Viêm mũi dị ứng do điều hòa: Làm thế nào để phòng tránh?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Viêm mũi dị ứng do điều hòa: Làm thế nào để phòng tránh?
Viêm mũi dị ứng do điều hòa xảy ra khi lớp niêm mạc của xoang mũi phản ứng với chất kích thích là luồng khí của máy lạnh dẫn đến tình trạng khó chịu cho bệnh nhân. Vậy làm thế nào để có thể phòng tránh căn bệnh này?

Viêm mũi dị ứng do điều hòa xảy ra bởi những chiếc máy điều hòa cũ không được làm sạch thường xuyên. Chúng là môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi khuẩn, tác nhân gây dị ứng phát triển. Khi đó viêm nhiễm trong mũi phát triển do cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng trong không khí. Ho, hắt hơi, nghẹt mũi, mắt đỏ, ngứa mắt, sưng xung quanh mắt, đau đầu… có thể là một số triệu chứng của bệnh.

1. Nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng do điều hòa

Điều hòa không khí là nơi cung cấp môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, bụi tồn tại và tạo ra những tác nhân dị ứng. Những vị trí lý tưởng cho nấm mốc phát triển trong điều hòa là ở các đường ống dẫn ẩm thấp, nơi nước xả bị rò rỉ. Ở những vị trí này nhiệt độ thường mát mẻ, phù hợp với điều kiện sinh trưởng của nhiều loại nấm mốc, vi khuẩn.

Ngoài ra, phòng sử dụng máy điều hòa thường được đóng kín, không khí không được lưu thông. Do đó, ngồi lâu trong phòng điều hòa có thể dẫn tới tình trạng viêm mũi dị ứng, đặc biệt là với những người nhạy cảm. Bên canh đó, các bụi bẩn tích tụ cũng khiến các triệu chứng viêm mũi dị ứng do điều hòa trở nên trầm trọng hơn.

2. Làm thế nào để phòng tránh viêm mũi dị ứng do điều hòa?

Để phòng ngừa nguy cơ viêm mũi dị ứng do điều hòa, bạn nên chú ý những điều sau đây:

- Nên dành nhiều thời gian hoạt động, chơi đùa dưới ánh nắng mặt trời thay vì ngồi cả ngày trong phòng điều hòa.

- Không để nhiệt độ điều hòa xuống quá thấp. Tốt nhất là nên để ở mức từ 28 độ trở lên với người lớn tuổi và trẻ em. Điều này là do khi nhiệt độ trong phòng so với môi trường chênh lệch quá cao, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe khi chúng ta ra vào. Vì vậy, nhiệt độ phòng điều hòa không nên để quá thấp, thích hợp nhất là 27-28 độ C. Không nên để nhiệt độ dưới 26 độ C.

viem-mui-di-ung-do-dieu-hoa

Viêm mũi dị ứng do điều hòa - Ảnh minh họa

- Hạn chế ngồi quá lâu trong phòng máy lạnh. Khi cảm thấy ngột ngạt, khó chịu và mệt mỏi, hãy đứng dậy và mở cửa phòng để tăng cường trao đổi oxi với bên ngoài. Nhất là đối với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây dị ứng.

- Thường xuyên làm sạch hoặc bảo dưỡng máy điều hòa. Việc ngồi điều hòa sẽ tạo cảm giác mát mẻ, thoải mái. Tuy nhiên, nếu máy điều hòa lâu ngày không vệ sinh sẽ là nơi tích tụ của các loại vi khuẩn gây bệnh, vì vậy cần vệ sinh định kì máy điều hòa.

- Tránh để luồng không khí từ điều hòa thổi trực tiếp vào cơ thể. Bởi luồng gió này thường chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn. Để gió thổi trực tiếp sẽ khiến các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào đường thở. Từ đó dẫn đến bệnh viêm mũi dị ứng do điều hòa hoặc các bệnh lý hô hấp khác.

- Các nguyên nhân gây khô mũi rất dễ dẫn đến viêm mũi dị ứng do điều hòa, viêm mũi xoang. Vì vậy, cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Cần tập thể dục thường xuyên, bổ sung nhiều Vitamin C vào dinh dưỡng hàng ngày. Ăn nhiều rau củ, trái cây tươi, ngủ đủ giấc sẽ giúp tăng cường được sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch. Nó cũng giúp ngăn được nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng do điều hòa.

- Uống nhiều nước mỗi ngày để bổ sung điện giải cho bản thân. Đồng thời đảm bảo quá trình trao đổi chất được diễn ra bình thường và phòng tránh khô, kích ứng niêm mạc mũi khi ngồi điều hòa, khô. Mỗi người nên uống tối thiểu là 2 lít một ngày và ngay khi có triệu chứng dị ứng (hắt hơi, ngứa mũi) có thể dùng các sản phẩm thảo dược để giảm triệu chứng và giảm tình trạng kích ứng mũi.


Tác giả: Anh Dũng