Viêm nang lông ở da đầu và nỗi ám ảnh mùa nắng nóng

Tham vấn chuyên môn: -
Viêm nang lông ở da đầu và nỗi ám ảnh mùa nắng nóng
Bệnh viêm nang lông da đầu khiến cho người bệnh cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt và giao tiếp với mọi người xung quanh. Đặc biệt nếu tình trạng bệnh kéo dài không được điều trị sớm sẽ gây hói đầu, rụng tóc và lở loét vùng da đầu. Vậy nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông ở da đầu là gì?

Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi bộ phận trên cơ thể, phổ biến nhất là viêm nang lông ở tay, chân và da đầu. Trong đó, bệnh viêm nang lông da dầu là loại thường gặp nhất, thường xảy ra mạnh vào mùa nắng nóng, bệnh gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Vậy nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông ở da đầu là gì? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác nhất.

1. Triệu chứng và nguyên nhân gây viêm nang lông da đầu

Viêm nang lông da đầu hay còn gọi là viêm lỗ chân lông da đầu được xếp chung vào nhóm viêm da nói chung. Triệu chứng điển hình của bệnh là xuất hiện những mụn mủ, vết sần đóng vảy tiết trên từng mảng nang lông. Viêm nang lông da đầu có thể là một khoảng nhỏ sau đó lan rộng thành vùng da lớn, tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh.

Viêm nang lông da đầu nếu không được điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng tới chân tóc, gây cảm giác ngứa ngáy, viêm mủ và mọc thành những cụm dưới da. Ngứa da đầu khiến người bệnh bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân gây viêm nang lông ở da đầu chủ yếu là do nấm sợi và tụ cầu gây nên. Ngoài ra các tác nhân khác như môi trường, khói bụi, mồ hôi khiến tình trạng viêm nhiễm da đầu, tiết dầu càng thêm trầm trọng, gây bí, nhờn, tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm ngứa phát triển. Các yếu tố khác như nhuộm tóc, làm tóc, hóa chất...hay vệ sinh da đầu kém cũng là nguyên nhân gây viêm nang lông ở da đầu.

Bệnh viêm nang lông da đầu khiến cho người bệnh cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt và khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Đặc biệt nếu tình trạng bệnh kéo dài không được điều trị sớm sẽ gây hói đầu, rụng tóc và lở loét vùng da đầu.

2. Điều trị viêm nang lông da đầu như thế nào?

Hầu hết khi mắc căn bệnh viêm nang lông da đầu, bệnh nhân thường lo lắng về việc điều trị có dứt điểm. Bác sĩ Lê Thị Anh Thư (Phó khoa Khám bệnh, bệnh viện Da liễu Trung Ương) cho biết: Bệnh có thể chữa và phòng ngừa được. Viêm nang lông da đầu nhẹ và trung bình thường sẽ mất đi nhanh chóng, không để lại sẹo nếu được điều trị đúng cách.

Ảnh 3.

Viêm nang lông da đầu nhẹ và trung bình thường sẽ mất đi nhanh chóng, không để lại sẹo nếu được điều trị đúng cách. (Ảnh: Internet)

Điều trị viêm nang lông ở da đầu phụ thuộc vào từng cơ địa của mỗi người và nguyên nhân gây bệnh do tụ cầu hay do vi khuẩn sẽ có cách điều trị khác nhau.

2.1. Viêm nang lông da đầu do tụ cầu

Viêm nang lông da đầu do tụ cầu có thể sử dụng các nhóm kháng sinh như: Nhóm Cephalosporin, nhóm β-lactamin như Amoxillin, nhóm Cyclin như doxycyclin và một số kháng sinh nhóm khác như Ciprofloxacin, Metronidazol, Co-trimoxazol. Liều lượng, cách sử dụng tùy theo mức độ bệnh và hướng dẫn của bác sĩ.

2.2. Viêm nang lông da đầu do nấm

Khi điều trị viêm nang lông da đầu do nấm, bệnh nhân cũng nên chú ý sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc bôi chống nấm bôi trực tiếp vào da như nizoral, Mycoster, Canesten cream…. Một số loại thuốc chống nấm dạng uống như Terbinafine hoặc Itraconazole. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp với thuốc khác để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh như: thuốc kháng sinh Histamin, cồn iode cũng rất tốt để điều trị viêm nang lông da đầu, giảm ngứa và kháng viêm.

3. Phòng tránh viêm nang lông da đầu

Nắm được các nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông ở da đầu, bạn cần chú ý thay đổi những thói quen bằng cách:

- Không nên để tóc ẩm ướt khi đi ngủ, sấy tóc khô để tránh vi khuẩn tích tụ

- Sử dụng dầu gội đầu thích hợp, hạn chế sử dụng các loại hóa chất, nhuộm tóc gây viêm nhiễm vùng da trên đầu, tổn thương da.

- Sau khi ra mồ hôi, bạn nên gội đầu sạch sẽ, thường xuyên tắm gội vào mùa nắng nóng để da đầu không bị bí nhờn, tích tụ mồ hôi.

- Hạn chế dùng tay gãi, cậy các mảng khô trên da đầu, điều này sẽ càng khiến cho tình trạng viêm loét trở nên trầm trọng hơn.

- Tuyệt đối không nên tự ý áp dụng các phương pháp điều trị mà phải được sự đồng ý của các bác sĩ. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc bôi, điều trị theo lộ trình tránh tình trạng tái đi tái lại, nhờn thuốc.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức về bệnh viêm nang lông và các nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông ở da đầu. Trong điều trị, bạn nên tuân thủ mọi phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời kiên trì chữa bệnh nếu không muốn bị tái đi tái lại nhiều lần. 



Tác giả: Thanh Thanh