Viêm phổi có lây không và lây qua những đường nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Viêm phổi có lây không và lây qua những đường nào?
Viêm phổi là bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn do vi khuẩn, nấm hay virus xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt khi thời tiết ẩm ướt, môi trường ô nhiễm và khói bụi. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân từ môi trường, viêm phổi có lây không?

1. Mầm bệnh viêm phổi đến từ đâu?

Bệnh viêm phổi được cho là do các vi khuẩn, nấm và virus gây ra. Thông thường các mầm bệnh gây viêm phổi thường trú ngụ trong môi trường ẩm thấp, ô nhiễm và có nhiều khói bụi. Đặc biệt là vào mùa mưa, khi thời tiết thay đổi thất thường càng dễ khiến vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Ngoài ra, viêm phổi còn có thể là biến chứng từ các căn bệnh như hen suyễn; ho lao, viêm phế quản, ung thư phổi,…

2. Viêm phổi có lây không và lây qua những đường nào?

Theo các nghiên cứu y học, bệnh nhân viêm phổi có thể dễ dàng lây bệnh cho đối phương. Đối với trẻ em, viêm phổi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan và có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ. 

Chúng có thể lây theo một số cách phổ biến sau: người bệnh không che miệng khi ho hoặc hắt hơi; dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống; chạm vào khăn giấy/vật dụng của người bị viêm phổi do vi khuẩn hoặc vi rút; không rửa tay, đặc biệt là sau khi hỉ mũi, ho hoặc hắt hơi.  

Các vi khuẩn sau khi ra ngoài sẽ được phát tán nhanh chóng; và xâm nhập vào cơ thể khoẻ mạnh. Nếu người nhiễm khuẩn có sức đề kháng cao thì khả năng tiêu diệt mầm móng gây bệnh là có thể. Tuy nhiên, đối với những cơ thể có thể trạng suy yếu; các vi khuẩn sẽ phát triển nhanh chóng và hình thành bệnh.

3. Cách hạn chế viêm phổi lây lan

Viêm phổi là bệnh dễ lây nhiễm nhưng không có nghĩa là bạn không thể phòng tránh. Để tránh bị viêm phổi bạn hãy:

- Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh viêm phổi.

- Hạn chế tiếp xúc với các nguồn gây bệnh như các bệnh nhân đang mắc bệnh cảm, viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp. Nếu có tiếp xúc cần sử dụng khẩu trang để ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm.

- Thường xuyên vệ sinh răng miệng, rửa tay bằng xà phòng xát khuẩn sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân. Trang bị ống nhổ cho bệnh nhân khi có nhổ khạc.

- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết giúp tăng sức đề kháng

- Vệ sinh nhà ở sạch sẽ; tránh ẩm mốc u tối dễ khiến vi khuẩn phát tán.

- Tập thể dục đều đặn để giúp tăng hệ miễn dịch.


Tác giả: hoanglan.ngonguyen