Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm gan B cấp tính và mãn tính: nên ăn gì và kiêng gì?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm gan B cấp tính và mãn tính: nên ăn gì và kiêng gì?
Viêm gan B thường đi kèm với chứng chán ăn, rối loạn tiêu hóa trong khi dinh dưỡng vẫn là yếu tố quan trọng giúp đối phó với bệnh tật. Vậy thì bệnh nhân viêm gan B nên ăn gì về kiêng ăn gì?

Viêm gan B do siêu vi viêm gan B HBV gây ra. Viêm gan B có thể có nhiều loại như viêm gan B cấp, viêm gan B mãn tính hay viêm gan B thể kéo dài. Mỗi loại viêm gan B sẽ phù hợp với những chế độ ăn khác nhau tùy vào tình trạng bệnh và tình trạng chán ăn, rối loạn tiêu hóa của mỗi bệnh nhân.

1. Viêm gan B nên ăn gì?

1.1. Viêm gan cấp

Nhu cầu của bệnh nhân viêm gan cấp theo ngày bao gồm 25 Kcal năng lượng/kg cân nặng; 0,4-0,6 gam protid/kg cân nặng; lượng lipid bằng từ 10-15% tổng số năng lượng. Nên chia thành 6-8 bữa mỗi ngày.

Tính theo khẩu phần người bệnh cần từ 1.300-1.400 Kcal năng lượng/ngày, lượng protid từ 20-30 gam, Lipid từ 15-20 gam, glucid 250-280 gam, nước từ 2-2,5 lít.

1.2. Viêm gan mãn tính

Người bệnh viêm gan B mạn tính có nhu cầu mỗi ngày về năng lượng là 35Kcal/kg cân nặng, về protid là 1-1,5 gam/kg cân nặng, về Lipid từ 15-20% tổng số năng lượng. Nên chia thành 3-4 bữa ăn mỗi ngày.

Tính theo khẩu phần, dù viêm gan B nên ăn gì thì người bệnh cũng cần từ 1.800-2.000 Kcal năng lượng/ngày, lượng protid từ 50-75 gam, Lipid từ 30-40 gam, glucid 310-340 gam, nước từ 1,5-2,0 lít.

Người bệnh viêm gan B nói chung thường không muốn ăn, khó tiêu do gan bị tổn thương. Vì thế ưu tiên khi chuẩn bị đồ ăn cho bệnh nhân viêm gan B là số lượng ít nhưng đảm bảo chất lượng và lượng dinh dưỡng đầy đủ.

Để trả lời cho câu hỏi bệnh nhân viêm gan B nên ăn gì nói chung thì các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa…; có đường và vitamin như hoa quả, sữa chua… cần được khuyến khích. Khi chế biến nên nấu kỹ, dễ tiêu hóa, chia thành nhiều bữa nhỏ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Viêm gan B không nên ăn gì?

Người bệnh viêm gan B cần tránh các thức ăn có mỡ như món xào, rán. Đặc biệt, người bệnh cần tuyệt đối không dùng bia, rượu, đồ uống có tính kích thích. Những thực phẩm này sẽ khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn, giảm hiệu quả và kéo dài thời gian điều trị.

Các loại hạt có tính béo ngậy, nhiều dầu cũng nên hạn chế khỏi khẩu phần ăn vì chúng không tốt cho quá trình chuyển hóa chất béo, gây nguy cơ tích mỡ trong gan. Các gia vị mang tính kích thích như ớt, hạt tiêu, tỏi, gừng cũng không tốt cho gan ở giai đoạn này.

Nếu đảm bảo được chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, phù hợp với thể trạng và bệnh trạng, người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và hiệu quả điều trị sẽ cao hơn nhiều.


Tác giả: Nụ Nguyễn