổ và xuống bàn tay khiến người bệnh mất vận động khớp vai, đau nhức mất ngủ. Ngoài ra, ở bên ngoài chỗ viêm khớp vai có thể bị sưng, nóng… người bệnh có thể có những cơn sốt nhẹ.

Chụp X-quang và siêu âm cũng là phương pháp dùng để chẩn đoán viêm quanh khớp vai thể đau vai cấp. Theo đó, khi chụp X- quang thấy khớp vai có các nốt canxi hóa kích thước khác nhau ở khoảng cùng vai – mấu động, có thể biến mất sau vài ngày.

Còn hình ảnh siêu Sâm thì thấy các nốt tăng âm kèm bóng cản ở gân và có thể ứ dịch ở bao thanh dịch dưới mỏm cùng vai và hình ảnh tăng sinh mạch trong gân, bao thanh dịch và bao gân trên Doppler năng lượng.

3.3. Thể giả liệt khớp vai

Triệu chứng của thể này là người bệnh bị đau quanh khớp vai dữ dội, có thể kèm theo tiếng kêu răng rắc khi cử động do các gân cơ chóp xoay đứt đột ngột.

Thêm vào đó, có thể xuất hiện những dấu hiệu khác như vết bầm tím ở phần trước trên cánh tay khiến người bệnh đau và mất vận động. Các cơn đau khớp vai có thể sẽ hết nhưng người bị viêm quanh khớp vai thể này vẫn không thể khôi phục được khả năng vận động khớp vai.

Về chẩn đoán thể giả liệt khớp vai, khi tiến hành chụp X-quang khớp vai với thuốc cản quang thấy hình ảnh đứt các gân cơ chóp xoay với hình ảnh cản quang của túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta, có thể phát hiện tình trạng đứt gân trên từ hình ảnh cộng hưởng từ MRI.

Về phương pháp siêu âm, hình ảnh nhìn thấy là đứt gân nhị đầu, không thấy hình ảnh gân nhị đầu ở hố liên mấu động hoặc phía trong hố liên mấu động, ngoài ra có thể có dấu hiệu tụ máu trong cơ mặt trước cánh tay. Trong trường hợp người bệnh đứt gân trên gai sẽ thấy gân mất tính liên tục, co rút ở hai đầu gân đứt, có thể có dịch ở vị trí đứt.

4. Thể đông cứng khớp vai

Như đã nói, thể đông cứng khớp vai là thể thường gặp của viêm quanh khớp vai. Về dấu hiệu của thế này, người bệnh có thể gặp các cơn đau kiểu cơ học, đặc biệt cơn đau thường tăng về đêm. Sau vài tuần, các cơn đau sẽ giảm dần nhưng vùng vai bị đông cứng, hạn chế vận động, khiến người bệnh không thể đưa tay lên cao, dang cánh tay hoặc xoay ngoài.

Viêm quanh khớp vai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị - Ảnh 2.

Đông cứng khớp vai là thể thường gặp của viêm quanh khớp vai - Ảnh Internet.

Về chẩn đoán viêm quanh khớp vai thể đông cứng, hình ảnh khoang khớp thu hẹp lại chỉ còn 5-10ml (bình thường là 30-35ml), giảm cản quang khớp, các túi cùng màng hoạt dịch biến mất khi tiến hành chụp X- quang và thuốc phản quang. Khi chụp cộng hưởng từ khớp vai, kết quả cho thấy bao khớp dày, phù nề.

4. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai có thể gặp ở nhiều đối tượng. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm quanh khớp vai:

- Tuổi tác và giới tính: Những người từ 40 - 60 tuổi, nam giới thường mắc viêm quanh khớp vai hơn nữ giới.

- Nghề nghiệp: Những người lao động chân tay có nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai, đặc biệt là những người thường phải giơ tay cao hơn 90 độ.

- Hoạt động thể thao: Những người thường chơi tennis, ném lao...và các động tác gây căng dãn gân cơ khớp vai lặp đi lặp lại kéo dài thường mắc viêm quanh khớp vai hơn những người khác.

- Đối tượng gặp các chấn thương vùng khớp vai, có tiền sử gãy tay, xương đòn, xương bả vai, tiền sử phẫu thuật vùng khớp vai và các xương liên quan tới khớp vai là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai.

- Những người đột quỵ hay mắc các bệnh nặng phải nằm bất động khớp vai trong thời gian dài.

- Những người mắc các căn bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh ở phổi và lồng ngực, cơn đau thắt ngực, đột quỵ não.

5. Các phương pháo điều trị bệnh lý viêm quanh khớp vai

Để điều trị bệnh lý viêm quanh khớp vai, cần kết hợp các biện pháp khác nhau như điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau điều trị, điều trị đợt cấp và điều trị duy trì.

5.1. Điều trị nội khoa

Mục tiêu của phương pháp điều trị nội khoa là giảm đau, chống viêm, duy trì tầm vận động.

Cụ thế, thuốc giảm đau thông thường được sử dụng để điều trị viêm quanh khớp vai thể thông thường là acetaminophen. Về chống viêm,dùng thuốc chống viêm không steroid. Các bác sĩ cũng có thể tiêm corticoid tại chỗ cho thể viêm quanh khớp vai thể thông thường, thể đau vai cấp tính.

5.2. Điều trị can thiệp

Trong trường hợp bị rách đứt hoàn toàn gân cơ chóp xoay thì người bệnh cần điều trị can thiệp qua nội soi. Còn với những người bệnh gân cơ chóp xoay rách không hoàn toàn, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa mà không cần can thiệp. Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại, có thể cân nhắc điều trị can thiệp nội soi để khâu phục hồi gân.

Viêm quanh khớp vai là gì? Những thông tin cần biết về viêm quanh khớp vai - Ảnh 5.

Viêm quan khớp vai cần điều trị - Ảnh Internet

5.3. Điều trị viêm quanh khớp vai bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Huyết tương giàu tiểu cầu, viết tắt là PRP là một chế phẩm từ máu với hàm lượng tiểu cầu cao có chứa nhiều yếu tố tăng trưởng cùng các phân tử sinh học. PRP có chức năng kích thích khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể, đẩy nhanh tốc độ phục hồi tại chỗ của các mô tế bào bị tổn thương, chấm dứt cơn đau nhanh chóng, vì thế có thể mang lại hiệu quả điều trị đau vượt trội.

Điều trị viêm quanh khớp vai bằng cách tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là biện pháp điều trị an toàn, giúp chấm dứt cơn đau nhanh và bền vững.

5.4. Vật lí trị liệu

Một trong những phương pháp điều trị phổ biến là thực hành các bài tập vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai. Theo đó, người bệnh có thể giảm đau tại chỗ bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu…

Vật lí trị liệu cũng là một trong những phương pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai. Cụ thể, các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai là vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu.

Vật lí trị liệu

- Chống viêm tại chỗ bằng Parafin, hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm với mục đích giúp người bệnh giảm đau, giãn cơ, chống viêm và giảm xơ dính.

- Điện phân dẫn thuốc để giảm đau, chống viêm.

- Điện xung để giảm đau, thư giãn cơ.

Vận động trị liệu

- Tăng tầm vận động khớp bằng cách kéo giãn bao khớp, di động khớp.

- Tập các bài tập chủ động với các dụng cụ: Các bài tập với gậy, dây, thang tường, ròng rọc nhằm tăng tầm vận động khớp và tập mạnh các nhóm cơ vùng vai.

- Bài tập đong đưa khớp vai Codman.

Hoạt động trị liệu

Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các hoạt động sinh hoạt cơ bản hằng ngày có sử dụng tay như mặc áo quần, tắm rửa...

Bên cạnh đó, để phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tập các bài tập như bài tập dao động cánh tay, bài tập xoay trong với gậy, bài tập kéo căng tư thế nằm, bài tập xoay người với gậy....

Trên đây là những thông tin tổng hợp về bệnh lý viêm quanh khớp vai. Để phòng tránh căn bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo nên tránh làm việc quá sức, mang vác nặng, nghỉ ngơi đúng cách và phát hiện sớm các thể viêm quanh khớp vai qua các dấu hiệu đã được nêu ở trên để có hướng điều trị đúng đắn sớm hồi phục sức khoẻ.


Tác giả: Ngọc Điệp