Viêm mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm mũi được xem là một bệnh lý của thời đại khi số lượng người nhiễm bệnh ngày càng tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Vậy, viêm mũi là gì, nguyên nhân gây bệnh và làm thế nào để điều trị bệnh hiệu quả? Cùng tìm hiểu qua những thông tin chi tiết dưới đây.

Viêm mũi là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Nếu không điều trị kịp thời, viêm mũi có thể biến chứng thành nhiều bệnh nguy hiểm cho khả năng hô hấp.

1. Viêm mũi là gì

Viêm mũi là tình trạng kích ứng, viêm niêm mạc khoang mũi của bạn. Viêm mũi có thể xảy ra do dị ứng hoặc không do dị ứng. Nó cũng có thể truyền nhiễm. Viêm mũi có thể do dị ứng khi bạn hít phải chất gây dị ứng hoặc theo mùa, vào thời điểm nhất định trong năm.

Viêm mũi không dị ứng không được kích hoạt bởi một chất gây dị ứng cụ thể, mà thay vào đó là do một hoặc nhiều tác nhân gây dị ứng không gây dị ứng. Nó có thể ảnh hưởng đến bạn trong thời gian ngắn hoặc dài.

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-1

Viêm mũi là tình trạng kích ứng viêm niêm mạc khoang mũi

2. Các loại viêm mũi

Viêm mũi được chia thành một số loại phổ biến gồm:

- Viêm mũi do nhiễm trùng gây ra bởi một bệnh do virus, vi khuẩn. Đó có thể do virus cảm cúm adenovirus, Streptococcus pneumoniae, Rhinovirus hay sieu vi khuẩn sởi gây ra. Viêm mũi do nhiễm trùng được chia làm hai dạng nhỏ là viêm mũi do nhiễm trùng cấp tính và viêm mũi nhiễm trùng mãn tính (do không điều trị triệt để trong giai đoạn cấp tính sẽ tái phát nhiều lần và chuyển thành mãn tính).

- Viêm mũi dị ứng: Các yếu tố dị nguyên có trong không khí như các loại hạt bụi, phấn hoa, khói thuốc lá, lông động vật, nấm mốc liên kết với kháng thể IgE trong mũi. Sau đó, hệ miễn dịch sẽ giải phóng histamine để chống lại chất gây dị ứng dẫn đến các triệu chứng viêm mũi như ngứa, sưng, chất lỏng tích tụ trong đường mũi… Gồm hai thể: thể có chu kỳ và không chu kỳ.

- Viêm mũi không dị ứng: tình trạng viêm mũi không do các chất dị ứng. Gồm viêm mũi do mũi teo, viêm mũi vận mạch và viêm mũi do thuốc.

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-2

Viêm mũi có nhiều loại khác nhau

3. Triệu chứng viêm mũi

Các triệu chứng của viêm mũi từ nhẹ đến nặng thường ảnh hưởng đến khoang mũi, cổ họng và mắt của bạn. Chúng có thể bao gồm một số triệu chứng phổ biến như:

- Nghẹt mũi

- Sổ mũi

- Ngứa mũi

- Hắt xì

- Ho

- Đau họng

- Ngứa mắt, chảy nước mắt

- Đau đầu

- Mất vị giác hoặc thính giác 

- Đờm trong họng

- Thở bằng miệng

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-3

Các triệu chứng viêm mũi ảnh hưởng đến khoang mũi

4. Nguyên nhân gây viêm mũi là gì?

Nguyên nhân gây viêm mũi phụ thuộc vào loại viêm mũi mà người bệnh mắc phải. Cụ thể:

Viêm mũi do nhiễm trùng:

Viêm mũi do nhiễm trùng gây ra bởi các loại virus, vi khuẩn gây bệnh như virus gây cúm, virus do bệnh sởi…

Viêm mũi dị ứng:

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn phát hiện ra các dị nguyên và phản ứng như thể chúng có hại. Lúc này hệ thống miễn dịch của bạn sẽ phản ứng với các chất dị ứng bằng cách tạo ra IgE, một số tế bào trong cơ thể giải phóng các hóa chất liên quan đến phản ứng viêm như histamine. Histamine gây ra các triệu chứng viêm mũi. Các dị nguyên có thể bao gồm phấn hoa, lông động vật, mùi nấm mốc, hạt bụi… 

Viêm mũi không dị ứng:

Có thể khó khăn hơn khi chẩn đoán nguyên nhân gây viêm mũi không dị ứng. Nó không được kích hoạt bởi các chất gây dị ứng và không liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch. Viêm mũi không dị ứng có thể liên quan đến vấn đề cấu trúc trong khoang mũi của bạn như hình thành polyp hay vách ngăn mũi bị lệch, đường mũi bị hẹp. Ngoài ra, một số kích hoạt tiềm năng gây bệnh có thể gồm vật lạ trong mũi, nhiễm trùng, một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc giảm huyết áp, các loại thực phẩm lạ, mùi khói thuốc, ô nhiễm không khí, thay đổi thời tiết, thay đổi nội tiết tố...

Ai có nguy cơ bị viêm mũi?

Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh hen suyễn bạn có nhiều khả năng bị viêm mũi. Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có các chất kích thích như khói thuốc, mùi hóa chất cũng có khả năng bị viêm mũi cao hơn. Những người thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh về hô hấp. Ngoài ra, với trẻ nhỏ khi niêm mạc mũi chưa hoàn chỉnh và tiếp xúc với môi trường khói bụi cũng có nguy cơ bị viêm mũi cao. 

5. Phương pháp điều trị viêm mũi 

Điều trị viêm mũi dị ứng:

Cách tốt nhất để điều trị viêm mũi dị ứng là tránh xa các chất gây dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng bởi phấn hoa, lông thú cưng, bụi bẩn, nấm mốc… hãy cố gắng loại bỏ chúng ra khỏi ngôi nhà của bạn. Nếu bạn không thể tránh khỏi các chất dị ứng, hãy sử dụng các loại thuốc giảm triệu chứng. Một số loại thuốc dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng gồm: thuốc kháng histamine dạng uống hoặc dạng xịt, thuốc kháng leukotriene, kháng cholinergic…

Điều trị viêm mũi không dị ứng:

Nếu bạn bị viêm mũi không dị ứng, các bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc theo toa như thuốc xịt corticosteroid mũi, nước muối mũi, thuốc thông mũi để điều trị. Nếu khiếm khuyết trong khoang mũi gây nên các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật chỉnh sửa.

Với viêm mũi do nhiễm trùng bởi các bệnh lý khác, các bác sĩ sẽ thực hiện điều trị bệnh liên quan trước khi điều trị viêm mũi. Ngoài ra, người bệnh cần chú ý trong chế độ ăn uống, sinh hoạt, cẩn thận khi thay đổi thời tiết, môi trường sống, rèn luyện thể dục thể thao để tăng sức đề kháng của cơ thể. Sử dụng nước muối để vệ sinh, làm sạch mũi thường xuyên, hạn chế vi khuẩn xâm nhập.

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-4

Điều trị viêm mũi bằng các loại thuốc uống, thuốc nhỏ chuyên dụng

6. Biến chứng viêm mũi là gì?

Viêm mũi nếu không được điều trị có thể tăng nguy cơ dẫn đến bệnh hen suyễn, viêm xoang cấp và mãn tính. Việc viêm nhiễm niêm mạc mũi và xoang mũi tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm họng. 

Ngoài ra, việc ngạt mũi do viêm khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chất lượng giấc ngủ kém khiến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng lao động. Viêm mũi cũng có thể khởi phát bệnh hen suyễn, biến chứng ở mắt như xước giác mạc, viêm kết mạc, ngứa mắt, giảm thị lực gây khó khăn trong điều trị.

Vì vậy, nếu các triệu chứng của bệnh viêm mũi tiếp tục kéo dài và kèm theo những cơn sốt nhẹ, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh biến chứng nặng trước khi quá muộn.

7. Cách phòng tránh viêm mũi

Các biện pháp để phòng tránh viêm mũi bao gồm:

- Tránh những nơi có nhiều bụi, nấm mốc, vệ sinh nơi ở thường xuyên.

- Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, không nên nuôi động vật trong nhà.

- Tránh những thứ được cho là dị nguyên gây dị ứng.

- Hạn chế chạm và chà mũi nhiều.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

- Thường xuyên giặt ga trải giường và vỏ gối.

- Giữ ấm cơ thể đặc biệt vùng mũi, cổ, ngực vào mùa lạnh để bảo vệ hệ hô hấp. Hạn chế thức khuya, tắm khuya, tắm nước lạnh…

- Bảo vệ mũi khi đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với khói bụi.

- Tăng cường sức đề kháng cơ thể để phòng tránh khả năng tấn công của bệnh.

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-5

Đeo khẩu trang ở những nơi ô nhiễm để phòng tránh tác nhân gây bệnh

8. Cách ăn uống cho người viêm mũi

Người viêm mũi nên ăn gì?

- Các loại rau củ quả giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng để phòng tránh và hạn chế sự phát triển của các loại bệnh tật cho cơ thể trong đó có viêm mũi. Bạn có thể bổ sung vitamin C từ các loại thực phẩm tự nhiên như cà rốt, ớt chuông, bưởi, khế, sơ ri, táo, cam, cà chua… Không những thế cà chua, táo, cam còn giàu chất chống oxy hóa rất tốt cho người viêm mũi. 

- Thực phẩm có tính ấm như gừng, tỏi, hành chứa nhiều chất kháng sinh tốt cho người bệnh viêm mũi và viêm xoang. 

- Các cây gia vị có tinh dầu như bạc hà, ngổ, rau thơm, rau mùi… là các loại cây không chỉ giúp hương vị món ăn thêm thơm ngon hơn mà còn tốt cho bệnh viêm mũi. 

- Các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá nục, cá mòi… giúp ngăn chặn phản ứng sưng trong đường hô hấp. Đây cũng là những thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho bệnh viêm mũi. 

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-6

Thực phẩm giàu omega 3 tốt cho đường hô hấp

Người viêm mũi nên kiêng ăn gì?

- Thức ăn có tính lạnh, tanh.

- Sữa và các chế phẩm từ sữa.

- Đồ cay nóng như ớt, tiêu… có thể làm tình trạng ngứa mũi, hắt xì của bạn ngày càng nghiêm trọng hơn. Không những thế, đồ cay nóng cũng có thể khiến axit dễ trào ngược lên cổ gây ảnh hưởng đến mũi, họng, tai. 

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-7

Thực phẩm cay nóng không tốt cho người bệnh viêm mũi

- Thức uống có cồn như rượu, bia có thể làm mất nước trong cơ thể là nguyên nhân khiến cho chất nhầy trong mũi đặc lại, sưng màng ở mũi và xoang.

- Các loại thực phẩm dễ dị ứng.

9. Các câu hỏi thường gặp về viêm mũi

Bệnh viêm mũi có chữa được không?

Bệnh viêm mũi có thể chữa được khi chưa biến chứng thành dạng mãn tính. Các phương pháp chữa trị viêm mũi cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, người có tiền sử viêm mũi cần đặc biệt chú ý trong sinh hoạt hằng ngày vì bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Viêm mũi có phải là bệnh di truyền?

Viêm mũi đặc biệt là viêm mũi dị ứng ở trẻ thường do yếu tố di truyền. Vì thế, nếu trong gia đình có một hoặc nhiều người mắc viêm mũi thì nguy cơ bạn bị bệnh lý viêm mũi sẽ cao hơn bình thường.

10. Các hình ảnh về viêm mũi

Một số hình ảnh về bệnh viêm mũi

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-10

Hình ảnh về bệnh viêm mũi

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-8

Hình ảnh về bệnh viêm mũi

viem-mui-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-9

Hình ảnh về bệnh viêm mũi

Nếu có các triệu chứng bệnh viêm mũi, người bệnh cần đến tại các cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ xác định nguyên nhân gây viêm mũi là gì và có phương pháp điều trị phù hợp.

Nguồn dịch:

https://www.healthline.com/health/rhinitis

https://www.webmd.com/allergies/rhinitis

https://www.webmd.com/allergies/nonallergic-rhinitis

Tác giả: Phương Nguyễn