Mống mắt là vòng màu của các mô xung quanh đồng tử, trong suốt nằm ngay sau giác mạc. Cơ thể sẽ kiểm soát cơ mống mắt thay đổi kích thước của đồng tử để điều chỉnh các điều kiện ánh sáng.
Bệnh viêm mống mắt là viêm phần giữa của mắt hay còn gọi là viêm màng bồ đào trước. Bệnh có thể xảy ra do yếu tố tại mắt, các nguyên nhân toàn thân hay một số trường hợp không rõ căn nguyên. Khi bị viêm mống mắt thể mi, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức mắt và giảm thị lực. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể sẽ gây mù lòa vĩnh viễn.
Bệnh viêm mống mắt hay viêm màng bồ đào trước được phân loại theo nguyên nhân và theo tiến triển bệnh.
- Phân loại theo nguyên nhân bao gồm viêm do vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng, do dị ứng, nhiễm độc, liên quan đến yếu tố miễn dịch…
- Phân loại theo tiến triển bệnh bao gồm viêm mống mắt cấp và mạn tính. Với viêm mống mắt cấp tính, tình trạng viêm tiến triển không quá 3 tháng, sau đó bệnh ổn định. Còn ở trường hợp viêm mống mắt mãn tính sẽ kéo dài quá 3 tháng.
Thông thường, bác sĩ sẽ khó phát hiện nguyên nhân gây viêm mống mắt là gì. Trong một số trường hợp, bệnh có thể liên quan đến chấn thương mắt, gene hoặc một số tình trạng sức khỏe nhất định.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến mống mắt bị viêm, bao gồm:
- Tổn thương mắt như chấn thương lực cùn, chấn thương xuyên thấu hoặc bỏng từ hóa chất hoặc lửa có thể gây viêm cấp tính.
- Nhiễm trùng với các tình trạng nhiễm virus ở mặt, như lở môi hoặc bệnh giời leo (herpes zona), có thể gây viêm mống mắt. Các bệnh truyền nhiễm từ virus và vi khuẩn khác cũng có thể liên quan đến viêm màng bồ đào, chẳng hạn như nhiễm toxoplasmosis, một bệnh nhiễm ký sinh trùng trong thực phẩm chưa nấu chín; histoplasma – nhiễm trùng phổi xảy ra khi bạn hít phải bào tử nấm; bệnh lao và giang mai.
- Di truyền: Những người có một số bệnh tự miễn do sự thay đổi gene ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cũng có thể bị viêm ở mống mắt cấp tính. Các bệnh tự miễn này gồm viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, bệnh viêm ruột và viêm khớp vẩy nến.
- Bệnh Behcet. Đây là một nguyên nhân gây viêm ở mống mắt hiếm gặp. Tình trạng này đặc trưng bởi các vấn đề về khớp, loét miệng và loét sinh dục.
- Viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên. Ở trẻ mắc viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên, trẻ có thể có viêm mạn tính.
- Sarcoidosis. Đây là một bệnh tự miễn liên quan đến sự phát triển của nhóm tế bào viêm trong các khu vực của cơ, bao gồm mắt.
- Sử dụng thuốc. Một số loại thuốc, như kháng sinh rifabutin và thuốc kháng virus cidofovir, được sử dụng để điều trị nhiễm HIV có thể gây viêm ở mống mắt. Trong một số trường hợp rất hiếm, bisphosphonates, được sử dụng để điều trị loãng xương, có thể gây viêm màng bồ đào. Thông thường, việc ngừng các thuốc này sẽ ngăn chặn các triệu chứng viêm.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm mống mắt là gì?
Nguy cơ phát triển viêm mống mắt của bệnh nhân sẽ tăng lên nếu họ có những yếu tố như sau:
- Có một sự thay đổi trong gene.
- Có một bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Một số bệnh nhiễm trùng, như giang mai hoặc HIV/AIDS, có liên quan đến nguy cơ mắc viêm mống mắt.
- Người có hệ miễn dịch yếu hoặc rối loạn tự miễn, bao gồm các tình trạng như viêm cột sống dính khớp và viêm khớp phản ứng.
- Hút thuốc lá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá góp phần vào nguy cơ mắc bệnh.
Viêm mống mắt có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, thường xuất hiện đột ngột và kéo dài tới 3 tháng. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh nhân có thể gặp phải khi bị viêm mống mắt là gì?
- Mắt đau dai dẳng.
- Thị lực giảm, chỉ thấy rõ hơn vào ban đêm.
- Chảy nước mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Các mạch máu ở mắt giãn to, chuyển sang màu tím và ngoằn ngoèo.
- Có thể gây sốt, kém ăn, mất ngủ.
Viêm mống mắt cấp tính thường xảy ra đột ngột, kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Ngược lại, viêm ở mống mắt mạn tính sẽ xuất hiện từ từ và kéo dài hơn 3 tháng.
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh viêm mống mắt có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
- Đục thủy tinh thể.
- Đồng tử bất thường. Các mô sẹo có thể khiến mống mắt dính vào thủy tinh thể hoặc giác mạc, khiến đồng tử có hình dạng bất thường và mống mắt không có phản ứng với ánh sáng.
- Tăng nhãn áp. Viêm mống ở mắt tái phát nhiều lần có thể gây tăng nhãn áp.
- Tích tụ canxi ở giác mạc. Điều này có thể gây thoái giác mạc và dẫn đến mất thị lực.
- Sưng trong võng mạc. Tình trạng xuất hiện các nang sưng và đầy dịch ở võng mạc sẽ gây mờ hoặc giảm thị lực trung tâm.
Mục đích của việc điều trị là bảo tồn thị lực, giảm đau và viêm. Nếu nguyên nhân gây viêm là một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, bác sĩ sẽ điều trị vấn đề này trước.
Các phương pháp điều trị viêm ở mống mắt phổ biến gồm:
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid.
- Thuốc Glucocorticoid thường được dùng để giảm viêm.
- Thuốc giãn đồng tử được dùng để làm giảm cơn đau do viêm. Thuốc cũng bảo vệ bệnh nhân khỏi các biến chứng gây cản trở chức năng của đồng tử.
Nếu các triệu chứng của bệnh nhân không rõ ràng hoặc có vẻ tồi tệ hơn, bác sĩ có thể kê toa thuốc uống bao gồm steroid hoặc các chất chống viêm khác, tùy thuộc vào tình trạng chung tại thời điểm điều trị.
Viêm mống mắt không chữa được bằng chế độ dinh dưỡng. Thế nhưng khi mắc bệnh hay khi đang điều trị bệnh thì chế độ dinh dưỡng cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả điều trị. Vậy những loại thực phẩm tốt và không tốt khi điều trị viêm mống mắt là gì?
Nhìn chung ngay cả khi mắc bệnh về mắt hay khi khỏe mạnh, chúng ta cũng nên sử dụng các loại thực phẩm có lợi cho mắt. Khi mắt khỏe mạnh thì nguy cơ mắc các bệnh về mắt sẽ giảm xuống và khả năng phục hồi sẽ cao hơn.
Người bệnh nên bổ sung các loại thức ăn có chứa vitamin A, vitamin C, axit béo omega-3… để tăng cường sức khỏe của mắt, giảm nguy cơ mắc bệnh. Các vitamin và chất vi lượng như beta-caroten, flavonoid, lutein và zeaxanthin, selen, vitamin E, kẽm... cũng giúp đôi mắt khỏe mạnh hơn.
Bên cạnh đó cũng có những thực phẩm không tốt cho mắt, đặc biệt khi đang mắc các bệnh về mắt như viêm màng bồ đào, viêm mống mắt. Vậy thực phẩm nên kiêng khi bị viêm mống mắt là gì?
Bệnh nhân viêm màng bồ đào, viêm mống mắt thực ra không cần kiêng khem quá nhiều. Người bệnh cần đảm bảo ăn thực phẩm sạch, không hư hỏng, ôi thiu. Ngoài ra, bệnh nhân không nên uống quá nhiều đồ uống có cồn, cà phê và các chất kích thích khác. Nên bỏ thuốc lá và giảm lượng gia vị cay nóng trong bữa ăn.
Dưới đây là một số những biện pháp phòng ngừa viêm mống mắt nên được thực hiện:
– Cần lưu ý rằng bệnh viêm màng bồ đào, viêm mống mắt do tự miễn không thể phòng ngừa được
– Bệnh viêm mống mắt do nhiễm ký sinh trùng phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi để tránh nhiễm ấu trùng giun, sán. Ngoài ra, không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi. Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời. Viêm màng bồ đào dễ tái phát nên người bệnh người bệnh cần kiên trì điều trị.
Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán viêm mống mắt là gì?
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ làm một số thủ thuật kiểm tra mắt, bao gồm:
- Kiểm tra mắt bên ngoài. Bác sĩ sẽ dùng đèn pin để kiểm tra đồng tử và xem có các dấu hiệu đỏ ở một hoặc cả hai mắt không.
- Đo thị lực mắt. Bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực mắt của bạn thông qua bảng thị lực.
- Kiểm tra cấu trúc trong mắt bằng đèn khe để quan sát các bất thường rõ hơn.
Nếu bác sĩ nghi ngờ một tình trạng sức khỏe gây ra viêm ở mống mắt, họ sẽ yêu cầu các xét nghiệm, như xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang để xác định nguyên nhân tiềm ẩn.
Thời gian hồi phục của tình trạng viêm mống mắt là bao lâu?
Viêm mống mắt do chấn thương thường biến mất trong vòng 1-2 tuần. Các dạng khác của bệnh có thể mất vài tuần, đôi khi vài tháng, để giải quyết. Các trường hợp viêm do nhiễm vi khuẩn sẽ hết sau khi điều trị nhiễm trùng thành công.
Tuy nhiên, đối với nguyên nhân là bệnh tự miễn, không có cách chữa bệnh khỏi hoàn toàn. Bệnh sẽ tái phát nhiều lần. Các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid ngay khi các triệu chứng đầu tiên tái phát.