Viêm gan B: Nguyên nhân, dấu hiệu, phân loại và cách điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Viêm gan B: Nguyên nhân, dấu hiệu, phân loại và cách điều trị
Trên thế giới hiện nay Viêm gan B đang là căn bệnh phổ biến gây tử vong với tỷ lệ rất cao. Viêm gan B ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại nặng nề tới gan và các tế bào gan. Vậy Viêm gan B là gì, nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị... của bệnh là gì?

1. Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một trong các bệnh về gan nguy hiểm nhất tấn công lá gan. Căn bệnh này do siêu vi viêm gan B (Hepatitis B Virus viết tắt là HBV) gây ra. Đa số người nhiễm bệnh viêm gan B giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì đặc biệt nên không biết mình nhiễm bệnh.

Viêm gan B có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó khoảng 90% trẻ nhỏ sinh ra đã có mẹ mắc bệnh đều nhiễm bệnh viêm gan B.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B

Nguyên nhân bệnh viêm gan B là do gan bị virus viêm gan B tấn công. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường: đường máu, từ mẹ sang con hoặc qua đường tình dục.

Lây truyền qua đường máu: Qua các dụng cụ dính máu của người bệnh lây sang máu người lành như: dụng cụ y tế không khử trùng tốt, dùng chung bơm kim tiêm, châm cứu, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng tay… Virus HBV có thể sống được ở ngoài cơ thể người hơn một tuần, trên quần áo hoặc trên các bề mặt khác vì thế nếu không tự bảo vệ bản thân thì khả năng nhiễm viêm gan B rất cao.

Lây truyền từ mẹ sang con: Nếu người mẹ bị nhiễm virus HBV thì nguy cơ truyền bệnh sang con là rất cao. Cụ thể, trong 3 tháng đầu của thai kì, tỷ lệ lây nhiểm chỉ khoảng 1%. Ở 3 tháng giữa tỷ lệ này sẽ tăng lên 10%. 

Và 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ truyền bệnh HBV từ mẹ sang con lên đến 60 – 70. Virut HBV có nguy cơ lây từ mẹ sang con sẽ ở mức cao nhất là 90% nếu sau khi sinh người mẹ không có bất cứ biện pháp nào bảo vệ nào nhất là khi cho con bú.

Lây truyền qua đường tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn, không có biện pháp bảo vệ như không sử dụng bao cao su cũng sẽ bị lây nhiễm từ người mang bệnh.

Tỷ lệ lây nhiễm của viêm gan B gấp 100 lần so với HIV và gấp 10 lần so với viêm gan C. Loại virus này có thể sống được ở ngoài cơ thể người hơn một tuần, trên quần áo hoặc trên các bề mặt khác

3. Dấu hiệu viêm gan B

Bệnh viêm gan B thường được phát hiện khi người bệnh đi khám sức khỏe hoặc đi hiến máu bởi vì dấu hiệu của bệnh thường rất ít và khá mơ hồ. Người nhiễm viêm gan B giai đoạn đầu rất dễ nhầm với bệnh khác. 

Ở thể lành mang virus hoặc thể ngủ yên thường không có triệu chứng. Vì vậy việc nhận biết các dấu hiệu của viêm gan B là rất cần thiết để phát hiện và điều trị kịp thời tránh để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Sau đây là một số dấu hiệu và triệu chứng viêm gan B thường gặp:

- Cơ thể mệt mỏi: Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, có nhiều người tự nhiên mệt như hết cả hơi sức. Đây là một trong những triệu chứng viêm gan B rất phổ biến. 

- Sốt, Sốt nhẹ: Đây là dấu hiệu chung thường thấy ở người nhiễm virus viêm gan B. Người nhiễm virus viêm gan B bị sốt là do virus tấn công làm tổn thương gan, làm gan không thải hết được chất độc và chất độc bên trong dồn vào máu dẫn đến việc cơ thể bị sốt . Với những người bị viêm virus B mãn tính cũng sẽ có triệu chứng sốt nhẹ và thất thường vào buổi chiều.

- Rối loạn tiêu hóa: Những người bệnh viêm gan B thường gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, táo bón, một số người cảm thấy trướng bụng ăn khó tiêu, phân lỏng, nát,… Với những bệnh nhân bị ứ mật nặng sẽ có dấu hiệu phân bị bạc màu.

- Vàng da: Vàng da là một trong những triệu chứng viêm gan B điển hình nhất. Tuy nhiên khi bị vàng da tức là người bệnh đã ở giai đoạn nặng, cần đi khám ngay.

- Xuất huyết dưới da: Khi thấy có triệu chứng da xuất hiện ban xuất huyết hoặc chấm ứ máu hoặc mũi xuất huyết cần đi khám sức khỏe ngay bởi đây là một trong những triệu chứng viêm gan B khá nặng.

Ngoài các triệu chứng nói trên, một số bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B cũng có biểu hiện bị đau tức ở vùng gan, vàng da… Trong đó, vàng da là triệu chứng khiến nhiều người nghĩ đến việc mình bị bệnh viêm gan B để đi khám. Tuy nhiên một số trường hợp cá biệt không bị vàng da thì bệnh nhân nên để ý đến các triệu chứng khác để đi khám, chữa trị kịp thời.

4. Phân loại viêm gan B

Viêm gan B có hai loại:

4.1. Viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính: là bệnh lý ngắn ngày, thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus viêm gan B đặc biệt là có thể chữa trị được dứt điểm mà không để lại di chứng gì. Những trường hợp nhiễm virut viêm gan B mà không thể chữa trị được sẽ dẫn đến viêm gan B mạn tính.

4.2. Viêm gan B mạn tính

Khi người bệnh nhiễm virut viêm gan B trong 6 tháng hoặc lâu hơn thì được coi là mắc bệnh viêm gan B mạn tính, lúc này virus không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể bệnh nhân. 

Giai đoạn viêm gan B mạn tính tiềm ẩn thường kéo dài rất lâu,thậm chí có thể từ 15-30 năm mà người bệnh ít có triệu chứng đặc biệt. Có người gặp các triệu chứng mệt mỏi, mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa…và các triệu chứng này thường có xu hướng giảm dần nên người bệnh thường không để ý. 

Lại có những bệnh nhân mắc viêm gan virus B mạn tính không có biểu hiện gì, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, lúc này virus viêm gan vẫn tồn tại trong cơ thể và âm thầm sinh sản, phá hủy lá gan.

Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn hoạt động. Khi đó cơ thể thường không thể chống lại được virus do số lượng virus quá nhiều. Và bệnh sẽ chuyển dần sang các giai đoạn xơ gan và ung thư gan.

5. Biến chứng nguy hiểm của viêm gan B

Nếu không điều trị kịp thời, viêm gan B có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như:

Suy gan cấp: Là tình trạng tổn thương tế bào gan do virus tấn công liên tục, dẫn đến tình trạng cấp tính như bệnh lý não gan, suy đa tạng, rối loạn đông máu. Nếu không được điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong lên đên 90%.

Xơ gan: Virus HBV tấn công khiến tế bào gan bị viêm, mô gan bị tổn thương và dần thay thế bằng các tổ chức xơ và làm xơ hóa lá gan.

Bệnh não do gan: Khi mắc bệnh này, người bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu, trạng thái tâm thần không ổn định bứt rứt, khó ngủ, mất định hướng về không gian và thời gian,… Thậm chí người bệnh còn bị rối loạn tâm thần cấp tính, mê sảng rồi hôn mê sâu.

Ung thư gan: Người mắc viêm gan B mạn tính có khả năng bị ung thư gan gấp 20 lần so với người không mắc bệnh. Ung thư gan rất khó điều trị, nguy cơ tử vong rất cao.

6. Những nguyên tắc chính trong việc phòng và điều trị viêm gan B

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trước tiên, bạn cần làm xét nghiệm kiểm tra kháng thể virus viêm gan B. Trường hợp âm tính, bạn cần tiêm phòng vác xin HBV để phòng bệnbeenhVieecj tiêm vắc xin không những không gây hại mà còn rất hiệu quả trong việc phòng bệnh viêm gan B. 

Nếu xét nghiệm cho kết quả miễn dịch dương tính, đồng nghĩa với việc bạn đã có kháng thể virus, cơ thể bạn sẽ được miễn dịch và bảo vệ. Tất cả phụ nữ mang thai đều được xét nghiệm viêm gan B. Nếu sản phụ có kết quả xét nghiệm viêm gan B dương tính, em bé sẽ được tiêm vaccine và huyết thanh kháng viêm gan B ngay sau sinh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho em bé.

Viêm gan B mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị nội khoa và kiểm tra định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ xơ hóa, giảm các biến chứng của viêm gan B cũng như giúp phòng ngừa xơ gan và ung thư biểu mô gan.


Tác giả: Trần Thị Mai Hương