Viêm khớp vảy nến là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh viêm khớp vảy nến
Vảy nến là bệnh lý tự miễn có tỷ lệ mắc khá thường gặp trong cộng đồng. Bệnh có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó viêm khớp là triệu chứng có thể xảy ra. Vậy viêm khớp vảy nến là gì? Nguyên nhân, biểu hiện của viêm khớp vảy nến như thế nào?

1. Viêm khớp vảy nến là gì?

Vảy nến là bệnh lý da liễu mãn tính khá thường gặp trên lâm sàng, đặc trưng bởi sự tăng sinh quá mức nhanh chóng của các tế bào bình thường ở da. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh vảy nến có thể gây tổn thương trên nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể bệnh nhân, trong đó có viêm khớp.

Vậy viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vảy nến là tên gọi dùng để chỉ tình trạng một hoặc nhiều khớp ở bệnh nhân vảy nến có tình trạng viêm. Viêm khớp có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân có biểu hiện phát ban, ít khi gặp viêm khớp xuất hiện trước. Viêm khớp vảy nến có tỷ lệ bắt gặp cao, người ta ước tính rằng có 30% số bệnh nhân vảy nến tại Mỹ bị viêm khớp vảy nến.

benh-viem-khop-vay-nen

Viêm khớp vảy nến là tên gọi dùng để chỉ tình trạng một hoặc nhiều khớp ở bệnh nhân vảy nến có tình trạng viêm (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến là gì?

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây nên viêm khớp vảy nến là gì vẫn là vấn đề chưa được giải đáp chính xác. Người ta chưa thể xác định chính xác nguyên nhân nào chịu trách nhiệm chính cho sự khởi phát của viêm khớp vảy nến ở bệnh nhân.

Tuy nhiên người ta cho rằng, bệnh viêm khớp vảy nến liên quan đặc biệt đến hai yếu tố là di truyền và môi trường. Bởi viêm khớp vảy nến thường xảy ra hơn ở những người có thân nhân trực hệ mắc vảy nến, và một sự nhiễm trùng nào đó tại khớp cũng có thể là yếu tố thúc đẩy sự khởi phát của bệnh.

3. Phân loại viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh viêm khớp vảy nến - Ảnh 2.

Các dạng của bệnh viêm khớp vảy nến (Ảnh: Internet)

Để phân loại bệnh viêm khớp vảy nến, người ta thường dựa nhiều vào các vị trí có viêm khớp xuất hiện. Các thể viêm khớp vảy nên hay gặp trên lâm sàng bao gồm:

- Viêm khớp vảy nến đối xứng: Viêm khớp vảy nến đối xứng là thể bệnh gặp nhiều nhất của viêm khớp vảy nến (khoảng 50% số bệnh nhân). Tình trạng viêm khớp xảy ra ở các khớp có vị trí giống nhau ở hai bên cơ thể (đối xứng nhau). Nhưng do viêm khớp xuất hiện đối xứng, nên viêm khớp vảy nến đối thường bị nhầm lẫn trong chẩn đoán với viêm khớp dạng thấp.

- Viêm khớp vảy nến bất đối xứng: Viêm khớp vảy nến bất đối xứng là tình các khớp viêm cũng có thể xuất hiện ở hai bên cơ thể, nhưng vị trí xuất hiện của chúng không tương đồng đối với khớp viêm bên đối diện. Dạng viêm khớp vảy nến này thường gặp ở khoảng 35% số bệnh nhân viêm khớp vảy nến.

- Viêm khớp vảy nến ngoại biên: Là tình trạng khớp viêm nằm ở vị trí xa của cơ thể, thường là các khớp tận của các chi trên hoặc chi dưới. Tình trạng viêm khớp có thể đi kèm với sự biểu hiện bất thường ở móng của người bệnh.

- Viêm cột sống dính khớp: Xảy ra khi các khớp viêm nằm tại cột sống của người bệnh, tình trạng viêm khớp làm khớp tổn thương và dính với nhau. Điều này khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động và đau đớn khi di chuyển các khớp.

- Viêm khớp vảy nến mutiland: Là dạng viêm khớp vảy nến gây phá hủy nặng nề cấu trúc khớp tại các chi trên và chi dưới, đôi khi có thể làm ảnh hưởng đến cả cột sống cổ của bệnh nhân. Điều này làm bệnh nhân bị ảnh hưởng rất lớn trong khả năng vận động.

4. Triệu chứng viêm khớp vảy nến

Nhìn chung, sự biểu hiện của viêm khớp vảy nến ở các bệnh nhân là tương đối khác nhau phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như vị trí khớp đau, mức độ viêm, sự đáp ứng của cơ thể bệnh nhân với tình trạng viêm,... Đôi khi biểu hiện của bệnh nhân có thể rất nặng nề, nhưng trong một số trường hợp bệnh nhân thậm chí còn không chú ý đến triệu chứng của bệnh cho đến khi được sự gợi ý của bác sĩ.

Những triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân bao gồm các các triệu chứng chung của bệnh vảy nến và các triệu chứng thể hiện tình trạng viêm tại khớp.

- Da sần sùi, có thể thấy tróc vảy ở một số vị trí trên cơ thể, hay gặp nhất là ở các vùng thường xuyên tỳ đè như khủyu, gối, gáy,...

- Đỏ mắt, đôi khi có thể thấy đau mắt nếu bệnh nhân có viêm màng bồ đào.

- Các biểu hiện tại khớp như sưng khớp, đỏ khớp, đau khớp, cứng khớp buổi sáng, khớp bị biến dạng,...

- Bênh nhân cũng có thể thấy biểu hiện tại các vị trí lân cận khớp như đau cơ, đau gân.

- Các vị trí thường gặp viêm khớp vảy nến: Khớp cột sống, hông, đầu gối, cổ chân, khuỷu, cổ tay, ngón chân, ngón tay,...

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các biểu hiện bất thường tại móng như rỗ móng, mất móng, nứt móng,...

Viêm khớp vảy nến là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh viêm khớp vảy nến - Ảnh 3.

Triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến là Dưda sần sùi, có thể thấy tróc vảy ở một số vị trí trên cơ thể (Ảnh: Internet)

5. Phân độ bệnh viêm khớp vảy nến

Tùy thuộc vào mức độ biểu hiện bệnh viêm khớp vảy nến ở bệnh nhân mà người ta sẽ xếp bệnh nhân vào các giai đoạn khác nhau của bệnh. Cần nhớ rằng, không phải lúc nào bệnh cũng đi theo trình tự lần lượt các giai đoạn biểu hiện của bệnh, nguyên nhân của điều này là gì vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng.

Bệnh được chia làm ba mức độ:

- Mức độ nhẹ: Các biểu hiện của bệnh biểu hiện không quá rầm rộ và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy đau khớp, sưng khớp, hoặc có giảm nhẹ tầm vận động của khớp.

- Mức độ trung bình: Các biểu hiện của bệnh rầm rộ hơn, với nhiều triệu chứng xuất hiện hơn và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt bình thường của bệnh nhân.

- Mức độ nặng: Khi tiến triển đến giai đoạn bệnh này, viêm khớp vảy nên sẽ khiến các mô xương của người bệnh trở nên tổn thương ở mức độ nặng, khớp biến dạng nhiều, thậm chí không thể thực hiện động tác tại khớp.

6. Chẩn đoán viêm khớp vảy nến như thế nào?

Để chẩn đoán cho bệnh nhân viêm khớp vảy nến, bác sĩ sẽ dựa trên hai yếu tố bao gồm triệu chứng lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng.

Những triệu chứng cận lâm sàng ở bệnh nhân hỗ trợ chẩn đoán viêm khớp vảy nến bao gồm:

- Xét nghiệm hình ảnh học: Các xét nghiệm hình ảnh học như Xquang, CT- Scaner, siêu âm, MRI,... có giá trị đặc biệt quan trọng trong chẩn đoán viêm khớp vảy nến. Những xét nghiệm hình ảnh học này sẽ giúp đánh giá các tổn thương do viêm khớp vảy nến gây ra, theo dõi sự diễn tiến của bệnh.

20191126_042308_092554_viem-khop-vay-nen-d

Bệnh viêm khớp vảy nến nên được chẩn đoán sớm (Ảnh: Internet)

- Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu có thể được thực hiện để khẳng định xem có phải tình trạng viêm đang xảy ra hay không, các biến chứng của bệnh gây nên.

CRP: Một Enzym đặc biệt do gan sản xuất, khi có phản ứng viêm xảy ra thì chỉ số CRP sẽ tăng cao hơn rất nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, nó không có tác dụng chỉ điểm vị trí xảy ra viêm.

Tốc độ lắng máu: Tốc độ lắng của hồng cầu trong máu thường tăng lên khi có phản ứng viêm xảy ra. Tuy nhiên, tốc độ lắng máu chỉ cho biết có phản ứng viêm đang xảy ra chứ không thể xác định chính xác viêm do nguyên nhân gì.

Số lượng hồng cầu: Người bị viêm khớp vảy nến thường có biểu hiện thiếu máu và số lượng hồng cầu ít hơn so với người bình thường.

Yếu tố thấp: Xét nghiệm tìm yếu tố thấp trong máu là cần thiết để có thể phân biệt viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến.

- Xét nghiệm dịch khớp: Người ta có thể chọc hút dịch khớp tại ổ khớp bị viêm để làm xét nghiệm. Kết quả có thể cho thấy sự hiện diện của các thành phần bất thường trong dịch khớp. Xét nghiệm này cũng giúp chẩn đoán viêm khớp vảy nến với các bệnh lý tại khớp khác như bệnh gút, viêm khớp dạng thấp.

* Cần phân biệt viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp

Với các biểu hiện khá tương tự, việc chẩn đoán viêm khớp vảy nến đôi khi có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm khớp dạng thấp nếu không được chú ý phân tích kỹ tình trạng bệnh của bệnh nhân. Do vậy, việc phân biệt hai bệnh viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp là vô cùng quan trọng để có thể chẩn đoán đúng và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

- Nguyên nhân: Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp thứ phát do nguyên nhân vảy nến gây ra, còn viêm khớp dạng thấp là bệnh lý do hệ miễn dịch của người bệnh hoạt động quá mức và tự tấn cống cơ thể bệnh nhân gây nên bệnh.

- Giới tính : Viêm khớp vảy nến là bệnh có tỷ lệ mắc ở hai giới là gần tương đương với nhau, trong khi đó viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nhiều so với nam giới.

- Tuổi tác: Bệnh viêm khớp vảy nến thường xảy ra sớm (lứa tuổi 30-50 tuổi), còn viêm khớp dạng thấp hay xảy ra hơn ở lứa tổi trung niên.

Ngoài ra, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng cũng là không thể thiếu để có thể chẩn đoán phân biệt giữa hai bệnh viêm khớp vảy nến và bệnh viêm khớp dạng thấp.

7. Điều trị viêm khớp vảy nến như thế nào?

7.1. Điều trị viêm khớp vảy nến bằng thuốc

- Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid: Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid có thể được sử dụng để kiểm soát tình trạng sưng các khớp và giảm đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cần theo dõi thận trọng bởi thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid có thể gây viêm loét ống tiêu hóa, tổn thương gan thận và có nguy cơ gây các biến chứng tim mạch.

- Thuốc chống thấp khớp: Các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm như methotrexate, leflunomid, sulfasalazine,... có thể được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm khớp của bệnh nhân. Một số tác dụng phụ như tổn thương gan, ức chế hoạt động tủy xương, nhiễm trùng phổi có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.

- Thuốc Steroid: Các loại thuốc Steroid có tác dụng kiểm soát viêm rất tốt trên bệnh nhân viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên khi sử dụng các thuốc Steroid để điều trị viêm khớp vảy nến, thuốc có thể gây tăng đau và tăng nguy cơ nhiễm trùng tại khớp. Không sử dụng thuốc đường toàn thân để hạn chế tác dụng phụ toàn thân.

- Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để làm giảm nhạy cảm miễn dịch của bệnh nhân, can thiệp vào cơ chế bệnh sinh của viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên khi sử dụng những thuốc này có thể sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở bệnh nhân. Các thuốc thường được dùng bao gồm Cyclosporin, azathioprin,...

- Thuốc sinh học: Thuốc sinh học nằm trong nhóm thuốc đầu tay được khuyến nghị sử dụng để điều trị viêm khớp vảy nến. Năm nhóm thuốc sinh học thường được dùng điều trị viêm khớp vảy nến bao gồm thuốc ức chế hoại tử tế bào u, thuốc ức chế interleukin 12 và 23, thuốc ức chế interleukin 17, thuốc ức chế interleukin 23, thuốc ức chế tế bào T.

Nhưng khi sử dụng thuốc sinh học trong điều trị viêm khớp vảy nến, thuốc sẽ ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân rất mạnh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng.

Bên cạnh các loại thuốc kể trên, người ta cũng có thể kết hợp sử dụng thêm một số thuốc phục vụ điều trị tại chỗ trong viêm khớp vảy nến. Các thuốc tại chỗ thường được dùng bao gồm anthralin, acid Salicylic, kem steroid, chế phẩm của vitamin D3,...

7.2. Điều trị không sử dụng thuốc

Một số các biện pháp điều trị không sử dụng thuốc cũng đem lại hiệu quả rất tích cực trong việc giảm nhẹ các triệu chứng biểu hiện của bệnh viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có tác dụng mang tính tạm thời, không thể thay thế các phương pháp điều trị chính được bác sĩ chỉ định.

- Chườm nóng, chườm lành: Chườm nóng, chườm lạnh là phương pháp sử dụng nhiệt độ để giảm đau tạm thời tại khớp và có tác dụng kháng viêm, tăng nuôi dưỡng khớp (chườm nóng), chống phù nề (chườm lạnh). Bệnh nhân có thể thực hiện phương pháp này tại nhà để hỗ trợ điều trị triệu chứng của bệnh, giúp hạn chế sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm.

Không nên chườm nóng, chườm lạnh khi có vết thương hở tại khớp. Và không chườm nóng khi khớp đang có viêm cấp tính với trạng thái sưng, nóng, đỏ, đau nhiều.

Viêm khớp vảy nến là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh viêm khớp vảy nến - Ảnh 6.

Chườm nóng, chườm lạnh giúp giảm các triệu chứng của viêm khớp vảy nến (Ảnh: Internet)

- Tập thể dục: Tập thể dục là một phương pháp để bệnh nhân cải thiện sức khỏe xương khớp, giữ gìn tầm vận động khớp, cải thiện tầm vận động đã bị mất do bệnh. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được giới thiệu các bài tập luyện phù hợp với tình trạng bản thân.

- Giữ tư thế tốt trong hoạt động: Khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, nhất là các hoạt động tác động lực lớn lên khớp thì cần phải thực hiện động tác đúng kỹ thuật để tránh khớp bị tổn thương.

8. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm khớp vảy nến

Can thiệp dinh dưỡng không phải là một phương pháp điều trị bệnh viêm khớp vảy nến, tuy nhiên nó lại có tác động không nhỏ lên hiệu quả điều trị bệnh.

- Chế độ ăn nhiều rau củ: Chế độ ăn của bệnh nhân viêm khớp vảy nên nên chứa nhiều rau củ, trái cây khi chế biến. Những loại thực phẩm này chứa nhiều chất có tính kháng viêm, đồng thời nghèo năng lượng nên làm cân nặng của bệnh nhân giảm xuống hạn chế áp lực lên khớp.

- Tăng cường sử dụng Omega3: Omega3 là một loại chất béo tốt nên được sử dụng cho bệnh nhân viêm khớp vảy nến vì có hiệu quả kháng viêm rất tốt, loại chất béo này có nhiều trong các loại cá vùng biển sâu như cá hồi, cá ngừ, dầu oliu,...

- Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ hơn và cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Do vậy, việc sử dụng ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp kiểm soát được sự tạo năng lượng, kiểm soát cân nặng, tránh béo phì và giảm viêm. Các lọa ngũ cốc nguyên hạt nên sử dụng như ngô, yến mạch, gạo lức,...

- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều năng lượng do có nhiều đường và chất béo sử dụng trong công nghiệp thực phẩm (omega 6), điều này khiến bệnh nhân dễ tăng cân hơn và quá trình viêm diễn ra mạnh mẽ hơn.

- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có thể gây dị ứng: Các loại thực phẩm có thể gây dị ứng theo từng thể trạng khác nhau có thể là yếu tố làm khởi phát quá trình viêm ở bệnh nhân. Do đó người bệnh viêm khớp vảy nến không nên sử dụng những thực phẩm này.

9. Dự phòng bệnh viêm khớp vảy nến

Mặc dù không thể đảm bảo phòng tránh hoàn toàn bệnh vảy nến, tuy nhiên một số phương pháp nhất định sau đây có thể giúp hạn chế phần nào bệnh viêm khớp vảy nến xảy ra:

- Kiểm soát tốt tình trạng bệnh vảy nến của bản thân để tránh bệnh diễn tiến nặng và gây tổn thương khớp, biểu hiện bằng viêm khớp vảy nến.

- Tránh căng thẳng để tránh sự bùng phát của bệnh.

- Có chế độ luyện tập đều đặn, thích hợp để gia tăng sức khỏe hệ xương khớp.

- Chế độ dinh dưỡng phù hợp để kiểm soát tốt cân nặng và cung cấp đầy đủ các thành phần cần thiết giúp tái tạo tốt các thành phần của khớp.

10. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm khớp vảy nến

10.1. Bênh viêm khớp vảy nến chữa khỏi được không?

Bệnh viêm khớp vảy nến là một bệnh lý về khớp mãn tính, cho đến nay người ta vẫn chưa tìm được cách để điều trị căn bệnh này khỏi triệt để. Sự điều trị bệnh chỉ nhằm các mục đích kiểm soát triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra. Khi phát hiện viêm khớp vảy nến càng muộn việc điều trị sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

10.2.Có phải tất cả bệnh nhân vảy nến đều bị viêm khớp vảy nến hay không?

Mặc dù bệnh viêm khớp vảy nến được phát hiện nhiều hơn ở bệnh nhân được ghi nhận tiền sử phát hiện bệnh vảy nến trước đó. Tuy nhiên, không phải bất kỳ bệnh nhân nào khi mắc bệnh vảy nến cũng sẽ bị viêm khớp vảy nến, trên thực tế chỉ khoảng 30% bệnh nhân vảy nến mắc viêm khớp vảy nến.

10.3. Bệnh viêm khớp vảy nến có di truyền không?

Bệnh viêm khớp vảy nến là một bệnh lý liên quan nhiều đến yếu tố di truyền mặc dù cơ chế chính xác của sự ảnh hưởng do di truyền là gì thì vẫn chưa được xác định cụ thể. Nhưng những người có người thân trực hệ như anh em ruột, cha mẹ,... mắc bệnh viêm khớp vảy nến thì tỷ lệ mắc bệnh cũng cao hơn đáng kể so với người bình thường.

Có thể thấy rằng, viêm khớp vảy nến là bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị sớm nếu không có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau cho sức khỏe người bệnh. Do đó, bệnh nhân nên đi khám tại cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng của bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng các phương pháp thích hợp.


Tác giả: QN