Bệnh viêm não Nhật Bản (JE - Japanese Encephalitis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây ra (JEV - Japanese Encephalitis Virus) gây ra. Viêm não Nhật Bản là bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao.
Trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản là muỗi, đặc biệt là loài muỗi Culex. Các nguồn chứa virus gồm lợn, ngựa và các loài chim hoang dã.
Dịch viêm não Nhật Bản thường bùng phát vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 7 do đây là muỗi Culex sinh sản mạnh.
Tất cả mọi người đều có thể mắc viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em dưới 15 tuổi.
Đọc thêm:
- Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản
- Biến chứng của viêm não Nhật Bản
- Giai đoạn ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 5-14 ngày, trung bình là 1 tuần
- Giai đoạn khởi phát: Khi bệnh khởi phát, người bệnh có biểu hiện sốt cao từ 39 - 40 độ C. Cơn sốt xảy ra đột ngột, có trẻ đang chơi bình thường, bỗng dưng lên cơn sốt cao, co giật dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong 1-3 ngày. Diến biến bệnh tiến triển rất nhanh.
Trong giai đoạn khởi phát, người bệnh còn có những biểu hiện khác như đau đầu, rét run, buồn nôn, mệt lả, kiệt sức.
Trong 1-2 ngày đầu, trẻ nhỏ có thể bị cứng gáy, rối loạn sự vận động nhãn cầu, tăng trương lực cơ, bị lú lẫn và mất ý thức.
Một số trẻ có thể bị đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng.
- Giai đoạn toàn phát: ở giai đoạn này, virus đã tấn công vào tế bào não, hủy hoại các tế bào thần kinh. Lúc này các triệu chứng bệnh không những không giảm mà còn tiến triển nặng hơn.
Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như: rối loạn nhịp thở, tăng mạch nhanh và yếu, da lúc đỏ lúc tái, tăng tiết trong lòng khí quản.
Giai đoạn toàn phát diễn ra trong thời gian ngắn, người bệnh dễ rơi vào tình trạng hôn mê sâu, rối loạn các chức năng sống. Nếu người bệnh vượt qua được giai đoạn này thì tiên lượng tốt hơn.
- Giai đoạn lui bệnh: từ tuần thứ 2 trở đi, người bệnh cảm thấy đỡ dẫn, các cơn sốt giảm dần và không còn sốt quá cao như lúc đầu nữa.
Từ khoảng ngày thứ 10 trở đi, nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác, nhiệt độ cơ thể người bệnh sẽ trở về mức bình thường. Người bệnh từ trạng thái hôn mê dần dần tỉnh, hết đau đầu và buồn nôn, cơ thể cũng không còn những cơn co cứng nữa.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể có một số biến chứng sớm như: viêm phổi, viêm phế quản, loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu, viêm bàng quang, bể thận do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu, rối loạn dinh dưỡng.
Những di chứng sớm có thể là: rối loạn phối hợp vận động, rối loạn tâm thần, múa giật, mất ngôn ngữ, liệt hoặc bại nửa người, giảm trí nhớ nghiêm trọng.
Những biến chứng ở giai đoạn muộn bao gồm: rối loạn giao cảm, loét nhiễm trùng, nghe kém, điếc, rối loạn chuyển hóa hoặc động kinh, rối loạn tâm thần.
- Để lại di chứng lớn, tỉ lệ tử vong cao
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, virus gây bệnh sau khi xâm nhập vào cơ thể người có thể tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương, gây ra nhiều tổn thương. Bệnh có khả năng gây tử vong lên tới 25-35% tổng số ca mắc, và để lại di chứng thần kinh, tâm thần cho khoảng 50% bệnh nhân.
- Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Viêm não Nhật Bản là bệnh ít có các triệu chứng lâm sàng thể hiện ra bên ngoài, các biểu hiện dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác: nôn ói, sốt, đau đầu, li bì,...
Viêm não Nhật Bản thường có các dấu hiệu ẩn (Ảnh: Internet)
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản mà chủ yếu là hỗ trợ hô hấp, chống phù não, điều trị triệu chứng và chống bội nhiễm. Được chuẩn đoán và điều trị sớm có thể làm giảm nguy cơ tử vong mặc dù vẫn có thể để lại các di chứng như rối loạn vận động, rối loạn nhận thức, động kinh,... Trẻ bị viêm não Nhật Bản thường có tỉ lệ để lại di chứng là cao hơn so với người lớn.
- Thường trực nguy cơ bùng phát thành dịch
Bệnh viêm não Nhật Bản luôn thường trực nguy cơ lây lan rộng và bùng phát thành dịch. Vào mùa mưa, hai loại muỗi lan truyền virus là muỗi Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui sinh sôi và phát triển rất mạnh. Hai loài này hoạt động mạnh vào lúc chập choạng tối và thường sống ở ruộng lúa nước.
VIêm não Nhật Bản luôn thường trực nguy cơ bùng phát thành dịch (Ảnh: Internet)
Thêm vào đó, do nhận thức của người dân chưa cao nên việc phun thuốc khử trùng không được tiến hành rộng khắp, nguy cơ biến mỗi khu chuồng trại thành một ổ dịch. Ngoài ra, việc tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ dưới 15 tuổi vẫn chưa được chú trọng và thực hiện đầy đủ, mặc dù đây là phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.
Tiêm vacxin là biện pháp tốt để phòng bệnh viêm não Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Do đó, việc tìm hiểu viêm não Nhật Bản là gì và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh là điều rất quan trọng để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và những người xung quanh.