Viêm nang lông: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Tham vấn chuyên môn: -
Viêm nang lông: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa
Viêm nang lông là hiện tượng các nang lông bị viêm nhiễm. Viêm nang lông thường xuất hiện ở lưng, mông, tay, chân và cằm. Viêm nang lông không gây nguy hiểm nhưng khiến cho bạn ngứa ngáy, khó chịu, làn da sần sùi kém thẩm mỹ.

Nang lông là nơi mọc ra các sợi lông. Nang lông nằm ở dưới da. Viêm nang lông, hay còn được gọi là viêm lỗ chân lông, là một bệnh lý về da. Là tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn trú ngụ và hoạt động, tạo nên các ổ viêm nhiễm nông ở da. 

Các dạng viêm nang lông thường gặp: Viêm nang lông nông là tình viêm tại cổ nang lông, tổn thương bắt đầu bằng sẩn đỏ, đau quanh nang lông sau đó xuất hiện mụn mủ nhỏ. Viêm nang lông sâu có một phần nằm sâu trong nang một phần nông là một mụn mủ ở ngay cổ nang lông, ở giữa có sợi lông. Viêm nang lông gây tổn thương sâu gây nên biến chứng u, nhọt.

Viêm nang lông thường xuất hiện ở những nơi da bị cọ xát, kích thích nhiều (ví dụ như đùi, mông, chân,...), hoặc những nơi da đổ nhiều dầu và mồ hôi (ví dụ như lưng, đầu, ngực,...). Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh viêm nang lông có thể lan ra khắp cơ thể. 

1. Triệu chứng thường gặp khi bị viêm nang lông

- Xuất hiện những nốt đỏ hoặc mụn có lông ở ngay chính giữa. Các mụn này có thể có mủ, dễ vỡ và chảy máu.

- Triệu chứng của viêm nang lông có thể là riêng lẻ một vài mụn nhọn hoặc xuất hiện từng mảng mụn nhỏ li ti.

- Da bị đỏ và nhiễm trùng.

- Da bị ngứa hoặc đau rát như bị bỏng.

- Dùng tay sờ lên vùng da bị viêm nang lông thì thấy sần sùi và thô ráp.

- Lông mọc xoắn vào trong mà không mọc thẳng ra ngoài.

Với những trường hợp có triệu chứng viêm nang lông nhẹ như trên thì bạn có thể tự chăm sóc tại nhà. Khi vệ sinh và dưỡng da tốt thì bệnh viêm nang lông có thể tự khỏi sau 2 tuần.

Tuy nhiên, nếu bạn thấy các triệu chứng như vùng da bị sưng đỏ và nóng, cơn đau ngày càng trầm trọng, vùng viêm ngày càng lan rộng, thì hãy đến các cơ sở chuyên khoa da liễu. Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm nang lông

Viêm nang lông có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhưng hiếm khi gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm nang lông chủ yếu có liên quan đến thói quen sinh hoạt của người mắc bệnh:

- Da bị viêm hoặc bị mụn trứng cá, lâu dần dẫn đến viêm nang lông.

- Da bị nhiễm virus, kí sinh trùng, hoặc do lông mọc ngược.

- Do tuyến dầu hoạt động quá mức, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, cản trở lông phát triển, và tạo moi trường cho các virus, vi khuẩn, nấm hoạt động gây bệnh viêm nang lông.

- Nang lông bị tổn thương do tai nạn hoặc phẫu thuật.

- Lỗ chân lông bị kích ứng do cạo lông hoặc do thường xuyên cọ xát với quần áo bó chật.

- Nguyên nhân gây ra bệnh viêm nang lông phổ biến nhất chính là do vi khuẩn Staphylococcus aureus trú ngụ trên da.

- Nang lông phải chịu ảnh hưởng từ mỹ phẩm hoặc một số loại thuốc bôi chứa steroid.

- Uống thuốc kháng sinh trong thời gian dài cũng khiến cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển, là nguyên nhân dẫn đến viêm nang lông.

- Những bệnh nhân đang mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch như HIV/AIDS, đái tháo đường, ung thư,... cũng có nguy cơ bị bệnh viêm nang lông cao.

3. Các cách điều trị bệnh viêm nang lông

Để việc điều trị viêm nang lông có hiệu quả, các bác sĩ sẽ phải kiểm tra tình trạng sức khỏe, tình trạng da, và chẩn đoán nguyên nhân gây ra viêm nang lông, sau đó mới đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Bác sĩ có thể sẽ thu mẫu dịch trong mụn để xét nghiệm xác định loại virus, vi khuẩn, hay kí sinh trùng nào gây ra bệnh viêm nang lông. Có một số phương pháp điều trị viêm nang lông phổ biến là:

Chữa viêm nang lông bằng thuốc:

Đa số các thuốc trị viêm nang lông đều thuộc dạng kem bôi. Thuốc bôi ngoài da thường chứa kháng sinh để kháng khuẩn như Mupirocin, Clindamycin hoặc Erythromycin. Nếu viêm nang lông khiến bạn ngứa nhiều, bạn có thể được chỉ định dùng thuốc bôi có chứa Hydrocortisone 1%  trong khoảng 3 đến 5 ngày để giảm ngứa.

Đôi khi bạn cũng cần phải uống thuốc để kiểm soát bệnh nếu như tình trạng nhiễm trùng khá nghiêm trọng. Kháng sinh uống thường là Cephalexin hoặc Erythromycin. Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm nang lông do nấm, thì bạn sẽ được kê thuốc kháng nấm.

Chữa viêm nang lông bằng liệu pháp ánh sáng:

Đây là phương pháp hiện đại, giúp chữa viêm nang lông hiệu quả và nhanh chóng. Năng lượng từ các tia ánh sáng sẽ đi sâu vào tế bào da, giúp làm sạch, diệt vi khuẩn và làm tiêu đi những sợi lông mọc ngược. Từ đó giúp điều trị bệnh viêm nang lông triệt để.

Tiểu phẫu chữa viêm nang lông:

Nếu ổ viêm quá to, nhọt sưng và đau nhức, thì các bác sĩ sẽ thực hiện một ca tiểu phẫu để nhanh chóng loại bỏ mủ, giúp bạn giảm đau và mau phục hồi. Phương pháp này thường được dùng cho những trường hợp viêm nang lông đã biến chứng, nhiễm trùng sâu.

Triệt lông để chữa viêm nang lông:

Một trong những nguyên nhân gây viêm nang lông chính là tình trạng lông mọc ngược. Triệt lông vĩnh viễn có thể giúp khắc phục bệnh viêm nang lông do nguyên nhân này. Tình trạng lông mọc ngược thường xảy ra nhiều nhất ở khu vực nách. Triệt lông bằng laser là phương pháp hiệu quả và khá được ưa chuộng hiện nay.

Điều trị viêm nang lông tại nhà:

Với những trường hợp viêm nang lông nhẹ, viêm nang lông mới xuất hiện, thì bạn có thể áp dụng một số phương pháp tại nhà như: Trị viêm nang lông bằng dầu dừa, trị viêm nang lông bằng chanh, trị viêm nang lông bằng muối biển,....

Để việc điều trị viêm nang lông được hiệu quả và nhanh chóng, thì cần can thiệp ngay khi bệnh còn nhẹ. Nếu viêm nang lông đã nặng, việc chữa trị có thể để lại sẹo. Thậm chí viêm nang lông có thể biến chứng dẫn đến nhiễm trùng sâu thành viêm mô tế bào, rất khó chữa trị.

4. Cách phòng ngừa bệnh viêm nang lông

- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Nên sử dụng các loại xà phòng thơm, sữa tắm dịu nhẹ và lành tính, ít kích ứng da.

- Thay ga trải giường, thay vỏ gối thường xuyên, bởi đây là nơi lưu cữu nhiều bụi bẩn, mồ hôi và các tế bào da chết, là nơi có khá nhiều kí sinh trùng trú ngụ.

- Không dùng chung quần áo và các vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, bông tắm, dao cạo,...

- Không tự ý nặn mụn nhọt.

- Cẩn trọng khi cạo lông, tránh làm tổn thương da. Nếu có thể, hãy sử dụng các biện pháp triệt lông bằng công nghệ hiện đại (ví dụ triệt lông bằng laser).

- Nên sử dụng kem cạo râu để tránh làm tổn thương da, sử dụng dao cạo sắc bén và trơn tru. Bạn cũng có thể sử dụng kem tẩy lông thay cho dao cạo.

- Hàng ngày cần tẩy trang sạch sẽ. Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm, kem dưỡng da, kem dưỡng thể kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. 

- Hạn chế sử dụng các sản phẩm khiến da đổ dầu, bởi dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

- Khi cơ thể đổ mồ hôi, ví dụ sau khi tập thể dục, cần nhanh chóng lau khô và vệ sinh cơ thể, tránh cho vi khuẩn có cơ hội hoạt động và phát triển.

- Mặc quần áo thoáng mát, vải mềm, thấm hút mồ hôi, tránh cọ xát nhiều vào da.


Tác giả: Mai Nhung