Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Thời tiết thay đổi là lúc dịch bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh bùng phát. Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý, cẩn thận chăm sóc và giữ ấm cho trẻ, tránh tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh.

Khi thời tiết thay đổi, không khí lạnh tràn về hay trời nắng nóng thất thường chính là thời điểm dịch đường hô hấp bùng phát, bao gồm viêm phế quản ở trẻ sơ sinh. Bởi vậy, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như ho, hắt hơi, sốt nhẹ và chảy nước mũi … phụ huynh cần hết sức lưu ý.

1. Dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Khi mắc viêm phế quản, trẻ sơ sinh sẽ có các dấu hiệu nhu ho, chảy nước mũi, hắt hơi. Đi kèm theo đó là hiện tượng sốt nhẹ.

Cơn ho của trẻ thường xuất hiện vào lúc nửa đêm cho đến gần sáng. Trẻ khó thở nên sẽ phát ra những tiếng khò khè khi ngủ hoặc thậm chí là nôn trớ khi bú. Nếu nặng hơn, các bé sẽ chán ăn, thở hổn hển mệt mỏi, tinh thần sa sút và không muốn đùa nghịch nữa.

Nếu các bậc phụ huynh không phát hiện những biểu hiện viêm phế quản ở trẻ sơ sinh bất thường kể trên và điều trị cho trẻ kịp thời, bệnh viêm phế quản có thể diễn biến xấu và nặng hơn:

- Sốt cao: Trẻ sốt lên tới 40 độ C. Ngay cả khi sử dụng thuốc hạ sốt theo đơn cũng không có tác dụng. Cơ thể mệt mỏi, ngủ li bì, xuất hiện dấu hiệu co giật mất kiểm soát, thậm chí là rơi vào hôn mê sâu nếu nhiệt độ cơ thể không được ổn định, cân bằng.

- Cơn ho kéo dài liên tục thành từng hồi với tần suất và cường độ lớn. Kèm theo đó trẻ có thể bị chảy nước mũi, hắt hơi và tiết đờm màu đặc, vàng.

- Gặp khó khăn trong việc thở và hô hấp. Lúc này khi kéo áo của trẻ lên phụ huynh sẽ thất phần lông ngực co thắt liên tục và phần xương ức lõm xuống.

- Mặt và toàn thân tím tái do thiếu oxy.

Ngoài ra, viêm phế quản ở trẻ sơ sinh còn có các dấu hiệu khác như: Bỏ ăn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, chướng bụng và nôn trớ…

2. Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh phần lớn đều do sự thay đổi của thời tiết hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, do hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện nên những tác nhân như khói thuốc lá, lông chó mèo, phấn hoa, hóa chất cũng có thể gây dị ứng, làm kích thích niêm mạc phế quản.

3. Cách điều trị viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Nếu phát hiện các dấu hiệu sốt cao, ho liên tục, hắt hơi, sổ mũi, phụ huynh nên mang trẻ đến trung tâm y tế để được kiểm tra và chẩn đoán. Tùy vào trường hợp, tình trạng bệnh lý và sức khỏe mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị khác nhau:

Ở giai đoạn viêm phế quản nhẹ, phụ huynh không nên cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Theo đó, chuyên gia y tế sẽ đưa ra lời khuyên và tập trung vào các phương án làm long đờm và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Nếu được chăm sóc đúng cách, chỉ sau 2-3 ngày trẻ sẽ hoàn toàn bình phục.

Ảnh 2.

Bên cạnh đó, mẹ nên chú ý tăng cường lượng sữa và cho trẻ bú thành nhiều buổi trong ngày. Nếu trẻ ở độ tuổi ăn dặm, hãy chú ý làm đồ ăn loãng hơn mọi ngày bởi lúc này bé thường biếng ăn và khó nuốt hơn. Chọn các loại thức ăn dễ tiêu, ít chất béo, đường, muối…

Ngoài ra, phụ huynh cần đảm bảo bổ sung thêm nước để tránh lượng nước thiếu hụt do tình trạng sốt cao. Các loại nước được bác sĩ khuyên dùng như nước ấm, nước hoa quả ép, nước cháo… Hãy đảm bảo trẻ luôn được giữ ấm và hạn chế ra ngoài khi trời lạnh.

Trước bữa ăn, cho mẹ nên vệ sinh và nhỏ mũi cho trẻ. Bạn có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi chuyên dụng để làm sạch và giúp mũi trẻ thông thoáng, dễ thở hơn. Mỗi lần nhỏ 1-2 giọt mối bên mũi và chia làm 2-3 lần/ngày. Tốt nhất, phụ huynh nên đọc kỹ hướng dẫn có trên bao bì sản phẩm để đảm bảo sử dụng sản phẩm đúng cách. Và đừng quên dùng khăn sạch, mềm để lau khô mũi cho trẻ.

Nếu trẻ sơ sinh bị viêm phế quản có dấu hiệu sốt cao, cha mẹ không nên ủ ấm quá kỹ. Hãy cho trẻ mặc các bộ quần áo rộng rãi, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt để giữ trạng thái thoải mái nhất. Đồng thời kết hợp dùng nước mát hoặc khăn ẩm để lau và chườm ở các khu vực thường xuyên có mồ hôi như nách, cổ, bẹn.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể cho trẻ sơ sinh sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol. Tuy nhiên hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về cách dụng cũng như liều lượng phù hợp.

4. Cách phòng tránh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi. Để đảm bảo trẻ luôn khỏe mạnh, tránh xa các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, phụ huynh cần lưu ý:

- Vệ sinh cơ thể cho trẻ hàng ngày. Chú ý các khu vực tai, mũi, họng.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc hay đến các khu vực công cộng, đông người trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

- Tuyệt đối không hút thuốc lá, sử dụng hóa chất độc hại trong môi trường có trẻ sơ sinh.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc, chơi đùa với các loại vật nuôi, thú cưng có nhiều lông như chó, mèo, thậm chí là thú nhồi bông.

- Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng. Thay dọn ga giường, thảm trải và giặt giũ chăn gối định kỳ.

5. Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách sẽ nhanh chóng bình phục và không để lại nguy hiểm. Do đó, phụ huynh cần nắm được cách chăm sóc đúng cách, giúp con sớm khỏe mạnh:

- Đảm bảo lượng sữa cho trẻ bú mỗi ngày. Nếu mẹ không đủ sữa, có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức.

- Cho trẻ uống nhiều nước hơn để bù đắp lại lượng nước đã mất. Kết hợp cùng nước điện giải orezol trong các trường hợp cần thiết.

- Không chườm lạnh hoặc chườm ấm cho trẻ. Bởi điều này có thể làm tăng nhu cầu oxy.

- Tuyệt đối không hút thuốc trong nhà. Hạn chế trẻ đến những khu vực nhiều khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nhiều khói bụi…

Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh tuy không quá nguy hiểm nhưng tuyệt đối không được xem nhẹ. Bởi thể trạng của trẻ sơ sinh còn rất yếu, khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và đề kháng, miễn dịch chưa hoàn thiện, Do đó, đây là lúc trẻ cần được quan tâm và chăm sóc cẩn thận, tránh bệnh phát triển nhanh và nặng hơn.

Tác giả: Lê Thọ Hưng