Viêm phế quản có lây không và cách phòng tránh lây nhiễm

Viêm phế quản có lây không và cách phòng tránh lây nhiễm
Viêm phế quản là bệnh đường hô hấp thường gặp. Trong hai dạng bệnh viêm phế quản, chỉ có viêm phế quản cấp tính là có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành. Tuy nhiên nếu thực hiện tốt các biện pháp dự phòng, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể giảm đi một cách đáng kể.

Bệnh viêm phế quản xảy ra khi lớp niêm mạc các phế quản của phổi bi viêm nhiễm. Đây là căn bệnh hô hấp rất thường gặp trên thực tế, nhất là vào những thời điểm giao mùa hay thời tiết lạnh trong năm. Trong  đó, một vấn đề được khá nhiều người quan tâm chính là liệu rằng bệnh viêm phế quản có lây không, và nếu có thì cần phải phòng tránh bệnh lây nhiễm như thế nào?

1. Bệnh viêm phế quản có lây không?

Trước khi trả lời câu hỏi bệnh viêm phế quản có lây không, ta cần biết rằng căn bệnh này được phân thành hai dạng chính bao gồm:

- Viêm phế quản cấp tính: Xảy ra đột ngột với các triệu chứng rầm rộ, nhưng cũng thường kết thúc sớm sau khi khởi phát từ 1-3 tuần. Dạng viêm phế quản này thường bị gây ra bởi các nguyên nhân virus cảm lạnh, virus cúm hoặc vi khuẩn gây ra.

- Viêm phế quản mãn tính: Là hậu quả của sự tổn thương niêm mạc phế quản diễn ra trong thời gian kéo dài. Bệnh viêm phế quản mãn tính được xác định khi các triệu chứng của bệnh diễn ra ít nhất trong 3 tháng trong năm và kéo dài 2 năm liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản mãn tính là do hút thuốc lá, bụi bẩn hoặc ô nhiễm môi trường gây ra,...

Trong hai dạng trên, chỉ có bệnh viêm phế quản cấp tính gây ra do các nguyên nhân vi sinh vật (virus, vi khuẩn) mới có khả năng năng lây nhiễm chéo từ người bệnh sang người lành. Còn bệnh viêm phế quản mãn tính thường sẽ không có khả năng lây lan, trừ khi người bệnh đang ở trong một đợt bội nhiễm cấp tính.

Viêm phế quản có lây không và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Bệnh viêm phế quản có lây không là vấn đề nhận được nhiều sự thắc mắc - Ảnh: Internet

Đọc thêm: 

Người bị viêm phế quản có nên uống nước dừa không? 

 - Viêm phế quản có nên ăn thịt gà không? 

2. Bệnh viêm phế quản lây như thế nào?

Để có thể lây nhiễm từ người sang người, các vi sinh vật gây bệnh viêm phế quản thường cần thời gian nhân lên cho đến khi đạt được một số lượng đủ lớn sau khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Lúc này, chúng tồn tại trong các dịch của người bệnh như nước bọt, nước mũi, đờm nhầy,... Khi người bệnh ho, hắt xì, nói chuyện và khạc nhổ thì chúng sẽ theo các dịch này để bài tiết ra ngoài môi trường.

Những vi sinh vật gây bệnh sau đó sẽ xâm nhập vào cơ thể của người lành khi họ tiếp xúc trực tiếp với các dịch hô hấp của người bệnh thông qua các hành động như trò truyện, ôm hôn,... Tuy nhiên trong một số trường hợp, các vi sinh vật gây bệnh có thể bị lây truyền gián tiếp thông qua các bề mặt tiếp xúc với dịch hô hấp của người bệnh nhưng không được vệ sinh sạch sẽ như ly uống nước, khăn mặt,...

Thời gian lây bệnh thông thường của bệnh viêm phế quản thường là sau vài ngày cho đến 1 tuần kể từ khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Sau khoảng thời gian này nguy cơ lây truyền bệnh thường là rất thấp.

3. Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh viêm phế quản

Như đã trình bày ở trên, bệnh viêm phế quản có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành, nhất là trong những trường hợp bệnh nhân bị mắc viêm phế quản cấp tính. Do vậy, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm viêm phế quản là điều hết sức quan trọng, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Một số biện pháp hiệu quả để phòng tránh lây nhiễm bệnh viêm phế quản có thể kể đến bao gồm:

- Tránh tiếp xúc gần với người đang bị bệnh viêm phế quản. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc gần thì phải thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang,...

Viêm phế quản có lây không và cách phòng tránh - Ảnh 2.

Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân giúp giảm nguy cơ lây nhiễm viêm phế quản - Ảnh: Internet

- Không sử dụng chung các đồ đạc với người đang mắc bệnh viêm phế quản như ly uống nước, chén ăn cơm, khăn mặt, khăn tắm,...

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ các mầm bệnh bám trên tay. Không sử dụng tay chưa vệ sinh chạm vào mắt, mũi, miệng,...

- Người bị bệnh viêm phế quản cần có ý thức để phòng tránh lây bệnh cho người khác như thực hiện vệ sinh cá nhân và xử lý dụng cụ cá nhân tốt, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài,...

- Tiêm phòng những loại vaccine phòng cúm hằng năm để tạo miễn dịch chủ động, chống lại sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh.

Qua đây có thể thấy rằng, với vấn đề bệnh viêm phế quản có lây không thì câu trả lời là có thể. Tuy nhiên khả năng lây nhiễm của viêm phế quản phụ thuộc nhiều vào dạng bệnh mà người bệnh mắc phải. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp dự phòng có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ bệnh viêm phế quản diễn ra.

Nguồn tham khảo:

1. Bronchitis: Is it Contagious? 

2. How Contagious Is Bronchitis? 


https://suckhoehangngay.vn/viem-phe-quan-co-lay-khong-va-cach-phong-tranh-lay-nhiem-2022010605280947.htm
Tác giả: QN