Viêm phổi bệnh viện: dấu hiệu, đánh giá, cách điều trị và phòng ngừa

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Viêm phổi bệnh viện: dấu hiệu, đánh giá, cách điều trị và phòng ngừa
Viêm phổi bệnh viện là loại nhiễm trùng bệnh viện thường gặp tại khoa Hồi sức tích cực và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các loại nhiễm trùng bệnh viện (30 - 70%).

Đây là một vấn đề rất khó khăn mà các khoa đặc biệt khoa Hồi sức tích cực đang phải đương đầu: khoa chẩn đoán, khó điều trị, khó phòng ngừa. Vì vậy tất cả các cơ sở y tế cần có biện pháp chủ động để phòng ngừa.

1. Thực trạng tình hình viêm phổi bệnh viện

Trên thực tế, viêm phổi bệnh viện là những trường hợp viêm phổi xuất hiện ở người bệnh sau khi vào bệnh viện điều trị từ 48 giờ trở lên, không ở trong giai đoạn ủ bệnh hoặc mắc bệnh vào thời điểm nhập viện. Đây là một vấn đề rất khó khăn mà các khoa lâm sàng, đặc biệt là khoa hồi sức tích cực phải đối mặt vì khó chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. 

Đối với bệnh nhân người lớn, viêm phổi bệnh viện có liên quan đến thở máy là trường hợp viêm phổi mắc phải trong bệnh viện, xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi đặt nội khí quản hay thở máy. Chẩn đoán viêm phổi mắc phải trong bệnh viện được xác định theo 3 tiêu chuẩn: viêm phổi xác định trên lâm sàng, viêm phổi do những vi khuẩn thường gặp và viêm phổi trên những người suy giảm miễn dịch.

Theo các nhà khoa học, viêm phổi bệnh viện ở các nước đã phát triển chiếm tỷ lệ 15% tổng số trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện và chiếm 27% trong số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện ở khoa hồi sức tích cực. 

Trong các trường hợp viêm phổi bệnh viện, loại viêm phổi bệnh viện có liên quan đến thở máy được xác định sau khi thở máy từ 48 giờ trở lên chiếm tỷ lệ 90% đã làm kéo dài thời gian nằm viện và tốn kém chi phí điều trị. 

Tại nước ta, các nhà khoa học cũng ghi nhận viêm phổi bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng từ 21% đến 75% số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện; trong đó viêm phổi bệnh viện liên quan đến thở máy chiếm tỷ lệ đặc biệt cao ở nhóm người bệnh điều trị tại khoa hồi sức tích cực.

2. Tác nhân và cơ chế gây viêm phổi bệnh viện

Tác nhân gây viêm phổi bệnh viện có thể khác nhau giữa các bệnh viện, vùng địa lý và phương pháp chẩn đoán. Có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nhưng phổ biến nhất là loại vi khuẩn gram âm hiếu khí như: Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter spp, Klebsiella spp, Enterobacter spp, Escherichia coli, Providencia spp; vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae... 

Những loại vi khuẩn này thường kháng lại với nhiều loại thuốc nên gây khó khăn cho công tác điều trị. Thực tế tác nhân gây viêm phổi bệnh viện có liên quan đến việc thở máy xuất hiện sớm dưới 4 ngày thường do vi khuẩn ít đề kháng kháng sinh nhưng nếu xuất hiện muộn hơn thì thường do vi khuẩn đa kháng thuốc.

Trên thực tế, vi khuẩn xâm nhập vào phổi từ các chất dịch tiết của hầu họng, dịch dạ dày bị trào ngược, các dụng cụ hỗ trợ hô hấp hoặc bàn tay của nhân viên y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân bị ô nhiễm, đường máu . 

Các dụng cụ hỗ trợ hô hấp như bình làm ẩm khí oxy, máy khí dung, máy nội soi phế quản, dụng cụ gây mê... là các ổ chứa vi khuẩn và cơ chế lây nhiễm có thể từ dụng cụ đến người bệnh, từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, từ một vị trí của cơ thể đến đường hô hấp dưới của cùng một người bệnh qua bàn tay hoặc qua dụng cụ. 

Bóng ambu giúp thở cũng có thể là nguồn đưa vi khuẩn vào phổi người bệnh qua mỗi lần bóp bóng vì bóng rất khó rửa sạch và làm khô giữa các lần dùng và bóng còn có khả năng bị nhiễm khuẩn qua bàn tay của nhân viên y tế. 

Vì vậy cần thực hiện việc giảm nguy cơ lây nhiễm từ các loại dụng cụ y tế sử dụng lại bằng cách rửa sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn đúng cách. Dây thở sử dụng với bộ phận làm ẩm là nguồn chứa vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện ở người bệnh thở máy, nước lắng đọng ở đường ống và tụ lại ở bộ phận bẫy nước có thể làm cho dây thở nhanh chóng bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn xuất phát từ vùng miệng và hầu của bệnh nhân; vì vậy cần dẫn lưu tốt nước trong đường ống để tránh gây viêm phổi bệnh viện do nước bị nhiễm khuẩn ở trong đường ống chảy vào phổi người bệnh.

3. Biện pháp phòng ngừa viêm phổi bệnh viện

Để phòng ngừa viêm phổi bệnh viện, cần thực biện các biện pháp phối hợp chặt chẽ với nhau để mang lại hiệu quả cao như: 

- Tổ chức tập huấn và đào tạo chuyên môn, thực hiện việc kiểm tra và giám sát; 

- Khử khuẩn và tiệt khuẩn các dụng cụ hỗ trợ hô hấp gồm dụng cụ liên quan đến thở máy và hỗ trợ hô hấp khác, dụng cụ liên quan đến thở khí dung, dụng cụ liên quan đến máy gây mê; 

- Phòng ngừa lây nhiễm do nhân viên y tế, chăm sóc người bệnh hôn mê đúng cách để phòng ngừa viêm phổi do hít phải mầm bệnh; 

- Chăm sóc người bệnh có đặt nội khí quản, mở khí quản và có thông khí nhân tạo hỗ trợ khác đúng quy định

- Chăm sóc tốt đường hô hấp cho người bệnh trong thời gian hậu phẫu và các biện pháp phòng ngừa khác...

Mặc dù có nhiều biện pháp cần phối hợp thực hiện để mang lại hiệu quả tốt như đã nêu ở trên nhưng các biện pháp chính cần lưu ý để phòng ngừa viêm phổi bệnh viện là: Vệ sinh tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh và bất kỳ dụng cụ hô hấp nào đang sử dụng cho người bệnh. 

Vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân bằng gạc mỗi 2 đến 4 giờ một lần bằng dung dịch khử khuẩn. Rút các ống nội khí quản, ống mở khí quản, ống nuôi ăn, đồng thời xem xét việc ngưng sử dụng máy thở dùng cho bệnh nhân càng sớm càng tốt khi có chỉ định. 

Cho bệnh nhân nằm đầu cao với góc 30 đến 45 độ nếu không có chống chỉ định. Nên sử dụng loại dụng cụ chăm sóc hô hấp dùng một lần hoặc tiệt khuẩn hay khử khuẩn mức độ cao đối với các dụng cụ sử dụng lại cho người bệnh. 

Nên thường xuyên kiểm tra và đổ nước tồn lưu trong ống dây máy thở, bẫy nước dùng cho bệnh nhân. Dây thở phải để ở vị trí thấp hơn phần trên của ống nội khí quản. Thường xuyên kiểm tra tình trạng ứ đọng của dạ dày trước khi cho người bệnh ăn qua ống. 

Cần giám sát và phản hồi các trường hợp viêm phổi bệnh viện để có thống kê báo cáo đầy đủ nhằm rút được bài học kinh nghiệm.


Tác giả: KP