Viêm phế quản có hai dạng: Viêm phế quản mãn tính và viêm phế quản cấp tính. Viêm phế quản mãn tính là chứng viêm mãn tính của niêm mạc phế quản và các tổ chức xung quanh, nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn, virus hoặc do sự kích thích của các yếu tố vật lý, môi trường... Viêm phế quản mãn tính nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiền biến chứng cho cơ thể như viêm phổi, viêm thanh quản..làm suy giảm sức đề kháng của người bệnh.
Viêm phế quản có thể gặp ở nhiều đối tượng, tập trung nhiều nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Riêng dạng mãn tính thường gặp ở người cao tuổi với những triệu chứng như ho nhiều, ho kéo dài nhưng không sốt, khó thở, ho có đờm. Nhiều người còn có những triệu chứng tuy không thường xuyên như gầy sút, xanh xao, chán ăn, tim đập nhanh... Viêm phế quản với những dấu hiệu ho nhẹ vào buổi sáng, ho vào đêm, đờm có nhầy trắng, loãng, có bọt, bệnh thường nặng hơn khi trời lạnh, thay đổi thời tiết.
Khi bị viêm phế quản mãn tính, người bệnh có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để bệnh thuyên giảm, tuy nhiên cũng có thể bổ sung các thực phẩm có ích để hỗ trợ điều trị bệnh.
Cách xử trí trường hợp bị viêm phế quản mãn tính là chống các ổ vi khuẩn tiềm tàng ở họng, răng, hàm, hốc mũi, chống nhiễm khuẩn mới (bội nhiễm) bằng các cách như:
- Xông hơi nước nóng có tinh dầu thơm như lá chanh, lá khuynh diệp, lá bạc hà, lá tía tô, lá bưởi…, sẽ làm long đàm, phục hồi lưu thông không khí, chống khó thở dẫn tới nguy cơ suy hô hấp.
- Tránh nơi có khói thuốc lá và các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí như khói, bụi, không khí bẩn. Hạn chế uống rượu.
- Ðiều trị sớm và triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Dưới đây là một số món ăn có ích cho người bị viêm phế quản
Canh phổi heo, hạnh nhân
- Phổi heo 1 cái, vỏ rễ cây dâu tằm 40 g, hạnh nhân 30 g, gia vị gồm muối, tiêu, bột nêm hoặc bột ngọt, nước mắm.
- Phổi heo làm sạch, thái miếng nhỏ, vỏ rễ dâu cạo bỏ lớp ngoài, lấy phần trắng ở trong (gọi là tang bạch bì), rửa sạch. Hai thứ cho vào nồi cùng với hạnh nhân và lượng nước thích hợp, đem hầm chín nhừ, nêm gia vị vừa ăn.
- Chia 2 lần ăn trong ngày. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn tính có sốt, ho nhiều, khạc đờm nhầy mủ.
Nước lê, hạnh nhân
- Lê 1 trái, lá dâu tằm 10 g, hạnh nhân 10 g, đường phèn 20 g.
- Lê gọt vỏ, xắt nhỏ, hạnh nhân và đường phèn giã nát. Tất cả cho vào tô lớn, hãm với nước sôi, đậy kín, sau 20 phút thì dùng được. Uống thay trà trong ngày.
- Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn tính trong thời kỳ tiến triển.
Cháo lê, bí đao
- Lê 6 trái, gạo nếp, bí đao, mỗi thứ 100 g, đường phèn 180 g.
- Gạo nếp vo sạch, cho vào nồi nấu thành cơm nếp. Lê gọt vỏ, cắt một đoạn ngang cuống làm nắp, dùng dao nhỏ khoét hết hạt lê ra, đem ngâm trong nước để phòng đổi màu. Lê cho vào nước sôi trụng một lát rồi vớt ra, ngâm qua nước nguội rồi để vào bát.
- Bí đao gọt vỏ, xắt bằng hạt đậu nành. Lấy cơm nếp, bí đao, đường phèn trộn đều rồi nhét vào trong ruột quả lê. Lại cho vào bát lớn, bịt kín, bỏ vào nồi đem chưng khoảng 60 phút đến khi lê chín nhừ là được.
- Cho vào nồi khoảng 300 g nước sạch, nấu trên lửa lớn cho sôi, cho đường phèn còn thừa vào nấu chảy thành nước đặc, khi lê chưng xong lấy ra xếp lên dĩa, rưới nước đường lên trên.
- Mỗi lần ăn 1 quả, có thể ăn riêng. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn tính, ho ra máu. Chú ý người tỳ vị hư hàn và có thấp đàm kỵ dùng.
Cao ô mai, mật ong
- Ô mai 500 g, mật ong 1.000 g.
- Ô mai bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô. Sau đó vẩy nước sạch lên cho ô mai ướt đều, đập nát lấy phần thịt, dùng nước rửa sạch. Cho ô mai nhục vào nồi, đổ nước sôi vào ngâm 1 giờ.
- Bắc nồi ô mai lên trên lửa nhỏ, đun 2 giờ, lọc lấy nước, làm như thế 3 lần rồi hợp nước ô mai của 3 lần lại với nhau. Cho nước ấy vào nồi, dùng lửa nhỏ đun đến khi đặc lại thì cho mật ong vào, trộn đều, cô lại thành cao, để nguội cho vào lọ sạch, bảo quản nơi khô ráo.
- Mỗi ngày uống vào lúc bụng đói. Buổi sáng, tối, mỗi lần 1-2 muỗng cà phê.
- Thích hợp với các chứng ho lâu ngày, hư nhiệt phiền khát, sốt rét lâu ngày, đi tả kéo dài, kiết lỵ, đại tiện, tiểu ra máu, băng huyết, giun sán.
Chú ý người bị thực tà kỵ dùng
Cháo bách hợp, đường phèn
- Bách hợp 50 g, gạo tẻ 100 g, đường phèn 80 g.
- Bách hợp, gạo tẻ vo đãi sạch, cho vào nồi với nước vừa lượng, nấu trên lửa lớn cho sôi, bỏ đường phèn vào rồi dùng lửa nhỏ nấu thành cháo. Ăn sáng chiều tùy ý.
- Thích hợp với người cao tuổi bị viêm khí quản mãn tính, phế nhiệt hoặc phế táo ho khan, nước mắt chảy nhiều, nhiệt bệnh chưa tiêu hết (dư nhiệt), tinh thần hoảng loạn, nằm ngồi không yên, thần kinh suy nhược, phổi kết hạch.
Chú ý người bị phong hàn đàm thấp, trúng hàn, không nên dùng.
Cháo phổi heo, bách hợp
- Phổi heo 1 cái, bách hợp 20 g, hạnh nhân 25 g, táo đỏ 6 quả, muối, bột ngọt.
- Phổi heo rửa nước 2-3 lần, cho vào nồi nước vừa lượng, nấu sôi trên lửa lớn rồi vớt ra, dội qua nước nguội vắt sạch nước để ráo xắt thành miếng nhỏ.
- Bách hợp, hạnh nhân, táo đỏ rửa sạch. Đem phổi heo, bách hội, hạnh nhân, táo đỏ cho vào nồi thêm nước vừa lượng nấu trên lửa lớn cho sôi rồi đổi lửa nhỏ nấu thêm khoảng 2 giờ, nêm muối, bột ngọt vừa ăn.
- Ăn riêng hoặc trong bữa ăn đều được. Thích hợp với người cao tuổi bị viêm khí quản mãn tính, phế nhiệt hoặc phế táo ho khan, ho ra máu.
Cháo mướp hương
- Mướp hương (mướp ngọt) 100 g, gạo tẻ 250 g, mỡ heo chín 10 g, muối ăn 3 g.
- Mướp hương bỏ vỏ, rửa sạch, xắt miếng dài. Gạo tẻ đãi sạch, cho vào nồi với nước vừa lượng, nấu trên lửa lớn cho sôi rồi đổi lửa nhỏ nấu đến khi cháo chín thì cho mướp hương, mỡ heo muối ăn vào, nấu sôi khoảng 6-8 phút nữa là được.
- Ăn sáng, tối mỗi ngày. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn tính, ho khan, phiền phát, đàm suyễn ho hen, sản phụ sữa không thông.
Chú ý, người bị dương nuy (rối loạn cương dương) cấm dùng.
Cháo bí đao, thịt heo
- Bí đao 500 g, gạo tẻ 100 g, thịt thăn heo 150 g, bột gừng 10 g, dầu mè, muối 5 g, bột ngọt 2 g.
- Bí đao gọt vỏ, xắt thành miếng vuông khoảng 0,7 cm. Thịt heo rửa sạch đem luộc chín xắt thành miếng nhỏ. Gạo tẻ vo sạch để ráo nước
- Bắc chảo lên lửa nóng, cho dầu mè vào nấu nóng rồi bỏ bí đao vào xào cùng với thịt heo. Nấu gạo tẻ với lượng nước vừa đủ, sau khi sôi thì cho thịt heo, bí đao vào, giảm nhỏ lửa nấu thành cháo, nêm muối bột ngọt, bột gừng vào là xong.
- Ăn vào bữa trưa, tối mỗi ngày. Công dụng thanh nhiệt tiêu thử lợi tiểu khử thấp đàm, tiêu thũng. Thích hợp trị liệu các chứng ho suyễn, đàm nhiều, tiêu khát, sốt, thủy thũng, tiểu tiện khó, tiểu ra máu.
Chú ý, người bị hư hàn thận lạnh, tiêu chảy lâu ngày thì không nên dùng
Ý dĩ, hạnh nhân nấu trứng gà
- Trứng gà 4 cái, rau diếp cá tươi 60g, ý dĩ mễ 90g, hạnh nhân ngọt 30g, táo đỏ 12 trái, mật đường vừa đủ.
- Trứng gà đập vào tô, cho mật đường vào, dùng đũa khuấy đều. Rau diếp cá bỏ tạp chất, rửa sạch. Cho hạnh nhân, ý dĩ, táo đỏ vào nồi với nước vừa lượng, dùng lửa lớn nấu sôi rồi đổi lửa nhỏ nấu 1 tiếng, sau đó cho rau diếp cá vào nấu thêm 15 phút nữa.
- Lọc lấy nước, đổ vào tô trứng gà, mật đường quấy đều để dùng. Chia ăn hai lần sáng tối mỗi ngày.
- Công hiệu thanh phế nhiệt, dưỡng phế âm. Thích hợp chữa trị các chứng ho ra máu lâu ngày không khỏi, tâm phiền, khát nước, khô họng, ra mồ hôi trộm, thân thể gầy ốm.
- Thường dùng chữa trị các chứng loét phổi, phổi kết hạch, phế khí thủng, giãn phế quản, viêm phế quản mãn tính, phế bệnh do đàm nhiệt gây nên.
Cháo mướp hương nấu tôm
- Mướp hương 500 g, gạo tẻ 100 g, tôm đất 100 g, dầu ăn hoặc mỡ heo 20 g, bột gừng 10 g, muối 5 g, bột ngọt 2 g.
- Mướp hương gọt vỏ rửa sạch, xắt miếng vuông nhỏ 1cm. Tôm rửa sạch, bóc vỏ, bỏ đầu. Gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi với lượng nước vừa đủ, nấu trên lửa lớn cho sôi, đợi gạo nở thì cho mướp hương, tôm, mỡ heo, muối, vào nấu chín thành cháo, nêm bột ngọt, bột gừng vào là được.
- Ăn sáng chiều mỗi ngày. Công hiệu: sinh tân chỉ khát, giải thử trừ phiền, hóa đàm dứt ho. Thích hợp cho người bị viêm phế quản mãn tính, có các chứng khô khát, phiền táo, đàm suyễn, ho lâu ngày.
Bột gạo lứt, khoai mài, hạnh nhân
- Khoai mài 500 g, gạo lứt 150 g, hạnh nhân 100 g, dầu mè 1 ít.
- Khoai mài bỏ vỏ, xắt lát, cho vào nồi nấu chín, lấy ra. Gạo lứt đãi sạch, cho vào nồi sao thơm, để nguội, nghiền thành bột. Hạnh nhân rửa sạch, sao chín, bỏ vỏ và đầu nhọn, xắt vụn.
- Đem 3 loại trên trộn chung. Khi ăn lấy hỗn hợp 3 vị trên vừa lượng, cho vào tô, có thể thêm dầu mè để ăn, mỗi lần 10g. Ăn lúc bụng đói, với nước sôi để nguội.
Công hiệu: bổ trung ích khí, ôn trung bổ phế. Thích hợp người bị phế hư, ho lâu ngày, tâm phiền khó ngủ, viêm khí quản mạn tính. Người bị đi cầu lỏng, tiêu chảy, không nên dùng; khi dùng không nên quá lượng.
Lương y Đinh Công Bảy