Viêm phổi ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh

Viêm phổi ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh
Viêm phổi ở người già là một tình trạng bệnh lý phổ biến và nghiêm trọng. Khi mắc bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và ít rầm rộ. Do đó, tình trạng của người bệnh cần được đánh giá tỷ mỹ và kỹ càng nhất để có thể đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị sớm nhất.

Bệnh viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở nhu mô phổi, bao gồm cả viêm phế nang, ống phế nang, các tổ chức liên kết và cả những đường dẫn khí trong phổi. Nó có thể xảy ra ở tất cả các độ tuổi khác nhau, nhưng người già lại là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi bệnh. So với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, viêm phổi ở người già có tiên lượng xấu hơn, tỷ lệ nhập viện cao hơn và nguy cơ biến chứng lớn hơn.

1. Nguyên nhân gây viêm phổi ở người già

Vi khuẩn

Vi khuẩn được xem là căn nguyên chịu trách nhiệm cho phần lớn các trường hợp viêm phổi ở người già. Streptococcus Pneumonia là loại vi khuẩn gây viêm phổi ở người già thường gặp nhất, có thể chiếm đến 50% các trường hợp. Ngoài ra, cũng có một số loại vi khuẩn khác ít gặp hơn như Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Staphylococcus aureus,... Hoặc trong một số trường hợp, bệnh còn có thể gây nên do các vi khuẩn gram âm.

Viêm phổi ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi ở người già (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- Nghiên cứu mới về khả năng chết người khác của SARS-CoV-2 ngoài viêm phổi

- Viêm phổi và COPD: Hiểu rõ nguy cơ và mối liên hệ

Virus

Virus cũng là một trong các nguyên nhân gây ra viêm phổi ở người già. Những loại virus thường gặp bao gồm virus cúm A, virus cúm B, parainfluenza, vi rút hợp bào hô hấp,... Với các trường hợp bị viêm phổi ở người già do virus, tình trạng bội nhiễm vi khuẩn cũng có thể xảy ra rất dễ dàng sau đó.

Nấm

Nấm là một căn nguyên khác có thể gây viêm phổi ở người già, nhưng nó tương đối hiếm gặp hơn vi khuẩn và virus. Tình trạng suy giảm miễn dịch là một trong các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến viêm phổi do nấm. Và vấn đề chẩn đoán, điều trị viêm phổi do nấm cũng khó khăn hơn nhiều so với bị viêm phổi do các căn nguyên khác.

2. Những yếu tố nguy cơ mắc viêm phổi ở người già

Như đã nói, viêm phổi ở người già có tỷ lệ mắc bệnh cao và xảy ra khá dễ dàng. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao hơn nếu có những yếu tố thuận lợi sau đây:

Hệ miễn dịch bị suy giảm

Hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm cùng với sự tăng dần của tuổi tác, đây là một phần của quá trình lão hóa. Vì vậy hệ miễn dịch của người già thường yếu hơn nhiều so với người trẻ tuổi, điều này làm tỷ lệ mắc viêm phổi ở người già cũng cao hơn. Nhưng nếu người già có mắc kèm các tình trạng bệnh lý gây suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, thì nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu có thế tăng lên đến 41,8 lần so với người bình thường.

Mắc nhiều bệnh nền

Việc mắc các bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, tai biến mạch máu não, co giật, suy tim,... Đều là những yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở người già cả về tần suất mắc bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sự gia tăng này có thể liên quan trực tiếp đến đặc điểm của bệnh lý nền hoặc do các phương pháp điều trị gây nên.

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây nên các bệnh lý mãn tính tại phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi,... Mà nó còn có thể là yếu tố nguy cơ quan trọng trong các trường hợp viêm phổi ở người già do phế cầu. Đặc biệt là ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

Viêm phổi ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 2.

Hút thuốc lá khiến viêm phổi ở người già xảy ra dễ dàng hơn (Ảnh:Internet)

Đọc thêm: Đi tìm nguyên nhân gây bệnh nấm phổi dù không hút thuốc lá, không uống rượu

Môi trường sống

Sống và sinh hoạt trong các môi trường bất lợi như bệnh viện, nhà dưỡng lão,... là những nơi chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh và có mật độ người già cao sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở người già.

3. Triệu chứng viêm phổi ở người già

Đối với một trường hợp viêm phổi điển hình ở người trẻ, các triệu chứng thường rầm rộ và khá dễ dàng để phát hiện. Những triệu chứng viêm phổi điển hình thường gặp trên thực tế bao gồm sốt cao hoặc ớn lạnh, đau ngực, ho và khạc đờm, khó thở hoặc thở nhanh,...

Tuy nhiên, do hệ miễn dịch bị suy giảm cũng như chức năng của các cơ quan bị lão hóa, vì thế các triệu chứng viêm phổi ở người già có thể không còn điển hình nữa. Chúng trở nên ít rầm rộ hơn, cần phải được quan sát tinh tế và kỹ càng hơn để có thể phát hiện. Điều này khiến cho không ít các trường hợp viêm phổi ở người già không được chẩn đoán kịp thời mà chỉ được phát hiện khi bệnh đã nặng.

Những triệu chứng hay gặp trong viêm phổi ở người già bao gồm:

- Ho là triệu chứng thường gặp trong bệnh viêm phổi ở người già, tuy nhiên nó ít dữ dội. Người bệnh có thể có biểu hiện ho nhiều hơn đôi chút nếu đã có các bệnh lý nền ở hệ hô hấp từ trước như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,...

- Đi kèm với ho thường là triệu chứng khạc đờm và có sự thay đổi tính chất của đờm so với trước đó về số lượng, màu sắc, mùi,...

- Người bệnh thường chỉ sốt nhẹ, hoặc cảm giác hơi ớn lạnh.

- Đau ngực cũng có thể có nhưng ít nghiêm trọng.

- Kèm theo đó thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn.

- Biểu hiện của các bệnh lý nền mà người bệnh mắc phải có sự xấu đi rõ rệt.

4. Chẩn đoán viêm phổi ở người già như thế nào?

Bởi các triệu chứng viêm phổi ở người già ít đặc hiệu, đôi khi khá mơ hồ. Chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng là không đủ chắc chắn để có thể chẩn đoán xác định bệnh. Vì vậy, bác sĩ sẽ cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm cũng như những cận lâm sàng cần thiết khác nhằm phục vụ mục đích chẩn đoán viêm phổi, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm được thực hiện thường quy khi nghi ngờ viêm phổi ở người già. Trong kết quả xét nghiệm công thức máu, có thể thấy sự tăng lên của bạch cầu. Tuy nhiên do sự suy giảm của hệ thống miễn dịch nên không phải lúc nào số lượng bạch cầu cũng tăng vượt ngưỡng bình thường. Với những trường hợp bệnh nặng, rất nặng thì số lượng bạch cầu trong máu có thể giảm so với bình thường.

Viêm phổi ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 3.

Công thức máu là xét nghiệm thường quy khi nghi ngờ mắc viêm phổi ở người già (Ảnh: Internet)

Hình ảnh học

Chụp X-Quang là cận lâm sàng hình ảnh học được chỉ định cho mọi trường hợp nghi ngờ viêm phổi. Hình ảnh khu vực phổi bị viêm sẽ được biểu hiện và phát hiện trên phim X-Quang. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành chụp CT-Scanner.

Xét nghiệm đờm

Xét nghiệm đờm khi bị viêm phổi ở người già sẽ giúp xác định căn nguyên gây viêm phổi. Đồng thời nó còn có thể được sử dụng để làm kháng sinh đồ, phục vụ cho mục đích điều trị kháng sinh.

Khí máu động mạch

Xét nghiệm này có thể là cần thiết nếu bệnh nhân viêm phổi có biểu hiện bị suy hô hấp. Nó giúp phân tích hàm lượng O2, CO2, pH của máu bênh nhân,... Từ đó giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị chính xác cho tình trạng này.

5. Điều trị viêm phổi ở người già

5.1. Điều trị triệu chứng viêm phổi ở người già

Hạ sốt

Các thuốc hạ sốt không kê đơn như paracetamol, ibuprofen là những lựa chọn được sử dụng để giảm hạ sốt cho các trường hợp viêm phổi ở người già. Tuy nhiên, nó chỉ được khuyên dùng khi sốt trên 38,5 độ C. Và khoảng cách giữa các lần sử dụng thuốc có thể cần kéo dài hơn do chức năng gan bị suy giảm.

Bù dịch

Người bệnh có thể bị mất dịch do sốt, giảm ăn uống,... Vì thế cần phải tiến hành bù dịch cho người bệnh. Loại dịch thường được sử dụng trên thực tế là dung dịch NaCl 0,9%.

Oxy liệu pháp

Với các bệnh nhân khó thở nhiều và có biểu hiện suy hô hấp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng oxy liệu pháp. Liều lượng oxy sử dụng sẽ thay đổi khác nhau tùy thuộc vào mức độ suy hô hấp của người bệnh và các bệnh lý nền mà bệnh nhân mắc phải như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,..

Tăng cường nghỉ ngơi

Người già bị viêm phổi cần phải được tăng cường nghỉ ngơi, có chế độ ăn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng,... để nâng cao thể trạng, giúp quá trình bình phục diễn ra thuận lợi hơn.

5.2. Điều trị căn nguyên gây bệnh

Song song với điều trị các triệu chứng bệnh là quá trình điều trị căn nguyên gây bệnh. Bởi trong viêm phổi ở người già thì vi khuẩn là căn nguyên gây bệnh thường gặp nhất. Do đó, kháng sinh liệu pháp được xem là phương pháp điều trị căn nguyên bệnh chủ yếu.

Các loại kháng sinh ban đầu thường sẽ được sử dụng theo kinh nghiệm của bác sĩ. Những nhóm kháng sinh hay được lựa chọn là các cephalosporin, quinolon thế hệ 3 hoặc kháng sinh nhóm macrolid.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân đáp ứng kém hoặc không đáp ứng thì cần phải chuyển từ điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm sang điều trị kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ. Điều này giúp lựa chọn chính xác loại kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn.

Sử dụng thuốc kháng virus cho các trường hợp viêm phổi do virus là điều không cần thiết. Với những trường hợp này, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc kháng sinh để dự phòng bội nhiễm hoặc điều trị kháng sinh thực thụ khi đã có dấu hiệu bội nhiễm xảy ra.

Còn nếu người bệnh bị viêm phổi do nấm, bác sĩ sẽ tiến hành cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc kháng nấm thích hợp để điều trị bệnh.

Viêm phổi ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 4.

Nhiều loại thuốc khác nhau được dùng để điều trị viêm phổi ở người già (Ảnh: Internet)

6. Tiên lượng viêm phổi ở người già

Viêm phổi ở người già có tỷ lệ nhập viện cao hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn so với các viêm phổi ở người trẻ tuổi. Để quyết định việc một bệnh nhân viêm phổi ở người già có nên nhập viện hay không, thang điểm CURB-65 là tiêu chuẩn thường xuyên được sử dụng. Nó quan tâm đến các yếu tố như tuổi tác lớn hơn 65 tuổi, nhịp thở, huyết áp, nhịp tim

Thời gian bình phục khi mắc viêm phổi ở người già có thể dao động từ vài ngày ở các trường hợp nhẹ cho đến vài tuần hoặc lâu hơn ở các trường hợp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời và bệnh diễn biến trầm trọng, nó có thể gây ra nhiều biến chứng hết sức nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết hoặc thậm chí là tử vong.

Vì thế, điều quan trọng để cải thiện tiên lượng của các trường hợp mắc bệnh viêm phổi ở người già là phải phát hiện, điều trị sớm bằng đúng phương pháp.

7. Phòng tránh viêm phổi ở người già

Bởi viêm phổi ở người già có mức độ nguy hiểm rất cao khi mắc phải. Nên cách tốt nhất để hạn chế các nguy cơ mà viêm phổi người già gây nên là phải phòng ngừa bệnh, ngăn chặn bệnh xảy ra.

- Với người cao tuổi, vaccine phòng phế cầu và vaccine phòng cúm là cần thiết để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Từ đó làm hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý do những nguyên nhân này gây nên, trong đó có viêm phổi ở người già.

- Giữ vệ sinh tốt là một cách để có thể dự phòng bệnh viêm phổi ở người già. Giữ vệ sinh tốt ở đây không chỉ là giữ vệ sinh thân thể của người già, mà nó còn bao gồm cả sự vệ sinh các yếu tố trong môi trường sống của họ.

- Thuốc lá là yếu tố thúc đẩy nhiều bệnh phổi khác nhau, bao gồm cả viêm phổi. Vì thế, cần phải bỏ thuốc lá để có thể hạn chế nguy cơ xảy ra viêm phổi ở người già.

- Lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng cân bằng, luyện tập thể dục thể thao hợp lý và sinh hoạt điều độ,... sẽ giúp nâng cao thể trạng của người bệnh. Từ đó giúp đối kháng nguy cơ xâm nhập của các căn nguyên gây viêm phổi ở người già và ngăn chặn bệnh xảy ra.

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về bệnh viêm phổi ở người già về nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng bệnh. Nếu có thêm thắc mắc liên quan đến bệnh, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ và cụ thể hơn.

Viêm phổi ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh - Ảnh 6.

Nguồn tham khảo:

1. https://academic.oup.com/cid/article/31/4/1066/373198

2. https://www.healthline.com/health/elderly-pneumonia#treatment

3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2917114/

4. https://www.medscape.com/viewarticle/722306_6


Tác giả: QN