Viêm phế quản có chuyển thành viêm phổi không?

Viêm phế quản có chuyển thành viêm phổi không?
Viêm phế quản là bệnh lý thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Nếu không điều trị đúng cách, viêm phế quản có thể dẫn tới nhiều biến chứng, trong đó có viêm phổi.

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Nếu viêm phế quản không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng có thể đi từ đường thở vào phổi, sau đó dẫn tới viêm phổi. 

1. Viêm phế quản có chuyển thành viêm phổi không?

Viêm phế quản và viêm phổi là hai bệnh nhiễm trùng phổi có các triệu chứng tương tự nhau. Trong một số trường hợp, viêm phế quản có thể biến chứng thành viêm phổi. Điều này xảy ra khi nhiễm trùng lây lan từ đường thở đến các túi khí trong phổi.

Người bị viêm phế quản cũng có thể bị nhiễm trùng viêm phổi riêng biệt. Có thể khó phân biệt giữa viêm phế quản và viêm phổi vì hai bệnh có các triệu chứng tương tự nhau.

Viêm phế quản có chuyển thành viêm phổi không? - Ảnh 2.

Viêm phế quản không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới viêm phổi (Ảnh: Internet)

Những người có nguy cơ cao bị viêm phế quản biến chứng sang viêm phổi là trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như hen suyễn. Điều trị viêm phế quản nhanh chóng có thể giúp ngăn ngừa bệnh phát triển thành viêm phổi.

2. Viêm phổi và viêm phế quản dễ bị nhầm lẫn thông qua triệu chứng

Viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng phổi gây kích ứng và sưng tấy đường thở. Những tác động này khiến phổi tạo ra nhiều chất nhầy hơn bình thường, gây ra ho khi cơ thể cố gắng loại bỏ chất nhầy dư thừa.

Viêm phế quản có 2 loại đó là viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn tính. Các triệu chứng phổ biến của bệnh như: viêm họng, đau đầu, mệt mỏi, khó thở.

Thông thường, người bệnh viêm phế quản sẽ hồi phục sau khoảng 3 tuần. Tuy nhiên, những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng yếu, thời gian phục hồi lâu hơn, thậm chí có thể dẫn tới viêm phổi.

Viêm phế quản có chuyển thành viêm phổi không? - Ảnh 3.

Viêm phổi và viêm phế quản có nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Cách chữa viêm phế quản không dùng kháng sinh và những điều cần biết

Cần làm gì để bệnh viêm phổi không tiến triển nặng thêm?

Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Khi bị viêm phổi, mọi người thường gặp những triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, ớn lạnh, mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn.

Cả hai bệnh nhiễm trùng này đều có các triệu chứng giống nhau và điều này có thể gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Nếu viêm phế quản trở thành viêm phổi, các triệu chứng có thể trầm trọng hơn như ho có đờm và sốt.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản và viêm phổi

Trong hầu hết các trường hợp, virus là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phế quản và vi khuẩn gây viêm phổi.

Virus gây ra viêm phế quản có thể gây ra cảm lạnh và cúm. Hơn nữa, virus lây lan khi mọi người ho hoặc hắt hơi, và chúng cũng có thể sống trên các bề mặt nên rất dễ nhiễm bệnh, nhất là trẻ em. 

Hơn nữa, sức đề kháng kém, môi trường ô nhiễm, bệnh lý trào ngược dạ dày cũng là một trong những nguyên nhân gây ra viêm phế quản. 

Viêm phế quản có chuyển thành viêm phổi không? - Ảnh 4.

Virus và vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra viêm phế quản và viêm phổi (Ảnh: Internet)

Vi khuẩn thường gây ra bệnh viêm phổi là Streptococcus pneumoniae, có thể lây lan khi ho nhưng ít lây hơn so với cảm lạnh hoặc viêm phế quản. Hệ thống miễn dịch của hầu hết mọi người sẽ tiêu diệt vi khuẩn ngay lập tức. Ngoài ra, virus viêm phổi dễ tấn công những người có hệ thống miễn dịch yếu.

Ngoài ra, nấm, một số hoá chất, viêm phế quản cũng là những tác nhân gây ra bệnh viêm phổi. 

4. Một số biện pháp điều trị viêm phế quản tại nhà

Khi viêm phế quản chuyển thành viêm phổi, người bệnh cần đến bệnh viện để điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bị viêm phế quản nhẹ và không nguy hiểm (đã được bác sĩ chẩn đoán), được chỉ định có thể điều trị tại nhà, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để làm giảm triệu chứng:

(Lưu ý, những phương pháp dưới đây không có tác dụng thay thế phương pháp điều trị từ bác sĩ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng, đặc biệt với trẻ nhỏ)

- Súc miệng nước muối: Súc miệng nước muối có thể giúp phá vỡ chất nhầy và giảm đau cổ họng. Bạn có thể hòa tan 1 thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm. Sau đó, ngậm nước muối và súc họng trong khoảng 1-2 phút. Nên duy trì mỗi ngày để đạt được hiệu quả.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Giữ ẩm không khí trong nhà hoặc nơi làm việc giúp làm lỏng chất nhầy trong đường thở và giảm ho. 

- Uống nước ấm: Nước ấm, trà và các đồ uống nóng khác giúp làm loãng chất nhầy, giúp ho dễ dàng hơn. Trà gừng là một lựa chọn khá tốt cho những người đang bị viêm phế quản. 

Viêm phế quản có chuyển thành viêm phổi không? - Ảnh 5.

Uống nước, trà ấm có thể giúp làm giảm các cơ ho do viêm phế quản (Ảnh: Internet)

- Sử dụng mật ong: Mật ong có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn tốt nên sẽ làm giảm các cơn ho viêm phế quản hiệu quả. Các bạn có thể uống trà, hấp mật ong với chanh, quất. 

- Thay đổi thói quen và lối sống như bỏ thuốc lá, tránh đến những nơi có độ ô nhiễm cao, rửa tay thường xuyên ngăn ngừa sự lây lan của virus, tập thể dục thường.

- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt nên chọn những thực phẩm giàu vitamin D và N-acetylcysteine như lòng đỏ trứng, hải sản, nấm, ngũ cốc, chuối, rau bina, đậu lăng, ... 

- Các bạn có thể dùng thêm một số thuốc để làm giảm triệu chứng như thuốc long đờm, thuốc giảm ho, thuốc steroid. Tuy nhiên, cần dùng theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ. 

5. Cách ngăn ngừa viêm phế quản và viêm phổi

Điều trị viêm phế quản nhanh chóng có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi. Một khi hệ thống miễn dịch đã trở lại hoạt động bình thường, nguy cơ phát triển một bệnh nhiễm trùng mới sẽ giảm xuống.

Ngoài ra, mọi người cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

- Bỏ thuốc lá để cải thiện sức khỏe phổi

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, có nhiều hoá chất. 

- Tập thể dục thường xuyên làm tăng nhịp tim có thể giúp tăng cường phổi là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

- Các cách để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh viêm phổi bao gồm rửa tay, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, và vứt bỏ khăn giấy ngay sau khi sử dụng.

- Người lớn tuổi có thể cân nhắc việc chủng ngừa viêm phổi để bảo vệ sức khoẻ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn từ 65 tuổi trở lên nên chủng ngừa.

Nhìn chung, viêm phế quản và viêm phổi đều ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh. Khi có các triệu chứng viêm phế quản, người bệnh nên thăm khám vè điều trị sớm, tránh biến chứng sang viêm phổi. Đặc biệt là trẻ em, người già và người có đề kháng kém cần được quan tâm đặc biệt hơn. 

Nguồn tham khảo: 

Can bronchitis turn into pneumonia? Causes and diagnosis

Which home remedy is best for bronchitis?


Tác giả: Vân Anh