Viêm hang vị dạ dày là gì? 9 điều cần nhớ về bệnh viêm hang vị dạ dày

Viêm hang vị dạ dày là gì? 9 điều cần nhớ về bệnh viêm hang vị dạ dày
Viêm hang vị dạ dày là gì? Trong các bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh viêm hang vị dạ dày là bệnh thường gặp trên thực tế. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, biểu hiện bằng đau bụng, nôn ói, ợ hơi, ợ chua,... Có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.

1. Viêm hang vị dạ dày là gì?

Về giải phẫu, dạ dày được chia thành các khu vực bao gồm tâm vị, đáy vị, thân vị, hang vị, hang môn vị, môn vị. Trong đó, hang vị là khu vực nằm gần cuối của dạ dày, gần với môn vị - nơi dạ dày nối với tá tràng. Có rất nhiều bệnh lý khác nhau có thể xuất hiện ở khu vực hang vị của dạ dày, nhưng phổ biến hàng đầu là bệnh viêm hang vị dạ dày.

Vậy bệnh viêm hang vị dạ dày là gì?

Viêm hang vị dạ dày là tên gọi dùng để chỉ tình trạng có phản ứng viêm xảy ra ở khu vực hang vị dạ dày. Không giống với các bệnh tình trạng viêm dạ dày khác, viêm hang vị dạ dày thường chỉ khu trú tại một khu vực nhất định là hang vị, nhưng nếu có các điều kiện thuận lợi bệnh có thể lan sang các khu vực khác hoặc biến chứng gây nên các vấn đề sức khỏe khác nhau.

20190613_043255_252484_viem-xung-huyet-hang-

Vị trí của hang vị dạ dày (Ảnh: Internet)

2. Phân loại bệnh viêm hang vị dạ dày

Có khá nhiều cách khác nhau được sử dụng để phân loại bệnh viêm hang vị dạ dày trên lâm sàng chẳng hạn dựa theo diễn tiến của bệnh, hoặc dựa theo tổn thương thực thể mà bệnh nhân mắc phải. 

Trong đó, phương pháp phân loại thường được dùng trên lâm sàng là phương pháp phân loại dựa trên tổn thương thực thể mà bệnh nhân mắc phải, bao gồm:

- Viêm xung huyết hang vị dạ dày:

Là dạng đầu tiên của viêm hang vị dạ dày, gây nên bởi sự giải phóng các chất trung gian hóa học do phản ứng viêm làm giãn mạch máu tại chỗ gây nên ứ huyết tại các mạch máu của hang vị dạ dày. 

Dựa trên hình dạng xung huyết (chấm, vết, mảng) và diện tích khu vực xung huyết tại hang vị của dạ dày (ít, vừa, toàn bộ) mà người ta sẽ phân viêm xung huyết hang vị dạ dày thành các mức độ nhẹ, vừa và nặng.

- Viêm trợt hang vị dạ dày:

Viêm trợt hang vị dạ dày là thể bệnh ngoài phản ứng viêm xảy ra tại hang vị của bệnh nhân còn có kèm theo sự xuất hiện của các vết trợt tại thành của dạ dày.

Người ta phân chia viêm trợt hang vị dạ dày thành viêm trợt hang môn vị, viêm trợt xung huyết hang vị, viêm trợt lồi hang vị dạ dày và viêm trợt hang môn vị.

phong_benh_viem_loet

Viêm trợt hang vị dạ dày (Ảnh: Internet)

3. Nguyên nhân gây viêm hang vị dạ dày là gì?

Viêm hang vị dạ dày có thể là hậu quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau, những nguyên nhân này có thể đơn độc tác động hoặc phối hợp với nhau để gây bệnh ở bệnh nhân. 

- Thuốc:

Một số loại thuốc khi sử dụng có thể làm mất cân bằng cán cân giữa các yếu tố tấn công (acid dịch vị) và yếu tố bảo vệ của dạ dày (chất nhầy, niêm mạc,...) khiến tình trạng viêm xảy ra. 

Những loại thuốc thường gây nên tình trạng viêm hang vị dạ dày trên thực tế như thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid (NSAIDs), thuốc có chứa Steroid, viên uống bổ sung sắt,...

- Ký sinh trùng:

Ký sinh trùng gây viêm hang vị dạ dày thường gặp nhất trên lâm sàng là vi khuẩn Helicobacter Pylori. 

Ảnh 4.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị dạ dày (Ảnh: Internet)

H. Pylori là một loại vi khuẩn đặc biệt, nó có khả năng sống trong môi trường pH rất thấp của dạ dày bằng cách tiết ra enzym urease để làm tăng pH khu vực quanh nó, điều này khiến cơ chế bảo vệ của dạ dày mất tác dụng và acid dịch vị dễ dàng tấn cống và gây viêm hang vị dạ dày.

- Thần kinh:

Sự căng thẳng do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây tác động lên thần kinh chi phối cho dạ dày, ảnh hưởng đến sự bài tiết dịch vị, tạo chất nhầy, lưu lượng máu nuôi đến dạ dày,... gây nên viêm hang vị dạ dày. 

Do đó, những người thường xuyên căng thẳng chẳng hạn nhân viên văn phòng, kế toán, học sinh sinh viên thi cử,... là những đối tượng rất dễ mắc viêm hang vị dạ dày.

- Chế độ dinh dưỡng không thích hợp:

Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh với các loại thức ăn như thức ăn thô cứng, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, rượu bia, thuốc lá, quá acid hoặc quá base,... đều có thể là những nguyên nhân trực tiếp gây nên viêm hang vị dạ dày.

Ngoài ra, viêm hang vị dạ dày cũng có thể là hậu quả không thể tránh khỏi khi thực hiện một số phương pháp điều trị như can thiệp phẫu thuật, điều trị tia xạ hay hóa chất trong bệnh ung thư,...

* Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm hang vị dạ dày:

Viêm hang vị dạ dày có thể xảy ra ở mọi đối tượng khác nhau, không loại trừ bất kể lứa tuổi và giới tính nào, nhưng người ta nhận thấy có một số nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn các đối tượng khác, bao gồm:

- Người trên 60 tuổi

- Người thường xuyên căng thẳng

- Người lành mang H. pylori

- Hút thuốc lá

- Sử dụng nhiều rượu bia

- Người có chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh.

4. Triệu chứng bệnh viêm hang vị dạ dày

Trong giai đoạn đầu khi mới mắc viêm hang vị dạ dày, các triệu chứng biểu hiện của bệnh khá lặng lẽ và người bệnh có thể không cảm thấy sự hiện diện của các triệu chứng này dẫn đến sự tiến triển của bệnh và chỉ được phát hiện khi bệnh đã nặng và biểu hiện với các triệu chứng điển hình hơn.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm hang vị dạ dày:

- Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng điển hình và hay gặp nhất ở bệnh viêm hang vị dạ dày. Thông thường, đau bụng trong viêm hang vị dạ dày xuất hiện ở vị trí vùng thượng vị của bệnh nhân (khu vực bên dưới mũi ức), đau theo tính chất có chu kỳ, xen giữa các cơn đau là những khoảng thời gian bình thường.

Ảnh 5.

Đau bụng là triệu chứng điển hình và hay gặp nhất ở bệnh viêm hang vị dạ dày (Ảnh: Internet)

- Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có thể xuất hiện một số các biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi mắc bệnh như buồn nôn, nôn, khó tiêu, thay đổi tính chất phân,...

- Giảm ham muốn ăn uống: Tình trạng viêm hang vị dạ dày xảy ra có thể khiến bệnh nhân giảm cảm giác ham muốn ăn uống bình thường. Nguyên nhân có thể là do biểu hiện đau bụng của bệnh, cảm giác buồn nôn, hoặc khó tiêu khi ăn,...

- Ợ chua, ợ hơi: Khi bệnh nhân bị viêm hang vị dạ dày, người bệnh cũng có khả năng biểu hiện bằng tình trạng ợ hơi, ợ chưa. Tình trạng này thường xảy ra nhiều vào lúc bệnh nhân đói.

- Biểu hiện xuất huyết tiêu hóa: Khi viêm hang vị dạ dày với vết trợt đi vào mạch máu gây chảy máu thì có thể gây các biểu hiện khác nhau của xuất huyết tiêu hóa trên chẳng hạn đi cầu phân đen hoặc đỏ (nếu chảy máu nhiều), nôn ói ra máu, thiếu máu,....

5. Điều trị viêm hang vị dạ dày

5.1. Những nguyên tắc cần nhớ khi điều trị viêm hang vị dạ dày

Để điều trị viêm hang vị dạ dày hiệu quả hơn, người bệnh cần nhớ một số nguyên nhất định trong điều trị bệnh kể đến sau đây:

- Điều trị sớm: Điều trị sớm ngay từ khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh xảy ra như đau bụng, ợ hơi, ợ chua, chán ăn,... là cơ sở để điều trị dễ dàng, hạn chế nguy cơ tổn thương và biến chứng do bệnh.

- Điều trị theo phác đồ: Việc điều trị cần được thực hiện theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định, không tự ý áp dụng bất kể phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng nào để điều trị bệnh.

- Kiên trì: Việc điều trị viêm hang vị dạ dày có thể sẽ diễn ra trong một thời gian kéo dài, người bệnh cần phải kiên trì để có thể thấy được hiệu quả điều trị, không nên nôn nóng và thay đổi liên tục các phương pháp điều trị.

5.2. Điều trị viêm hang vị dạ dày

Hiện nay, để điều trị viêm hang vị dạ dày người ta sử dụng các phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn bệnh nhân bằng thuốc là chủ yếu. Các nhóm thuốc được dùng để điều trị viêm hang vị dạ dày bao gồm:

- Thuốc trung hòa acid dạ dày: Là các thuốc có chứa thành phần base (nhôm hydroxit, magie hyroxit) để phản ứng trung hòa với acid dịch vị dạ dày.

- Thuốc ức chế bơm proton: Là các thuốc có tác dụng ức chế bơm vận chuyển ion H+ đã sản xuất vào lòng dạ dày, các thuốc hay dùng trên lâm sàng như omeprazol, lansoprazol,...

- Thuốc kháng thụ thể H2: Là các thuốc có tác dụng ức chế sự hoạt động của thụ thể H2 trong tham gia sản xuất acid dịch vị dạ dày, hay dùng như ranitidin, cimetidin,...

- Thuốc băng niêm mạc dạ dày: Dùng cho các trường hợp viêm trợt hang vị, do có ái lực với các vị trí bị loét, trợt do bệnh, giúp che phủ các vùng này hạn chế sự tấn công và phá hủy của dịch vị làm nặng thêm tình trạng bệnh.

- Bismuth: Có cơ chế tương tự như như các thuốc băng niêm mạc dạ dày, nhưng còn có tác dụng diệt vi khuẩn H. Pylori.

- Kháng sinh: Các thuốc kháng sinh chủ yếu được sử dụng trong điều trị viêm hang vị dạ dày có vi khuẩn H.pylori. Thường sử dụng phối hợp các nhiều kháng sinh cùng một lúc để điều trị H.P, tránh tình trạng kháng thuốc xảy ra. Những loại kháng sinh được dùng để điều trị H.P theo phác đồ của bộ y tế bao gồm clarithromycin, amoxicillin, metronidazol.

Nếu sau thực hiện tốt liệu trình điều trị mà H.P vẫn dương tính thì cần thay đổi phác đồ hoặc làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh đặc hiệu.

6. Biến chứng của bệnh viêm hang vị dạ dày là gì?

Khi không được điều trị kịp thời bằng các phương pháp điều trị thích hợp, viêm hang vị dạ dày có khả năng gây nên nhiều biến chứng khác nhau, thậm chí các biến chứng này có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

- Loét dạ dày: Loét dạ dày là biến chứng thường xảy ra nhất khi bị viêm hang vị dạ dày, đặc biệt trong trường hợp có vi khuẩn H.Pylori dương tính. Loét dạ dày gây đau đớn nhiều có bệnh nhân, các triệu chứng biểu hiện của bệnh trở nên rầm rộ hơn.

Khi ổ loét đi vào các mạch máu dạ dày, có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Nếu loét vào các mạch máu nhỏ, tình trạng chảy máu có thể tự cầm hoặc gây thiếu máu mãn do xuất huyết lượng ít, liên tục. Nếu loét vào các mạch máu lớn có thể gây mất máu ồ ạt, nôn ói máu, trụy tim mạch,... đây là một tình trạng cấp cứu có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân tức thì.

- Thủng dạ dày: Đây là một biến chứng thứ phát sau loét do ổ loét đi qua hết các cấu trúc của thành dạ dày làm thủng dạ dày. Dạ dày bị thủng khiến vật chất trong dạ dày (dịch vị, thức ăn, vi khuẩn,...) bị giải phóng vào ổ bụng có thể gây nên viêm phúc mạc.

- Hẹp môn vị: Tình trạng viêm xảy ra liên tục, nhất là viêm có kèm loét trợt rất dễ để lại các vết sẹo ở vùng hang vị và môn vị của người bệnh. Các vết sẹo này hình thành do sự tăng sinh mô xơ nên mức độ đàn hồi kém, co kéo làm giảm đường kính môn vị và gây hẹp môn vị.

Ảnh 6.

Vết sẹo hình thành ở môn vị của người bệnh (Ảnh: Internet)

Tùy vào mức độ hẹp môn vị mà người bệnh có thể biểu hiện khác nhau như khó tiêu, nôn mửa nhiều (thậm chí phải tự kích thích nôn mửa),...

- Ung thư hóa: Ung thư hóa là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm hang vị dạ dày. Cơ chế dẫn đến sự ung thư hóa khi viêm hang vị dạ dày vẫn chưa được biết rõ, nhưng người ta nhận thấy rằng người mắc viêm hang vị dạ dày có nguy cơ mắc bị ung thư dạ dày cao hơn nhiều so với các đối tượng khác.

7. Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm hang vị dạ dày

Đối với người bị viêm hang vị dạ dày, do chức năng của dạ dày bị ảnh hưởng bởi sự tổn thương vì bệnh, nên chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn đến điều trị, tiến triển và sự bình phục của bệnh nhân.

Một số điều cần nhớ về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm hang vị dạ dày:

- Chia nhỏ các bữa ăn: Khẫu phần ăn hằng ngày của bệnh nhân viêm hang vị dạ dày nên được chia thành nhiều bữa nhỏ sử dụng trong ngày bao gồm bữa sáng, bữa phụ sáng, bữa trưa, bữa phụ chiều, bữa tối, ăn đêm,... Không nên ăn quá no trong một lần để tránh tăng áp lực cho dạ dày, làm tăng nặng tổn thương.

- Làm nhỏ thức ăn: Thức ăn chế biến cho bệnh nhân viêm hang vị dạ dày nên được làm nhỏ để dễ dàng hơn cho tiêu hóa. Có thể làm nhỏ thức ăn bằng cách băm nhỏ khi chế biến hoặc ninh, hầm nhừ thức ăn, và khi ăn cần nhai kỹ trước khi nuốt.

- Những loại thức ăn tốt cho người viêm hang vị dạ dày: Một số các loại thức ăn tốt cho người bị viêm hang vị dạ dày như các loại thực phẩm chứa tinh bột, giàu protein, chất xơ, vitamin,... là những loại thực phẩm nên được bổ sung vào khẩu phần của bệnh nhân viêm hang vị dạ dày.

Ảnh 7.

Nên bổ sung chất xơ vào khẩu phần ăn của người bị viêm hang bị dạ dày (Ảnh: Internet)

- Những loại thức ăn không tốt cho bệnh nhân viêm hang vị dạ dày: Người bệnh viêm hang vị dạ dày cần tránh sử dụng một số loại thực phẩm không tốt như rượu, bia, thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm có độ cứng cao, thực phẩm quá chua, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quan,... để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.

8. Bệnh viêm hang vị dạ dày có lây không?

Hầu hết các nguyên nhân gây viêm hang vị dạ dày đều không có khả năng lây nhiễm, trừ trường hợp viêm hang vị dạ dày do nguyên nhân vi sinh vật (vi khuẩn H.Pylori).

Do H.Pylori là một loài vi khuẩn có khả năng sống trong môi trường khắc nghiệt, và lây nhiễm được qua đường tiêu hóa, nên nếu người bệnh bị viêm hang vị dạ dày do vi khuẩn H.Pylori thì hoàn toàn có khả năng lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là người thân hoặc người thường xuyên tiếp xúc, người sử dụng chung dụng cụ (ly uống nước, chén bát,...).

Vì vậy, việc xác định người viêm hang vị dạ dày có mang vi khuẩn H.Pylori hay không là điều cực kỳ cần thiết để tránh lây nhiễm nguồn gây bệnh cho các thành viên khác trong cộng đồng. Người bệnh sau khi được xác định mang vi khuẩn H. Pylori cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ để điều trị triệt căn vi khuẩn H.Pylori tránh lây nhiễm cho người khác.

9. Phòng chống viêm hang vị dạ dày bằng cách nào?

Không có phương pháp nào đảm bảo hoàn toàn có thể giúp bạn hoàn toàn không có nguy cơ mắc bệnh viêm hang vị dạ dày. Tuy nhiên, một số biện pháp dự phòng tích cực có thể làm giảm phần nào nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn:

- Thói quen ăn uống điều độ: Giữ thói quen ăn uống điều độ là rất quan trọng để phòng tránh viêm hang vị dạ dày. Mỗi người chúng ta nên thực hiện chế độ ăn với giờ giấc phù hợp, lượng thức ăn vừa đủ, hạn chế tối đa các loại thực phẩm gây hại cho dạ dày. Đồng thời cũng nên ngừng hút thuốc lá để bảo vệ dạ dày tốt hơn.

- Tầm soát H.pylori: Tầm soát phát hiện sớm H.Pylori có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để phòng chống viêm hang vị dạ dày. Các biện pháp tầm soát phát hiện sớm sẽ giúp nhận định được các đối tượng là người lành mang trùng để thực hiện điều trị sớm khi chưa có bệnh xảy ra và cũng góp phần phòng chống lây nhiễm H.Pylori.

- Tránh căng thẳng: Trong cuộc sống nên giữ cho tinh thần thoải mái, thư giãn, hạn chế tối đa các căng thẳng xảy ra.

- Thận trọng khi sử dụng thuốc: Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid, thuốc Steroid,... 

Nếu cần sử dụng thì nên sử dụng thêm các loại thuốc ức chế bơm proton để gạn chế các tác dụng phụ của thuốc gây nên cho dạ dày, đồng thời cần khai báo với bác sĩ ngay khi có bất thường xảy ra sau sử dụng thuốc.


Tác giả: QN