Viêm khớp phản ứng là gì? 9 điều cần nhớ về bệnh viêm khớp phản ứng

Viêm khớp phản ứng là gì? 9 điều cần nhớ về bệnh viêm khớp phản ứng
Viêm khớp phản ứng là gì? (trước đây được gọi với tên hội chứng Reiter). Đây là bệnh lý viêm khớp vô khuẩn, thường được kích hoạt sau khi cơ thể bị mắc một bệnh nhiễm trùng tại một cơ quan khác như hệ tiêu hóa, hệ sinh dục,... Và bệnh thường chỉ xuất hiện sau khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi.

1. Viêm khớp phản ứng là gì?

Viêm khớp phản ứng (trước đây được gọi với tên hội chứng Reiter) là bệnh lý viêm khớp vô khuẩn, thường được kích hoạt sau khi cơ thể bị mắc một bệnh nhiễm trùng tại một cơ quan khác như hệ tiêu hóa, hệ sinh dục,... Và bệnh thường chỉ xuất hiện sau khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi.

Viêm khớp phản ứng là bệnh lý có tỷ lệ mắc khá thấp trên thực tế, nguy cơ mắc viêm khớp phản ứng ở nam cao hơn ở nữ và biểu hiện cũng thường nặng nề hơn. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm khớp phản ứng sẽ thoái lui sau khoảng vài tháng mà không để lại các di chứng lâu dài cho sức khỏe người bệnh.

2961-viem-khop-phan-ung_(2)

Viêm khớp phản ứng (trước đây được gọi với tên hội chứng Reiter) là bệnh lý viêm khớp vô khuẩn (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng là gì?

Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể giải thích cụ thể cơ chế gây nên viêm khớp phản ứng, nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng là gì. Nhưng phần đông ý kiến cho rằng, viêm khớp phản ứng gây nên do sự đáp ứng quá mức của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng tại một cơ quan, bộ phận nào đó của cơ thể dẫn đến hệ miễn dịch nhận diện nhầm và tấn công các thành phần bình thường của khớp gây viêm khớp phản ứng.

Vi khuẩn thường gặp nhiều nhất với vai trò yếu tố khởi phát viêm khớp phản ứng trên thực tế là chlammydia trachomatis (nhiễm trùng đường sinh dục). Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng tiêu hóa như Shigella, Salmonella cũng được ghi nhận có khả năng khởi phát viêm khớp phản ứng.

Bên cạnh đó, viêm khớp phản ứng còn có sự liên quan mật thiết đến gen HLA B27, khi mà phần đông người bệnh viêm khớp phản ứng đều là những người có mang gen này. Cơ chế ảnh hưởng của gen HLA B27 đến sự xuất hiện viêm khớp phản ứng vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai mang gen HLA B27 cũng bị viêm khớp phản ứng.

Đối tượng nào dễ mắc viêm khớp phản ứng?

Theo lý thuyết, viêm khớp dị ứng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào do nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở tất cả mọi người. Nhưng một số đối tượng sau đây là những người có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dị ứng cao hơn đáng kể so với những người khác, bao gồm:

- Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới

- Bệnh có tỷ lệ mắc cao hơn ở những người khoảng 30 tuổi

- Người mang gen HLA B27

- Người bị nhiễm HIV/AIDS khiến hệ miễn dịch hoạt động bất thường

- Người có tiền sử nhiễm Chlamydia,....

3. Triệu chứng bệnh viêm khớp dị ứng là gì?

Thông thường, trước khi bệnh nhân có các biểu hiện của viêm khớp dị ứng, thì sẽ có các triệu chứng đặc trưng của nhiễm trùng đường tiết niệu (tiểu buốt, tiểu rát, đau khi quan hệ tình dục, chảy dịch bất thường từ niệu đạo,...) hoặc các biểu hiện nhiễm trùng đường tiêu hóa như tiêu chảy,...

Khoảng từ 4 - 28 ngày sau khi các biểu hiện nhiễm trùng xuất hiện, người bệnh sẽ có biểu hiện sưng đau tại các khớp, viêm khớp. Những vị trí khớp hay gặp viêm khớp phản ứng kể đến như các khớp ngón tay, ngón chân, cổ chân, khớp gối, khớp hông,...Thông thường, viêm khớp phản ứng ít khi xảy ra phối hợp ở nhiều khớp cùng lúc.

104839dau-khop-goi

Đau là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp phản ứng (Ảnh: Internet)

Bên cạnh các biểu hiện nhiễm trùng tại đường sinh dục, đường tiêu hóa và các biểu hiện viêm khớp như đã kể trên, người bệnh viêm khớp phản ứng còn có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng khác như loét miệng, viêm mống mắt, đau lưng, đau cơ và dây chằng, bong tróc da ở các vị trí lòng bàn tay, bàn chân, da đầu,...

4. Viêm khớp phản ứng cần làm xét nghiệm gì?

Không có cận lâm sàng nào là đặc hiệu cho bệnh viêm khớp phản ứng, vì thế để hỗ trợ chẩn đoán viêm khớp phản ứng chính xác hơn bác sĩ sẽ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau để đánh giá kết quả. Các xét nghiệm thường dùng trong chẩn đoán viêm khớp phản ứng bao gồm:

- Xét nghiệm nước tiểu và dịch niệu đạo: Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một xét nghiệm nước tiểu hoặc dịch tiết niệu đạo bất thường (mủ,...) để tìm vi khuẩn gây bệnh, tìm các dấu hiệu nhiễm trùng như có bạch cầu trong nước tiểu hoặc dịch tiết,.... Ngoài ra, người ta cũng có thể làm kháng sinh đồ cho vi khuẩn tìm thấy để tìm kiếm kháng sinh điều trị đặc hiệu.

- Xét nghiệm phân: Tương tự như xét nghiệm nước tiểu, dịch niệu đạo,... Xét nghiệm phân cũng có thể được làm để tìm vi khuẩn gây bệnh trong phân nếu có nhiễm trùng tiêu hóa.

- Xác định gen HLA B27: Bệnh nhân có thể được cho xét nghiệm máu để tìm kiếm sự tồn tại của gen HLA B27, nếu có đây sẽ là một yếu tố dịch tễ quan trọng trong chẩn đoán viêm khớp phản ứng.

- Xét nghiệm máu: Tìm thấy các dấu hiệu biến đổi trong máu do phản ứng viêm của cơ thể như CRP tăng, procalcitonin tăng, số lượng bạch cầu tăng, tỷ lệ NEU% trong máu tăng, tốc độ lắng máu tăng. Tuy nhiên, những biểu hiện trên các xét nghiệm máu này chỉ cho biết có tình trạng viêm, nhiễm trùng đang xảy ra chứ không thể xác định được vị trí của bệnh lý.

- X-Quang: X-Quang là một xét nghiệm hình ảnh học có giá trị cao trong chẩn đoán viêm khớp phản ứng. Thông thường chúng ta sẽ không thấy các biến đổi tại khớp nếu tình trạng viêm mới xảy ra, nhưng nếu viêm kéo dài hoặc bị tái đi tái lại nhiều lần sẽ đưa đến hình ảnh mất xương, loãng xương, gai xương,...

5. Điều trị viêm khớp phản ứng như thế nào?

Viêm khớp phản ứng là bệnh lý hoàn toàn có thể điều trị được nếu sử dụng đúng phương pháp. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị thoái lui sau khoảng và tháng kể từ khi khởi phát mà không để lại di chứng.

5.1. Điều trị viêm khớp phản ứng bằng thuốc

Việc điều trị viêm khớp phản ứng chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp điều trị nội khoa với các loại thuốc khác nhau. Những loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm khớp phản ứng bao gồm:

- Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid: Các loại thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid thường được sử dụng cho bệnh nhân viêm khớp phản ứng để làm giảm đau và kiểm soát tình trạng viêm do đặc tính thấm tốt vào bao khớp và tác dụng nhanh, kéo dài. Các thuốc thường dùng bao gồm naproxen, ibuprofen,...

Viêm khớp phản ứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Viêm khớp phản ứng chủ yếu được điều trị bằng phương pháp nội khoa

Nhưng việc sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid có thể gây nên một số tác dụng phụ trên ống tiêu hóa (viêm loét dạ dày), tổ thương gan thận, và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

- Corticoid: Trong trường hợp, tình trạng viêm tại khớp diễn ra quá nghiêm trọng mà việc sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid không thể giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng thì các bác sĩ sẽ có thể xem xét cho người bệnh sử dụng Corticoid với mục đích kháng viêm. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà coticoid có thể được dùng dưới dạng uống hoặc tiêm trực tiếp tại khớp.

Nhưng việc sử dụng corticoid cần phải thận trọng và theo dõi sát các tác dụng phụ của thuốc, không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột, chỉ nên sử dụng thuốc nếu tình trạng quá nghiêm trọng, khi tình trạng viêm đã giảm thì chuyển dần sang thay thế bằng thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid.

- Các thuốc điều hòa miễn dịch: Một số thuốc điều hòa miễn dịch có thể được sử dụng để làm giảm sự nhạy cảm của của hệ miễn dịch để giúp giảm nhẹ đáp ứng viêm tại khớp, Sulfasalazin là đại diện thường xuyên được sử dụng.

- Kháng sinh: Để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn cho bệnh nhân (kể cả các nhiễm khuẩn tiềm ẩn có nguy cơ gây viêm khớp phản ứng) thì việc sử dụng kháng sinh là cần thiết. Nếu chưa có kết luận chính xác về chủng vi khuẩn mắc phải thì việc điều trị kháng sinh chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và yếu tố dịch tễ tại địa phương, nếu đã có kết quả kháng sinh đồ thì lựa chọn kháng sinh đặc hiệu theo kết quả kháng sinh đồ.

5.2. Các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm khớp phản ứng

Bên cạnh việc sử dụng thuốc trong điều trị viêm khớp phản ứng thì một số phương pháp hỗ trợ điều trị không sử dụng thuốc cũng có tác dụng rất tích cực trong điều trị viêm khớp phản ứng.

- Tập thể dục: Bệnh nhân nên luyện tập thể dục thường xuyên với các bài tập thích hợp để nâng cao sức khỏe khớp và cải thiện khả năng vận động của khớp. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn động tác đúng và cường độ luyện tập thích hợp.

- Vật lí trị liệu: Các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chườm lạnh, châm cứu,... cũng có tác dụng khá tốt trong điều trị các triệu chứng của bệnh, tuy nhiên cần lưu ý rằng những phương pháp này không thể thay thế được các chỉ định điều trị của bác sĩ đã đề ra.

Viêm khớp phản ứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 4.

Tập thể dục hô trợ điều trị viêm khớp phản ứng (Ảnh: Internet)

6. Viêm khớp phản ứng có thể gây biến chứng gì?

Như đã nói, hầu hết các bệnh nhân viêm khớp phản ứng nếu được điều trị thích hợp thì bệnh sẽ thoái lui sau khoảng vài tháng. Một số trường hợp bệnh có thể kéo dài lâu hơn hoặc bùng phát trở lại sau một khoảng thời gian lui bệnh.

Nếu tình trạng viêm khớp phản ứng kéo dài, nó có thể gây tổn thương tại khớp viêm với các mức độ khác nhau tùy thuộc tình trạng viêm cụ thể. Những tổn thương hay gặp nhất tại khớp bao gồm mất xương, loãng xương, gai xương, biến dạng khớp.

7. Người bệnh viêm khớp phản ứng nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sự bình phục của bệnh nhân, một số loại thực phẩm khi được sử dụng đúng cách sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp phản ứng.

- Tỏi: Trong tỏi có chứa allicin, đây là một loại kháng sinh tự nhiên do đó có khả năng giúp bệnh nhân chống lại các tác nhân nhiễm trùng.

- Omega 3: Omega 3 là một loại chất béo tốt thường có trong các loại chất béo tốt, có khả năng kháng viêm. Do đó, bệnh nhân nên tăng cường hàm lượng omega 3 trong bữa ăn của mình để hỗ trợ điều trị viêm khớp phản ứng, Omega 3 có nhiều trong các loại cá vùng biển sâu và dầu oliu,...

- Rau củ, trái cây: Rau củ và trái cây là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin cần thiết cho cơ thể và các hợp chất có khả năng chống oxi hóa, từ đó tăng cường sức khỏe xương khớp, hỗ trợ đề kháng và kháng viêm, chống tác hại của phản ứng viêm.

8. Phòng tránh viêm khớp phản ứng

Nhiễm khuẩn là một yếu tố quan trọng trong khỏi phát viêm khớp phản ứng, do đó để phòng tránh viêm khớp phản ứng thì bệnh nhân cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ có khả năng gây ra nhiễm khuẩn:

- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn.

- Không sử dụng các đồ ăn, thức uống bị hỏng, ôi thiu.

- Điều trị nhiễm khuẩn đúng cách, nếu phát hiện các bất thường tại khớp thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý.

9. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm khớp phản ứng?

9.1. Bệnh viêm khớp phản ứng có di truyền không?

Như đã nói, bệnh viêm khớp phản ứng có sự liên quan mật thiết đối với gen HLA-B27. Điều này cho thấy rằng, yếu tố di truyền có khả năng ảnh hưởng đối với sự khỏi phát của bệnh viêm khớp phản ứng, những người có người thân trực hệ (anh chị em ruột, cha mẹ,...) mắc viêm khớp phản ứng cũng sẽ dễ dàng mắc bệnh hơn.

9.2. Bệnh viêm khớp phản ứng có nguy hiểm không?

Thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân viêm khớp phản ứng là rất thấp. Hầu hết các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát và loại bỏ trong vòng vài tháng kể từ khi khởi phát. Các biến chứng nguy hiểm, hay thậm chí là nguy cơ tử vong ở bệnh nhân thường gây nên do các tác dụng phụ của điều trị hơn là do nguyên nhân viêm khớp phản ứng.

9.3. Bệnh viêm khớp phản ứng có tái phát không?

Bệnh viêm khớp phản ứng là một bệnh lý có khả năng tái phát cao, đặc biệt khi nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền là gen HLA-B27 thì tỷ lệ tái phát có thể lên đến 15-50% trường hợp. Do đó, kể cả khi các triệu chứng của bệnh đã được loại bỏ hoàn toàn thì bệnh vẫn có khả năng tái phát trở lại sau một thời gian hoặc có các yếu tố nguyên nhân kích thích.


Tác giả: QN