Viêm nhiễm phụ khoa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản

Viêm nhiễm phụ khoa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Viêm nhiễm phụ khoa không chỉ gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh, nếu không được chữa trị kịp thời bệnh còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

1. Triệu chứng thường thấy khi bị viêm nhiễm phụ khoa

Những triệu chứng thường thấy khi bị viêm nhiễm phụ khoa, đó là khí hư ra bất thường với màu vàng, màu xanh hoặc kèm theo mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, ở một số chị em, thì căn bệnh này còn kèm theo mụn và lở loét, cảm giác ngứa, đau rát. Không những thế, nhiều chị em còn có hiện tượng đau rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục

Nói về những căn bệnh viêm phụ khoa, bác sĩ Nguyễn Thị Yến, Bệnh viện Hòe Nhai cho biết, nguyên nhân gây bệnh phụ khoa thường là do mất cân bằng của hệ vi khuẩn trong âm đạo, gây ra nhiễm khuẩn âm đạo bởi những vi khuẩn thông thường hoặc là do nấm.

Ngoài ra, việc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, việc thụt rửa vùng kín, cọ xát quá mạnh; do thực hiện các thủ thuật nạo phá thai không đảm bảo; dị ứng với các loại xà phòng, hóa chất tẩy rửa; chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt không hợp lý, mặc quần áo quá chật...cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm phụ khoa.

Ảnh 2.

Nguyên nhân gây bệnh phụ khoa thường là do mất cân bằng của hệ vi khuẩn trong âm đạo - Ảnh: Internet

Do đó, khi nhận thấy vùng kín có những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ và chuyên gia y tế khuyên rằng, chị em phụ nữ cần đi khám và điều trị kịp thời. Bởi nếu để bệnh lâu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: gây cảm giác khó chịu, mất tự tin và tạo nên nhiều rối loạn trong cuộc sống và hạnh phúc của người phụ nữ; gây hậu quả xấu đối với sức khỏe, đặc biệt là gây nguy cơ ung thư cổ tử cung, nhiễm trùng hậu sản.

2. Những bệnh hay mắc phải khi viêm nhiễm phụ khoa

Theo số liệu thống kê, thì trong những căn bệnh viêm phụ khoa, thì viêm nhiễm đường sinh dục dưới là bệnh chiếm tỉ lệ cao. Còn viêm âm đạo và cổ tử cung tuy không ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân, nhưng lại là nguyên nhân chủ yếu gây ra khí hư, làm phiền toái và khó chịu cho người phụ nữ trong cuộc sống.

Bác sĩ Yến còn cho biết thêm, phụ nữ Việt Nam hiện vẫn chưa có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ để bác sĩ phát hiện bệnh lý phụ khoa và kiểm soát ung thư cổ tử cung, đây là thói quen mà dường như chị em nên thay đổi. Bởi khi đi khám phụ khoa định kỳ, nếu bạn bị bệnh phụ khoa thì sẽ được các bác sĩ làm một số xét nghiệm, siêu âm để tìm vi khuẩn, tác nhân gây bệnh, từ đó có phương pháp điều trị đúng.

Viêm âm đạo là một trong số những căn bệnh phụ khoa xảy ra phổ biến ở phụ nữ, ở độ tuổi chưa dậy thì, thông thường chứng viêm âm đạo do nhiễm trùng vi sinh từ bên ngoài hay nhiễm giun sán từ đường tiêu hóa.

Còn với người ở độ tuổi sinh sản, thì viêm âm đạo là do các tác nhân vi sinh, do nấm canida, tạp trùng, đặc biệt là các mầm bệnh lây truyền qua đường tình dục như vi khuẩn lậu, giang mai, HPV.

Tuy viêm nhiễm phụ khoa không khó chữa trị hay gây nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng nó lại ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và hạnh phúc lứa đôi nếu không được chữa trị kịp thời. Do đó, để hạn chế viêm nhiễm diễn biến nặng, thì chị em cần đến các phòng khám chuyên khoa để các bác sĩ tìm nguyên nhân, từ đó giải quyết ổ viêm nhiễm với các sản phẩm có tác dụng loại trừ mầm bệnh ngay từ bên trong âm đạo.

Ảnh 3.

Viêm phụ khoa ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và hạnh phúc lứa đôi - Ảnh: Internet

3. Để hạn chế ung thư cổ tử cung, chị em nên đi tiêm phòng để ngừa bệnh

Ung thư cổ tử cung được biết đến là căn bệnh ung thư phụ khoa nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là do virus HPV, virut này chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục. Tuy đây là căn bệnh nguy hiểm, thế nhưng hiện nay để phòng tránh bệnh chị em nên tiêm phòng HPV (đối với những phụ nữ chưa quan hệ tình dục) để ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Do đó những bé gái trong độ tuổi từ 9-18 và trước khi quan hệ tình dục nên thực hiện tiêm ngừa HPV. Và các chuyên gia thì khuyến cáo độ tuổi thích hợp nhất để tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là từ 11 – 12 tuổi. Lưu ý, phụ nữ mang thai không nên tiêm ngừa HPV.

Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung gồm 3 mũi: mũi thứ hai cách mũi đầu tiên 2 tháng, mũi thứ ba cách mũi đầu tiên 6 tháng.

Dù đã tiêm ngừa HPV, nhưng chị em phụ nữ vẫn nên đi khám phụ khoa và thực hiện xét nghiệm nhằm kiểm soát ung thư cổ tử cung định kỳ, bởi căn bệnh này có thể khởi phát do nguyên nhân khác ngoài HPV...

4. Các biện pháp phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa

Tắm rửa và vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trong những ngày "đèn đỏ" hay su những lần đi đại tiện, tiểu tiện.

Luôn giữ cho bộ phận sinh dục khô, sạch sẽ, bằng việc rửa vùng kín và lau khô sau khi đi vệ sinh cũng như sau khi quan hệ tình dục, nhưng tuyệt đối bạn không nên sử dụng khăn, vật lạ để lau âm đạo; không thụt rửa âm đạo. Nói không với xà phòng hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.

Không mặc quần chật, hay bó sát, nên sử dụng quần lót dạng cotton và thường xuyên thay quần lót.

Không nên lội và ngâm mình lâu ở vùng nước ô nhiễm, bởi các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài có thể tấn công vào âm đạo.

Khi đến kỳ kinh nguyệt, bạn nên dùng băng vệ sinh đảm bảo chất lượng, đủ thấm và còn hạn sử dụng, tránh sử dụng những loại băng vệ sinh có mùi thơm, nên thay băng thường xuyên (4 giờ/lần).

Ảnh 4.

ệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục, để tránh vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát tác - Ảnh: Internet

Vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục, để tránh vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát tác.

Nên nói "Không" với chất bôi trơn âm đạo có chứa thành phần dầu, bởi dầu là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Không nên quan hệ tình dục khi đang điều trị nhiễm khuẩn âm đạo, nhằm tránh bệnh tình nặng hơn và nhằm tránh truyền bệnh cho "đối tác".

Các sản phẩm gây kích ứng vùng âm đạo như các loại nước hoa, xà phòng, mỹ phẩm...bạn không nên sử dụng, bởi những sản phẩm này có thể làm thay đổi môi trường pH trong âm đạo.

Khi vùng kín bị ngứa rát do viêm nhiễm âm đạo, thì bạn không nên gãi, bởi gãi có thể gây xước vùng da và làm bệnh trầm trọng hơn.

Tác giả: Thanh Thanh