Viêm họng do virus: Có nên sử dụng kháng sinh hay không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Viêm họng do virus: Có nên sử dụng kháng sinh hay không?
Viêm họng do virus là tình trạng niêm mạc họng bị biến đổi dưới dạng phù nề, sung huyết do tác động độc tố của virus gây ra. Bệnh viêm họng do virus thường là viêm cấp, chiếm đến 80% các trường hợp viêm họng. Để chữa bệnh này, các loại thuốc thường dùng là giảm đau, hạ sốt, chống viêm, tăng cường thể lực.

Viêm họng là tình trạng nhiễm trùng ở mặt sau của cổ họng. Bệnh thường được gọi đơn giản là "đau cổ họng", là hiện tượng sưng, khó chịu, đau hoặc ngứa rát trong cổ họng tại và ngay dưới amidan.

Viêm họng do virus xảy ra một phần là do nhiễm virus, liên quan đến các cơ quan khác như phổi hoặc ruột.

1. Các virus gây bệnh viêm họng

Một số virus có thể gây ra bệnh viêm họng do virus, bao gồm:

Rhinovirus: hơn 100 kiểu huyết thanh khác nhau của rhinovirus gây ra khoảng 20% các trường hợp viêm họng và 30-50% bệnh cảm lạnh thông thường. Những virus này xâm nhập vào cơ thể qua biểu mô lông ở đường mũi, gây phù và sung huyết niêm mạc mũi;

Adenovirus: ở trẻ em, adenovirus gây viêm họng không biến chứng (thường gặp nhất bởi các loại adenovirusthể 1-3 và 5) hoặc viêm họng – hạch. Sau này, bệnh đặc trưng bởi sốt, đau họng và viêm kết mạc;

Epstein-Barr: virus Epstein-Barr (EBV) là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. EBV thường lây lan từ người lớn sang trẻ sơ sinh. Ở những người trẻ tuổi, EBV lây lan qua nước bọt và thông qua truyền máu nhưng hiếm gặp hơn.

Herpes simplex: virus Herpes simplex (HSV) loại 1 và 2 gây viêm lợi, viêm miệng và viêm họng;

Virus cúm: viêm họng xuất hiện ở khoảng 50% bệnh nhân mắc cúm A và tỷ lệ thấp hơn ở bệnh nhân mắc cúm B. Viêm họng nặng là tình trạng đặc biệt phổ biến ở những người mắc cúm A. Các virus cúm xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp, gây hoại tử, ảnh hưởng đến người bị nhiễm khuẩn thứ phát. Cúm lây truyền qua những giọt khí dung;

Virus parainfluenza: viêm họng do virus parainfluenza thể 1-4 thường biểu hiện như hội chứng cảm lạnh thông thường. Virus parainfluenza thể 1 gây ra nhiễm trùng khi mắc bệnh, chủ yếu là vào cuối mùa thu hoặc mùa đông, trong khi tình trạng nhiễm loại virus parainfluenza thể 2 xảy ra không thường xuyên. Virus parainfluenza thể 3 gây ra nhiễm trùng có tính chất dịch hoặc không thường xuyên;

Coronavirus: viêm họng do virus coronavirus thường biểu hiện như cảm lạnh thông thường. Giống với cảm lạnh do rhinovirus, virus không xâm nhập niêm mạc đường hô hấp;

Enterovirus: các nhóm chính của enterovirus có thể gây viêm họng do virus là virus coxsackie và echovirus. Mặc dù, enterovirus được truyền chủ yếu qua đường phân-miệng, tuy nhiên một số chủng nhất định lây truyền qua không khí;

Viêm họng do virus hợp bào hô hấp: virus hợp bào hô hấp (RSV) lây truyền khi ho hoặc hắt hơi; Cytomegalovirus: viêm nhiễm cytomegalovirus (CMV) do bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong sữa mẹ, lây nhiễm ở trong nhà trẻ hoặc chăm sóc trẻ nhỏ và do truyền máu;

Virus suy giảm miễn dịch của con người: viêm họng xuất hiện ở những bệnh nhân bị nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) như là một phần của hội chứng retrovirus cấp tính, bệnh bạch cầu đơn nhân là biểu hiện ban đầu của nhiễm HIV trong một nửa đến 2/3 những người gần đây bị nhiễm bệnh.

2. Điều trị viêm họng do virus

Thuốc hạ sốt, giảm đau: Thường dùng chữa viêm họng do virut là paracetamol cũng như các thuốc chống viêm non-steroid khác. Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt mạnh, tuy nhiên lại không có tác dụng chống viêm và thải trừ acid uric, không kích ứng tiêu hóa, không ức chế ngưng tập tiểu cầu và đông máu.

Mặc dù đây là thuốc thông dụng nhưng khi sử dụng cần chú ý một số độc tính của nhóm này như uống liều cao dài ngày có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion, nếu dùng trên 2.000mg/ngày có thể làm tăng nguy cơ biến chứng dạ dày, đôi khi xảy ra hiện tượng phát ban và những phản ứng dị ứng khác, tăng nguy cơ bị hen, viêm kết mạc mắt và eczema...

Ngoài ra, nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc với biểu hiện buồn nôn, nôn và đau bụng. Khi bị ngộ độc nặng, ban đầu có thể vật vã, kích thích mê sảng, sau đó có thể là ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh, nông, mạch nhanh, yếu, không đều, huyết áp tụt và suy tuần hoàn.

Trong trường hợp người bệnh dị ứng với paracetamol có thể sử dụng nhóm thuốc chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID) là loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm không có cấu trúc steroids. Là thuốc giảm đau, nhưng khác với các thuốc opiat, NSAIDs là thuốc giảm đau ngoại vi và không có tác dụng gây nghiện.

Những thuốc tiêu biểu của nhóm này có aspirin, ibuprofen, diclofenac và naproxen có thể dùng cho bệnh viêm họng do virus. Tuy nhiên, các thuốc này không an toàn với những người bệnh sống trong vùng có dịch sốt xuất huyết (người bệnh bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được dùng các thuốc này để hạ sốt).

Thuốc súc họng: Thuốc súc họng thường được chia thành 3 nhóm: Kháng sinh (tyrothricine), sát khuẩn (bétadine gargle, givalex, BBM- muối borat, muối bicarbonat và methol...), trung hòa pH (nước nuối 0,9%, natribicarbonat). Trong thành phần các thuốc súc họng thường phối hợp thêm với một số chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng tại chỗ: benzocain, menthol, muối salicylat, hexetidin...

Sử dụng thuốc súc họng ít nhất 3 lần trong ngày sau 3 bữa ăn chính. Cách súc thực hiện như sau: 1-2 ngụm đầu súc thật sạch họng sau đó ngậm thuốc một lúc rồi nhổ thuốc ra, tuyệt đối không nuốt thuốc. Mỗi lần sử dụng từ 15-30ml dung dịch và súc cho đến hết.

Tuy nhiên, có một số thuốc sử dụng với thời gian ngắn hơn. Ví dụ: listerin chỉ ngậm trong miệng trong 30 giây ngay sau khi đánh răng. Nên súc họng sau khi đánh răng để thuốc có tác dụng lâu dài hơn ở niêm mạc họng.

Đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, việc sử dụng thuốc súc tại chỗ khi bị viêm nhiễm vùng họng đem lại kết quả và độ an toàn cao. Tuy nhiên, thuốc cũng có một tỷ lệ nhỏ hấp thu vào máu và qua đó vào cơ thể của con theo đường nhau thai hoặc qua sữa, vì vậy, cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn. Tốt nhất chỉ nên dùng dung dịch nước muối nhạt để súc họng.

Thuốc súc họng được sử dụng khá phổ biến và rất dễ mua tại các hiệu thuốc nhưng khi dùng cần chú ý. Ví dụ, eludril chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi, bétadin dùng cho trẻ em trên 30 tháng tuổi và cho những người không có bệnh lý về tuyến giáp. Không được sử dụng thuốc ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Không sử dụng thuốc súc họng quá 10 ngày (trừ nước muối).

Nếu sử dụng quá dài gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh. Pha nước muối để súc họng cũng chỉ pha nhạt như nước canh bạn thường ăn, nếu pha nhạt quá nước muối sẽ ít tác dụng sát trùng và trung hòa pH hoặc nếu mặn quá lại gây tổn thương niêm mạc vùng họng.

Bệnh viêm họng do virus thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi, vì thế có thể sử dụng thuốc súc họng theo đúng nguyên tắc ngay khi thời tiết chuẩn bị biến chuyển cũng ngăn ngừa được tần suất bị viêm họng do virus vì làm thay đổi môi trường sống của chúng.


Tác giả: Thanh Hoa